Nguyễn Ngọc Đức|
Tác giả của "Dư Âm", nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, vừa mới qua đời.
Ai trong chúng ta mà chưa từng nghe hay từng ngâm nga những giai điệu bất hủ:
"Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ..."
Nhưng ít người biết vì những giai điệu lãng mạn này, cuộc đời của tác giả đã bị lao đao không ít.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài Dư Âm vào năm 1950 để nói lên tâm sự của ông về một mối tình không thành thời trai trẻ. Lời ca, âm điệu đậm nét lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Nếu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác tại Miền Nam sau 1954 hay ở thời đại này, thì bài hát của ông cùng lắm thì chỉ được phê bình hay so sánh về mức độ lãng mạn với Tình Bơ Vơ của Lam Phương hay Em Hiền Như Ma Soeur của Phạm Duy. Không may cho ông là Dư Âm lại ra đời ở Miền Bắc, ngay trong giai đoạn mà tình yêu đôi lứa và sự lãng mạn trong văn học nghệ thuật bị xem là đồi trụy, phản động.
Ông bị đấu tố, bị buộc phải tự sỉ vả mình là đã sai lầm khi sáng tác bài Dư Âm và kêu gọi mọi người đừng hát, đừng nghe bài hát "cực kỳ phản động" này.
Khổ cho ông là trong Miền Nam sau 1954, loại nhạc "cực kỳ phản động" này lại được quần chúng ưa chuộng và được tự do hát một cách thoải mái. Thế là ông tiếp tục bị đì. Để tồn tại trong xã hội "người không giống người", tác giả bài Dư Âm phải chuyển sang làm những bài hát theo đơn đặt hàng của ban tuyên giáo trung ương. Các bài như Bài Ca Năm Tấn, Em đi làm tín dụng, Màu áo chú bộ đội, Múa hát mừng chiến công ... đã ra đời vì hoàn cảnh này.
Cuối đời, tiền nuôi sống ông vẫn là tiền tác quyền đến từ bài Dư Âm, khi mà chế độ không còn cách để kiểm soát thị hiếu của quần chúng và phong trào hát nhạc vàng, nhạc bolero nở rộ ở Việt Nam.
Nghe nói trước khi qua đời, ông đã khẳng định rằng chỉ có bài Dư Âm là con đẻ của ông, còn các bài khác là ông đẻ giùm cho ban tuyên giáo trung ương.
Người nghệ sĩ có khi chỉ cần một tác phẩm mà tên tuổi trở thành bất tử. Đây là trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Hậu thế sẽ mãi mãi nhớ đến ông và bài "Dư Âm". Còn các thứ mà ông đẻ giùm cho chế độ, thì cứ để nó lặng lẽ đi vào thùng rác của lịch sử.
Xin thắp một nét nhang lòng thương tiếc một người nghệ sĩ tài hoa nhưng không sinh nhằm thời.