(nguồn ảnh trên Internet)
PHIÊN TÒA “RỌ MÕM” NHÓM HIẾN PHÁP: 40 NĂM 6 THÁNG TÙ VÀ 19 NĂM QUẢN CHẾ
Hôm nay 31/7/2020, phiên tòa ngày đầu tiên thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 “tái lập trật tự” diễn ra tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh dành cho 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Tuấn Anh
Các hội thẩm nhân dân: Ông Lê Giáo và Ông Bùi Quang Việt
Đại diện Viện kiểm sát: Ông Mai Chiến thắng
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra liên tục từ 8 giờ sáng đến hơn 6 giờ tối (nghỉ một giờ buổi trưa) xét xử các bị cáo về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật hình sự.
Kết quả phiên tòa:
1. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: 8 năm tù và 3 năm quản chế
2. Hoàng Thị Vang: 7 năm tù và 3 năm quản chế
3. Đỗ Thế Hóa: 5 năm tù và 2 năm quản chế
4. Hồ Đình Cương: 4 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
5. Lê Quý Lộc: 5 năm tù và 3 năm quản chế
6. Ngô Văn Dũng: 5 năm tù và 2 năm quản chế
7. Trần Thanh Phương: 3 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
8. Đoàn Thị Hồng: 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
. Cô Đoàn Thị Hồng
Tám người này bị bắt từ đầu tháng 9 năm 2018 khi đang chuẩn bị xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Luật An ninh mạng và chữ viết Bùi Hiền (một kiểu chữ viết Tiếng Việt cải cách).
Trước khi bị bắt ít ngày, tối ngày 28/8/2018 có một người đàn ông điện thoại thông báo cho chị Hạnh biết hiện có khảng 200 cây đèn pin có chức năng phát điện, có thể sử dụng để tự vệ, chống trả lại lực lượng chức năng khi bị trấn áp và hỏi chị Hạnh có cần không? Sau khi trao đổi với anh Hóa và chị Vang, chị Hạnh đã đề nghị người đàn ông ấy hỗ trợ cho nhóm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
Chỉ một ngày sau, người đàn ông ấy đã “sản xuất” được 66 cây roi điện tự chế bằng ống nước, sử dụng pin điện thoại và hướng dẫn chị Hạnh đến một trụ điện đôi tại bến xe Chợ Lớn để lấy hàng chở về phát cho các thành viên của nhóm Hiến Pháp và những ai sẽ đi biểu tình ngày 04/9/2018.
Lực lược chức năng đã phát hiện và bắt giữ hơn chục người với tang vật là roi điện tự chế và… quyển Hiến Pháp nước CHXHCNVN cùng với thuốc chữa bệnh, thực phẩm để phục vụ cho cuộc biểu tình. Sau khi sàng lọc, còn lại 8 người, trong đó có anh Lê Quý Lộc, một tài xế xe công nghệ, chẳng liên quan gì đến nhóm Hiến Pháp.
Cáo trạng truy tố nhóm người này nhận tài trợ từ nước ngoài và khi tham gia biểu tình phải sử dụng hung khí tấn công lại lực lượng chức năng nếu bị trấn áp, nhằm gây bạo loạn, nếu có thời cơ thì cô lập sân bay, nhà ga, bến cảng, chiếm giữ trụ sở cơ quan nhà nước, tạo cớ để lực lượng vũ trang của Liên Hiệp Quốc nhảy vào can thiệp nhằm lật đổ chế độ nhà nước Việt Nam, xây dựng chính phủ lâm thời cầm quyền vào ngày 04/9/2018, theo như các Video Clip từ các thế lực thù địch ở nước ngoài mà các thành viên chia sẻ.
Tại phiên tòa, những người này đã nhận hành vi chuẩn bị biểu tình ngày 04/9/2018 vì đây là quyền Hiến định tại Điều 25 Hiến Pháp và không có mục đích chống chính quyền nhân dân, riêng anh Lê Quý Lộc kêu oan thì bị cho là ngoan cố, quanh co chối tội.
Về nguồn gốc nhóm Hiến Pháp, Cáo trạng ghi: “Khoảng đầu năm 2018, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số người sử dụng các tài khoản Facebook lập các diễn đàn phổ biến, làm cho người nghe hiểu sai lệch về nội dung các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, … được quy định tại Điều 25 Hiến Pháp, nhằm kêu gọi mọi người xuống đường tham gia biểu tình đòi quyền tự do, dân chủ, quyền tự quyết.”
Đợt biểu tình lần trước (ngày 10/6/2018) họ đã xuống đường với lời thề “Quyết tử để dân tộc trường tồn”, lần sau họ hẹn nhau xuống đường mang theo dải vải trắng với ý nghĩa “Nước mất nhà tan” và hôm nay họ đã đã đứng trước vành móng ngựa.
Bản án tuyên trong tiếng sấm vang rền và cơn mưa nặng hạt không dứt.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Saigon, Việt Nam