Chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định phải ban hành luật cho ba đặc khu. Ảnh: Báo Mới
Sao không phải là Luật đặc khu nói chung
Nóng nhất trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 là thảo luận dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật 3 đặc khu). Như vậy, luật này không phải là luật đặc khu nói chung mà chỉ nhằm điều chỉnh hoạt động ở ba đặc khu cụ thể như tên gọi của nó.
Tại sao không ra luật đặc khu chung để áp dụng khi mỗi đặc khu được thành lập mà lại ra luật đặc khu cho riêng 3 đặc khu nhắc tới. Chẳng lẽ, cứ mỗi khi thành lập đặc khu lại ra thêm một luật. Như vậy sẽ có bao nhiêu luật đặc khu vì không ai có thể khẳng định không có đặc khu thứ tư, cũng như không thể khẳng định sẽ có bao nhiêu đặc khu nữa ra đời. Phải chăng bởi chữ “đặc biệt” nên cũng phải chuẩn bị cho các đặc khu này một cách đặc biệt vì sứ mệnh của nó, như để giao cho Trung Quốc chẳng hạn?
Mô hình đặc khu đã được TQ và nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, khi đặt ra Luật 3 đặc khu thì dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ và đồng loạt chưa từng có, từ các nhân sĩ trí thức cho đến mọi tầng lớp nhân dân. Mối quan tâm hàng đầu ở đây là vận mệnh của dân tộc và đất nước.
Tại sao cứ phải là Trung Quốc
Hai mối lo lắng hàng đầu ở đây là dự thảo đặt ra thời hạn cho thuê tới 99 năm và TQ sẽ được coi là đối tác đương nhiên. Nói ngắn lại là cho TQ thuê 99 năm. Mặc dù trong dự thảo Luật đặc khu, không có một chữ nào nói đến TQ nhưng ai cũng nghĩ Luật này nói tới việc cho TQ thuê đất 99 năm chứ không phải là quốc gia nào khác. Đến ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội còn nói toạc ra đối tác là TQ, rằng: “Cho thuê đất 99 năm, không thận trọng đặc khu sẽ thành nơi di dân của Trung Quốc”, chứ không phải là nước ngoài nói chung. Ông nói thế nhưng quốc hội không có ai cải chính rằng luật dự thảo không có điều nào nói đến cho TQ thuê. Điều này có nghĩa, việc cho TQ thuê là một sự mặc định.
Cách hiểu đó là hoàn toàn có cơ sở. Từ khi Đảng CSVN ra đời đã gắn số phận dân tộc và đất nước VN với TQ. Đặc biệt từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, VN lệ thuộc ngày càng nặng nề vào vào TQ, tới mức độ hèn yếu, nhu nhược. Còn TQ ngày càng bạo ngược, ngông nghênh và đảng CSVN gần như không có con đường thoát. Cho đến nay, người dân VN không ai biết ở Thành Đô, lãnh đạo VN cam kết những gì. Ngày 15/10/2014, một đoàn khoảng hai chục người hoạt động xã hội dân sự đến Văn phòng Quốc hội số 22 Hùng Vương để trao bản “Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô”. Tuy nhiên, đoàn đã không thể gặp được người có trách nhiệm bởi sự ngăn cản của bảo vệ và phá đám của dư luận viên – hồng vệ binh. Và nếu có trao được đến tay người có trách nhiệm đi chăng nữa thì yêu cầu bạch hóa Hội nghị Thành Đô cũng chỉ dừng ở sự lên tiếng.
28 năm qua, những điều bí ẩn ở Thành Đô vẫn nằm trong bóng tối. Nhưng sự biểu hiện của nó kể từ đấy, cùng với một số tiết lộ trong hồi ký của ông Trần Quang Cơ và hồi ký từ phía TQ khiến người ta nghĩ tới có một điều gì đó ghê gớm lắm đối với vận mệnh của dân tộc, của đất nước.
Riêng về mặt kinh tế, người dân không hiểu sao TQ luôn luôn được ưu tiên nhận các dự án trong khi công nghệ lạc hậu, tiến độ chậm chạp, nhiều tai nạn lao động, đội vốn một cách khó hiểu và đi đến đâu phá hoại môi trường đến đấy. Có thể lấy ví dụ rõ nhất từ dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Cộng thêm việc người TQ có mặt khắp nơi, ngông nghênh, coi thường dân Việt là nỗi ám ảnh mất nước thường trực trong mỗi người Việt Nam quan tâm lo lắng đến vận mệnh của đất nước. Phản ứng của dư luận cho thấy, việc cho thuê đất 99 năm còn không đáng sợ bằng việc bên thuê là TQ. Mối nguy cơ về an ninh, quốc phòng, về văn hóa bị xâm nhập nếu giao đất cho TQ là nhìn thấy rõ. Nếu cho Anh hay Mỹ thuê chắc chẳng vấp phải sự phải đối như vậy nếu không nói là hoan nghênh.
Với Việt Nam, TQ là kẻ thù nguy hiểm vừa trực tiếp vừa lâu dài. Nguy cơ mất nước lúc này cao hơn bao giờ hết. Chỉ nói đến lịch sử hiện đại thôi, chúng đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, tàn phá, giết hại đồng bào và chiến sĩ ta, cướp biển đảo và đất liền của ta. Thế mà, nhà cầm quyền VN lại rắp tâm dọn đường cho kẻ thù xâm lược vào, cho thuê những vị trí xung yếu nhất của đất nước. Người VN không hiểu sao, khi TQ đã bộc lộ hết cái xấu xa, độc ác, tàn bạo, tham lam của nó nhưng nhà cầm quyền lúc nào cũng một điều TQ, hai điều TQ, cái gì cũng TQ, rồi bạn vàng, rồi đối tác chiến lược toàn diện… trong khi những quốc gia tử tế thì đặt xuống dưới, thậm chí thỉnh thoảng lại lên giọng chửi cho TQ hài lòng.
Có nhà nước nào xây dựng nên luật chỉ nhằm phục vụ cho kẻ thù xâm lược để rước giặc vào nhà. Phải chăng, việc này nằm trong lộ trình được thỏa thuận theo mật ước Thành Đô?
Quyết tâm của lãnh đạo
Để tạo điều kiện tốt hơn cho TQ, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng cũng như Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư đều thể hiện quyết tâm muốn tăng hạn giao đất đầu tư tại 3 đặc khu lên 99 năm.
Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu nói việc chuẩn bị này là theo nguyên lý “dọn chỗ để thu hút phượng hoàng đến làm tổ”. Phượng hoàng hay ác điểu đây, thưa ông?
Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trấn an: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu”. Lời trấn an này càng lộ rõ âm mưu giao các đặc khu cho TQ chứ không phải nước ngoài nào khác. Rồi ông ta lấy hai đại lượng được cấu thành bởi các yếu tố khác nhau để so sánh rất khập khiễng, so việc cho TQ thuê đặc khu với… Little Saigon ở California. Nguyễn Đức Kiên không phải lúc này mới “nổi tiếng” mà cách đây mới 10 ngày thôi đã có Kiên “thu giá” với những ví von để đời “em Lụa, em Cà” rồi. Hình như ông này có bệnh cái gì cũng mang máng một tí nhưng lại say sưa nổ như là đúng rồi.
Còn Nguyễn Thị Kim Ngân tuy là chủ tịch quốc hội nhưng lại thay mặt đảng áp đặt cho Quốc hội: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”. Thế thì bày ra cái quốc hội để làm gì. Rồi bà ta dụ như nhử kẹo trẻ con: “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng”. Không hiểu bà ta bắt chước ai mà nói thế.
Như vậy, Luật đặc khu họ sẽ ra cho bằng được để bán các đặc khu cho bằng được. Không ai dám tin luật sẽ bị quốc hội bác bỏ bởi những chủ trương quyết định đến vận mệnh quốc gia chỉ bắt đầu từ một hoặc vài người, còn việc đưa ra quốc hội chỉ là cho có hình thức.
Chức năng kinh tế của các nhà nước cộng sản là theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Còn thực tế thì dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, nền kinh tế của đất nước ngày càng be bét. Chỉ việc đào tài nguyên lên để ăn mà còn thua lỗ nặng tới cả trăm nghìn tỉ đồng thì bây giờ đem đất cho thuê cũng là phải. Nhưng tại sao cứ phải là Trung Quốc?
Lịch sử không xu nịnh ai
Một tập đoàn xâm lược có quá nhiều nợ máu với nhân dân VN khiến người VN ghét cay ghét đắng trong khi nhà cầm quyền lại yêu nó hơn ai hết, tận tụy với nó hơn ai hết. Người biểu tình chống nó thì bị bắt, bị đánh đập và chịu đủ mọi hệ lụy. Thử hỏi có quốc gia nào mà dân với nhà cầm quyền trái ngược nhau đến mức ấy không?
Có người hiến kế cho lãnh đạo VN rằng hãy thành lập đặc khu Lưỡng Sa gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi cho Mỹ thuê. Còn khai thác đất thuê như thế nào do bên thuê tùy ý. Việc này được lắm chứ nhất cử lưỡng tiện. Các ông đã thành lập huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo Trường Sa thì tại sao không thành lập được đặc khu Lưỡng Sa?
Tất nhiên nói thế để thử lòng can đảm của các ông thôi vì người ta đã quá hiểu lãnh đạo đất nước này như thế nào. Các ông cần xua đuổi bóng quạ đen TQ ra khỏi não trạng của mình. Đừng cố lao vào những việc gây nên hậu quả bi thảm cho đất nước, cho hậu thế. Khi đó, lịch sử sẽ được viết lại và chắc chắn, trong những trang sử đen tối đó, không thể thiếu tên tuổi các ông.
Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy