Ngày đau của giống nòi Việt Nam, 14 tháng Ba

 

14.3.1988. Tàu Cộng giết 64 người lính Việt Nam, cướp núm cát san hô Gac Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

14.3.2017. Công an mật vụ nhà nước cộng sản Việt Nam giăng quân bủa vây giam hãm những người Việt Nam mang nỗi đau Gac Ma, không cho họ được làm lễ tưởng niệm 64 hồn thiêng Gac Ma.

Từ đêm thứ bảy 11.3.2017, an ninh mật vụ của nhà nước cộng sản Việt Nam như những bóng đêm của một thời lịch sử đau buồn tăm tối đã kéo đến vây hãm quanh nhà tôi.

Ngày 13.3.2017, trong vây hãm của những bóng đêm tăm tối đó, tôi xin post lại bài viết về sự kiện Gac Ma 14.3.1988, về 64 hồn thiêng Gac Ma. Bài viết xin được chia sẻ rộng rãi để mọi người Việt Nam ghi nhớ núm cát san hô ruột thịt của đất Mẹ Việt Nam, Gac Ma, ghi nhớ sự kiện lịch sử Gac Ma – Trường Sa 14.3.1988.

Trường Sa 14.3.1988

Phạm Đình Trọng

Sau khi đánh chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, ngày 19.1.1974, thuộc chủ quyền Việt Nam do nhà nước Việt Nam Cộng hòa quản lí, Tàu Cộng lại ráo riết đưa tàu chiến đến rình rập, uy hiếp quần đảo Trường Sa đã thuộc sự quản lí của nhà nước cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1988 hoạt động quân sự của Tàu Cộng ở Trường Sa càng dồn dập, hung hăng hơn.

Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã lên kế hoạch đưa quân lên giữ một số bãi cát san hô chưa nổi hẳn khỏi mặt nước biển nhưng giữ vị trí tạo thế liên hoàn, khép kín cụm quần đảo và trấn giữ hành lang từ đất liền ra Trường Sa. Chiến dịch CQ88, chủ quyền 88 được lặng lẽ và gấp gáp triển khai.

Ngày 26 tháng một,1988, Việt Nam đưa quân lên giữ bãi cát Tiên Nữ.

Lập tức ngày 31 tháng một, 1988, Tàu Cộng đổ quân lên chiếm bãi cát Chữ Thập của Việt Nam..

Liên tiếp các ngày 5 tháng hai, ngày 6 tháng hai và ngày 18 tháng hai, Việt Nam lần lượt đưa quân lên giữ các bãi đá Lát, đá Lớn, đá Đông. Tức thì ngày 18 tháng hai, Tàu Cộng liền đổ quân chiếm bãi Châu Viên và ngày 26 tháng hai, Tàu Cộng chiếm bãi Ga Ven của Việt Nam.

Ngày 27 tháng hai, hải quân Việt Nam lên giữ bãi cát Tốc Tan thì ngày 28 tháng hai Tàu Cộng đổ quân chiếm bãi Huy Gơ.

Đầu tháng ba năm 1988, Tàu Cộng đưa hạm đội mạnh với 16 tàu uy lực nhất của Tàu Cộng lúc đó đến Trường Sa gồm một khu trục lên lửa, bảy tàu hộ vệ tên lửa, hai tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, ba tàu vận tải, một tàu kéo theo một pông tông (cầu cảng nổi) lớn. Ý đồ gây hấn xâm lược Trường Sa, cướp đảo Việt Nam của Tàu Cộng đã không cần giấu diếm. Và cụm cát san hô đang nổi lên Gac Ma, Cô Lin, Len Đao ở chính giữa quần đảo Trường Sa sẽ là mục tiêu tiếp theo của họ. Chiếm được cụm Gac Ma, Cô Lin, Len Đao họ sẽ tạo được sự liên kết liền mạch với các đảo đã chiếm được từ trước, tạo thế đứng chân vững chắc ở Trường Sa, uy hiếp cả quần đảo và không chế hành lang nối đất liền Việt Nam với Trường Sa.

Đọc được tình thế, diễn biến trận đấu cân não, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam liền gấp gáp đưa quân ra trấn giữ cụm bãi san hô trọng yếu Gac Ma, Cô Lin, Len Đao còn lập lờ khi nổi khi chìm trên biển.

Chấp hành mật lệnh không được nổ súng từ cấp cao nhất trong quân đội, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ tung hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và tàu đổ bộ cổ lỗ HQ 505 chở hàng hậu cần, vật liệu xây dựng hầm hào, lương thực, thực phẩm cùng một lực lượng nhỏ, 70 lính công binh của trung đoàn công binh hải quân 83, 4 cán bộ đo đạc thuộc cục bản đồ bộ Tổng Tham mưu và một đơn vị tác chiến nhỏ nhoi, 22 lính chiến đấu thuộc lữ đoàn 146 chỉ có súng cá nhân AK với cơ số đạn ít ỏi do lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy.
 


Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó ra lệnh không được nổ súng

Tàu vận tải HQ 605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy tiến đến đảo Len Đao. Tàu đổ bộ HQ 505 theo sự dẫn dắt của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chốt giữ Cô Lin. Tàu vận tải HQ 604 với thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đến giữ Gac Ma.

Chiều ngày 13 tháng ba, tàu HQ 604 vừa thả neo cạnh Gac Ma thì hai tàu hộ vệ của Tàu Cộng áp sát gọi loa đòi Việt Nam rút quân khỏi Gạc Ma rồi hai tàu giặc nối nhau chạy vòng quanh doi cát san hô Gac Ma mong manh như dúm bọt sóng trên biển.

Trong đêm 13 tháng ba, tốp lính công binh thuộc trung đoàn 83 lặng lẽ và gấp gáp chuyển vật liệu xây dựng lên Gạc Ma. Lực lượng chiến đấu nhỏ bé của lữ đoàn 146 cũng triển khai trên đảo.

Mờ sáng ngày 14 tháng ba, bốn tàu chiến của Tàu Cộng lừng lững tiến đến Gạc Ma. Bốn xuồng nhôm chở đầy lính Tàu Cộng súng lăm lăm trong tay, đè sóng tiến vào đảo. Nếu được trang bị vũ khí phòng thủ cần thiết và được nổ súng, bốn xuồng nhôm trần trụi và mỏng manh cùng lũ lính Tàu Cộng như những tấm bia ở trường bắn đã bị chặn đứng và nhấn chìm xuống đáy biển. Nhưng lính cuốc sẻng công binh trung đoàn 83 Việt Nam gần như tay không phải lùi dần và co cụm giữa đảo. Nhóm nhỏ lính lữ đoàn 146 có AK trong tay nhưng không được bắn cũng trở thành tay không! Thấy hải quân Việt Nam không phản ứng, chỉ thúc thủ, lính Tàu Cộng liền ào đến cướp lá cờ Việt Nam. Lá cờ bị giằng đi, giật lại, thiếu úy Trần Văn Phương liền quấn lá cờ quanh người, lấy tính mạng ra giữ lá cờ, giữ chủ quyền hòn đảo. Tiếng súng chát chúa bỗng đột ngột quất lên. Những chớp lửa lóe lên từ nòng súng trong tay lính Tàu Cộng. Thiếu úy Trần Văn Phương và hàng loạt chiến sĩ Việt Nam đổ gục. Gac Ma bị Tàu Cộng cướp mau lẹ chỉ sau loạt súng bắn thẳng đầu tiên rộ lên của lính Tàu Cộng.

Từ những chiến hạm Tàu Cộng, hàng trăm tên lính xâm lược tràn lên Gạc Ma cùng lúc với những loạt đạn pháo các cỡ từ chiến hạm Tàu Cộng xối xả dập xuống tàu HQ 604. Tàu vận tải HQ 604 không có pháo chống trả, như tấm bia tập bắn của lính Tàu Cộng, bị xé nát và chìm dần xuống biển.

Thuyền trưởng, đại úy Vũ Phi Trừ, lữ đoàn phó 146, trung tá Trần Đức Thông, thiếu úy Trần Văn Phương cùng hàng chục chiến sĩ Việt Nam chết gục dưới làn đạn của lính Tàu Cộng. Máu của họ thấm đỏ cát san hộ Gac Ma, loang đỏ nước biển Trường Sa. Đó là ngày 14 tháng ba, năm 1988, ngày đau buồn của lịch sử Việt Nam, ngày núm cát san hô Gac Ma của Tổ quốc Việt Nam rơi vào tay Tàu Cộng, ngày những người Việt Nam chân chính khắc ghi vào lòng cái tên Gac Ma ruột thịt của đất Mẹ Việt Nam.

Trên tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin cách Gạc Ma hơn ba hải lí, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ theo dõi thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch và Tàu Cộng đã bắn chìm tàu HQ 604. Rồi HQ 505 cũng không tránh khỏi số phận như HQ 604.


Thuyền trưởng Vũ Huy Lê (hàng đầu thứ 2 từ trái ) cùng các thủy thủ tàu HQ-505.

HQ 505 chìm, người lính giữ đảo vùi xác dưới đáy biển, Cô Lin không còn bóng người lính Việt Nam cũng sẽ rơi vào tay Tàu Cộng. Nhận ra tình thế tất yếu đó, thuyền trưởng Lễ liền lệnh nhổ neo rồi phóng hết tộc độ, lao tàu lên đảo. Con tàu cùng với toàn bộ thủy thủ sẽ quyết ở lại với đảo. HQ 505 trườn được hai phần ba thân tàu lên thềm san hộ bao quanh đảo thì tàu bị bắn cháy. Con tàu tiếp tục hứng đạn của Tàu Cộng nhưng tàu đã trườn lên, ôm ghì được núm cát san hô của Tổ quốc Việt Nam, không bao giờ chìm. Con tàu không chìm cùng những người lính sống sót trên tàu đã giữ vững được núm cát nhỏ nhoi mà thiêng liêng Cô Lin và những người lính quả cảm trên đảo Cô Lin còn đưa xuồng ra biển vớt những người lính bị thương từ tàu HQ 604, từ Gạc Ma đang trôi dạt trên biển.

Tàu HQ 605 giữ núm cát Len Đao cũng bị quân Tàu Cộng bắn cháy và chìm rạng sáng 15 tháng ba. Nhưng dường như Tàu Cộng chỉ tập trung đánh chiếm Gạc Ma nên không đổ quân lên Cô Lin và Len Đao.

Giặc Tàu Cộng tràn lên cướp đảo. Những người lính Việt Nam giữ đảo có mấy khẩu súng cá nhận trong tay mà không được bắn, họ chỉ còn cách lấy sức người giành giật lá cờ chủ quyền với giặc rồi giơ ngực hứng đạn của giặc, nhận lấy cái chết tan xác, bỏ lại đảo cho giặc làm chủ. Quân chết, đảo mất vì cái lệnh không cho người lính giữ đảo nổ súng vào kẻ xâm lược cướp đảo.

Ngày nay người dân nói tiếng nói của lịch sử Việt Nam, nói tiếng nói của trái tim Việt Nam yêu nước: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, người dân biểu tình lên án Tàu Cộng xâm lược, người dân tập hợp tưởng niệm, ghi ơn những người lính đã chết trong cuộc chiến đấu giữ Gac Ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa đều bị công an nhà nước cộng sản Việt Nam bắt bớ, tù đày, bị ngăn cản, phá đám, bị công an chặn cửa không cho ra khỏi nhà!

Ôi lịch sử Việt Nam, dân tộc Việt Nam có bao giờ đau thế này chăng!

Phạm Đình Trọng