Leonhard Landes (WELT)
Nguyễn Xuân Hoài (lược dịch)
Một vụ nổ lớn đã phá hủy đập Kakhovka ở miền nam Ukraine. Kẻ nào chịu trách nhiệm về hành động này? Chuyên gia an ninh và cố vấn chính trị Nico Lange cho rằng Nga đã có một "hành động tuyệt vọng". Ông giải thích Nga được lợi lộc gì từ hành động này.
WELT: Thưa ông Lange, ai đứng sau vụ phá đập Nowa Kachowka?
Nico Lange: Kể từ mùa thu năm ngoái, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy phía Nga đang chuẩn bị cho nổ tung con đập này. Bằng cách phá hủy con đập, Nga có thể câu giờ và tước đi các lựa chọn phản công của Ukraine ở khu vực này. Giờ đây họ có thể sử dụng các nguồn lực từ phía tây nam để củng cố tiền tuyến ở khu vực Zaporizhia, và có thể cả ở phía đông, bởi vì không còn bất kỳ mối đe dọa nào về việc Ukraine thực sự băng qua Dnepr
WELT:Nhưng liệu nước tràn dâng có thể cầm chân quân đội Ukraine trong hơn một vài ngày?
Lange: Những hành động tuyệt vọng như vậy có khả năng phá vỡ động lực và giành thời gian về chiến thuật để tổ chức lại lực lượng của chính mình. Sự chậm trễ một vài ngày có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể cho Nga. Chúng ta biết đã có những ví dụ lịch sử: Vụ nổ đập Urfttal và việc đóng đập Schwammenauel đầu năm 1945 đã trì hoãn đáng kể bước tiến của quân Mỹ qua vùng Rur. Trong kế hoạch quân sự của mình Ukraine chắc chắn đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy. Việc Nga đưa ra lựa chọn này ít nhất cũng sẽ gây ra một số khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine.
WELT: Việc phá hủy con đập này cũng ảnh hưởng đến sự cung cấp nước cho bán đảo Crimea đã bị sáp nhập vào Nga. Đó có phải là lập luận để bác bỏ sự cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy con đập?
Lange: Nga không kiểm soát hồ chứa nước này và kênh đào nối liền kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp Crimea, nhưng từ năm 2022, khi quân đội của họ tiến đến vùng này. Về trung hạn, việc phá hủy sẽ gây ra vấn đề đối với việc cung cấp nước cho Crimea và cả Berdyansk bị chiếm đóng, nhưng điều này không có ý nghĩa quyết định đối với Nga.
WELT: Nga trước đây đã cáo buộc Ukraine tấn công đập bằng bệ phóng tên lửa Himar. Liệu Himars hoặc pháo binh có thể phá hủy một cấu trúc như thế nào vào thời điểm này không?
Lange: Theo những gì tôi biết, Himar đã bắn trúng cầu Antonivka gần Kherson. Cây cầu này được biết là đã bị hư hại nhưng không bị phá hủy. Tôi không biết về bất kỳ cuộc tấn công nào của Himars vào đập Nowa Kachowka. Không có bằng chứng nào trong các video về con đập cho thấy đây là các cuộc tấn công bằng pháo binh hoặc Himar. Với quy mô lớn của con đập, những cuộc tấn công bằng pháo binh sẽ là không đủ. Rõ ràng sự tàn phá không xảy ra từ trên cao, mà ở sâu hơn bên dưới, có thể trong một khoang để tua-bin.
WELT: Hậu quả của việc phá hủy con đập đối với người dân Ukraine và mặt khác đối với kế hoạch quân sự của Ukraine là gì?
Lange: Hậu quả nhân đạo lớn nhất là đối với người dân Ukraine ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở tả ngạn sông Dnipro, ở khu vực phía đông nam Kherson. Bởi vì, thật không may, người ta phải cho rằng quân chiếm đóng Nga sẽ rút đi, nhưng sẽ không giúp đỡ dân thường Ukraine. Về kế hoạch quân sự, tôi nghĩ đó là một trong những kịch bản mà Ukraine đã tính đến. Ukraine sẽ có cách để đối phó.
WELT: Quân đội Ukraine có thể đối phó như thế nào?
Lange: Ukraine có thể phải trì hoãn phản công, giống như quân Đồng minh đã làm ở Rur. Do các hoạt động của Ukraine đang diễn ra, tôi không muốn đưa ra đánh giá công khai về các chi tiết có thể.
WELT: Hậu quả của việc phá hủy con đập của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia do Nga kiểm soát là gì?
Lange: Có rất nhiều đồn đoán về nhà máy điện hạt nhân này. Hồ chứa của đập thực sự thuộc về dự trữ cung cấp nước cho nhà máy điện hạt nhân. Nhưng nhà máy điện ở Enerhodar, cách đó khoảng 140 km về phía thượng lưu. Con sông chảy thẳng qua nhà máy điện hạt nhân và hiện đang cung cấp đủ nước. Các bể chứa nước làm mát của nhà máy điện hiện đã đầy và tại thời điểm này không có kịch bản nào có thể lường trước được rằng sẽ cần phải dự trữ thêm nước.
Nico Lange đã làm việc cho sáng kiến “Zeitwende” tại Hội nghị An ninh Munich kể từ tháng 7 năm 2022