Liệu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông?

Trước những phản ứng gay gắt của các quốc gia liên quan đến Biển Đông về việc gần đây Trung Quốc (TQ) gia tăng tốc độ bồi đắp – tôn tạo 6 hòn đảo nhỏ trong khu vực Quần đảo Trường Sa để biến thành các căn cứ quân sự, hôm 8/3/2015 ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đã tuyên bố rằng: "Trung Quốc đang xây dựng trên đất đai của mình và có toàn quyền để làm như vậy. Đó là công việc hợp lệ và công bằng, và không nhằm chống lại các nước thứ ba." Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong việc này, nhưng không thấy Hà Nội có phản ứng nào về lời tuyên bố vừa kể.

Đến ngày 9/4, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn đang ở trên đất TQ trong cuộc viếng thăm đầu tháng Tư vừa qua, trong một cuộc họp báo công bố kế hoạch sử dụng các đảo TQ đang xây dựng tại Biển Đông, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh một lần nữa lập lại những điều ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố.

Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Những hoạt động xây dựng này diễn ra tại khu vực hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Đây là hoạt động hợp lý, tuân thủ đúng pháp luật, không gây ảnh hưởng hay nhằm chống lại bất kể quốc gia nào. Hoạt động này không thể bị chỉ trích". Một tuần sau, bộ ngoại giao Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lên tiếng phản đối theo cách chiếu lệ như người ta vẫn thấy.

Những tuyên bố của các quan chức TQ xác nhận chủ quyền của nước này trên Biển Đông như vừa kể, thường gây nên phản ứng, đôi khi rất kịch liệt, của các nước liên hệ. Nhưng với CSVN thì có lẽ do sự “tế nhị” trong mối quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, lại chỉ mang tính cách cho có lệ.

Thậm chí có khi lại “đồng thuận” với TQ. Chẳng hạn như, đại tuớng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, việc TQ xây dựng trên các đảo (của VN) là chuyện.... bình thường, hay các “va chạm” với TQ trên Biển Đông chỉ là “chuyện gia đình”, hoặc ông khẳng định “xu thế ghét Trung Quốc - của người Việt Nam - nguy hiểm cho dân tộc” [Việt Nam] v.v.....

Đối với người dân VN thì các phản ứng của Hà Nội trước các hành vi xâm lăng của TQ trên Biển Đông không những vừa gây kinh ngạc vừa cây căm phẫn, mà còn được coi là “nối giáo cho giặc”. Phản ứng này của người dân VN không có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta nhìn kỹ lại thái độ của hai chính quyền cộng sản anh em đối với vấn đề Biển Đông từ trước đến nay, cũng từ đó có thể hiểu được thực chất phía sau các phản ứng của Hà Nội, cũng như dự đoán được ý đồ của TQ trong vấn đề này.

Nhìn lại thái độ của VN và TQ đối với vấn đề Biển Đông từ 65 năm qua

a/ Giai đoạn hậu bán thế kỷ trước

Không kể những tuyên bố đơn phương của các chính quyền TQ trong tiền bán thế kỷ 20 về chủ quyền của họ trên Biển Đông, vốn không tạo được nhiều chú ý trong khung cảnh của thế giới và của TQ lúc đó; kể từ khi hai đảng cộng sản lên nắm quyền ở VN và TQ, hai bên bắt đầu có những thái độ rất rõ rệt về vấn đề này, và mỗi động thái của CSVN đều được TQ coi như là nền tảng cho việc họ đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông cho đến nay.

Trước hết, ngày 15/8/1951 ông Chu Ân Lai (lúc đó còn là ngoại trưởng TQ) lần đầu tiên lên tiếng đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ. Lập trường này được ngoại trưởng Liên Xô thay mặt TQ đưa ra hội nghị San Francisco năm 1951 nhưng đã bị hội nghị bác bỏ. Một điều đáng chú ý trong vấn đề này là, qua các thoả thuận đa phương, cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (HS - TS) thuộc về VN, và chính phủ Quốc Gia Việt Nam (cũng như chính phủ Việt Nam Cộng Hoà sau đó) đã tiến hành những việc làm xác lập chủ quyền của mình như được quốc tế công nhận. Ngược lại, từ trước đến nay cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận hai quần đảo đó thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều trớ trêu là, chính nhà nước CSVN lại tuần tự có những tuyên bố và việc làm “xác nhận dùm” chủ quyền của TQ trên hai quần đảo đó, ít nhất là cho đến năm 1975.

Việc đầu tiên là ngày 15/6/1956 thứ trưởng ngoại giao CSVN, ông Ung Văn Khiêm, trong khi tiếp Lý Chí Dân, đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đã nói rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.”

Hai năm sau đó, Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng đã ký công hàm ngày 14/9/1958 hoàn toàn tán thành 4 điểm trong bản công bố 10 ngày trước đó của TQ. Trong công bố ngày 4/9/58 của TQ có điểm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo khác thuộc chủ quyền TQ. Sau này, vào năm 1997 ông Phạm Văn Đồng đổi ý và giải thích rằng, ông đưa ra công hàm vào thời điểm đó là do các nhu cầu chiến tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1958 chưa có chiến tranh.

Đến thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, CSVN dần dà “củng cố” thêm chủ quyền dùm cho TQ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua những bài viết trên báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của đảng CSVN), qua tuyên bố năm 1965 về vùng chiến sự của Mỹ, qua sách giáo khoa, hay các bản đồ mà Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sử dụng trong các năm 60, 72, 74.

Cuốn sách “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (1) của ông Lưu Văn Lợi (nguyên Trưởng Ban Biên Giới), do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, và một số bài viết sau này của ông Lưu Văn Lợi, xác nhận tất cả những hành động mang tính “tự nguyện” của CSVN vừa nêu ở trên đều có thực.

Đến tháng Giêng năm 1974, khi TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa, thì lãnh đạo đảng CSVN mừng rỡ vì cho rằng TQ đã “giải phóng” dùm. Điều này được Phó giáo sư sử học Vũ Quang Hiển xác nhận trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC gần đây (2). Ngoài ra phía CSVN (kể cả chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã không có một phản đối nào trước sự xâm lăng của TQ lúc đó. Trong cuốn sách nêu trên, ở trang 134 ông Lưu Văn Lợi còn nhấn mạnh rằng: “Chính phủ Cách mạng lâm thời ở vị thế khó lên án Trung Quốc, vì lúc đó là đồng minh chính trị của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Điều này trái ngược với một tuyên bố của thủ tướng Nguyễn tấn Dũng trước quốc hội rằng, vào thời điểm năm 1974 chính phủ cách mạng lâm thời đã lên tiếng phản đối sự xâm lăng của TQ.

Sau khi cưỡng chiến Hoàng Sa, đến năm 1988 TQ chiếm thêm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đến nay, tuy hiệu lực pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng còn là vấn đề tranh cãi, nhưng TQ vẫn coi đó là căn bản cho việc họ đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 20 tháng 5 năm ngoái, khi giàn khoan HD 981 của TQ đang ở trong vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, ông Lưu Hồng Dương, đại diện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post, nhắc lại công hàm Phạm Văn Đồng để biện hộ cho việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến khu vực Hoàng Sa.

Trong những năm gần đây, các quan chức CSVN ra sức vô hiệu hoá công hàm Phạm Văn Đồng bằng những luận điểm như: công hàm không nhắc đến tên HS – TS, hoặc chỉ thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ (xung quanh hai quần đảo này), hay HS – TS lúc đó do VNCH quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ là những luận điểm ấu trĩ, vì: 1/ Trong bản công bố ngày 4/9/58 TQ xác định rõ chủ quyền và quyền tài phán của họ trên một số đảo, trong đó có cả HS và TS. Công hàm Phạm Văn Đồng “hoàn toàn tán thành” bản công bố đó. 2/ Định nghĩa về lãnh hải xác định vùng biển tiếp giáp với đất liền liên hệ. Do đó, khi thừa nhận chủ quyền lãnh hải của TQ ở HS – TS, thì cũng đương nhiên thừa nhận vùng đất tiếp giáp với lãnh hải tương ứng thuộc về TQ. 3/ Ngoài ra, điều 2 hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (có hiệu lực vào thời điểm đưa ra công hàm Phạm Văn Đồng) xác định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”. Vì vậy không thể bảo rằng, lúc đó HS – TS do VNCH quản lý nên phía CSVN ở miền bắc không dính dáng đến.

b/ Giai đoạn từ năm 2000 đến nay

Sau khi ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 2000, trong đó phía VN phải nhượng cho TQ trên 10 ngàn km vuông, TQ lúc đó đã phần nào gia tăng và hiện đại hoá lực lượng hải quân và các lực lượng bán quân sự trên biển của họ và bắt đầu kế hoạch chiếm lĩnh Biển Đông mà họ xác định bằng những đoạn tự ý vẽ trên hải đồ (vùng Biển Lưỡi Bò) không theo một quy ước quốc tế nào, bằng cách: 1/ Biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp; 2/ Cự tuyệt đa phương hoá Biển Đông, chỉ đàm phán song phương để dễ bắt nạt các cuốc gia liên hệ nhỏ yếu hơn, dù rằng có nhiều quốc gia cùng đỏi hỏi chủ quyền trên một phần của vùng biển đó. Ngoài ra, đây còn là vùng biển trọng yếu của con đường chuyển vận, giao thương quốc tế, liên quan mật thiết đến an ninh trong khu vực; 3/ Lũng đoạn khối Asian hầu chia cắt và giảm thiểu sự đối kháng; 4/ Dần dần thôn tính.

Tiến hành kế hoạch vừa kể, người ta thấy TQ đã tuần tự tiến hành: 1/ Xác định Đường Lưỡi Bò (2003-2005; 2/ Thành lập bộ chỉ huy quân sự Tam Sa (2009); 3/ Đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN (2014); 4/ Tăng tốc bồi đắp, tôn tạo những đảo, đá nhỏ, xây dựng căn cứ quân sự trên 6 trong số 7 đảo họ chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa từ mấy tháng cuối năm ngoái cho đến nay.

Với tiến trình lấn chiếm như vậy, một số vùng biển đảo của VN đã lọt vào tay TQ, kèm theo là những thiệt hại to lớn về tài nguyên, về quyền tài phán. Trong khi đó, ngoại trừ sự sôi sục căm phẫn của người dân VN, phía nhà nước CSVN không có một phản ứng nào đáng kể. Điều này khiến người ta phải tự hỏi: Tại sao vậy?

Thực chất thái độ của CSVN và TQ trên Biển Đông

Qua những động thái “tự nguyện” hiến dâng của CSVN trong thế kỷ trước và những bước bành trướng của TQ trên Biển Đông cùng thái độ đáp ứng của CSVN từ đầu thế kỷ 21 đến nay, so với những tuyên bố chung của hai phía về vấn đề Biển Đông trong mấy năm gần đây, người ta có thể thấy được phần nào thực chất trong các thái độ tương ứng của họ.

Trong những tuyên bố chung sau mỗi chuyến viếng thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Hà Nội (4) người ta thấy, ngoài khẩu hiệu hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng, thì được lặp đi lặp lại nhiều nhất và đáng chú ý nhất là các cụm từ: “duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung”, “tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện, “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh”.

Ngoài giới lãnh đạo của hai đảng Cộng Sản VN và TQ, không ai biết ý nghĩa thực sự của các nhóm từ nêu trên là gì. Với cái thế phải dựa vào TQ để duy trì quyền lực, CSVN đã ký nhiều mật ước với TQ trên đầu trên cổ dân tộc VN. Nội dung các mật ước đó chứa đựng những gì không ai biết, nhưng cứ mỗi khi không bằng lòng với Hà Nội TQ lại xì ra một chút khiến Hà Nội bối rối, phải đưa ra những giải thích bị coi là lấp liếm đối với người dân VN.

Điều rõ ràng nhất mà ai cũng thấy là, các thông cáo chung đều ghi rõ: “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, nhưng chính TQ lại liên tục có những hành vi bành trướng làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; rồi lại quay sang mắng mỏ Hà Nội một cách trịch thượng là đã tạo nên những tranh chấp đó. Còn CSVN chỉ phản ứng chừng mực, thể hiện thái độ đàn em của mình. Điều này khiến người ta không thể không liên tưởng đến giả thuyết, phải chăng cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội vẫn đang từng bước thực hiện các mật ước giữa hai bên? Những phản ứng của Hà Nội chỉ là sự đóng kịch cho đến khi mọi chuyện trở thành chuyện đã rồi, không thể thay đổi được nữa?

Điều đáng chú ý và rất quan trọng đối với Việt Nam là, các Tuyên bố chung nêu trên đều không đề cập đến nghĩa vụ tôn trọng Luật pháp Quốc tế, cụ thể là Luật Biển, mà cả TQ và VN đều là thành viên.

Hệ quả của việc TQ bành trướng trên Biển Đông

Trong thời gian thực hiện những bước vừa kể, TQ cũng đồng thời gia tăng sự kiểm soát và thực hiện “quyền làm chủ” của họ trên Biển Đông qua việc cấm đánh cá 2 tháng rưỡi trên vùng biển này hàng năm, từ ngày 15/5 trở đi; qua việc thường xuyên bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam; qua việc cho tàu của họ áp sát bờ biển Việt Nam; thậm chí cắt cáp tàu thăm dò của VN trong lãnh hải VN.

Phản ứng của CSVN trước mỗi bước nhấn thêm của TQ là chỉ lập đi lập lại những lời phản đối suông giống nhau từ vụ này qua vụ khác. Đến nỗi dư luận gọi đó chỉ là đoạn băng ghi âm nhão. Phản ứng nổi bật nhất của nhà cầm quyền CSVN suốt tiến trình lấn chiếm của TQ là đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước hoặc những ai lên tiếng chống lại sự xâm lược của TQ.

Tuy rằng Hà Nội cũng mua sắm một số vũ khí được cho là để đối phó với TQ trên Biển Đông, nhưng người ta đều biết những chi tiêu đó chẳng thấm tháp vào đâu trước lực lượng của TQ. Đặc biệt là những khí tài CSVN mua sắm hầu hết đều cùng loại với những thứ mà TQ đã thủ đắc từ lâu với số lượng lớn hơn và thế hệ mới hơn. Trong khi đó, những biện pháp thiết thực để tạo thêm nội lực đều bị Hà Nội cự tuyệt.

Chẳng hạn như dân chủ hoá để tạo đoàn kết và quyết tâm chống ngoại xâm trong toàn dân, từ đó con đường trở thành đồng minh của Hoa Kỳ (quốc gia duy nhất có thể đối đầu hoặc trên chân TQ) sẽ bớt gập ghềnh; hoặc đa phương hoá Biển Đông để tạo thế liên kết đối đầu với TQ; hay sử dụng luật pháp cùng toà án quốc tế để giải quyết vấn đề, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững vàng cho chủ quyền của VN trên vùng biển này.

Đối với người dân VN, thỉnh thoảng CSVN cũng lên “dây cót” bằng chiến thuật hoang tưởng “chiến tranh nhân dân trên biển”. Thực ra những nội dung của “học thuyết Chiến tranh nhân dân trong thời hiện đại” (3) cùng “mục tiêu tiến hành” và “các biện pháp cụ thể” của học thuyết này chỉ có giá trị khẩu hiệu của thời chiến tranh lạnh, chẳng có tác dụng gì trên biển.

Trong một cuộc chiến trên biển, lực lượng hải quân và hải quân không chiến, cùng với những phương tiện khoa học kỹ thuật được trang bị sẽ quyết định chiến trường. Ngay cả nếu có chiến thuật “chiến tranh nhân dân” trên biển, thì TQ vẫn là bậc thầy của CSVN trong lãnh vực này, như họ đã từng dạy “chiến tranh nhân dân” cho CSVN.

Thuần tuý về quân sự thì những căn cứ của TQ vừa thành lập trong vùng Trường Sa đã triệt tiêu ưu thế về không quân của Việt Nam trong vùng Biển Đông. Trước đây Biển Đông hoàn toàn nằm trong vùng khống chế của không quân Việt Nam khi mà TQ chưa có nổi một hàng không mẫu hạm khả dụng trong khi các căn cứ không quân ở đảo Hải Nam lại ở quá xa. Từ các căn cứ mới này, TQ dễ dàng cắt đứt hải đạo tiếp vận, cô lập và tấn công phủ đầu những đảo trong khu vực Trường Sa hiện do Việt Nam kiểm soát. Ngoài ra, với khoảng 400 cây số, máy bay của TQ xuất phát từ các căn cứ này còn có khả năng tấn công các vị trí dọc bờ biển miền trung của Việt Nam cũng như uy hiếp Philippines.

Tại sao lại là Biển Đông?

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, trên các lục địa Mao Trạch Đông chủ trương “thiên hạ đại loạn TQ được nhờ”, nên xúi bẩy các phong trào đàn em quấy phá khắp nơi. Còn ngoài biển, TQ đòi hỏi lãnh hải rộng đến nửa Thái Bình Dương và bao trùm cả vùng biển Đông Nam Á.

Sau khi Mao Trạch Đông chết, thì chủ trương hoang tưởng vừa kể của họ Mao cũng chết theo. Đặng Tiểu Bình “tứ hiện đại hoá TQ” và nhận ra rằng, những đường hàng hải xung quanh TQ từ eo biển Đối Mã (giữa Nam Hàn và Nhật Bản) chạy về hướng nam qua các mắt xích Okinawa, Đài Loan đều dễ dàng bị khoá chặt khi có biến sự lớn hoặc chiến tranh nổ ra.

Từ đó Đặng Tiểu Bình và những người kế vị bắt đầu chú trọng vào việc gia tăng tiềm lực và hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là hải quân, để đưa lực lượng chỉ có khả năng cận duyên của TQ lúc đó trở thành lực lượng viễn dương.

Tháng 11/2013, TQ lần đầu tiên “thử lửa” trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư qua việc tuyên bố thành lập vùng “nhận dạng phòng không” trên một vùng rộng lớn ngoài biển Hoa Đông. Lần “thử lửa” này lập tức gặp phản ứng mãnh liệt của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan. Tất cả đều là cường quốc hoặc quân sự hoặc kinh tế và đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Nhật Bản điều động máy bay và tàu chiến đến, mặc nhiên vô hiệu hoá vùng “nhận dạng phòng không” này của TQ.

Là cường quốc số một trên thế giới, ngay từ sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã lần lượt xây dựng những căn cứ bảo trì, sửa chữa, tiếp liệu, đặc biệt là cho hải và không quân, rải rác trên khắp thế giới. Đồng thời Hoa Kỳ cũng thành lập những liên minh quân sự và tạo dựng mối liên hệ đồng minh với nhiều quốc gia (kể cả kinh tế lẫn quân sự - hiện nay Hoa Kỳ có 56 quốc gia đồng minh).

Đây là những yếu tố của sức mạnh toàn cầu mà TQ hoàn toàn không có, hoặc chỉ mới bắt đầu chập chững xây dựng ở vài ba nơi. Việc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Mã Lai được xem là mất tích ở phía Nam Ấn Độ Dương vào tháng 3 năm ngoái đã bộc lộ khả năng vô cùng yếu kém của hải quân TQ.

Nhận biết được sự yếu kém này, sau lần lập vùng nhận dạng phòng không để “thử lửa” thất bại nêu trên, TQ tập trung vào khâu yếu nhất trong các vùng biển tiếp giáp. Biển Đông của VN chính là khâu yếu nhất này. Nó yếu nhất là vì, nếu không có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc hỗ trợ, lực lượng quân sự tổng hợp của những quốc gia liên hệ cũng chưa chắc đủ khả năng đương đầu với TQ.

Nhưng, còn một lý do quan trọng hơn là, quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trong vùng và bị TQ ức hiếp nhiều nhất là Việt Nam thì lại không dám chống lại sự xâm lược của TQ vì nhiều lý do, nhất là quan hệ đàn anh đàn em giữa hai đảng cộng sản, trong đó CSVN phải dựa dẫm TQ để bám giữ được quyền lực.

Đối với TQ thì với kinh nghiệm cai trị cả tỷ dân của mình, TQ cho rằng sau mấy chục năm cầm quyền đảng CSVN đã tiêu diệt được hầu hết ý chí quật cường cũng như đã làm tê liệt được sức đề kháng của dân tộc VN. Trong khi đó thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng ra sức chứng tỏ là họ đã làm được như vậy, ngoài ra sẽ không có phản ứng nào để bị xem là “manh động” đối với TQ.

Bởi vậy, tháng 5 năm ngoái, khi TQ đưa giàn khoan HD 981đến Hoàng Sa, đảng CSVN đang họp Hội nghị trung ương 9, nhưng không để bàn về tình trạng dầu sôi lửa bỏng đó, mà bàn về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Quốc hội thì không dám đưa ra một nghị quyết phản đối TQ.

Với tình trạng đó, người ta có thể thấy rõ được bước sắp tới của TQ là thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, rồi tiến sang độc chiếm Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Ngày 8/5 vừa qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao TQ, bà Hoa Xuân Oánh đã đưa ra lời tuyên bố về ý định này.

Kết luận

Tóm lại, ngay từ nguyên thuỷ, CSVN là tác nhân tạo nên những thua thiệt trên Biển Đông ngày nay với văn bản nhượng biển nhượng đảo. Cuộc nội chiến núi xương sông máu kéo dài 20 năm do CSVN phát động cùng những chính sách cai trị sai lầm đã làm cho VN cạn kiệt sinh lực, trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng của TQ.

Chính sách đu dây hiện nay, dựa vào các đối tác chiến lược toàn diện để làm đối trọng với TQ không thể là giải pháp ở Biển Đông cho VN; vì rõ ràng Nga (cùng với TQ) là đối tác chiến lược toàn diện với CSVN nhưng Nga đã hoàn toàn dửng dưng trước vụ khủng hoảng giàn khoan HD 981. Các nước khác cũng sẽ không muốn gây rủi ra cho mối quan hệ của họ với TQ chỉ để ủng hộ VN, ngoại trừ khi có một quyền lợi khác lớn hơn đi kèm.

Với TQ thì trên cơ sở những gì họ đã được CSVN nhượng đứt trên giấy trắng mực đen ngay từ lúc đầu, từ đó họ lợi dụng sự quỵ luỵ của CSVN để tiến hành xâm thực từng bước. Cứ thế, được đằng chân lân đằng đầu. Để tránh sự lên án của thế giới, TQ đã ma mãnh dùng chiêu bài chia sẻ quyền sử dụng các căn cứ tân lập trên khu vực Trường Sa.

Tuy chiêu bài này chưa ăn khách vì còn có những e ngại đối với tình hình căng thẳng và dễ bùng nổ tại đây. Nhưng, nếu các nước trong vùng và thế giới không phản ứng đúng mức thì không thể loại trừ trường hợp có những nước vì quyền lợi của mình mà tán thành chiêu bài “sử dụng chung” của TQ, mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của TQ tại đó.

Đối với thế giới thì, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, tuy không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nhưng họ lo ngại cho tình hình an ninh ở Biển Đông sẽ bị đe doạ nghiêm trọng khi TQ độc chiếm vùng này. Đặc biệt là trước việc TQ tự ý thay đổi các quy ước quốc tế đã được thế giới chấp nhận từ sau thế chiến thứ hai đến nay để áp đặt luật lệ do TQ đặt ra trong vùng, tạo nên đe doạ đối với quyền tự do giao thương, qua lại tại khu vực đó.

Vì vậy, một cách tự nhiên các nước vừa kể đang đứng về phía VN. Ngoài ra, Philippines, một nạn nhân khác của TQ, và Ấn Độ, nước đang tranh giành ảnh hưởng với TQ, cũng trở thành đồng minh tự nhiên của VN.

Với tình hình như vậy, việc TQ có kiểm soát được toàn bộ Biển Đông hay không sẽ tuỳ thuộc vào sự xuống thang, lên thang của cả hai phía. Điều chắc chắn là chẳng bên nào muốn “già néo đứt dây”.

— -

Chú thích:

(1) http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/Gendreau-HoangSaTruongSa%5B1%5D.pdf

(2) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/04/140430_vn_textbook_30april

(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_nh%C3%A2n_d%C3%A2n

(4) Các tuyên bố chung:

- Tuyên bố chung năm 2011 giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng

- Tuyên bố chung năm 2013 giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang

- Tuyên bố chung năm 2013 giữa Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường

- Tuyên bố chung năm 2015 giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng

Theo viettan.org