Từ trái qua: Phạm Nhật Vũ (em trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng), Nguyễn Thanh Phượng (con gái cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) và Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone. (Hình: Internet)
Xem ra thì lần này phía Thanh tra Chính phủ muốn làm khó ông Tổng Bí thư, khi trong văn bản số 355/KL-TTCP (về Kết luận thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, ngày 13-3-2018), phần đánh số 2.6, ghi vầy: “Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra”.
Gọi là làm khó vì trong văn bản của Thanh tra Chính phủ cáo buộc phía Bộ Công an đã lạm dụng quyền lực để can thiệp vào chuyện mua bán giữa MobiFone – AVG.
Trong một diễn biến khác, từ sáng ngày 15-3, các bản tin chi tiết xoay quanh kết luận thanh tra Chính phủ trên các báo điện tử đã được xử lý ‘chìm’, không còn trong chuyên mục ‘breaking news’ nữa, mà thay bằng vụ tướng Phan Văn Vĩnh đang làm việc với Công an Phú Thọ vụ đánh bạc online.
Xem ra tính đến lúc này, dường như “người đốt lò vĩ đại” nhứt đang tiến thoái lưỡng nan của việc có nên chấp nhận chuyện rút củi đáy nồi, bởi nếu tiếp tục làm lớn chuyện, thì xem ra những ông trùm tư sản đỏ từ Đông Âu trở về sẽ không chịu cảnh khoanh tay chờ trói.
Sở dĩ có thể tạm nói như vậy, vì cũng vào ngày ký văn bản kết luận thanh tra 13-3, phía ông Bộ trưởng Bộ 4T tiếp tục tung ra thông tin nhấn mạnh là nếu không có sự can thiệp của Bộ 4T, rất có thể một khi chậm chạp hủy giao kèo, ngân sách còn chịu thiệt thêm một khoản tiền gọi là phạt hợp đồng lên tới 711 tỷ đồng. Lý do, vẫn theo Bộ 4T, khi mua AVG với giá trên hợp đồng là 8.889,8 tỷ đồng, đến nay, phía MobiFone còn nợ chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng. Mức phạt chậm trả ở đây, vẫn theo Bộ 4T là 8% giá trị hợp đồng.
Gọi là “theo Bộ 4T”, vì cho đến nay Hợp đồng mua bán giữa MobiFone với AVG vẫn tiếp tục là bí mật. Con số công khai cho báo chí chỉ là: “MobiFone và AVG đã thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng”.
Về phía MobiFone, thì trên trang web của mình, MobiFone cũng phát đi thông tin cho biết, AVG đã đặt cọc 450 tỷ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng chuyển nhượng. Đây chính là số tiền 5% giá trị hợp đồng còn lại mà MobiFone chưa thanh toán cho AVG. Theo thỏa thuận giữa hai bên, AVG đặt cọc cho việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng trị giá hơn 8.889,8 tỷ đồng này bằng chính số tiền MobiFone chưa trả theo tiến độ.
Thoạt nhìn từ thông tin được Bộ 4T và MobiFone đã chủ động “cơm bưng – nước rót” đến từng tòa soạn báo chí, dễ nhầm lẫn đây là câu chuyện tiền chưa trao đủ, nên cháo chưa múc. Giờ thì ai về nhà nấy. Coi như xui rủi trong làm ăn ở nền kinh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tế thì đâu đơn giản vậy. Nên nhớ, vụ mua bán là một giao dịch dân sự và đã là một giao dịch thành. Vụ mua bán xảy ra đã 3 năm, không bất kỳ một Bộ hay cơ quan ban ngành nào có thể can thiệp, dù gọi là để sửa sai. Trong trường hợp này, ông Bộ 4T chính là đối tượng bị soi, vì là một trong số pháp nhân chịu trách nhiệm trong việc gây nên chuyện sai. Vì thế, việc Bộ 4T chỉ đạo giải quyết là vượt quá thẩm quyền và không thể thay cho việc bị xử lý pháp luật, nếu đất nước này vẫn còn luật pháp và tôn trọng luật pháp.
Chứng cứ cho chuyện “cháo đã múc” có thể bắt gặp trên trang web của Truyền hình An Viên, có đăng quảng cáo như sau: “MobiTV thay đổi thương hiệu, giảm gói cước, tăng số kênh. Truyền hình An Viên sau khi thay đổi thương hiệu thành MobiTV thì ngay lập tức gói cước dịch vụ cũng thay đổi. Từ 26/6/2016, MobiTV thay đổi số kênh, giá cước ở các gói dịch vụ trên cả hai hạ tầng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), trong đó gói Cao Cấp tăng lên 180 kênh”. [https://goo.gl/jTDhg6]
Trên trang của MobiFone ngày 28-4-2016, có nội dung quảng cáo như sau: “MobiTV là tên gọi mới của Truyền hình An Viên trước đây. Hay nói cách khác mobiTV chính là truyền hình An Viên sau khi được Mobifone tiếp quản. Gần đây người xem dịch vụ truyền hình An Viên có thắc mắc tại sao lại có logo mobiTV ở góc của mỗi kênh truyền hình mà họ đang xem. Trước kia là chữ “An Viên”. Vì mobifone đã thay đổi thương hiệu truyền hình An Viên thành mobiTV, Tất cả nội dung kênh hay dịch vụ không có gì thay đổi, chỉ thay đổi tên dịch vụ mà thôi”. [https://goo.gl/N62gBa]
“Ngày 25/4/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn số 1272/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), đồng ý để AVG sử dụng tên, biểu tượng dịch vụ mobiTV thay cho tên, biểu tượng dịch vụ An Viên”. [https://goo.gl/94xUkD]
Trong giới kinh doanh bất động sản, đại gia Điếu cày Lê Thanh Thản vẫn lép vế nếu so với anh em nhà ông chủ AVG. Người đứng đầu Bộ 4T chắc chắn vẫn còn nhớ mấy câu thơ mà đại gia Lê Thanh Thản từng dùng để “tiếp thị chính trị” mỗi khi bị ai đó hăm he về sai phạm. “Người đốt lò vĩ đại” chắc cũng chưa quên phút cao hứng này. Rút củi đáy nồi, xem ra là chiêu thức đầy khôn ngoan mà Bộ 4T đã vận dụng.
Dân chứng khoán chắc chắn rành chiêu “Phủ để trừu tân” (Bớt lửa dưới nồi), kế sách thứ 27 trong Tam thập lục kế của xứ Tàu. Nôm na là khi tình hình đang nước sôi, lửa bỏng thì phải làm cho dịu đi bằng cách biến to thành nhỏ, nhỏ thành không. Không kể tình trường, chiến trường hay thương trường, “Phủ để trừu tân” lúc nào cũng là diệu kế, lớn mang hiệu quả lớn, nhỏ có hiệu quả nhỏ…
Ông Bộ trưởng Bộ 4T còn là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo lý lịch, ông là học viên Chuyên Ban Triết học, Trường Sỹ quan Chính trị. Xem ra về mặt lý luận và kế sách thì dân sỹ quan chính trị vẫn nhỉnh hơn so thường dân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Và thêm cú bồi của kết luận từ Thanh tra Chính phủ cho thấy giờ đây nếu không khéo léo ‘rút củi’, thì chưa biết cháy thành sẽ vạ lây ai?.
Trúc Giang