Manh Kim
Khó có thể quên những tên tuổi khổng lồ Thích Minh Châu, Kim Định, Vũ Văn Mẫu, Tôn Thất Thiện, Bửu Lịch, Nguyễn Xuân Lại, Ngô Trọng Anh, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm, Ngô Trọng Anh, Vũ Khắc Khoan, Bửu Lịch, Tôn Thất Thiện… Họ là những người nhẹ nhàng đặt từng viên gạch nặng chịch góp phần dựng lên tòa lâu đài tư tưởng vĩ đại của Phật học, trên nền tảng triết lý “Duy Tuệ Thị Nghiệp” (tạm hiểu: lấy việc phát triển trí tuệ làm căn bản). Tiếc thay, tòa lâu đài dang dở đã bị đánh sập sau năm 1975.
Thập niên 1960 và nửa đầu những năm 1970 là sự bùng nổ của sách triết học và Phật học tại miền Nam. Trong Văn học miền Nam tổng quan, ông Võ Phiến thuật: “Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ (xuất bản từ tháng 7/1965), tạp chí Vạn Hạnh (xuất bản từ tháng 1/1970), Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà xuất bản Lá Bối (ra đời tháng 10/1964), bấy nhiêu cơ sở văn hóa qui tụ văn nghệ sĩ, trí thức để phát huy ảnh hưởng văn hóa Phật giáo. Ảnh hưởng ấy rộng rãi và mạnh mẽ… Ngoài ra nhiều nhà xuất bản khác cùng đua nhau in sách về Phật, về Thiền của những Suzuki, Krishnamurti, sách dịch Chí tôn ca (Bhagavad Gita)… Hương thiền tỏa rộng và thấm sâu vào thi ca”…
Bằng chứng rõ nhất của sự phát triển rực rỡ nền Phật học tại miền Nam trước 1975 là sự ra đời Viện Đại học Vạn Hạnh. Thành lập năm 1964, Vạn Hạnh là đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Từ sĩ số niên khóa đầu với 700 sinh viên, đến năm 1975, Vạn Hạnh đã có gần 14.000 sinh viên. Đóng góp của Vạn Hạnh không chỉ với Phật học. Đại học này còn có phân khoa Văn học, Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Ngôn ngữ…
Chỉ sau vài năm thành lập, Vạn Hạnh đã nổi như cồn, trở thành hội viên Hiệp hội Đại học Đông Nam Á lẫn Hiệp hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á. Vạn Hạnh quy tụ gần như đầy đủ tinh hoa trí tuệ thuộc hàng thâm sâu và uyên bác nhất của nền học thuật khai phóng miền Nam, trong đó có ông Phạm Công Thiện, người được thầy Viện trưởng Thích Minh Châu giao nhiệm vụ soạn tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968.
Ông Phạm Công Thiện sinh năm 1941. Khi viết cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma và về làm việc cho Vạn Hạnh năm 1964, ông Phạm Công Thiện chỉ mới 23 tuổi và chưa từng tốt nghiệp bất cứ trường đại học nào. Vạn Hạnh không chỉ giảng dạy. Đây là nơi khai sinh ra tạp chí Tư Tưởng. Gọi là “tạp chí” nhưng ấn phẩm này là tập sách khảo cứu nặng ký cả nghĩa bóng lẫn đen. Có quyển dày đến gần 500 trang!
Lấy “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm kim chỉ nam, Viện Đại học Vạn Hạnh lẫn tạp chí Tư Tưởng đã thắp lên ngọn đuốc khai phóng cho nền học thuật nước nhà. Ấn bản tháng 3/1973, chủ đề của Tư Tưởng là “Hướng về Quốc học”; ấn bản tháng 8/1969 là “Số đặc biệt về xã hội học và chính trị học”; ấn bản tháng 6/1973 là “Giáo dục cho ngày nay và ngày mai” (với các tác giả Thích Nguyên Hồng, Vũ Đức Bằng, Nguyễn Văn Trường, Đoàn Viết Hoạt, Phan Hồng Lạc, Lê Kim Ngân)…
Ngọn đuốc Vạn Hạnh nói riêng và Phật học nói chung đã tắt phụt sau 1975. Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích nữ Trí Hải bị tù. Vạn Hạnh bị xóa sổ. Phật học không rơi vào “hố thẳm tư tưởng” mà lọt sâu xuống hố trầm luân. Cần nhắc lại, chỉ 5 năm sau khi thành lập, Viện trưởng Vạn Hạnh, thầy Thích Minh Châu, đã có thể tự hào kể: “Đại Học Vạn Hạnh tuy mới năm tuổi, nhưng đã ghi được một vài tiến bộ đáng kể… Mặc dù hãy còn nhỏ bé, Đại Học Vạn Hạnh cố gắng bao gồm tất cả những phạm vi hoạt động của một trường đại học kiểu mẫu. Thư viện Đại học chiếm gần trọn lầu 3 và 4 của tòa nhà. Đó là một trong số những thư viện lớn và tối tân nhất ở Việt Nam… Phòng tham khảo rất hãnh diện có nhiều bộ sách bách khoa và tự điển của nhiều ngôn ngữ, gồm cả Sanskrit, Pali, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa… Tất cả Tam Tạng Kinh điển quan trọng của Phật giáo đều có ở đây: Sanskrit, Pali, Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan (thư viện mới thỉnh thêm bộ Tam Tạng Đại Hàn). Sách phân loại theo hai phân bộ. Phân bộ Phật Học và Phân Bộ Thế Học. Toàn bộ sách của Thư viện bây giờ có khoảng trên 20.000 cuốn…” (dẫn theo tài liệu lưu trữ của Ban tu thư Vạn Hạnh).
Ấy thế, trong bài viết trên trang cá nhân ngày 16/12/2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Hải Khôi (học triết tại Nhật) thuật: “Thư viện Đại học Vạn Hạnh có hàng vạn cuốn phim quay lại bản gốc các cuốn sách cổ của các nền văn minh trong lịch sử… Những cuốn phim đó được lưu trữ trong các thùng bằng nhựa tốt, rất dày. Sau 1975, chiến sỹ ta thực hiện chủ trương vô sản hóa trí thức, tích cực tăng gia sản xuất trong trường đại học, bèn dồn tất cả phim vào một số ít thùng nhựa, số thùng còn lại thì đổ nước vào… nuôi cá. Những thùng nuôi cá vẫn đặt cạnh thùng chứa phim trong thư viện nên chỉ sau vài tháng, tất cả các cuộn phim đều bị mốc, đành phải vứt bỏ”…
“Hơn 10 năm trước, tôi (Nguyễn Lương Hải Khôi) bắt đầu làm việc tại trường đại học đã tiếp quản Đại học Vạn Hạnh, xin được giấy phép vào đọc kho sách ngoại văn trước 1975… Ở hai mảng sách tiếng Anh và tiếng Nhật, thuộc các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, lịch sử…, Vạn Hạnh đã cập nhật những dòng tư tưởng nóng hổi nhất đương thời… Miền Bắc không chỉ giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỷ trước, miền Bắc chúng ta đã giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do. Trong số sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận ra Đại học Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của mình, từ chống cộng sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ Việt Nam Cộng hòa… Tất cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói chống lại hệ thống cộng sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại để cho Đại học Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng? Câu trả lời nằm ở Hiến pháp 1967 của họ: Đại học là tự trị”…
Ở những trang cuối tạp chí Tư Tưởng, số 5, ngày 1/10/1969, có phần “Tin tức Vạn Hạnh”. Đọc lại thấy ghi:
“Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đã kết thúc cuộc thăm viếng và dự hội nghị quốc tế tại 6 nước: Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Áo quốc, Pháp, Anh, Đức đã trở về Sài Gòn vào lúc 12g40 ngày 18 tháng 9 năm 1969 trên chuyến máy bay của hãng Pan Am. Ngoài việc dự Hội nghị về “Hướng nghiệp giáo dục” tại Mễ Tây Cơ và Hội nghị về “vai trò của Đại học trong việc mưu cầu hòa bình” tại Vienne, Áo quốc, Thượng tọa còn ghé Hoa Kỳ thăm sinh viên của Viện hiện đang du học tại Mỹ quốc, ghé Luân Đôn thăm các trường Đại học Anh quốc trong một tuần lễ do lời mời của Bộ Ngoại giao Anh, ghé Đức và Pháp để thăm các cơ sở giáo dục và mời Giáo sư về dạy tại Viện…
Tại Anh quốc…, Trường Giáo dục và Khoa học Á Phi (Deparment of Education and Science School of Oriental and Africa Studies) đã xin đặt sự liên lạc với Thư viện Vạn Hạnh. Bộ Phát triển Hải ngoại hứa cấp Vạn Hạnh 5 học bổng và tặng Thư viện 1 ngàn bảng Anh để mua sách tại Anh. Đại học Oxford hứa sẽ cấp học bổng cho sinh viên Vạn Hạnh. Cơ quan Oxfam hứa giúp thêm cho 2 Cô nhi viện Phật giáo vay số tiền từ 2 triệu đến 3 triệu để lập cơ sở sinh lợi tự túc (lò mì, máy nước đá…) giúp trang bị vật dụng cho một số ký nhi viện, và giúp thành lập một trường Trung học Kỹ thuật cho hệ thống Bồ đề…
Tại Đức, Thượng tọa đã đi thăm vùng Bayern, Viện Đại học Munich, Goethe-Institut, Trung tâm Chính trị học Ludwigstr, Thư viện quốc gia, Đại học Rumfordstr, một trung tâm nguyên tử lực. Viện Đại học Munich đã thỏa thuận đặt sự liên hệ với Viện Đại học Vạn Hạnh (Viện Đại học Munich sẽ mời Đại đức Khoa trưởng Văn khoa và Giáo sư Khoa trưởng Khoa học Xã hội sang thăm Viện Đại học này trong vòng 1 tháng để thảo luận việc đặt sự liên hệ giữa 2 Viện)”.
Cách đây 50 năm, nền Phật học Việt Nam đã phát triển đến mức đó; 50 năm sau những gì Viện Đại học Vạn Hạnh từng làm được, Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay “là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Phật giáo, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCNVN, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM, số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983”. “Phật học XHCN” phải được “rọi chiếu” thêm “ánh sáng của Đảng”.
Cần nhắc lại, trong thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa II (2017-2019), Học viện Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ yêu cầu: đối tượng dự thi là cử nhân Phật học và trong các môn dự thi có “Triết học Phật giáo và Mác-Lênin”! 50 năm trước, Viện Đại học Vạn Hạnh không chỉ đóng góp cho nền học thuật khai phóng và tự do của nước nhà mà còn xây dựng được uy tín cho Phật giáo Việt Nam. 50 năm sau, Học viện Phật giáo của Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm được gì và Phật giáo Việt Nam đã bị biến tướng thành gì?
Có ai còn nhớ lời thống thiết của thầy Thích Minh Châu trong lời mở đầu số ra mắt của tạp chí Tư Tưởng (tháng 8/1967):
“Chúng tôi chỉ muốn lễ độ báo nguy với tất cả chúng ta rằng không phải lời nói là quan trọng, không phải im lặng là quan trọng, mà cũng không phải hành động là quan trọng, cũng không phải vô vi thụ động là quan trọng. Chỉ có một điều duy nhất quan trọng, chỉ có một điều quan trọng tối thượng là mỗi người phải dám nhìn thẳng bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi rằng mình có lường gạt mình bằng những đường lối tinh vi; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tự do trong tư tưởng; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự giải phóng khỏi tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tiêu trừ hết mọi tham vọng, dù là tham vọng tâm linh”…