Ngày rước lửa truyền thống Đông Du - Đông Tiến

Le Thien|

Nhân dịp Tiết Thu phân tảo mộ, đoàn rước lửa của cộng đồng người Việt tại Nhật đã xuất phát từ ngôi mộ chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông Du tại khu nghĩa trang Zoshigaya, Tokyo vào lúc 8h30 sáng ngày 20/9/2020. Trước đó đã có nhiều anh chị em trong ban tổ chức đến dọn cỏ, đặt hoa và làm sạch lại mộ phần. Ngay trước lúc xuất phát, một cựu sinh viên cư xá Đông Du đã phát biểu giới thiệu sơ lược phong trào Đông Du cùng với những hoạt động đầy gian khổ của nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Một số chi tiết khá mới lạ, ít người biết đến về ngôi mộ này cũng đã được kể ra cùng với những bài học mà hậu thế đáng phải noi theo. Ngọn lửa yêu nước thắp lên từ ngôi mộ sau đó đã được trao lại cho đoàn tuần hành rước đi suốt đoạn đường 12.5 km để mang đến bia tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến trong chùa Gotokuji.

Đúng 115 năm trước, cụ Phan đã bôn ba đến Nhật Bản để tìm sự trợ giúp, mưu cầu độc lập dân tộc. Việc không thành, nhưng chính tại Nhật Bản, sau khi đàm đạo thảo luận với các nhà cách mạng và chính khách tại Đông Á, cụ Phan đã thêm một lần nữa xác định rõ nhu cầu song hành ĐỘC LẬP DÂN TỘC và CANH TÂN ĐẤT NƯỚC bằng chính sức mạnh của người dân Việt Nam.

 

Di sản của cụ Phan và phong trào Đông du, ngoài khối lượng đồ sộ về thư tịch và tư tưởng, nhưng lớn nhất vẫn là bài học dấn thân, lời nói đi đôi với hành động cũng như lòng nhân hậu, thương yêu đùm bọc những chiến hữu của mình trong mọi cảnh nghiệt ngã. Chính lòng yêu nước sắt son và tinh thần đấu tranh bền bỉ của cụ Phan đã tô đậm tình cảm của người dân Nhật dành cho Việt Nam. Hầu hết các học giả nghiên cứu lịch sử tại Nhật Bản đều rất ngưỡng mộ quan tâm đến phong trào Đông Du và dành những chương sách quan trọng mỗi khi viết về lịch sử cận đại.

Gần một trăm năm sau, vào cuối thế kỷ 20, khi đất nước đang rên xiết tuyệt vọng dưới chế độ độc tài Cộng sản, khi nhà nhà khắp nơi ai ai cũng có trong đầu mưu toan vượt biển tìm tự do hòng thoát khỏi vòng kìm kẹp đảng trị, thì đã có những con người hy sinh cuộc sống ấm êm với gia đình vợ con tại những xứ sở phú cường, cùng nhau lập một chiến khu nơi rừng già Đông Dương, mở lối về đất Mẹ, kết nối các lực lượng yêu nước nhằm tạo nên một thay đổi tận gốc rễ của quốc nạn buổi bấy giờ.

Con đường về lại tổ quốc nhuộm thắm máu đào này được gọi là Đông Tiến. Trước buổi lên đường, các kháng chiến quân đã thuộc nằm lòng sách lược “lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí”, để hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh nhằm chinh phục lòng người, tấn công vào trái tim chứ không phải tiêu diệt những thành trì, đồng thời quán triệt rằng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng là tập hợp chính trị mà họ đã tuyên thệ gia nhập mang một sứ mệnh miên viễn: CANH TÂN ĐẤT NƯỚC.
Anh em ơi tiến qua trời Đông,
mai sương tan đón Thái dương hồng
nắng say men lòng rung khắp nước Nam....

Sau khi nhận lửa, đoàn tuần hành đi qua những tuyến phố được nhắc nhiều trong sử sách về phong trào Đông du và chiến dịch Đông tiến như Zoshigaya, Shinokubo, Shinjuku, Gotokuji... Đặc biệt cũng có nhiều mẫu chuyện kỷ niệm về những kháng chiến quân đã từng sống tại Nhật được kể nhau nghe, râm ran trên những đoạn đường đi vừa để quên mệt nhọc, vừa để hiểu hơn cuộc sống đời thường của những hào kiệt phi thường đó.

Cũng nhờ vậy mà cuộc tuần hành hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua khá nhanh, suôn sẻ.
Đứng đợi sẵn trước cổng chùa Gotokuji (Hào Đức Tự), cô Nam Phương đại diện thế hệ Việt tân trẻ đã tiếp nhận ngọn lửa từ chiến hữu đàn anh để mang đến trước bia mộ Anh Hùng Đông Tiến đốt lò lửa thiêng. Sau khi phát biểu trình bày ý nghĩa của sự kiện rước lửa truyền thống năm nay, chị Hà anh Võ, đại diện cơ sở Việt tân tại Nhật đã mời đồng bào và quan khách tham dự dâng hương trước mộ. Khác với mọi khi, nén hương được thắp bằng ngọn lửa thiêng đã khiến không khí buổi lễ thêm phần nghiêm trang. Ngọn lửa cũng giúp mọi người nhận ra rõ hơn, canh tân đất nước không phải là nhiệm vụ của một thế hệ hay thời đại nhất định nào, mà đó là một sứ mệnh miên viễn gắn theo dòng lịch sử bao đời. Đông du – Đông tiến, chính vì thế, bên trên mọi khác biệt do thời đại và thế cuộc, đã chia chung một ước vọng xuyên suốt khi lên đường đi về phương Đông.

Trong phần tâm tình cuối buổi lễ, các đại diện đoàn thể và giới trẻ trong cộng đồng đã bày tỏ niềm cảm kích khi được hòa mình trong không gian mang đậm truyền thống yêu nước của ngày rước lửa. Đông du, Đông tiến không chỉ là những tấm gương tranh đấu dũng liệt, mà còn là sự thôi thúc vô hình giúp các thế hệ kế thừa tiếp tục nuôi chí quang phục quê hương.
Kết thúc buổi lễ, giáo sư Kojima, một thân hữu Nhật bản đồng hành từ những buổi đầu dựng Đảng Việt Tân đã phát biểu: buổi lễ hôm nay thật đáng nhớ, và đáng được khắc ghi vào lịch sử.

FB #ViệtTântạiNhật