“Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu” là tựa một bài báo của Baomoi Oline viết lại câu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp ông chủ trì cuộc đối thoại với nông dân tại Cần Thơ vào ngày 10 tháng 12 với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
Nội dung cuộc nói chuyện không đưa ra bất cứ giải pháp nào mới mẻ nhằm thúc đẩy sức mạnh sản xuất cũng như phát triển sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới. Hầu hết Thủ tướng lắng nghe ý kiến người nông dân và ông đưa ra những nhận xét không khác mấy với những quan tâm của họ. Ông đặt vấn đề về nguồn vốn ngân hàng, chi phí vận tải hay nghiên cứu giống lúa mới….tất cả những câu hỏi chưa có lời giải đáp thấu đáo, triệt để cho một kế sách thúc đẩy nông nghiệp trong thời đại 4.0 như ông từng tuyên bố.
Cuối cùng thì ông đưa ra phán quyết: “Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”.
Thưa ông Thủ tướng, sự lộng ngôn nào cũng để lại di chứng. Câu phát biểu này của ông cho thấy tư duy của người Cộng sản giống hệt nhau khi được ngồi lên chiếc ghế cao nhất. Tư duy quan lại thời phong kiến luôn cho rằng người dân là con đỏ và tuyệt đối không nên đòi hỏi gì ở kẻ cầm quyền. Ông không có vẻ gì kết án dân chúng như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhăm nhe rằng “Đã làm gì cho đất nước” nhưng qua câu nói có vẻ bình thường này ông cho thấy suy nghĩ chung của bộ sậu đảng Cộng sản lúc nào cũng mặc định “không được đòi hỏi gì ở nhà nước”.
Nhưng nếu người dân hỏi lại “vậy thì các ông là ai mà cấm không cho dân đòi hỏi?”
Thủ tướng nên nhớ rằng mọi chức vụ, vai trò, quyền hành trong hệ thống của một quốc gia đều do người dân định đoạt qua đồng tiền đóng thuế của họ. Các ông không thể tự mình có đủ nguồn tài lực để vận hành đất nước. Nếu bán tài nguyên quốc gia thì tài nguyên ấy cũng không phải của gia đình các ông để lại mà là của dân chúng thừa hưởng của tổ tiên từ thời lập quốc. Chức vụ các ông đang nắm giữ không khác gì mỗi ngành nghề mà xã hội phân chia cho từng người nhằm phát triển quốc gia.
Là nông dân họ cúi mình xuống ruộng, là công nhân họ cặm cụi bên những ổ máy, là trí thức họ ngày đêm tính toán cho những chương trình dự án có lợi cho quốc kế dân sinh ngay cả một người quét rác thì chiếc chổi họ cầm trong tay cũng là trách nhiệm biến xã hội này sạch sẽ. Tất cả những con người bình thường ngày ngày chăm chú làm việc ấy đều có quyền nhìn sang bên cạnh người được mình trả tiền để làm những công việc điều hành đất nước.
Nếu là Thủ tướng ông phải biết rằng trách nhiệm mà ông mang trên vai do người dân giao phó và họ đã trả công cho ông đầy đủ để chu toàn trách nhiệm đó. Vì vậy ông có bổn phận đốc thúc theo dõi và chỉnh lý mọi chính sách giúp đỡ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình. Nông dân không những được quyền đòi hỏi mà họ còn có quyền giám sát việc làm của chính phủ nếu chính phủ ấy “của dân, do dân, và vì dân” như chính các ông thường xác nhận.
Trong câu nói “Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình” mang nặng ngữ nghĩa của bề trên nói với người dưới. Câu này lý ra phải từ miệng người nông dân chân lấm tay bùn kia nói với toàn bộ guồng máy cầm quyền vì đã không thực hiện đúng chức năng mà người dân giao phó, đó là vận hành bộ máy một cách thông minh, khoa học và minh bạch để đất nước phát triển, ngược lại cả guồng máy đang ăn cắp mồ hôi, sức lực của nhân dân đến lúc sức dân cùng kiệt không còn gì để lấy thì các ông lại kêu cứu xin người dân tiếp tay giải quyết nợ công vậy chẳng phải là nhà nước phải tự cứu lấy mình đấy sao?
Chưa có trường hợp nào trên khắp hành tinh này mà người dân phải cầu cứu chính quyền để được sống còn mà ngược lại vận mệnh của chính quyền nằm trong tay người dân. Có thể dân chúng không có súng, không có nhà tù không có quyền biểu đạt bằng lá phiếu nhưng thứ mà họ có thì bất cứ chính quyền nào cũng vĩnh viễn không thể tước đoạt được đó là sức mạnh quần chúng. Sức mạnh ấy thừa khả năng lật đổ một chính quyền độc tài hay toàn trị, và một khi nó nổi lên thì không một lực lượng vũ trang nào có thể chống trả.
Đừng tưởng người dân mãi mãi ngủ yên trên cái sức mạnh tiềm ẩn ấy chẳng qua lực đẩy chưa đủ lớn để lực lượng quần chúng thức tỉnh và một trong những điều làm họ thức tỉnh chính là câu nói đầy hàm ý khinh bỉ người dân của ông Thủ tướng.
Một ngày nào đó sự lộng ngôn sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Lúc ấy e rằng nhà nước phải tự cứu mình trước dòng chảy lịch sử chứ không phải cao ngạo như ngày hôm nay trước những con người nông dân hiền lành của đất nước.