Một ngày cuối tháng Tư năm 1975, chị tôi - một nữ y sĩ của nhà thương Tân Định - nay gọi là Bệnh Viện Quận I, đóng tại đường Hai Bà Trưng - Quận Nhứt TP.HCM - trở về nhà sớm và nói với má tôi: Ông bác sĩ trưởng vội vã ra sân bay trên chiếc xe hơi riêng, nói với những người xung quanh "có ai đi không thì lên đi với tôi luôn". Con nghĩ, hòa bình rồi, về nhà chứ đi đâu làm gì!". Nghe vậy, má tôi cười hiền và đôi mắt bà ánh lên vẻ hy vọng mang dáng mùa Xuân. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy má mình cười như vậy. Tôi biết, má đang chờ anh trai cả của tôi từ Côn Đảo trở về...
Lần đầu tiên, sau những năm tù tội của ba và anh tôi, cả nhà được quây quần với một cái tết ấm cúng tuy đơn sơ - đó là cái tết năm 1976. Tuy vậy, không lâu sau, tôi biết, đó chỉ là mùa Xuân tạm bợ, bởi ngày 30 tháng Tư năm 1975 không mang lại cái kết thúc có hậu cho gia đình tôi, dám nào nói đến những thường dân Việt Nam Cộng Hòa vô tội, vốn không hề dính dáng gì, trong khi phải trả giá tàn khốc cho cuộc chiến tranh đó. Nói điều này, để tránh tranh cãi về những gì liên quan đến chánh trị - Một khái niệm mà mãi hơn 20 năm về trước, tôi mới bắt đầu có cơ hội (nhờ internet) tự đọc, tự tìm hiểu, tự dạy cho mình, những gì thuộc về Lịch Sử Việt Nam thời hiện đại.
Không phải đợi đến khi ba tôi và người anh "Việt Cộng nằm vùng" bị chính đồng chí của họ vùi dập đến tận cùng, mà bởi cái đói cùng bóng tối phủ trùm trên xứ sở Đô thành Sài Gòn, đã giúp tôi nhận ra sớm hơn nhiều người biết từ câu hát cay đắng "Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?!" của cố nhạc sĩ Lam Phương, cho ra đời vào năm 1984 tại Paris.
Cùng với sự sụp đổ của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, công dân của xứ sở đó cũng tan đàn xẻ nghé, theo mọi nẻo đường mà họ có thể tìm ra, theo các cách khác nhau. Một trong các cách mà thế giới đã gọi tên riêng cho nó - Boat People - Thuyền Nhân.
Lịch Sử Thuyền Nhân Việt Nam kéo dài ngót nghét 2 thập niên, gần bằng thời gian của cuộc chiến tranh dưới cái tên mỹ miều "huynh đệ tương tàn", với kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975...
Dòng người lặng lẽ và âm thầm mà vội vã và rón rén tìm cách chạy trốn, vẫn làm dấy lên nỗi kinh hoàng, từ những câu chuyện kể lại, sau khi may mắn đến được các trại tị nạn ở: Indonesia, Philippines, Thái Lan.
Một trong những lời trao gởi cho nhau vào lúc bấy giờ mà người ta kể lại: "Một là con nuôi má. Hai là má nuôi con. Ba là con nuôi cá". Điều này có nghĩa: Một là con sống và tới được bến bờ tự do để ráng làm lụng và gởi "Một Chút Quà Cho Quê Hương" như cố nhạc sĩ Việt Dzũng đã hát thay cho hàng triệu người vong quốc. Hai là con ở tù. Ba là con bỏ xác trên biển.
Những Thuyền Nhân dạo đó, họ đào thoát đúng với ý nghĩa đi tìm Tự Do. Họ chấp nhận đánh đổi mạng sống, kể cả những tài sản của mình. Họ biết rõ lằn ranh Sống - Chết mà họ phải đương đầu, trước thực tại vô cùng khốc liệt và khắc nghiệt. Họ cũng biết rõ, dù có thành công, con đường trở về quê hương là điều quá viển vông. Bởi thời điểm đó, sự trả thù vô cớ tràn ngập, bằng những chính sách bạo tàn: đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới, học tập cải tạo và nhứt là nạn đói, vốn không thể cho phép các Boat People nghĩ những điều sáng sủa hơn. Tóm lại, họ dứt áo ra đi với một tâm trạng xung đột dữ dội giữa hy vọng và tuyệt vọng đan xen lẫn nhau...
*****
Thời gian thấm thoát thoi đưa
Sóng đời biển động trời mưa không ngừng
Những ngày cuối tháng Tư năm nay, thời tiết ngay thủ phủ đã xa lắc lơ và nhạt nhòa dần trong tâm trí nhiều người - với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông- bỗng trở nên chướng lạ như báo chí đưa tin gần đây [1].
Sống gần cả đời người tại đây; chứng kiến kiếp người buồn quá nhiều vui rất ít suốt 47 năm, để càng ngạc nhiên với hiện tượng mưa đá, vốn dĩ hoàn toàn xa lạ với thời tiết "chợt nắng chợt mưa" của Sài Gòn hoa lệ ngày xưa, từng đi vào thơ ca từ lâu lắm rồi! Không biết ông Trời "muốn gì đây"?!
Với lý lịch thật ngang trái và cay đắng của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ đến, một ngày nào đó, được đi ra nước ngoài. "Một Chút Quà Cho Quê Hương" tôi cũng chưa bao giờ được nhận để tạm qua cơn đói nghèo chốc lát, dù bà con thân thuộc và bạn bè lũ lượt ... vượt biên, sau 1975...
Vậy rồi, dịp may cũng đến với tôi, sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và lập lại bang giao với nhà cầm quyền CSVN, cách đây hơn 25 năm.
Từ những chuyến ngoại du qua Hoa Kỳ, một số nước Âu châu, một vài nước Á châu, có cả Cuba, tôi càng hiểu thêm điều giản dị. Đi công tác, du lịch hay chữa bịnh, học hành hoàn toàn khác hẳn - khác quá xa, so với việc "một đi không trở lại" của những Thuyền Nhân ngày xưa...
*****
Ngày 8 tháng Sáu năm 2020, Thủ tướng vào lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc - hào hứng pha lẫn hả hê, trước đại dịch gọi là Covid 19 chưa "xâm lấn" đủ dữ dội và làm tan nát xứ thiên đàng - đã phát ngôn: "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam". Ý tưởng nhân cách hóa cột điện - rơi đúng vào dịp tròn 45 năm ngày "toàn thắng" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam - đã được RFA gọi tên "ảo tưởng của thủ tướng" [2].
Trả lời phỏng vấn VTC vào ngày 28 tháng Hai năm 2021, nghệ sĩ Quốc Thảo nói [3]: "Sau khi học xong 4 năm ở Mỹ, đáng lẽ tôi phải về liền. Tôi cứ tìm cách len lỏi để tìm cơ hội nhưng đành chịu thua. 10 nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ thì có 9 người rưỡi muốn về rồi. Ngay cả những người tuyên bố không về nhưng bây giờ đã có mặt tại quê hương. Tôi nói 10 người sẽ chính xác hơn nhưng chừa lại 0,5 cho một trường hợp nào đó".
Mới đây, báo Thanh Niên, vào ngày 2 tháng Năm năm 2022 đã lặp lại ý kiến của nghệ sĩ Quốc Thảo nhưng... ngắt mất hai chữ "nghệ sĩ", khi đặt câu hỏi với nghệ sĩ Bảo Quốc [4].
Thế hệ Boat People đã lùi xa hơn 40 năm. Bối cảnh xã hội và hoàn cảnh xã hội Việt Nam vào lúc bấy giờ, khác quá xa so với ngữ cảnh "Mười người đi Mỹ, hết chín người rưỡi muốn về Việt Nam" như cách phóng viên Minh Hy đặt câu hỏi là một sự "láu cá", không nên có ở những nhà báo chuyên nghiệp. Việc "ngắt mất" nghề nghiệp "nghệ sĩ" để khái quát hóa toàn bộ tâm trạng người Mỹ (Úc, Pháp, Canada v.v...) gốc Việt như vậy, không làm cho cộng đồng này khao khát trở về nguồn cội mà chỉ làm tăng thêm sự cợt nhã vang lên từ bên kia bờ tự do.
Các nghệ sĩ: Quốc Thảo, Bảo Quốc, Quang Minh, Hồng Đào, Quang Dũng,Thanh Thảo v.v... chắc chắn đến Mỹ bằng con đường rất an toàn. Họ hoàn toàn không buộc phải đương đầu với tất cả những rủi ro rình rập và chết chóc đe dọa chực chờ hiện ra ngay trước mắt của những Thuyền Nhân năm xưa.
Vì vậy, lấy tâm trạng của một số nghệ sĩ đến Mỹ bằng những bước chân thong thả đặt lên cầu thang máy bay, để áp đặt cho toàn bộ người gốc Việt là việc làm quá sức hồ đồ, lẽ ra không đáng có, trong kế hoạch thu phục nhân tâm, vốn chưa bao giờ thành công suốt 47 năm qua của nhà cầm quyền CSVN.
_________________
[1] https://nld.com.vn/thoi-su/nam-bo-lien-tuc-co-mua-nhung-ngay-toi-canh-ba...