Nền giáo dục Việt Nam thua cả 1 cái chợ!

Hoa Nghi -VNTB|

Một học sinh tại trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh liên tiếp đánh đập, đạp nhiều lần vào người và lột hết quần áo để quay clip.

Nếu Hào Anh – cậu bé bị chủ đầm tôm bạo hành đến mức biến dạng vào năm 2009 – 2010 gây chấn động dư luận về mức độ tàn bạo của những con người với nhau, sự vô cảm của các cơ quan – đoàn thể tại nơi Hào Anh bị bạo hành thì việc 5 học sinh liên tiếp đánh đập và uy hiếp tinh thần trực tiếp tại Hưng Yên chính là bức tranh của nạn bạo lực học đường, nạn vô cảm và bệnh thành tích trong giáo dục.


Nhà trường cố gắng giảm nhẹ hành vi bạo lực và bị bạo lực của một đứa trẻ tiểu học bằng cụm từ “đánh sơ sơ”. Chính điều này, đã khiến gia đình nạn nhân đã không làm căng, cho đến khi video clip tàn bạo được tung lên mạng.

Từ “đánh sơ sơ” cho đến chia sẻ đến vô cảm của Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng, ông Nhữ Mạnh Phong, “vì em hiền lành quá” và “không có gì ghê gớm”. Chính những quan điểm như thế này đã tạo ra môi trường bạo lực nơi học đường, nơi mà đứa trẻ không phải tìm đến để học hành và được truyền đạt kiến thức, nhân phẩm, mà là để đấu đá lẫn nhau. Nơi mà những con người “hiền lành” không có chỗ đứng, thay vào đó là những “đại bàng, đầu gấu”, nơi công tác quản lý, giám sát hoàn toàn bị buông lỏng và sẵn sàng buông lỏng để đạt đến sự lu mờ về mặt nhân cách và phẩm chất người nhà giáo.

Trong khi người đứng đầu nhà trường tìm cách bao biện, thì giáo viên chủ nhiệm tiếp tục không xứng đáng là người lớn hoặc ít nhất là một nhà giáo, khi cho rằng, cô không hề biết nữ sinh bị đánh do nạn không không báo cáo với cô. Tất nhiên, vì nạn nhân “quá sợ hãi”, nhưng từ đây có thể đặt ra trách nhiệm và năng lực của một người quản lý lớp. Và trên cả là thái độ tránh né, bao biện, đổ lỗi của một người lớn đối với nạn nhân – vốn là một đứa trẻ. Chính vì vậy, quan điểm của Chủ tịch UBND Hưng Yên cho biết sẽ xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, kỷ luật hội đồng Sư phạm liên quan sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng trong buổi làm việc với trường sáng ngày 31.03 là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để xác lập lại “trường phải là trường”.

THCS Phù Ủng hiện diện như là một biểu hiện thực chất của khối ung nhọt ngành giáo dục hiện tại, nơi mà hiếm hoi sự “nhân bản, khai phóng” cần thiết, trong khi đủ đầy những “thành tích, giả dối, và bạo lực”.

Một nền giáo dục sẵn sàng nhiều lần dung thứ cho cái sai, bao che nó và triệt hạ những tiếng nói liên quan đến lương tâm, trách nhiệm. Nơi mà kẻ đồng và có quyền trở thành vai vế quan tòa, và những người nhỏ bé – thấp cổ bé họng trở thành bị cáo.

Cách đây không lâu, cô giáo “im như thóc” Trần Thị Minh Châu, người đi ngược lại với các giá trị giáo dục, người phá hỏng hình tượng người nhà giáo được chính Nhà trường “bảo vệ tuyệt đối”, trong khi em Phạm Song Toàn – người đứng ra và lên tiếng trước sự tiêu cực của cô giáo này lại bị áp lực đến mức chuyển trường. Nhưng kết quả của việc dung hòa cái xấu, rượt đuổi điều tốt đẹp đó là gì? Đó là đến tháng 3.2019, cô giáo Trần Thị Minh Châu tiếp tục thách thức lương tri, kỷ luật, đạo đức nhà giáo bằng việc ném vở, bài kiểm tra của học sinh. Điều này cho thấy rằng, khi cái tốt đặt không đúng chỗ, nó tiếp tục nảy nở và trở thành ung nhọt (xấu xí và bệnh hoạn) trong ngành.

Nền giáo dục Việt Nam, như cách Phật giáo, đã và đang tiếp tục “đổ đốn, hư hỏng” bởi sự quan tâm không đúng mức và thiếu đi một tinh thần đúng đắn trong định hướng phát triển. Giáo dục Việt Nam trở thành cái chợ để mặc cả điểm số, thành nơi để giáo viên tha hóa, học sinh bạo lực, và hệ thống quản lý ưa chuộng những con số đẹp khi báo cáo cấp trên.

Nền giáo dục Việt Nam, nơi mà tỉ lệ tiêu cực và đánh nhau còn hơn cả một cái chợ (vốn xô bồ và đầy rẫy những va chạm trong xã hội). Và trong khi nền giáo dục cần một sự chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, nạn bạo lực học đường, thì người đứng đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ lại chỉ thể hiện “kỳ vọng học sinh đi học được hạnh phúc”. Một sự kỳ vọng, thay vì là một tổng tư lệnh ngành phải đặt mục tiêu và tiến hành hành động.

Và nền giáo dục tiếp tục đổ đốn, như một minh chứng cho tính “chắp vá, ăn cướp” của định hướng XHCN!?