Đánh giá của thế giới về chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thay đổi theo hướng xấu đi. Trên thực tế, hỗn loạn và tranh cãi gắn liền với quãng thời gian ngắn cầm quyền của Trump đã làm sâu sắc thêm những hoài nghi từ cả trong và ngoài nước Mỹ, rằng liệu Trump sẽ yên vị trong toàn bộ 4 năm của nhiệm kỳ Tổng thống hay không.
Nhận thức của châu Âu về vấn đề này được thể hiện rõ nhất qua các phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau hội nghị thượng đỉnh NATO đầy tranh cãi và cuộc họp G7 còn tồn tại bất đồng, bà Merkel đã kết luận rằng, nước Mỹ dưới thời của Trump có thể không còn được xem là một đối tác tin cậy. Bà cũng phát biểu sâu cay rằng: “Những quãng thời gian mà chúng ta có thể hoàn toàn dựa vào nhau đang dường như chấm dứt.”
Bà Merkel đưa ra những phát biểu như vậy một phần là do ông Trump và châu Âu còn bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại, NATO (cụ thể là Điều 5, điều khoản phòng thủ tập thể của NATO mà Trump không công nhận), và quan hệ với Nga. Nhưng bất đồng về các vấn đề đó cũng phản ánh những sự chia rẽ trong chính nội các của Trump, làm dấy lên những câu hỏi về việc ai, nếu có bất kỳ người nào, thực sự đang dẫn dắt nước Mỹ.
Hãy xem xét quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Trump. Động thái này được chiến lược gia trưởng Steve Bannon và người soạn các bài diễn văn của Trump là Stephen Miller ủng hộ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rex Tillerson, cũng như con gái và con rể ông Trump, Ivanka và Jared Kushner – cả hai đều là các cố vấn chính thức của Nhà Trắng – có thể đã không ủng hộ việc rút khỏi hiệp ước đó, mặc dù về bề ngoài, ông Tillerson bảo vệ quyết định của Trump.
Thương mại là một vấn đề gây tranh cãi nội bộ khác. Bannon phản đối trật tự hiện tại của thương mại mở toàn cầu, cùng quan điểm với Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross ủng hộ thương mại mở, nhưng phải có giới hạn. Tương tự, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ủng hộ việc thực hiện các cuộc đàm phán thực dụng hơn thay vì làm gián đoạn thương mại, dù rằng giữa ông và Ross đã có bất đồng.
Trong vấn đề NATO và Nga, Tillerson đồng điệu với Trump trong việc gây áp lực lên các đồng minh châu Âu, buộc họ phải tăng chi phí quốc phòng của mình. Nhưng Tillerson lại có lập trường cứng rắn hơn Trump trong vấn đề Nga, khi kêu gọi đề ra một cách tiếp cận mạnh mẽ và thống nhất giữa Mỹ và châu Âu. Dù Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đồng ý với Tillerson về mặt lý thuyết, nhưng các cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai người nắm giữ hai vị trí này – một truyền thống lâu đời – đã bắt đầu nảy sinh.
Kiểu đấu đá nội bộ như vậy đã làm dấy lên những quan ngại vượt ra ngoài phạm vi châu Âu. Như lời bộ trưởng ngoại giao một nước Mỹ Latinh đã nói với tôi gần đây, “Rõ ràng là mọi người đang tranh cãi với nhau về mọi thứ.” Vì điều này, cộng với cuộc điều tra liên quan đến mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump và Nga, cũng như tỷ lệ tín nhiệm đang sụt giảm của chính quyền Trump, sẽ là dễ hiểu khi một vài người đang hoài nghi rằng ít nhất thì họ nên cảm thấy lo lắng khi hợp tác với Trump. Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đã hoãn vô thời hạn cuộc gặp với Trump, và các nước khác, cũng đang ngừng giao thiệp với Mỹ.
Theo thời gian, khi mà viễn cảnh cương vị Tổng thống của Trump kết thúc sớm không còn quá xa vời, việc đặt câu hỏi chuyện đó sẽ xảy ra như thế nào cũng là thỏa đáng. Cả 3 khả năng xảy ra.
Khả năng đầu tiên và được biết đến nhiều nhất chính là luận tội: Đa số Hạ viện sẽ truy tố Trump vì các “tội danh nặng và nhẹ”, và đa số 2/3 của Thượng viện sẽ kết tội và phế truất Trump. Tuy nhiên, để có được kết quả này, cần đến sự ủng hộ của 20 hạ nghị sĩ và 18 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, cộng với tất cả phiếu thuận từ các nghị sĩ Dân chủ ở cả hai viện, điều có vẻ khó xảy ra. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu cuộc điều tra về những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và thông đồng với chiến dịch tranh cử của Trump hé mở một bằng chứng buộc tội không thể chối cãi được.
Viễn cảnh thứ hai, theo Mục 4 của Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống và nội các hoặc Quốc hội tuyên bố Tổng thống “không có khả năng đảm trách mọi quyền hạn cũng như nghĩa vụ trên cương vị của mình.” Viễn cảnh này có vẻ còn khó xảy ra hơn cả việc luận tội, trừ phi một vài hành vi của Trump, như việc ông ta đăng bài trên mạng xã hội Twitter vào lúc nửa đêm, hay chỉ trích các trợ lý của mình một cách riêng tư (mà mới đây nhất là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions), là những biểu hiện rõ ràng của bệnh rối loạn chức năng thần kinh hoặc tâm thần.
Viễn cảnh thứ ba, mà vài người gọi là “Giải pháp Nixon,” là lựa chọn khả dĩ nhất. Vào năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi Quốc hội có thể bỏ phiếu luận tội ông. Vài tuần sau, người kế nhiệm Nixon là Gerald Ford đã ban lệnh ân xá hoàn toàn và vô điều kiện cho ông trước mọi tội danh có thể có.
Trong trường hợp của Trump, lệnh ân xá tương tự có thể thúc đẩy một quyết định từ chức như vậy. Dù Trump không thể bị truy tố vì các tội hình sự khi còn tại vị, nhưng ông ta có thể bị khởi tố vì các hành vi bất hợp pháp sau khi rời Nhà Trắng.
Hơn nữa, cả Kushner, người bị buộc tội cố gắng thiết lập một kênh “cửa sau” cho các trao đổi bí mật giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin, và Ivanka sẽ có thể bị truy tố nếu họ bị phát hiện dính líu đến các cuộc tiếp xúc hoặc hoạt động trái phép với những người đại diện hay quan chức của Nga. Hai con trai lớn của Trump, những người đang điều hành đế chế kinh doanh của ông, cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho các hành vi bất chính. Nếu mối đe dọa này trở nên hiện hữu, Trump có thể lựa chọn giải pháp từ chức và bảo đảm một lệnh ân xá cho tất cả những người có liên quan, hơn là phải trải qua tiến trình luận tội mà dù thế nào cũng có thể dẫn đến việc Trump bị mất chức.
Nhưng dù những người chống đối Trump có thể muốn ông ta bị phế truất, thì bất kỳ viễn cảnh nào nói trên đều có thể gây tổn hại đặc biệt đến nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. Sự tham gia của Mỹ, nếu như không phải với tư cách lãnh đạo thì cũng là không thể thiếu đối với hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như thương mại toàn cầu, hành động chống biến đổi khí hậu, và ứng phó với mọi loại khủng hoảng từ tự nhiên, nhân đạo cho đến hạt nhân. Thêm nữa, chủ nghĩa biệt lập của Trump không mang hàm ý là nước Mỹ sẽ không còn quan trọng hay thụ động. Một nước Mỹ bị phân tâm và bất ổn có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Do đó, những người chống đối Trump ở bên trong nước Mỹ nên cẩn thận với những gì mà họ mong muốn, và các đồng minh của Mỹ nên cố gắng tìm ra một cách thức hợp tác với chính quyền Trump một cách hiệu quả hơn. Dù muốn hay không, sự lựa chọn tốt nhất cho thế giới chính là đảm bảo rằng 3 năm 6 tháng nữa sẽ là quãng thời gian thành công nhất có thể, hoặc chí ít là không có thảm họa xảy ra.
***
Jorge G. Castañeda là Ngoại trưởng Mexico từ năm 2000 đến năm 2003, sau khi cùng với Tổng thống Vicente Fox, người có tư tưởng đối lập với ông, thiết lập chính phủ dân chủ đầu tiên của đất nước này. Ông hiện đang là Giáo sư Ưu tú Toàn cầu về Chính trị và Nghiên cứu Mỹ Latin – Caribbe tại Đại học New York. Ông cũng là tác giả của cuốn The Latin American Left After the Cold War và Compañero: The Life and Death of Che Guevara.
Copyright: Project Syndicate 2017 – The End of the Trump Administration?