Người Đà Lạt Xưa
Một cuộc đàm phán "định dạng Normandy" đã được lên kế hoạch giữa các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Đức và Pháp về chủ đề miền đông Ukraine, một nguồn tin trong chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Bảy.
Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cố vấn Mykhailo Podolyak, xác nhận với Reuters rằng một cuộc hội đàm ở Paris được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba (25/1).
Dmitri Kozak, nhà đàm phán hàng đầu của Nga, sẽ đại diện cho Nga trong cuộc đàm phán sắp tới. Theo dự kiến, chính phủ Đức sẽ cử Jens Plötner, cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và chính phủ Pháp sẽ cử Emmanuel Bonne, cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Định dạng Normandy" có sự tham gia của bốn quốc gia Nga, Ukraine, Đức và Pháp, sau khi các đại diện của họ đã gặp nhau không chính thức nhân dịp lễ kỷ niệm D-Day năm 2014 ở Normandy, Pháp, trong nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Donbass, Ukraine. Nó còn được gọi là "nhóm liên lạc Normandy".
Nga và Ukraine đã trở thành thù nghịch vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và các lực lượng vũ trang do Moscow hậu thuẫn chiếm giữ lãnh thổ ở khu vực Donbass mà chính quyền Ukraine đang muốn lấy lại. Bán đảo Crimea là một vị trí chiến lược trong vùng Biển Đen, và khu vực Donbass với "Bể chứa than đen Donets" lên đến 90% trữ lượng của Ukraine. Sáp nhập Crimea và tạo bất ổn trong khu vực Donbass là sách lược của Nga nhằm đẩy mạnh áp lực quân sự và kinh tế, buộc Ukraine phải lệ thuộc Nga trở lại như dưới thời Liên bang Xô-Viết.
Đức, một nước tiêu thụ lớn nhất khí đốt của Nga, và đang đối mặt với những quyết định khó khăn về đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, lại là một thành viên xé lẻ với các đồng minh NATO để bác bỏ lời cầu xin vũ khí của Ukraine. Trong khi Đức sẽ có được lợi ích kinh tế, thì đường ống Nord Stream 2 sẽ là một đòn "đau đớn" đối với nền kinh tế của Ukraine, vì Nga sẽ chuyển hướng khí đốt không còn đi qua các đường ống trên lãnh thổ Ukraine và không còn trả phí vận chuyển có thể lên đến 3 tỷ USD mỗi năm.
Pháp, dưới quyền Tổng thống Macron, có chủ trương "xây dựng như những người châu Âu làm việc với những người châu Âu khác và với NATO, sau đó đề xuất đàm phán với Nga". Ông Macron cũng là người được xem là ủng hộ đường ống Nord Stream 2.
Điều này cho thấy Đức và Pháp có thể lèo lái Liên minh châu Âu theo hướng xây dựng hiệp ước an ninh của riêng mình với Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Anh đang kêu gọi một NATO thống nhất nhằm ngăn chặn khả năng Nga xâm lược Ukraine.
Vì là cuộc họp của bốn nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp trong nhóm "định dạng Normandy", các cố vấn của Hoa Kỳ và Anh sẽ không được mời.
Hoa Kỳ trước đó đã bày tỏ mong muốn tham gia vào các cuộc đàm phán, trong cùng lúc với sự hỗ trợ phòng thủ Ukraine. Khoảng 90 tấn "viện trợ vũ khí sát thương" của Mỹ vừa được gửi đến Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới. Đây là chuyến hàng đầu tiên trong gói hỗ trợ an ninh 200 triệu USD được Hoa Kỳ phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái.
Vương quốc Anh là một thành viên không có ý định để Ukraine thất thủ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đồng minh NATO cùng phối hợp thực hiện một phản ứng phối hợp.
Trong tuần này, chính phủ Anh đã cung cấp 2.000 tên lửa và một đội huấn luyện quân sự cho Ukraine. Những chuyến bay vận tải chiến lược hạng nặng C-17 của Anh đã được ghi nhận liên tục đến và rời Ukraine từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 vừa qua.
Điều đáng quan tâm, là các chuyến C-17 lại bay vòng để tránh không phận của Đức.
Và đáng tiếc, Đức sẽ trở thành tiền đồn rủi ro hàng đầu ở châu Âu nếu Putin có được cơ hội để xây dựng một đế chế Xô-Viết mới.
Người Đà Lạt Xưa