Khi bọn đầy tớ bức xúc
- Đại hội đảng XII chỉ còn 6 tháng để chuẩn bị nhưng lãnh đạo của 3 ngành Tuyên giáo, Quân đội và Công an đã mất ăn mất ngủ với cơn ác mộng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên đang đe dọa chôn đảng xuống bùn đen.
Nguy cơ này không mới. Đảng đã công khai thừa nhận tại Đại hội XI năm 2011. Hồi ấy đảng viết: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”. (Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng).
Nhưng nhắc lại khẩn trương hơn sau bốn năm rưỡi và qua 11 kỳ Hội nghị Trung ương lần nào cũng nói đến công tác xây dựng đảng là chuyện không còn bình thường nữa.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng đã cảnh giác: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay thực sự là một vấn đề cấp bách liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Đảng và chế độ.” (Trích báo Công an Nhân dân, 09/02/2015).
Nhưng tại sao lại đến độ “cấp bách” và phải làm gì để chận đứng nguy cơ này thì không thấy ông Hưởng đề ra sáng kiến mới hơn những điều ai cũng đã “nghe rồi khổ lắm nói mãi”.
Đó là chuyện đảng chỉ biết đổ hết lên đầu “các thế lực thù địch” “Không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”, như ghi trong Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần 4 năm 2012.
Nhưng “thế lực thù địch” là ai, hay đảng đã nuôi ong tay áo?
Ai đã có thể làm cho cán bộ đảng vên suy thoái tư tưởng, mất đạo đức cách mạng lan nhanh trong nội bộ sau 30 năm đổi mới là câu hỏi đang khiến lãnh đạo điên đầu nhưng dân thì không.
Người dân, nạn nhân hàng ngày của quan tham, bất công và của cường quyền, biết rất rõ tại sao đã có “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên” không còn tin vào đảng và đang bất mãn với chế độ.
Dân đã nghe đảng lên án và kêu gọi chống “chủ nghĩa cá nhân” và “lợi ích nhóm” nhiều lần, nhưng những kẻ có chức có quyền và cầm cân nẩy mực vẫn mũ ni che tai để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân và đảng viên thấp cổ bé miệng thì ai còn tin đảng?
Bằng chứng như khẩu hiệu tuyên truyền “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó có tiêu chí cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hay “dân là chủ, Đảng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” đã vô nghĩa trước quốc nạn tham nhũng.
Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hưởng vẫn mơ hồ coi công tác chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên là chiếc đũa thần có thể cứu đảng thoát cơn hồng thủy tự diệt.
Ông nói: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có khắc phục hiệu quả tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái thì mới làm cho đảng viên và cơ thể Đảng được khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng cao hơn và điều đó đã là ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành khoá XI đã thất bại với những cam kết đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4.
Bằng chứng đảng bó tay trước tham nhũng và suy thoái tư tưởng trong hàng ngũ đảng viên đang đe dọa sống còn của đảng chỉ còn là thời gian. Vì vậy ông Hưởng đã cảnh báo: “Tình hình đã thúc bách chúng ta phải kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.”
Nhưng liệu có còn kịp không?
Bởi vì chỉ 2 tháng sau ông Nguyễn Mạnh Hưởng, Ban Nội chính Trung ương - cơ quan giúp đảng chống Tham nhũng - đã phổ biến thêm bài viết của Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Dương (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng).
Ông Dương mở đầu: “Tham nhũng ở nước ta hiện nay rất phức tạp, biểu hiện của nó muôn hình, muôn vẻ với nhiều sắc thái, loại hình khác nhau; mức độ, phạm vi và hậu quả khôn lường. Biểu hiện của tham nhũng tập trung ở các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước; thậm chí tham nhũng có cả trong lĩnh vực tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.”
Như vậy thì ở Việt Nam có chỗ nào không có tham nhũng? Khi nói đến “quan chức” thì cũng phải hiểu bao gồm cả các Đại biểu Quốc hội vì hầu hết họ là đảng viên có chức có quyền trong hệ thống cai trị từ thành phố về thôn quê. Chưa bao giờ thấy có Đại biểu Quốc hội nào phát giác ra các vụ tham nhũng, hay can đảm đi điều tra tố cáo cán bộ, đảng viên tham nhũng.
Tham nhũng sống với đảng
Vậy tham nhũng tinh vi ra sao mà Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước không nhìn thấy?
Ông Dương vạch ra cho mọi người biết: “Mức độ tham nhũng cũng rất khác nhau, có tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt như sự sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân hoặc cố tình dây dưa, loanh quanh, buộc người dân muốn nhanh, được việc thì phải bỏ tiền ra “nhờ giúp đỡ”. Việc làm này thường là chuyện “bé xé ra to”, bắt bẻ người dân “chưa đủ thủ tục hành chính” kiểu hành dân. Vì vậy, người dân muốn xong việc, đỡ mất công, khỏi phải đi lại nhiều lần, tốn công sức, mệt nhọc thì “cách tốt nhất” là bôi trơn bằng cách đưa “phong bì” cho xong chuyện.”
Một người làm việc ở Bộ Quốc phòng mà còn biết rạch ròi các mánh khóe moi tiền của dân như thế mà Ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trường ban không dẹp được thì kể cũng lạ!
Còn nhớ năm 2013, ông Trọng từng nói với cử tri Hà Nội rằng ông cũng: “Sốt ruột, bức xúc lắm.”
Ông bảo: “Không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng... lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc... Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu.” (theo ViệtnamNet 27/09/2013)
Phó Chủ tịch nước, Bà Nguyễn Thị Doan đã có lần nói các quan tham đã "ăn của dân không từ cái gì". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thắc mắc: “Tiền ăn, chơi, chạy không phải từ tham nhũng thì từ đâu?”
Như vậy là lãnh đạo đảng cũng biết, nhưng tại sao không hành động mà để cho tham nhũng cứ tự do leo lên đầu đảng thì có Trời mà biết!
Ngay cả chuyện chạy chức, chạy quyền trong đảng và nhà nước cũng đã được nói nhiều trong các kỳ Đại hội đảng hay tại các kỳ Hội nghị của Trung ương nhưng chuyện đâu vẫn còn đó.
Vì vậy, Đại tá Dương mới nói cho cả nước biết: “Đáng chú ý, các vụ việc tham nhũng xảy ra ở lĩnh vực cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ, thuyên chuyển công tác. Đây là những loại hình rất khó kiểm soát, phát hiện. Hành vi này thường diễn ra “kín đáo” với sự “thông đồng”, ngầm hiểu “tiền nào của ấy”, “được việc người, được việc ta”, trở thành luật bất thành văn, thường được coi là một quy định ngầm, phổ biến diễn ra qua khâu trung gian, có người môi giới, “bắn tin”, “làm cò mồi”, kiểu “rung chà cá nhảy” hoặc trực tiếp giao dịch, thỏa thuận theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Người chạy chức, chạy ghế thường làm khâu “ứng trước” để sau khi có chức vụ thì thu hồi sau.”
Các ngón đòn tham nhũng lớn của các phe phái trong đảng, hay còn được gọi là “lợi ích nhóm” đã bộc lộ cao trong mấy năm qua trong nhiều lĩnh vực nhưng khó phanh phui vì các thế lực đã bao che, bảo vệ nhau để cùng có lợi.
Ông Dương vạch ra: “Một trong những biểu hiện của tham nhũng lớn là tham nhũng nhóm, lợi ích nhóm với những hành vi trục lợi cực lớn thông qua làm ăn theo kiểu “đánh quả”, “một vốn bốn mươi lời”. Đây là hình thức tham nhũng có tổ chức, có người đứng ra làm “đầu nậu”, chủ mưu, thao túng các tổ chức, một số người có quyền cao, chức trọng và nó thường diễn ra ở các hoạt động dự án, đầu tư, đất đai, tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, xây dựng đô thị, v.v... Đây là điều giải thích tại sao nhiều vụ khiếu kiện tập thể kéo dài, vượt cấp, rất khó điều tra, chưa thể giải quyết dứt điểm.”
Biết rất rõ như thế mà ông Dương có làm được gì cho xã hội không?
Tất nhiên là không vì cuối cùng, Đại tá Dương cũng chỉ đề ra giải pháp đã thất bại trong nhiều năm.
Ông viết: “Một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống Tham nhũng là ngăn chặn, đẩy lùi bệnh cá nhân chủ nghĩa, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, đề cao tự phê bình và phê bình. Muốn vậy, phải duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt Đảng và thực hiện việc nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, đi đôi với nó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bởi lẽ, cán bộ tốt hay xấu chủ yếu là do công tác giáo dục trong Đảng tạo nên. Giáo dục trong Đảng bao hàm cả giáo dục kiến thức, tri thức, giáo dục đạo đức, nhân cách người cách mạng mà trước hết là giáo dục đạo làm người.”
Tất cả những ý kiến của Đại tá Dương đã được đảng thi hành từ khoá đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Từ ông Phiêu sang ông Nông Đức Mạnh và đến ông Trọng là 20 năm mà tham nhũng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì phải biết đảng chỉ biết nói mà không làm được gì cho ích quốc lợi dân.
Quân đội - công an
Chính vì vậy mà không những chí có dân mà bây giờ đến lượt nhiều Bộ đội và lực lượng Công an cũng đã chán đảng, không còn tin vào những lời hứa suông của lãnh đạo nữa.
Những bất công xã hội, tình trạng chênh lệch giầu nghèo giữa thành phố và nông thôn mỗi ngày một giãn ra. Nền kinh tế gọi là “thị trường” còn giở hơi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục hãm dân trong vũng bùn chậm tiến để lạc hậu hơn các nước trong khu vực.
Nhân dân, một bộ phận lớn trong Quân đội và Công an cũng đã chán Chủ nghĩa thoái trào Cộng sản Mac-Lênin đến tận mang tai mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cứ bắt mọi người phải “tuyệt đối trung thành” với nó thì dân chưa lôi ông ra giữa chợ mà đôi co là may.
Bên cạnh đó còn là tình trạng Đảng cứ để mất dần biển đảo vào tay Trung cộng. Quân đội và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng bất lực để cho các tầu Trung cộng, ngụy trang Hải giám, tự do tấn công, cướp tài sản của thuyền cá Việt Nam đánh bắt ở vùng Hòang Sa, đôi khi cả ở Trường Sa, mà đảng thì cứ cúi đầu vâng theo lời nguyền ”vừa là đồng chí vừa là anh em” thì dân chịu đựng được bao lâu nữa?
Đó là những tín hiệu đang làm cho các cấp chỉ huy Quân đội và Công an lo âu nên từ 4 tháng qua đảng đã phát động một chiến dịch chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” ngay trong nội bộ vào thời điểm tổ chức Đại hội đảng địa phương và đơn vị để tiến tới Đại hội đảng vào tháng 01/2016.
Tất cả các đơn vị Quân đội và Công an đều được lệnh học tập trung thành, bảo vệ đảng. Các biện pháp chống “diễn biến hòa bình” và học tập ngăn chặn phản tuyên truyền trong các tổ chức đảng tại đơn vị cũng đang ráo riết hoạt động.
Quân đội còn ra lệnh theo dõi tư tưởng binh lính và phải phê bình và chỉnh đốn ngay nếu có biến chứng. Đồng thời ra lệnh ngăn chặn bộ đội đọc tin ngoài luồng, chỉ theo dõi và truy cập thông tin chính thống từ báo Quân đội Nhân dân và của nhà nước.
Cả hai lực lượng Quân đội và Công an cũng được lệch chống các quan điểm sai trái chống đảng, chống chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh.
Hai cơ quan Tuyên giáo của đảng và Tổng cục Chính trị quân đội còn phổ biến các bài viết tuyên truyền chống tư nhân hoá kinh tế và chống luôn cả những đòi hỏi dân chủ, tự do, nhất là tự do báo chí và nhân quyền. Các tác giả “dư luận viên” này đã gọi những người trong nước khuyên đảng từ bỏ chế độ Cộng sản là “những kẻ cơ hội”, hùa theo “các thế lực thù địch” ở bên ngoài để thực hiện “diễn biến hòa bình”, làm suy yếu đảng.
Vì vậy Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã viết một bài báo phổ biến, trong đó ông yêu cầu: “Để phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong một bộ phận CBĐV quân đội, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chỉ huy, chính ủy, chính trị viên đối với vấn đề này. Đây là giải pháp cơ bản nhất, giữ vai trò quyết định đến hiệu quả phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá”. Bởi vì cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện CBĐV thuộc quyền.
Trong đơn vị quân đội, nếu cấp ủy, tổ chức đảng và các đối tượng trên phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm trên mọi mặt hoạt động của đơn vị; nắm chắc và dự báo đúng tư tưởng của CBĐV; kịp thời phát hiện, kiên quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, trái với bản chất, truyền thống quân đội, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… của CBĐV thuộc quyền, thì các thế lực thù địch khó có thể lợi dụng để thúc đẩy "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị và nội bộ quân đội.” (theo báo diện tử Tỉnh Bắc Giang)
Với những diễn biến của tình trạng suy thoái tư tưởng của đảng viên ngày thêm phức tạp, nhất là trong quân đội và công an, được công khai nêu lên trước đại hội đảng XII không chỉ là điều bất thường vì chưa có tiền lệ mà còn là một chỉ dấu xấu cho tương lai chính trị của đảng.
18.06.2015
Phạm Trần
_