Hai ông Vladimir Putin và Barack Obama đã công khai đấu khẩu qua hai bài diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nói đến cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria. Trong khi hai ông tổng thống Nga và tổng thống Mỹ đàn hặc lẫn nhau, nhân vật đứng trong hậu trường đang chờ coi số phận mình sẽ được quyết định ra sao là Bashar al-Assad. Bashar là vị tổng thống đời thứ hai của nước Syria, nhờ cha truyền con nối, không khác gì triều đại nhà Kim ở Bắc Hàn.
Trong khi Barack Obama lớn tiếng gọi Bashar al-Assad là tên bạo chúa từng bỏ bom, bắn hỏa tiễn để giết các trẻ em vô tội, thì Vladimir Putin kêu gọi thế giới hãy ủng hộ Assad đánh các lực lượng mang danh hiệu “Quốc Gia Hồi Giáo,” (IS hay ISIS). Obama kết tội chính sách kỳ thị bạo tàn của Assad, dùng một thiểu số theo một phái Shi A cai trị đa số dân theo phái Sun Ni, đã đẩy hàng chục ngàn thanh niên Á Rập chạy theo nhóm IS. Putin đáp lại, vạch ra rằng chính nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự bành trướng của đạo quân Hồi Giáo Sun Ni quá khích này, sau khi quân đội Mỹ lật đổ các chế độ độc tài ở Iraq và Libya; và Putin báo trước sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho chế độ Assad,
Cuộc đấu khẩu công khai ở New York có thể khiến người ta quên tính chất rắc rối phức tạp trong cuộc cờ Syria, và nghĩ rằng quốc gia Á Rập nhỏ này chỉ là một võ trường cho Nga và Mỹ đấu với nhau.
Thực ra, Nga và Mỹ có thể cùng đứng về một phía. Chính phủ cả hai nước đều công khai coi các lực lượng IS là kẻ thù cần tiêu diệt. Tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin báo trước sẽ cho máy bay Nga bỏ bom các toán quân IS, đó cũng là một việc mà các máy bay Mỹ cùng các nước đồng minh đang làm; trong đó có các quốc gia Á Rập trong vùng, với Anh và Pháp đang nhập cuộc. Ðiều khác biệt là máy bay Mỹ đánh các toán quân IS khi bọn này đe dọa các đạo quân người Kurds ở Iraq và Syria, khi các nhóm quân đồng minh với Mỹ cần yểm trợ; trong khi đó ông Putin chắc chắn sẽ chỉ ném bom cánh IS khi cần giải vây quân đội của Assad. Bởi vì Nga và Mỹ có những mục tiêu khác nhau trên chiến trường Syria, và cho tới gần đây cả hai vẫn đóng vai trò đứng ngoài chờ chiến cuộc biến chuyển coi tới đâu.
Bởi vì có rất nhiều nước lân cận đang can dự vào cuộc nội chiến ở Syria. Thứ nhất, ngay từ khi nội chiến bùng lên, đây là một cuộc chiến đấu của của đại đa số dân chúng theo giáo phái Sun Ni chống một chính quyền của ông Assad dựa trên thiểu số người Syria theo phái Alawites, một chi nhánh của giáo phái Shi A. Các lãnh tụ IS gồm những giáo sĩ và tướng tá thuộc quân đội Iraq cũ bị quân Mỹ giải tán từ năm 2003, đã “cướp cờ” dẫn đầu phong trào phản đối đó, tuyên bố thành lập một “quốc gia thuần túy Hồi Giáo.” Họ xây dựng một lực lượng Hồi Giáo quá khích quốc tế, mạnh hơn phong trào al Qaeda trước đây; với mục đích xóa bỏ tất cả các quốc gia Hồi Giáo trong vùng và thành lập một “caliphate” giống như trước đây hơn mười thế kỷ.
Vì vậy, các nước theo Hồi Giáo đều thấy họ bị đe dọa. Những nước Á Rập đa số theo phái Sun Ni họp lại chống IS, chính phủ Mỹ yểm trợ họ bằng vũ khí và không lực. Nước Iran theo phái Shi A thì đứng về phía chính quyền Assad, người đồng đạo. Syria trở thành một chiến trường quốc tế, ít nhất đối với các nước trong vùng Trung Ðông.
Chính phủ Mỹ đã tự giới hạn trong vai trò yểm trợ để khỏi bị lôi kéo vào chiến trận trên mặt đất. Họ theo chiến thuật “chờ coi” tình hình biến chuyển, có lẽ nhờ rút kinh nghiệm đau thương ở Iraq. Quân đội Mỹ huấn luyện một số quân địa phương vừa chống IS vừa chống Assad, nhưng chỉ cốt cho có mặt chứ không tin tưởng vào các toán quân yếu ớt này.
Ngược lại, Nga đang có sẵn những quyền lợi quan trọng ở Syria cần bảo vệ, vì từ bao nhiêu năm qua Nga vẫn là đồng minh lớn nhất cung cấp vũ khí cho quân đội của triều đại Assad, kể từ thời cha đến đời con. Nước Nga chỉ có một căn cứ hải quân duy nhất trong vùng nước ấm Ðịa Trung Hải, nằm trên bờ biển nước Syria. Vladimir Putin đã bày ra một thế cờ mới: Nối liền căn cứ Hải Quân Nga trong Hắc Hải, sau khi chiếm được đảo Crimea của Ukrain, với các chiến hạm ở bờ biển Syria.
Thế cờ mới của Putin có nguy cơ bị đảo lộn nếu chính quyền Assad bị lật đổ, bao nhiêu tỷ Mỹ kim vũ khí đầu tư vào chế độ Assad có thể biến ra mây khói. Tình trạng đảo lộn này gần trở thành sự thật vào giữa năm 2015.
Từ đầu Tháng Sáu, chế độ Assad đang thua trên bốn mặt trận khi những đạo quân chống Assad dần dần mở rộng vùng kiểm soát ở phía Bắc và phía Nam nước Syria. Ðạo quân Jaish al-Fatah (Chinh Phục Quân), do do các nước Á Rập theo phái Sun Ni bảo trợ, như Saudi và Qatar, đã chiếm được thủ phủ của tỉnh Idlib. Ðạo quân này chỉ muốn đánh đổ chính quyền Assad, chứ không nhắm vào lực lượng IS. Những nhóm quân khác, do nước láng giềng Jordan và Mỹ bảo trợ, bắt đầu chiếm được nhiều vùng ở phía Nam. Trong cùng thời gian đó, lực lượng IS đáng sợ nhất tấn công vùng ở giữa và phía Ðông nước Syria, đe dọa vùng đất chung quanh thủ đô Damacus của chính quyền Assad.
Chiến cuộc Syria không giản dị như bàn cờ có hai thứ quân mầu đen và mầu đỏ, vì quá nhiều quốc gia can dự. Iran tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad, nhưng bị các nước Á Rập theo phái Sun Ni trong vùng chống lại. Mỹ muốn giúp tiêu diệt các đạo quân IS và lật đổ Assad nhưng không muốn những đám quân Hồi Giáo quá khích như Mặt Trận Nursa thắng thế, vì đó là một đám tàn quân của al-Qaeda. Nhóm Nursa này lại được các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ và hợp tác với đạo quân Jaish al-Fatah cùng thắng thế ở miền Bắc. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Al-Jazeera, lãnh tụ nhóm Nusra Front là Abu Mohammad al-Jolani đã tuyên bố nhóm này không hề có ý chống nước Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đã ngầm giúp cho lực lượng IS bằng cách mở cửa biên giới cho các quân tình nguyện từ Châu Âu và Phi châu đi vào Syria gia nhập IS, bắt đầu thay đổi chính sách vì chính họ cũng lo sợ IS quá mạnh. Trong khi đó, quân Thổ lại đánh nhau với các đạo quân người Kurds đang đánh IS!
Từ Tháng Sáu vừa qua, chiến trường Syria đã thay đổi, thế lực của chế độ Assad ngày càng suy yếu, có thể bị sụp đổ. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi nhiều người ủng hộ Assad đã tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chính phủ Nga đã ra lệnh người Nga rút ra khỏi tỉnh Lakatia, di tản về nước. Lakatia nằm trên bờ biển phía Tây Bắc Syria, vốn là căn cứ địa của gia đình Assad.
Ðứng trước nguy cơ chế độ Assad có thể sụp đổ, Vladimir Putin đã đánh nước cờ chót: Ðưa máy bay, hỏa tiễn, xe tăng và các “cố vấn quân sự” tới Lakatia. Từ năm 2014 đến Tháng Chín năm 2015, trung bình mỗi tháng chỉ có một chuyến tàu chở hàng của Nga đi từ vùng Crimea xuống bờ biển Lakatia. Nhưng trong hai tuần lễ kể từ ngày 9 Tháng Chín năm nay, đã có sáu chuyến tàu chở vũ khí và chiến cụ tiếp viện cho chính quyền Assad.
Ông Putin tuyên bố rằng chính phủ Nga chỉ muốn giúp Assad đánh các lực lượng Hồi Giáo quá khích IS, một mục tiêu mà Mỹ với các nước Á Rập trong vùng và Iran cũng theo đuổi. Các chính phủ Saudi và Qatar đều đặt câu hỏi: Lực lượng IS không hề có máy bay, tại sao Nga lại đem tới Lakatia những hỏa tiễn địa không nhắm đánh các máy bay bên địch như hỏa tiễn SA15 và SA22? Ai cũng biết, mục đích chính của Putin trong nước cờ chót này là bảo vệ một chỗ đứng cho nước Nga tại miền Ðông Ðịa Trung Hải, khi cuộc chiến Syria có thể tiến đến hồi kết thúc.
Các hành động cấp cứu của Putin cho chế độ Assad diễn ra sau khi tình hình chiến sự nghiêng về phía các đạo quân chống Assad. Nhưng cũng vì những biến chuyển chính trị mới trong vùng. Mỹ đã ký với Iran một hiệp ước hạn chế năng lượng hạch tâm, để bảo đảm quốc gia Hồi Giáo Shia A này không thể chế bom nguyên tử. Mỹ và Iran có thể sẽ thỏa hiệp thêm về cuộc cờ Syria, trong khi bàn chuyện bãi bỏ cấm vận. Saudi và các nước theo Hồi Giáo Sun Ni đang có cơ thắng thế ở Yemen, đẩy đám quân Houthis nổi dậy vào thế thụ động, đám quân này theo phái Shi A và được Iran ủng hộ. Nhưng các nước theo phái Sun Ni cũng tỏ ý sẵn sàng nói chuyện với Iran để giảm bớt mối căng thẳng giữa hai giáo phái trong cả vùng Trung Ðông. Ngoại trưởng xứ Qatar, Khaled al-Attiyah nói rằng đã đến lúc các nước Á Rập trong Vùng Vịnh thảo luận với Iran “một cách nghiêm cẩn” về tất cả các vấn đề tranh chấp để “bình thường hóa” mối quan hệ.
Nếu Iran và các nước Á Rập trong vùng có thể tiến tới một thỏa hiệp “sống chung hòa bình” giữa hai giáo phái Sun Ni và Shi A thì vai trò của Bashar Assad sẽ chấm dứt. Nước Syria có thể sẽ được chia ra thành nhiều vùng nhỏ, những tiểu quốc, khi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Á Rập chia nhau ảnh hưởng. Trong một thỏa hiệp như vậy, Iran có thể hy sinh vai trò của Assad. Những người dân Syria theo phái Alawites, một chi phái của giáo phái Shi A, có thể giành được một vùng tự trị, không cần có gia đình Asasd nhưng vẫn nằm trong ảnh hưởng của Iran.
Trước viễn ảnh đó, nước Nga có thể sẽ mất chỗ đứng. Vì vậy, ông Putin phải vội vã đưa 500 quân lính và chiến xa, hỏa tiễn, máy bay tới gọi là để “đánh quân IS.” Putin muốn “quốc tế hóa” vấn đề Syria để có thể giữ được một chỗ ngồi trong bàn thảo luận về tương lai Syria.
Trong cuộc họp 90 phút giữa hai ông Putin và Obama bên cạnh đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin sẽ dùng các chiến cụ, phi cơ, hỏa tiễn Nga mới đưa tới Syria để cố mặc cả lấy một chỗ đứng cho Nga ở vùng biển ấm Ðịa Trung Hải. Nhưng hai người này cũng không thể quyết định số phận của chế độ Bashar Assad. Các nước khác trong vùng sẽ có tiếng nói của họ.
Nhưng chúng ta đều biết một sự thật: Hàng trăm ngàn người Syria bỏ chạy khỏi xứ, vượt biển, vượt rừng, leo núi đi tị nạn, họ chống cả chế độ Assad lẫn các toán quân IS. Họ không chạy đến những nước Á Rập, cũng không tìm tới sống nhờ Iran hay Nga. Họ đều chạy sang Châu Âu và xin được nước Mỹ đón tiếp. Họ đi tìm cuộc sống mới trong các nước có chế độ tự do dân chủ. Các cường quốc không thể bỏ qua khát vọng của những người dân Syria còn ở lại trong nước. Chính họ cũng muốn được sống trong tự do dân chủ.