Sự kiện cô Lê Mỹ Hạnh và 2 người bạn gái đã bị một nhóm côn đồ xông vào phòng đánh một cách dã man vào chiều ngày 2 Tháng 5 vừa qua tại Sài Gòn, gây ra làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trên mạng xã hội khi nhóm người côn đồ này đưa clip hành hung lên Facebook dưới tên Phan Hùng.
Theo lời kể của cô Lê Mỹ Hạnh khi nhóm côn đồ gồm 5 người (một nữ, 4 nam) đã tấn công cô và hai người bạn rất dã mạn, chúng xịt hơi cay vào mặt và đánh, đá túi bụi vào đầu, vào người khiến cho cô Mỹ Hạnh đã ngất xỉu trong vòng 5 phút. Khi tỉnh dậy thì nhóm côn đồ bỏ chạy.
Theo tin tức thì công an đã lấy lời khai của cô Hạnh và đã bắt giữ Phan Sơn Hùng là chủ Facebook Phan Hùng để điều tra tội phạm. Nhưng cho đến nay, tên Phan Sơn Hùng vẫn ở bên ngoài, tiếp tục lên mạng thách đố dư luận khi chính y khiêu khích sẵn sàng tấn công những ai đứng dưới cờ Vàng ba sọc đỏ. Trong khi đó, cộng đồng mạng cũng đang vận động một kiến nghị đến Cơ quan điều tra thành phố Sài Gòn khởi tố vụ hình sự vụ hành hung này.
Phải nói là dư luận có chung một cảm giác “bất ngờ” khi xem đoạn Clip hành hung cô Lê Mỹ Hạnh. Bất ngờ là vì không ai nghĩ rằng chính thủ phạm hành hung nạn nhân, quay clip đưa lên công khai mà lại còn xuất hiện thách đố công luận về hành vi dã man của mình.
Đây có thể nói là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng máu lạnh của một vụ án mang tính cách sát nhân. Cung cách thách đố của Phan Sơn Hùng trên Facebook cho thấy là vụ bạo hành đến từ một sự chủ mưu mang màu sắc chính trị. Đó là hành hung những người đấu tranh có quan điểm khác với đảng CSVN. Nói cách khác, Phan Sơn Hùng đã hành động vì sự sai khiến của chế độ.
Trong nhiều năm qua, những vụ bạo hành đối với các nhà dân chủ đã xảy ra thường xuyên dưới hình thức công an núp bóng xã hội đen ra tay đánh đập tàn nhẫn một số người kể ra không xiết. Tiêu biểu như vụ dàn cảnh đánh chị Trần Thị Nga bị gãy chân phải nhập viện điều trị cả năm. Vụ chận đánh nhiều lần đối với anh Trương Minh Tam trên con đường đi tìm công lý cho Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu. Vụ công an đánh hội đồng anh Nguyễn Hồ Nhật Thành trên đường phố Sài Gòn cách đây 4 tháng vân, vân…
Chính những vụ đánh hội đồng của côn an núp dưới dạng xã hội đen như vậy đã khuyến khích cho những vụ bạo hành, đánh người dã man của những phần tử quá khích.
Hiện nay công an Sài Gòn nói là đang xúc tiến điều tra vụ án, nhưng hiện tượng này sẽ tiếp diễn xảy ra vì nó được khuyến khích bởi bộ máy bạo lực nhằm mục tiêu đả thương những ai có những phản ứng chống lại bất công xã hội hay lên tiếng đòi dân chủ. Chỉ cần theo dõi các clip khiêu khích của Phan Sơn Hùng hiện nay ai cũng thấy rõ là có kẻ chống lưng cho Hùng.
Cô Lê Mỹ Hạnh là nhà hoạt động về môi trường và đã tích cực đưa thảm họa Formosa lên cộng đồng mạng. Điều này cho thấy cô Mỹ Hạnh chính là đối tượng mà công an muốn dùng xã hội đen để triệt tiêu. Do đó, qua vụ cô Lê Mỹ Hạnh và 2 người bạn bị đả thương, nhà cầm quyền CSVN mà cụ thể là ông Nguyễn Xuân Phúc phải có thái độ:
Thứ nhất là phải công khai lên tiếng phê phán hành động đánh người dã man của Phan Sơn Hùng và đồng bọn đối với cô Lê Mỹ Hạnh và 2 người bạn gái. Đây không chỉ là vụ án đả thương bình thường mà có ý đồ răn đe dư luận khi Phan Sơn Hùng và đồng bọn tung clip khiêu khích. Hậu quả chắc chắn sẽ dẫn đến những cuộc thanh toán gây ra rối loạn xã hội.
Thứ hai là Quốc hội và Bộ công an CSVN phải có một pháp lệnh ngăn cấm tất cả các đơn vị công an điều tra chính trị, không được dùng xã hội đen hoặc đóng vai xã hội đen để đánh đập, hành hung những người hoạt động về môi trường, xã hội hay có những tiếng nói đối lập với chính quyền. Những hành vi này chỉ khuyến khích cho xã hội bạo lực do sự dung túng của bộ máy công an.
Thứ ba là phải điều tra và bạch hóa những ai đứng đàng sau Phan Sơn Hùng và đồng bọn trong vụ án hành hung cô Lê Mỹ Hạnh và 2 người bạn của cô. Chắc chắn là một mình Phan Sơn Hùng không dám vọng động nếu không có sự bảo kê của bộ máy an ninh chính trị ở phía sau.
Sự kiện cộng đồng mạng đang kêu gọi chữ ký đòi truy tố Phan Sơn Hùng là một phản ứng nhanh chóng nói lên sự phẫn nộ chung của dư luận, nhưng qua vụ vận động này, chúng ta cần hành động tập thể bằng cách mang số chữ ký đến gặp các cơ quan Quốc Hội, Chính Phủ và Công an để yêu cầu có một số những biện pháp ngăn chận các vụ bạo hành, đánh đập dã man xảy ra trong thời gian tới.