Những người con

Tho Nguyen|

Tôi nhận được cuốn “Tôi là con gái của cha tôi” do Phan Thúy Hà gửi đã hơn một tháng. Vì bận rộn nên tôi tính sẽ tranh thủ đọc cuốn sách thứ 3 của Hà [1]trong những kẻ hở thời gian. Nhưng đọc xong 20 trang đầu kể về gia đình Quốc Kiệt, tôi phải đóng ngay sách lại.

Dù đã biết về số phận thảm thương của nhiều người lính VNCH sau 1975, tôi vẫn bị sốc bởi những đau khổ mà anh hạ sỹ Đặng Văn Tiền, số quân 69/127385 thuộc sư đoàn 7 Quân lực VNCH và gia đình đã trải qua.
20 trang đầu này đã khiến tôi xúc động mạnh về những người con, người vợ Việt Nam. Có lẽ dân tộc này tồn tại qua được mọi biến cố kinh hoàng nhất của lịch sử là nhờ có những người con như Quốc Kiệt, nhờ những người yêu, người phụ nữ như cô Hương.

Quốc Kiệt biết chăm sóc người cha bị chiến tranh tàn phá thân thể và bị hòa bình tàn phá nhân phẩm từ lúc cậu 5 tuổi. Cậu đi hái lá sắn ngoài hàng rào về cho ba nấu canh. Kiệt lớn lên bên chiếc xe bán vé số với ba. Ba bị bệnh nặng, Kiệt hàng ngày chăm sóc ông trong bệnh viện. Mỗi lần ông đi vệ sinh, Kiệt phải lựa cách bế bồng ông sao cho ông đỡ đau.

Trong những tháng cuối cùng của của ba, Kiệt đã không còn đơn độc. Cô Hương, người yêu cũ của ông Tiền thời trẻ, đã về với ông, cùng Quốc Kiệt chăm sóc ông. Cô về không phải để hưởng lại những gì hai người đã mất, mà chỉ để ông được sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trong tình thương và được chết như mọi người trên đời này.

Cô Hương mang linh cữu người yêu về nhà cô làm đám tang, không phải vì nhà của Quốc Kiệt chật, mà vì cô muốn ông ấm lòng. (Trang 19)

Quốc Kiệt muốn giữ lại cái chân giả của ba, nhưng mọi người bảo: chôn cùng để sang đó “Thằng què” có cái mà đi.

Hạ sỹ Tiền đã trở thành người lính vô danh với cái tên “Thằng què” mà mọi người vẫn gọi ông.

Không, tôi không thể đọc cuốn sách này một các tranh thủ được. Tôi sẽ phải dành thời gian nhiều hơn để thấm hơn về những điều mà lâu nay tưởng rằng mình đã tỏ.
….
Phan Thúy Hà và tôi kết bạn với nhau qua Facebook. Hà không nhận mình là nhà văn, mà chỉ muốn là một công dân tốt, chỉ muốn là công dân của một nước Việt Nam nhân đạo, công bằng, văn minh. Cha Hà cùng lứa chúng tôi, ông đi bộ đội, vào Nam, hết chiến tranh về với vợ con. Ông là lính phòng không cùng đơn vị với Phấn (Nguyen Van Phan), bạn học của tôi. Hồi đầu năm, Phấn và tôi đến thăm Hà, khi cháu mới bị gãy chân, còn chống nạng. Từ bạn ảo, chúng tôi thành chú cháu. Tôi quý Hà bởi tính thằng thắn và lòng trắc ẩn dường như bẩm sinh. Cô bé rất dễ xúc động trước nỗi đau của người khác.


Nguyễn Thọ, Phan Thúy Ha, Nguyễn Văn Phn

Sau khi xuất bản “Đừng kể tên tôi”, một ghi chép về số phận những người lính miền Bắc và những người dân Hương Khê sống sót qua cuộc chiến tranh 30 năm, Hà bỗng biết thêm về số phận của những người lính phía bên kia, từng là đối phương của cha. Hà nói:

- Các chú, bác trong đó khổ hơn các chú đi nghĩa vụ ngoài Bắc.

- Tại sao ? chú Phấn hỏi

- Vì các chú trong đó biết rõ hơn về mất mát và tàn bạo của chiến tranh, vì các chú ấy không được xã hội tung hô là anh hùng, không được tắm mình trong giấc mơ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đa số các chú đi lính với nỗi lo sợ hoặc với nỗi nhục của người trốn lính. Trong đó không có chú nào đút đá vào túi cho đủ cân để được đi bộ đội như ngoài mình.
Thế rồi Hà bỏ tiền, bỏ thời gian đi tìm gặp các cô chú, các bác từng là lính của phía bên kia. Nhiều người trong họ không thích nói chuyện với một cô gái là con của Việt Cộng.

-Các chú ơi, cháu chỉ là con của cha cháu!

Đọc hết 354 trang sách của Hà, tôi không đủ sức kể lại các cảm xúc lẫn lộn qua từng câu chuyện. Tôi có cảm giác xấu hổ, vì từng đứng trong hàng ngũ những kẻ mà đến việc cấp chứng minh thư cho những người lính tàn tật, già yếu săp chết cũng không dám. Chỉ sau khi bàn với nhau “Ông ấy giờ còn làm gì được nữa”, họ mới cấp. Mà thực ra, người con năm lần bảy lượt đi xin cái chứng minh thư đó chỉ để tới đây làm giấy báo tử cho cha.

Rồi tôi bỗng cảm thấy tức ngực, khi đọc về nỗi oan anh toán trưởng biệt kích quê Quảng Trị. Từng là người tham gia phong trào sinh viên phật tử, đấu tranh chống lại chế độ Đệ nhất, rồi Đệ nhị Cộng hòa, anh có cảm tình với cách mạng. Nhưng số phận đưa đẩy anh thành lính biệt động quân. Sau 1975 cái “nợ máu ác ôn” dính chặt vào lý lịch của anh và anh làm kiểu gì cũng không khỏi bị hành. Nhưng sự hành hạ đó lại dừng lại ở mức anh không "được đi cải tạo”. Thế là bạn bè cũ nghi ngờ anh, trong khi anh chỉ là cái ghẻ rách của cán bộ địa phương. Cũng chỉ vì không “được” đi cải tạo mà hai lần xét đi xuất cảnh theo diện HO, anh đều trượt, phải ở lại chăn bò, đi kinh tế mới.

Nỗi oan như vậy cũng đến với những bà mẹ Cam Lộ có chồng đi theo cách mạng, đến với những thanh niên có cha đi tập kết, phải đầu quân cho chính quyền VNCH. Họ nằm giữa hai làn đạn, hứng chịu tội ác từ cả hai phía.

Chiến tranh luôn đi kèm với tội ác, thù hận, đau khổ, oan ức và cả với vinh quang, bi tráng. Nếu nói về chiến tranh mà chỉ nêu đau khổ, hùng tráng của một bên và khắc sâu cái xấu, tội ác của bên kia là không công bằng. Không công bằng thì không có hòa bình trong lòng người. Hơn 40 năm sau chiến tranh, thế lực thù địch vẫn là cái bóng ma ám ảnh, chính vì sự thật bị bóp méo.

Tôi tin vào sự trung thực trong các ghi chép của Hà, vì đó là lời kể của những người lính từ cả hai bên, vào lúc xế chiều của đời họ.

Vì vậy bên cạnh những điều ghê tởm mà tôi từng biết, qua cuốn sách này, tôi tin vào cái thiện trong con người Việt Nam, từ cả hai miền. Những anh lính cộng hòa tử tế với tù binh Việt cộng như trong chuyện của anh Phong[2], cũng như tình cảm tốt đẹp giữa gia đình chị Sương anh Lựụ, đại uý quân y VNCH và anh Ngọc [3]mà tôi kể trước đây, đều là có thật.

Chuyện đại úy Tường, cán bộ quản giáo ở Trảng Lớn thương những tù binh cải tạo là có thật. Anh nói với họ: Cha mẹ tôi hồi đó mà lanh chân ẵm tôi xuống tàu ở Hải Phòng thì giờ tôi cũng giống các anh thôi !(trang 163)

Cũng như vậy, tình cảm của anh bộ đội Hải để lại cho gia đình cháu Quỳnh Anh có bố đi cải tạo, là có thật. (trang 354). Trẻ em không biết nói dối.

Để đất nước này thay đổi, để người Việt không phải gọi nhau là phản động, là thù địch, chúng ta cần những nhà tranh đấu, những nhà báo, nhà văn dũng cảm, những nhà hoạt động xã hội tâm huyết. Nhưng để dân tộc này không bị mai một, bị hủy hoại, chúng ta cần những người con như Quốc Kiệt, như Thúy Hà, như Quỳnh Anh.... Những người phụ nữ, dù không sinh nở lấy một lần như cô Hương, lại là những người mẹ đức độ để nuôi dưỡng nên những người con cao thượng.

Köln 17.09.2019
Tái bút: Những người chồng, tuy không lộ diện, nhưng ủng hộ, hỗ trợ vợ đi khắp đất nước ghi chép để rồi phải bỏ tiền ra in sách, cũng là những người con của đất nước này.
----------
[1]1- Đừng kể tên tôi – NXB Phụ nữ 2018.
2- Qua khỏi dốc là nhà- NXB-Kim Đồng 2018
3- Tôi là con của cha tôi – NXB Phụ nữ 2019
[2] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2845559822128739
[3] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2861404873877567