Minh Nhật
Toronto, những ngày cuối tháng 8, khi tiết trời se lạnh của mùa thu chớm ùa về, lòng tôi lại chộn rộn, khi trở lại Câu lạc bộ Hải Lục Không Quân Canada. Hai năm qua từ khi đặt chân đến Canada tôi đều đến đây để tưởng niệm những Anh Hùng Đông Tiến, những người đã hy sinh vì lý tưởng giải phóng quê hương.
Tôi lớn lên và ăn học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ mà lại tra tìm trên Internet về những người bị chế độ coi là “bên kia chiến tuyến.”
Năm nay, bên cạnh những khuôn mặt thân quen, tôi còn nhìn thấy những gương mặt trẻ, những người lần đầu đến nơi này. Có lẽ họ cũng giống tôi lần đầu tới đây. Trong ánh mắt họ, tôi thấy sự tò mò, nhưng cũng bao gồm cả sự trân trọng cho những người lính đã ngã xuống. Những người “mang gươm đi mở cõi” trong văn chương, chí lớn chưa thành nhưng hồn tử sĩ vẫn làm hậu thế ngả mũ cúi chào.
Hình ảnh của người lính quỳ gối bên mộ đồng đội, và khẩu đại pháo màu xanh lục trước cổng vào Câu lạc bộ Hải Lục Không Quân, như một lời nhắc nhở thầm lặng về những hy sinh lớn lao mà sử sách không bao giờ được phép lãng quên.
Ngày 25 tháng 8 năm 2024 vừa qua, đảng Việt Tân Toronto đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 37 các Anh Hùng Đông Tiến. Năm nay, buổi lễ không chỉ đặc biệt bởi sự hiện diện của ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, mà còn bởi những kỷ niệm và tâm tình mà ông đã có cùng với các kháng chiến quân, kể lại cho những người tham dự.
Giữa không gian lắng đọng, ông Hoàng Tứ Duy chia sẻ về những ký ức với bác mình, Tướng Hoàng Cơ Minh, người tiên phong quay trở lại để quang phục quê hương trong những ngày đen tối. Những câu chuyện về lòng can trường, sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm của những người đã đi trước không chỉ là những lời tri ân, mà còn là lời nhắc nhở về con đường mà tiền nhân đã chọn và cũng là lối đi cho quê nhà yêu dấu.
Trong những câu chuyện xúc động mà ông Hoàng Tứ Duy kể, có một ký ức đặc biệt về lần ông còn là một cậu bé, được gặp gỡ các chiến hữu của bác mình, như Trần Thiện Khải. Ông nhớ lại lần đầu tiên gặp Trần Thiện Khải, một người không chỉ là một chiến sĩ kiên cường mà còn là một nghệ sĩ tài hoa, người đã sáng tác và hát vang những bài ca cách mạng, truyền lửa cho biết bao người. Ông kể rằng Trần Thiện Khải đã từng đưa cho cậu bé Hoàng Tứ Duy một chiếc khăn tay để thấm máu khi cậu bị rụng răng sữa. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng nó in sâu vào tâm trí ông như một biểu tượng của sự gắn bó và tình người giữa những chiến sĩ cách mạng, một điều mà ông giữ mãi trong tim.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện Việt Tân tại Toronto, cũng chia sẻ những tâm tình của mình. Trong giọng nói trầm ấm của ông, tôi nghe rõ một sự trân trọng vô bờ đối với những người đã ngã xuống.
Ông sơ lược lại bối cảnh của 37 năm trước, khi đoàn quân Đông Tiến chỉ còn cách biên giới Việt Nam vài chục cây số, nhưng đã sống trọn vẹn cho tình yêu tổ quốc đến giây phút cuối cùng. Ông cũng nhắc đến vụ án năm 2013, khi cộng sản bắt và xét xử 17 thanh niên Công Giáo – Tin Lành, trong đó có anh Lê Văn Sơn, một đảng viên Việt Tân, người đã viết trên blog của mình: “Hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn đang sống.” Câu nói ấy, giản dị nhưng sâu sắc, đã trở thành một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa cho tất cả chúng ta về giá trị của sự sống, không chỉ là tồn tại, mà là sống với ý nghĩa, với lý tưởng cao đẹp mà bao người đã hy sinh để bảo vệ, đó cũng là lời cam kết mà ông Hưng dùng để kết thúc bài phát biểu của mình.
Trong buổi lễ, cô Lê Thị Mộng Thu, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Toronto, cũng đã chia sẻ về tình cảm đặc biệt mà cô dành cho đảng Việt Tân. Lý do thật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: Ba của cô đã từng là đoàn viên trong Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh. Tình cảm ấy không chỉ là sự gắn bó gia đình, mà còn là niềm tự hào về một truyền thống đấu tranh vì tự do, vì tương lai của dân tộc và cũng là lý do cô ủng hộ đảng Việt Tân.
“Từ khi qua đây, em được mọi người giúp đỡ và các anh chị coi em như là người trong gia đình…,” một bạn trẻ chia sẻ. Đúng vậy, không khí gia đình là điều mà những người kháng chiến quân đã nuôi dưỡng, và các thế hệ Việt Tân đã được tiếp nhận tinh thần đó để xây dựng một gia đình Việt Tân. Khi nói về tình gia đình, tôi lại nhớ tới sự quan tâm mà chiến hữu Nguyễn Kim đã từng dành cho các đồng đội và sau này là cho những người trẻ như chúng tôi. Hôm nay, trên bàn thờ bức hình của ông được long trọng đặt bên cạnh, vì chính ông từ là một người lính, một kháng chiến quân và rồi một vị chủ tịch của đảng nhưng đã sống một cách rất thân tình với anh em đồng đội.
Tình yêu thương đó là di sản mà chiến hữu Nguyễn Kim đã nhận từ chiến hữu Hoàng Cơ Minh và truyền cho thế hệ tiếp nối. Trong bài chiến hữu Tổng bí thư Hoàng Tứ Duy cũng đã chia sẻ trong tâm tình của mình: “Tôi còn nhớ có mặt ở phi trường San Francisco để tiễn ông đi Á Châu. Chiến hữu Hoàng Cơ Minh là một người rất thương gia đình nhưng vì lòng thương non nước ông phải rời xa vợ con. Ông Hoàng Cơ Minh không chỉ tốt với gia đình, ông tốt với tất cả mọi người. Đó là cảm nhận của một đứa cháu với ông Minh khi thấy ông đối xử với mọi người, và sự quý mến nhiều người dành cho ông.”
Buổi lễ kết thúc, nhưng những lời nói, những câu chuyện vẫn còn vang vọng trong lòng mỗi người. Toronto những ngày cuối tháng 8 se lạnh, nhưng lòng tôi ấm áp hơn bao giờ hết. Ở nơi đây, những hy sinh, những lý tưởng cao đẹp của các Anh Hùng Đông Tiến vẫn luôn sống mãi, trong trái tim của những người con đất Việt, dù xa quê nhưng lòng vẫn hướng về Tổ Quốc. Mùa tưởng niệm ở nhiều nơi, dịp gặp gỡ và tưởng nhớ lại hành trình của các Anh Hùng Đông Tiến cũng là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua và hướng về phía trước.
Đã lâu lắm rồi tôi không cầm bút, và thật khó để nói về những người tiên phong như Tướng Hoàng Cơ Minh. Thật khó cho người trẻ như chúng tôi, vốn lớn lên trong chế độ cộng sản, có thể đánh giá đúng và đầy đủ về ông. Nhưng xem qua cuộc đời của những Anh Hùng Đông Tiến, tôi lại thấy liên tưởng tới Nguyễn Hoàng, vị Chúa đầu tiên khai mở triều đại mới trong lịch sử, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã diễn tả được chân dung của ngài ấy trong bài thơ “Nhớ Bắc,” mà nay tôi thấy bóng hình của Tướng Hoàng Cơ Minh. Họ đều là những người “mang gươm đi mở cõi,” và hậu thế sẽ còn tiếp tục nhớ về:
“Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.”
Minh Nhật
Nguồn: Việt Tân