Liêu Ninh tàu sân bay hay sòng bài Casino

Nhờ những pha đấu đá kịch liệt giữa phe Tập Cận Bình và phe Giang Trạch Dân hiện nay mà người ta được biết thêm một số dữ kiện về tàu sân bay Liêu Ninh - biểu hiện của sức mạnh Trung Quốc dưới bóng đèn pha liên tục của Ban Tuyên giáo.

Varyag là tên nguyên thủy của chiếc tàu do Ukraina đóng. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Ukraina còn là một tiểu quốc trong Liên Bang Xô Viết (Liên Xô) và được lệnh đóng tàu này với giá ước tính khoảng 4 tỷ mỹ kim.  Nhưng tàu đóng chưa xong thì toàn bộ chế độ Cộng sản Liên Xô chìm lỉm. Thế là tàu sân bay Varyag phải tạm ngưng vì người mua không còn nữa.

Theo tin tức chính thức trên báo đài trong những năm trước đây, người ta chỉ được cho biết vào khoảng năm 1998, Trung quốc dưới thời ông Giang Trạch Dân đã tìm cách mua chiếc tàu Varyag về với ý định hoàn thiện lại cho mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện chứ không phải để làm tàu chiến. Sau khi được về đến cảng Đại Liên, vì mục tiêu khiêm nhường đó, Bắc Kinh chỉ đặt lại tên con tàu là Liêu Ninh, tức dùng tên tỉnh Liêu Ninh nơi cảng Đại Liên trực thuộc chứ không dùng tên thủ đô hay tên các tỉnh lớn.

Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 5 năm 2012, khi tàu Liêu Ninh chạy thử và trở về cảng Đại Liên an toàn, Bắc Kinh lại quyết định tận dụng chiếc tàu này làm biểu hiện tuyên truyền nhắm vào dân chúng Trung Quốc. Từ ngày đó trở đi, báo đài ở Hoa lục được lệnh đồng loạt gọi Liêu Ninh là "tàu sân bay đầu tiên" của Trung quốc và ca ngợi sức mạnh hải quân của một Trung quốc cường thịnh. Tuy giới quân sự quốc tế biết khá rõ khả năng thật của Liêu Ninh nhưng hầu hết đều giữ yên lặng. Trong khi đó một số cơ quan truyền thông quốc tế chuyển tiếp các hình ảnh do Bắc Kinh tung ra và vô tình làm công luận có ấn tượng rất sai về con tàu này.

Tình trạng lờ mờ về tàu Liêu Ninh kéo dài tới khoảng cuối năm 2014, khi mà cuộc chiến giữa đương kim chủ tịch Tập Cận Bình và phe cựu chủ tịch Giang Trạch Dân trở nên rất kịch liệt, người ta mới thấy một số chuyện được bật mí trên tờ báo South China Morning Post (SCMP) phát hành ở Hồng Kông.

Nhân vật chính trong nỗ lực mua tàu Varyag là ông Từ Tăng Bình (Zu Zeng Ping). Nhiều người tin rằng ông là một điệp viên cấp cao của đảng CSTQ. Ông Từ Tăng Bình từng là một sĩ quan cao cấp thuộc Quân Giải Phóng Trung quốc. Ông xin giải ngũ ở tuổi 45 để sang Hồng Kông làm ăn vào năm 1988 trong lãnh vực mua bán bất động sản. Vẫn theo tờ SCMP, chính chủ tịch Giang Trạch Dân đã cử ông Từ Tăng Bình, trong vai một thương gia Hồng Kông, tìm cách giao thiệp với Ukraina để ngỏ ý mua lại tàu Varyag.

Sau khi nhận lệnh, ông Từ Tăng Bình thành lập một hãng mậu dịch ở Ukraina vào năm 1996 với 12 nhân viên thường trú. Buôn bán chỉ là vỏ bọc, công việc chính của hãng là thu thập thông tin về con tàu Varyag đang nằm ụ trong xưởng tàu và tìm cơ hội cũng như nhân sự có thể đại diện chính phủ Ukraina để bán con tàu với giá rẻ nhất có thể được. Sau gần 2 năm chờ cơ hội và tạo quan hệ, ông Từ Tăng Bình mới chính thức đưa ra đề nghị mua tàu.

Theo lời ông Từ Tăng Bình trên tờ South China Morning Post, để có thể mua với giá rẻ mạt và để tránh các rắc rối quốc tế, ông nói với các đối tác Ukraina chỉ mua con tàu về để cải trang làm sòng bài Casino và khách sạn nổi. Nhìn vào tình trạng đang đóng dở dang còn sơ sài của con tàu, giới chức Ukraina tin lời ông Từ là thật. Thế là: "Từ giá trị dự tính 4 tỷ mỹ kim, tôi đã trả xuống chỉ còn 20 triệu mỹ kim, cái giá này coi như cho không". Ông Từ còn cho biết đương nhiên ngoài cái giá chính thức trên giấy tờ, còn phải có thêm các khoản quà cáp khá lớn cho nhiều quan chức Ukraina nữa. Nhưng sau cùng số tiền bôi trơn đó đã đủ để tàu Varyag rời Ukraina.

Khâu khó khăn kế tiếp, theo lời ông Từ Tăng Bình, là làm sao kéo khối sắt khổng lồ đó từ Hắc hải qua eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Ông cho biết: "Xin phép chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để kéo con tàu Varyag qua eo biển Bosphorus không phải dễ và ngoài khả năng của tôi. Chủ tịch Giang Trạch Dân đã cử ít nhất là ba bộ trưởng sang Thổ Nhĩ Kỳ xin giấy phép nhưng đều bị từ chối khiến cho con tàu Varyag phải lòng vòng ở Hắc Hải khoảng 16 tháng trời. Cuối cùng vào năm 2000, đích thân Chủ tịch Giang Trạch Dân phải sang Thổ Nhĩ Kỳ thăm viếng và dùng những lời hứa hẹn viện trợ cũng như hứa hẹn tăng số khách du lịch Trung quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy giấy phép cho kéo tàu về."

Các bình luận gia Hồng Kông bàn tán xôn xao và đưa ra nhiều giả thuyết về lý do ông Từ Tăng Bình cùng các dữ kiện mua tàu Liêu Ninh xuất hiện vào thời điểm này trên tờ báo bán chính thức của đảng CSTQ.

Có người tin lý do khá đơn giản chỉ vì Bắc Kinh còn thiếu tiền ông Từ như ông nói trên tờ SCMP: "Tổng cộng tiền mua con tàu Varyag, quà cáp, tiền điếu đóm, tiền kéo tàu về lên đến 120 triệu mỹ kim mà đến nay nhà nước Bắc Kinh chưa trả lại cho tôi một cắc nào cả".

Nhưng nhiều người không tin câu nói đó vì quá mâu thuẫn với các dữ kiện rằng ông Từ đi Ukraina theo lệnh của Chủ tịch Giang Trạch Dân; và con tàu thuộc về quân đội Trung Quốc ngay từ khi kéo về Trung Quốc. Ngay cả nếu nhà nước Trung Quốc còn thiếu tiền ông Từ thì tại sao ông không đòi khi ông Giang Trạch Dân còn làm chủ tịch, hay đòi vào thời Hồ Cẩm Đào mà chờ đến tận ngày nay mới lên tiếng than vãn? Theo các nhà phân tích này thì có xác suất cao ông Từ Tăng Bình đang nằm trong tầm nhắm của ông Tập Cận Bình và sắp bị tấn công về tội tham nhũng như nhiều đàn em khác của Giang Trạch Dân. Đó là lý do ông Từ lên tiếng trước và kể công trạng của mình đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, giả thuyết có vẻ được nhiều người đồng ý hơn cả lại xem đây là đòn phép của chính ông Giang Trạch Dân và các cố vấn thân cận. Họ Giang đang cố tình vạch trần sự bịp bợm của Tập Cận Bình với cái gọi là biểu hiện sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Liêu Ninh thực chất chỉ là cái vỏ rỗng được sơn phết bên ngoài, còn bên trong chỉ đủ để làm sòng bài casino, không khác gì món hàng "Trung Quốc Mộng" mà ông Tập Cận Bình đang bày bán cho người dân Hoa lục./.