Vùng trái độn bảo vệ liên bang Nga
Hôm nay, ngày đầu tiên của năm 2015, Cộng Hòa Latvia sẽ thay nước Ý lên làm chủ tịch luân phiên của Hội Ðồng Âu Châu trong sáu tháng. Ðấy là một biến cố cũng đáng chú ý trong bối cảnh chung là Liên Hiệp Âu Châu chưa ra khỏi những khó khăn kinh tế, Latvia là một nước nhỏ trên vùng biển Baltic có thể bị Liên Bang Nga uy hiếp. Nhưng chuyện thay bậc đổi ngôi này chỉ có giá trị trong sáu tháng, với một cơ chế mang tính chất biểu tượng và chỉ có thẩm quyền gạn lọc và quy định một số nghị trình làm việc của các thành viên Liên Âu mà thôi.
Biến cố quan trọng hơn thế là hôm nay, mùng 1 Tháng Giêng năm 2015, đánh dấu sự chính thức ra đời của Liên Hiệp Kinh Tế Âu Á - Eurasian Economic Union (viết tắt là EEU, hay EAEU nếu ta cần chú ý đến yếu tố Á Châu, Asian).
Từ liên hiệp quan thuế đến liên hiệp kinh tế
Xuất phát từ một sáng kiến vào 10 năm trước của Tổng Thống Vladimir Putin, Liên Bang Nga đã mở ra một vòng đàm phán với hai nước Cộng Hòa Belarus và Kazakhstan từ năm 2006 để thành lập một hệ thống quan thuế duy nhất giữa ba nước.
Liên Hiệp Quan Thuế có nghĩa là ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan có chung một chế độ quan thuế duy nhất, hàng xuất nhập cảng từ bên ngoài vào ba quốc gia này có chung một thuế biểu, bên trong, ba nước chấp nhận với nhau tô suất thuế có tính chất ưu đãi. Vì kích thước kinh tế và chính trị quá lớn của mình, Liên Bang Nga giữ vị trí trọng yếu trong hệ thống đó, chính thức ra đời từ năm 2010. Khi ấy, ít ai để y tới sự hình thành có vẻ tượng trưng đó trên đại lục địa Âu-Á vì khủng hoảng bắt đầu bùng nổ trong khối Euro của Liên Âu vào năm 2010.
Năm 2012, ba quốc gia trong Liên Hiệp Quan Thuế nói trên tiến xa hơn một bước để lập ra một “Không Gian Kinh Tế Thống Nhất” giữa Nga, Belarus và Kazakhstan. Ðấy là nền móng của hệ thống EEU vừa ra đời hôm nay và gồm bốn nền kinh tế của các nước Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Cộng Hòa Kyrgyzstan sẽ gia nhập hệ thống này từ Tháng Ba tới đây.
Cơ sở của hệ thống liên hiệp kinh tế này là từng thành viên đồng ý hội nhập các khu vực kinh tế như ngoại thương, kỹ nghệ, năng lượng, cạnh tranh và vận chuyển vào một cơ chế thống nhất, với những luật lệ chung áp dụng cho toàn khối. Mục tiêu kế tiếp là thành lập một khối kinh tế thống nhất tương tự như Liên Hiệp Âu Châu, bên trong là quyền tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ và nhân lực lao động. Ðể tiến tới đó, bốn quốc gia sáng lập đã xây dựng một bộ máy hành chính siêu quốc gia gồm có 23 cơ quan khác nhau.
Trong hệ thống này, mọi quyết định quan trọng đều phải có sự đồng ý của các thành viên. Bên trong thì các nước vẫn có thể đàm phán thương thảo những ngoại lệ để dung hòa các vấn đề kinh tế chính trị thuộc nội bộ từng nước.
Khi đưa ra sáng kiến này mươi năm về trước, Putin nghĩ đến lợi ích kinh tế của việc hội nhập các nước láng giềng xưa kia nằm trong Liên Bang Xô Viết, về sau đã thành quốc gia độc lập nhưng vẫn có quan hệ kinh tế gắn bó với nước Nga. Sau đó, Putin mới nhắm vào mục tiêu chính trị lớn lao hơn, là mở rộng ảnh hưởng của Liên Bang Nga trên một khu vực rộng lớn kéo dài từ Ðông Âu đến Viễn Ðông, vùng cực Bắc của Thái Bình Dương. Ðấy sẽ là một vùng trái độn bảo vệ nước Nga mà cũng một lực đối trọng với Liên Âu, vắt ngang đại lục địa Âu-Á. Putin còn hy vọng lôi kéo hay hội nhập các nước Ðông Á như Trung Quốc và Việt Nam. Hai xứ này hiện vẫn giữ quy chế thân hữu là quan sát viên...
Nhưng ngày nay, khi giấc mơ bành trướng ảnh hưởng của Putin có vẻ thành hình thì kinh tế Nga lâm nạn. Trong năm 2014, đồng rúp mất 40%, cuối năm kinh tế bị suy trầm (recession) và qua năm mới sẽ bị suy thoái (depression) khi Ngân Hàng Trung Ương đã mất gần 100 tỷ để giữ giá đồng bạc. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của vụ khủng hoảng, chế độ Putin lập kế hoạch tăng thuế trên lúa mì xuất cảng, bắt các nhà xuất cảng Nga bán lại cho chính phủ một phần dự trữ ngoại tệ và du di một số ngân khoản để riêng yểm trợ các ngân hàng và doanh nghiệp Nga.
Tức là ngay từ khi thành lập Liên Hiệp EEU, Liên Bang Nga đã đòi những ngoại lệ!
Chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về vị trí của các thành viên kia.
Cộng Hòa Belarus
Là một nước thân Nga, đến độ thần phục, Belarus đã hưởng lợi khá nhiều từ khi hội nhập kinh tế với Nga: xuất cảng qua Nga tăng hơn gấp đôi từ 2009 đến 2014 và xuất cảng qua Kazakhstan tăng gần gấp ba. Ðã thế, Belarus cũng khéo thương thuyết với Nga để thi hành chế độ quan thuế một cách chọn lọc, với khá nhiều ngoại lệ có lợi cho mình.
Nhưng vì Belarus lệ thuộc vào doanh nghiệp và giới tiêu thụ Nga để bán được 40% của tổng số xuất cảng của mình cho nên khi kinh tế Nga khủng hoảng, Belarus bị vạ lây! Ba ngày sau khi Nga tăng lãi suất đến 6,5% để cứu đồng rúp, Belarus bắt các doanh nghiệp của mình phải bán lại 50% số ngoại tệ dữ trữ và đánh thuế lên nghiệp vụ mua ngoại tệ. Sau đó, thị trường chứng khoán và trang nhà của nhiều doanh nghiệp đã bị đóng trong nhiều ngày.
Chấn động kinh tế vì đồng rúp tuột giá đã dội lên thượng tầng chính trị của Belarus. Hôm 22 vừa qua, Thủ Tướng Mikhail Myasnikovich nói thẳng rằng kinh tế xứ này bị khủng hoảng là vì hội nhập với Nga và biện pháp cứu nguy tại một nước lập tức đưa tới nạn phá giá đồng bạc hay lạm phát của toàn khối. Năm ngày sau, Tổng Thống Aleeksandr Lukashenko thẳng tay cách chức thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương.
Belarus bị khủng hoảng chính trị khi Liên Hiệp EEU ra đời!
Cộng Hòa Kazakhstan
Sau khi hội nhập vào kinh tế Nga, xứ Kazakhstan rất rộng lớn lại không hưởng lợi bằng Belarus. Từ khi gia nhập Liên Hiệp Quan Thuế vào năm 2010 với chế độ thuế vụ thống nhất về ngoại thương, Kazakhstan phải tăng thuế nhập cảng cho bằng các xứ kia và phải xin đặc miễn cho một số mặt hàng. Nhờ đó ngạch số ngoại thương có tăng nhưng số xuất cảng qua Nga và Belarus lại giảm: thuế xuất cảng được nâng gần ba điểm từ 6.7% lên 9.2% và hội nhập kinh tế với hai xứ kia khiến doanh nghiệp xuất cảng của Kazakhstan mất sức cạnh tranh bên trong hệ thống.
Khi Liên Bang Nga bị khủng hoảng kinh tế, Kazakhstan lãnh hậu quả còn tai hại hơn vì các ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp tài chánh của mình đều do nước Nga chi phối. Kazakhstan đã phải phá giá đồng bạc tới 19% vào đầu năm và đến cuối năm thì đồng bạc (gọi là “tenge”) lên giá vùn vụt so với đồng rúp và dân Kazakhs lũ lượt chạy qua Nga mua hàng với giá rẻ!
Khi Nga tăng lãi suất hôm 16 Tháng Mười Hai, Ngân Hàng Trung Ương Kazakhstan cũng phải nâng lãi suất và quy định một tỷ lệ ký thác cao hơn cho hệ thống ngân hàng. Không khí kinh tế là sự hốt hoảng và vào buổi đầu năm, người người đều chờ đợi một biện pháp phá giá nữa. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã xảy ra.
Lên lãnh đạo từ năm 1989 khi còn là đệ nhất bí thư đảng Cộng Sản, rồi tổng thống từ khi xứ này độc lập vào năm, ông Nursultan Nazarbayev nay đã 75 tuổi và sẽ phải về hưu. Khủng hoảng kinh tế xảy ra khi Kazakhstan đang bước vào thời chuyển tiếp lãnh đạo. Bất ổn sẽ là quy luật!
Cộng Hòa Armenia
Nằm tại trung tâm của một khu vực nhiễu nhương tiếp cận với Biển Caspian và Hắc Hải, với Iran và Turkey, với Georgia và một cừu thù là Azerbaijan vì tranh chấp chủ quyền trên đất Nagorno-Karabakh. Cộng Hòa Armenia tìm mối lợi kinh tế và cả hậu thuẫn chính trị khi gia nhập Liên Hiệp EEU. Mối lợi đó là thế lực của Liên Bang Nga.
Nhưng ngược lại, Armenia gặp khó khăn trong quan hệ kinh tế với các nước bên ngoài khối EEU, trước hết là Iran và Liên Âu. Chính là những khó khăn này mới khiến lãnh đạo bị phản đối là tội vào quỹ đạo của Nga.
Khi khủng hoảng bùng nổ tại Nga thì dù không là thành viên của Liên Hiệp Quan Thuế, Armenia cũng bị thiệt hại, đồng bạc (gọi là “dram”) bị mất giá 12% so với Mỹ kim và lạm phát tăng vọt ở mức 30-40%. Hàng năm, người dân vẫn nhận được khoảng hai tỷ đô la tiền viện trợ của thân nhân làm ăn bên Nga. Vì tiền rúp mất giá tới 40%, khoản tiền tươi đó coi như mất gần phân nửa.
Trong ngần ấy thành viên, Arnenia là xứ tương đối dân chủ nhất. Nhưng việc hội nhập vào kinh tế Nga đang trở thành vấn đề cho hệ thống chính trị của xứ này.
Cộng Hòa Kyrgyzstan
Là nước nghèo nhất, đáng lẽ Kyrgyzstan cũng là thành viên của Liên Hiệp EEU vào ngày hôm nay, nhưng sau cùng lại hoãn cho đến Tháng Ba. Trước đó, Kyrgyzstan được Nga và Kazakhstan viện trợ tổng cộng là một tỷ 300 triệu đô la để cải thiện các trạm kiểm soát quan thuế (300 triệu) và hạ tầng (một tỷ) như biện pháp khuyến khích việc hội nhập kinh tế vào nước Nga.
Khi hội nhập, Kyrgyzstan có mối lợi là được viện trợ và thu hút đầu tư, được bảo vệ về an ninh chống nạn buôn lậu nhờ các trạm quan thuế. Nhưng cái giá phải trả là khó mua hàng của Tầu để bán qua Nga và các nước Trung Á vì thuế suất từ nay sẽ cao hơn. Ðã vậy, kinh tế xứ này lệ thuộc vào tiền bạc do thân nhân sinh hoạt bên Nga vẫn gửi về hàng năm, vào khoảng hai tỷ đô la, gần bằng một phần ba của Tổng sản lượng.
Khi kinh tế Nga khủng hoảng, Kyrgystan tất nhiên là bị thiệt hại và năm tới sẽ bị suy trầm như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã dự đoán.
Nói chung, bốn thành viên của Liên Hiệp EEU bị chấn động vì những gì đang xảy ra tại Liên Bang Nga và các quốc gia khác đều theo dõi việc này để cân nhắc lợi hại khi gia nhập khối kinh tế Nga theo kiểu Putin. Ðấy là món quà đầu năm không mấy vui cho lãnh tụ trí trá này.
Kết luận ở đây là gì?
Làm báo không được ăn Tết.
Nhưng vẫn phải chúc độc giả một năm mới an bình và thịnh vượng!
Nguồn: nguoi-viet.com