Sau khi khai thác chủ nghĩa cộng sản du nhập từ Tây phương như một phương tiện để xây dựng mô hình xã hội mới tiến bộ hơn các nước trong thế giới Tây phương nhưng không thành công, năm 1991 nước Nga đã quay lưng vứt bỏ chủ nghĩa nầy, kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Cũng từ năm 1991, Việt Nam là một trong vài nước cộng sản hiếm hoi còn sót lại vẫn kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Cương lĩnh này về phương diện xây dựng kinh tế, tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu đặc trưng của xã hội chủ nghĩa. Đặc trưng ở chỗ, nó cho phép nhà nước toàn quyền quyết định trên mọi tài sản quốc gia, bất chấp quyền lợi thực tế của người dân.
Thực ra hình thức sở hữu toàn dân này chỉ là con đẻ của “làm chủ tập thể” mà đảng đã dày công rêu rao là tiến bộ nhất, tốt đẹp nhất trong các bài viết tuyên truyền của chế độ. Đến nổi năm 1977, ông Lê Duẩn đã hãnh diện phát biểu tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc như sau: “Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể”.
Nhưng suốt nhiều năm sau đó, cái phát kiến vĩ đại thứ ba của ông Lê Duẩn nhanh chóng bị chính người dân chế nhạo đó chỉ là một hình thức “cha chung không ai khóc” hay “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”…Cuối cùng, làm chủ tập thể đã đưa đến tình trạng một nền kinh tế đói nghèo lạc hậu chưa từng có ở Miền Bắc trước đây.
Sau 20 năm ngập ngừng thay đổi, Quyền Tư Hữu vẫn bị lãnh đạo cộng sản từ chối. Thay vào đó họ đề cao và xác lập Quyền Sở Hữu Toàn Dân ngay trong hiến pháp và buộc toàn dân chấp nhận như một thứ tư hữu ưu việt nhất.
Ngày nay, quyền sở hữu toàn dân là một vấn đề mà trong nhiều năm qua đã được bàn cãi, mổ xẻ rất nhiều, nhất là trong dịp sửa đổi và ban hành hiến pháp 2013. Mới đây, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cũng đã có bài thảo luận về quyền sở hữu toàn dân tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 25/6/2015.
Ts. Phạm Duy Nghĩa Photo
Trong bối cảnh nhà nước khăng khăng ca tụng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” sau thời bao cấp, Tiến sĩ Nghĩa tự hỏi “Điều gì đã cản trở Việt Nam trong 20 năm vừa rồi không thể phát triển?”
Lý giải của ông đặt trên những nền tảng căn bản về sự sở hữu đất đai. Ông cho rằng nền kinh tế tư nhân hiện nay chia thành hai loại. Một loại giàu lên rất nhanh, điển hình như vừa qua có đại gia ôm hàng trăm tỉ tiền mặt vào Phú Quốc mua đất. Không thể chối cãi đàng sau của sự phất lên nhanh chóng của một số tư nhân trong nhiều năm gần đây, không phải tự thân họ mà chính là nhờ dựa vào những thế lực trong bộ máy cầm quyền.
Những tư nhân được báo chí mô tả là đại gia đỏ không có gì khác hơn là sân sau của các nhóm quyền lực trong đảng và chính phủ Việt Nam. Nhờ đâu mà họ thâu tóm được hàng ngàn mẫu ruộng vườn của nông dân và đẩy những thành phần này trở thành dân oan sống lê lết nơi thành phố? Chính vì các đại gia đỏ đã gắn bó chặt chẽ về quyền lợi với các thế lực trong đảng là những người nắm toàn quyền chia chác đất đai.
Điều này đưa đến kết quả tất yếu là thành phần nào bám vào chính quyền và có quan hệ thật tốt đẹp sẽ trở thành sân sau, nơi thi hành những kế hoạch mờ ám để xây đắp những cơ ngơi hàng tỷ đô-la cho cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Nhưng cũng theo Tiến sĩ Nghĩa, có một thành phần tư nhân khác trong nền kinh tế quốc gia, tức hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân đang chết dần, teo tóp đi do sự chèn ép bất công trong kinh doanh hay do bị gạt ra ngoài lề các nhóm lợi ích được chính quyền nâng đỡ.
Điều 53 của Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Như hầu hết các điều khác của Hiến pháp Việt Nam, khi mới đọc qua, bốn chữ “thuộc sở hữu toàn dân” nghe thật mỹ miều và đầy hấp dẫn. Nhưng sự man trá nằm ở chỗ mà nhiều người không ngờ tới là nhóm từ “do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Thủ thuật lừa bịp ấy không có gì khác hơn quy định đảng là người nắm trọn quyền sinh sát trong tay, đứng trên đầu dân và toàn quyền chiếm đoạt, phân chia tài sản của dân cho những người cùng vây cánh để thủ lợi riêng.
Nhân dân trong trường hợp này trở thành người “chủ không”. Sở hữu toàn dân mập mờ nói nhà nước làm đại diện chủ sở hữu nhưng người đại diện này chỉ tự nhận mà không do ai bầu lên một cách hợp pháp. Khi nói quyền sở hữu do một người đại diện toàn quyền thi hành, quyền ấy đương nhiên bị triệt tiêu bởi người đại diện.
Trong phạm vi kinh tế, rõ ràng Quyền Sở Hữu Toàn Dân đem lại những tai hại vô cùng to lớn mà không phải ai cũng thấy. Nó thúc đẩy sự hình thành của cái mà ngày nay người ta gọi là các “nhóm lợi ích”. Như phân tích của tác giả bài tham luận, đó là chỗ cho những người nắm quyền lực trong tay – tạm coi như người đại diện - thân nhân của họ và những nhóm liên hệ cấu kết nhau tha hồ bòn rút tài sản quốc gia.
Một trong hàng trăm ngàn trường hợp người dân mất đất, mất nhà phải sống lê lết nơi thành phố.
Sự phân chia khu vực lợi ích để khai thác càng khiến cho việc phù phép biến của công thành của riêng thêm phần an toàn và hợp pháp! Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ làm phát sinh ra 2 thành phần Lợi Ích Nhóm và Chủ Nghĩa Tư Bản Gia Đình mà ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Ban tuyên giáo trung ương đã từng lên tiếng.
Cũng do định hướng xã hội chủ nghĩa, các “nhóm lợi ích” này sẽ mạnh mẽ chi phối việc đưa ra kế hoạch và tổ chức thực hiện một số chính sách kinh tế của chính phủ, sao cho mang về lợi ích lớn nhất cho nhóm của họ. Đó cũng là lý do cắt nghĩa tại sao trong chế độ sở hữu toàn dân, các công ty, xí nghiệp quốc doanh lớn nhỏ đều sa vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, lời giả lỗ thật dẫn đến phá sản hàng loạt, tài sản bị mất trắng.
Để giải quyết vấn nạn nầy, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cho rằng sở hữu toàn dân cần phải được bãi bỏ, nhất là trong lãnh vực đất đai. Vì trong thực tế, tuy nói là thuộc về toàn dân nhưng nó ẩn chứa quyền ấy nằm trong tay những người nắm quyền quyết định của bộ máy nhà nước.
Phải công nhận Quyền Tư Hữu như một giá trị bất biến trong đời sống kinh tế để chấm dứt sự cướp đoạt trắng trợn của những kẻ có quyền nhân danh sự mập mờ của cái gọi là “Quyền Sở Hữu Toàn Dân”. Điều này cũng giúp ngăn chận sự hình thành của các Nhóm Lợi Ích đang hoành hành để thủ lợi riêng trên sự đau khổ của người dân.
Khi người dân không biết mình có quyền gì trên mảnh ruộng miếng vườn của chính mình, không trước thì sau họ sẽ biến thành dân oan. Không có Quyền Tư Hữu, dân cả nước đều oan và đất nước mãi mãi chìm đắm trong bất công.
Phạm Nhật Bình