Nụ cười của Ba Dũng trong đám tang ông Trọng

Nguyễn Công Bằng|
 
Đám tang linh đình của ông Nguyễn Phú Trọng rồi cũng đã qua đi, nhưng những bàn tán về nó vẫn còn chưa dứt. Nhiều chuyện lắm, ví dụ như đảng cộng sản tuyên bố quốc tang trong hai ngày 25, 26/7, thế nhưng trên thực tế thì kể từ khi đảng tuyên bố là ông Trọng đã chết, cả nước đã bị buộc phải quốc tang dù muốn hay không.

Rồi cũng có nhiều chuyện khác để nói, ví như trong bài đáp từ của Nguyễn Phú Trường - con trai ông Trọng, thay mặt gia đình ông Trọng, có nhắc một chi tiết là “từ khi bố cháu bị bệnh, đã nhận được nhiều sự quan tâm hỏi thăm của các cấp lãnh đạo, nhân dân trong và ngoài nước, các bạn bè quốc tế…” Chuyện này thật nực cười, vì có người dân hay bạn bè quốc tế nào biết được tình trạng sức khoẻ của ông Trọng đâu, đến khi ông Trọng được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, tất cả mọi người dân mới nháo nhào đoán mò là có khi ông này sắp chết hay là đã chết rồi cũng nên, mãi sau đảng mới chính thức công bố là ông Trọng đã không còn.

Đương nhiên là cũng có những người tiếc thương ông Trọng, nhưng không phải cả 100 triệu dân Việt Nam đâu nhé. Khối người còn chả biết ông Trọng là ai, thế mà báo chí và lãnh đạo cứ “nhét chữ vào mồm” nào là tất cả người dân Việt Nam đều tiếc thương vô vàn…

Nhờ đám tang ông Trọng, người ta gặp lại nhiều vị lãnh đạo đã “mai danh ẩn tích” bấy lâu nay. Nào là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ… Đặc biệt, có cả Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng… cũng có mặt.

Không biết có mấy ai tiếc thương ông Trọng, chắc là có các cụ hưu trí, cả đời chỉ biết coi TV, nên thần tượng “người đốt lò”, nhưng chắc chắn có nhiều người quyền cao chức trọng, giả bộ đau buồn, chứ trong lòng như mở cờ trong bụng.

Một hình ảnh vô cùng đặc biệt, in sâu vào ấn tượng của nhiều người, đó là khi tang gia bối rối, nhiều người thể hiện đúng kiểu “mặt như đưa đám” trước linh cữu ông Trọng thì cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại có một nụ cưới nhếch mép đầy ẩn ý. Ông Dũng dường như đã cố tình khi mặt hướng lên và nhìn thẳng vào ống kính của báo chí.

Nhìn nụ cười của Nguyễn Tấn Dũng, có thể đoán định nhiều điều. Những ai am hiểu về chính trường Việt Nam đều biết rõ ông Nguyễn Tấn Dũng là kẻ thù truyền kiếp của ông Trọng.

Ông Trọng vốn xuất thân từ sinh viên khoa Văn, sau lên tới chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Lúc đó, do chỉ là một người giáo điều và lý thuyết suông, cho nên mới mang danh là “Trọng lú”. Sau khi Nông Đức Mạnh phải kết thúc sau hai nhiệm kỳ Tổng Bí thư, Tư Sang (Trương Tấn Sang - Cựu Chủ tịch nước) cùng Hùng hói (Nguyễn Sinh Hùng - Cựu Chủ tịch Quốc hội) và Ba Dũng (Nguyễn Tấn Dũng - Cựu Thủ tướng) đã đấu đá dữ dội, không ai chịu ai, vì thế cả ba đồng ý đưa Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư, vì nghĩ rằng, Trọng lú thì chả làm được gì, chỉ là “hữu danh vô thực” thôi.

Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ dân công an cho nên rất giỏi dùng những đòn hiểm mà chỉ dân công an mới biết. Dũng đã dùng chiêu để buộc Phan Văn Khải phải nghỉ sớm để ông ta tiếp quản chức vụ Thủ tướng. Nắm cái ghế Thủ tướng, Ba Dũng đã xây dựng cho mình một đế chế, khuynh đảo toàn bộ chính trường Việt Nam. Dưới thời Ba Dũng, giống như Tập Cận Bình hiện nay, ông ta chỉ tin dùng lực lượng an ninh, tình báo của Bộ Công an. Em vợ của ông ta, Tư Liêm lúc đó là Tổng cục phó Tổng cục tình báo, Bộ Công an, chưa kể giàn Phạm Minh Chính, Tô Lâm và Trần Đại Quang đều là đàn em của Ba Dũng.

Độ tham nhũng của Ba Dũng thì khỏi phải bàn. Có thể kể hai vụ rất lớn của Ba Dũng dưới sự câu kết của Nông Đức Mạnh, thứ nhất là vụ khai thác Bô xít ở Tây Nguyên và thứ hai là vụ mở rộng thành phố Hà Nội.

Vụ Bô xít Tây nguyên thì lúc ấy rất nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, về sau này tất cả cảnh báo đó đều đúng, nhưng Ba Dũng và Nông Đức Mạnh đã phớt lờ tất cả. Ba Dũng còn chỉ đạo cho Bộ Công an vào cuộc, sẵn sàng bắt bớ những ai dám nói khác về dự án này, cho dù là phản biện một cách khoa học.

Vụ mở rộng Hà Nội thì cũng ngoạn mục không kém, gần như toàn bộ tỉnh Hà Tây được nhập vào Hà Nội, nên có chuyện Thành phố thủ đô mà bò đi hàng đàn trên đường quốc lộ. Nhiều đại biểu quốc hội đã gay gắt chống lại quyết định này, vì nó chỉ có lợi cho một số đại gia đang nắm quỹ đất lớn trong tay, chứ không giúp ích gì cho dân. Nắm được thông tin này, Ba Dũng đã bàn và giao cho Nông Đức Mạnh can thiệp. Mạnh mượt đã giao cho Phó Chủ tịch Quốc hội khi đó là Uông Chu Lưu làm một cuộc bỏ phiếu nháp (dù điều này không được pháp luật cho phép). Thấy hơn phân nửa số lượng đại biểu Quốc hội không tán thành, nhắm chừng nếu bỏ phiếu chính thức sẽ thất bại, Mạnh mượt (Nông Đức Mạnh do lúc nào tóc cũng chải mượt nên dân Hà Nội gọi vui là Mạnh mượt) đã gọi từng trưởng đoàn đại biểu Quốc hội vào gặp riêng và chỉ thị, đây là quyết định của Bộ Chính trị, nên đồng chí nào không tuân thủ tức là chống lại Bộ Chính trị và chống lại đảng. Các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đã về quán triệt các đại biểu Quốc hội dưới quyền mình, buộc tất cả phải bỏ phiếu thông qua. Cuối cùng, quyết định này đã được hơn 90% đại biểu Quốc hội tán thành.

Ba Dũng với sự tiếp tay của Nông Đức Mạnh đã thao túng chính trường Việt Nam để mưu lợi riêng như vậy.

Khi Nguyễn Phú Trọng giữ chiếc ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên năm 2011, Trọng đã nung nấu kế hoạch triệt hạ Ba Dũng. Trọng đã thuyết phục được Bộ Chính trị đồng ý kỷ luật Ba Dũng, nhưng đến khi ra Ban Chấp hành Trung ương thì Ba Dũng đã dùng tiền và quyền cộng với sự đe doạ, đã khiến các Uỷ viên Trung ương bỏ phiếu kỷ luật Ba Dũng không đủ số lượng cần thiết, và Ba Dũng vẫn ngang nhiên nắm cái ghế Thủ tướng đầy quyền lực trước sự bất lực của Tổng Trọng.

Sau này, Trọng đã trừng phạt Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bằng cách yêu cầu sắp xếp lại. Dần dần, Trọng đã nắm được cả hai bộ này, và đưa hàng loạt đàn em của Ba Dũng vào lò.

Nhân vật cộm cán đầu tiên là đàn em của Ba Dũng bị vào lò là Đinh La Thăng, lúc đó đang là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, Uỷ viên Bộ Chính trị. Để bắt được Thăng, Trọng đã chỉ đạo cho Bộ Công an sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, để lấy lời khai và nhân chứng nhằm hạ gục Đinh La Thăng.

Các nhân vật kinh tài cho Nguyễn Tấn Dũng cũng bị bắt sau này như Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng BIDV, sau chết bất đắc kỳ tử trong tù. Trần Bắc Hà được coi như một ông vua con, dù chết trong tù nhưng tài sản còn được bảo toàn nguyên vẹn. Tài sản của ông ta có ít nhất là 15 ngàn tỉ VND.

Nhân vật kinh tài nổi tiếng khác cho Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê, cũng phải ngồi tù mất 7 năm, cho dù trước đó là kẻ bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, người mà Trọng muốn tiêu diệt nhất là Ba Dũng thì không hề hấn gì, thậm chí năm 2019, khi Trọng vào kinh lý tại Kiên Giang - quê nhà của Ba Dũng (Con trai lớn của Ba Dũng là Nguyễn Thanh Nghị lúc đó đang là Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang), đàn em của Ba Dũng đã dùng đòn độc để ám sát Trọng, đó là mở sẵn phòng máy lạnh 16 độ C, rồi đưa Trọng đang từ trời nắng chang chang, tầm hơn 30 độ C, vào thẳng phòng máy lạnh, khiến Trọng đã bị tai biến nhẹ, nhưng không ai có thể quy trách nhiệm cho nhóm Ba Dũng được.

Trọng đã lao tâm khổ tứ, sang tận Trung Quốc học chiêu bài “đả hổ diệt ruồi” về để nhằm diệt Ba Dũng, nhưng cho đến lúc Trọng chết đi rồi, Ba Dũng vẫn cứ sống phây phây, hai con trai của Ba Dũng vẫn thăng tiến ầm ầm trên quan lộ.

Chính vì thế, nhiều người hiểu thâm ý của Ba Dũng sau nụ cười bí hiểm của ông ta trước linh cữu Nguyễn Phú Trọng, đó là Ba Dũng muốn nói rằng, cho tới lúc ông chết thì ông cũng chẳng làm được gì tôi, Trọng lú ạ.
 
Nụ cười của Ba Dũng báo hiệu chiến dịch đốt lò của Trọng đã thất bại và có lẽ cũng sẽ sớm chấm dứt, theo cái chết của ông ta thôi.