Cái làng Lon bé nhỏ của tôi 18 nóc nhà thèo đảnh nép bên chân núi góc xứ Thanh cũng chả thể yên hàn, bình lặng qua cuộc chiến tranh. Anh cả tôi thương binh hạng ¼ đánh trận Khe Sanh năm 1968. Anh thứ hai, bộ đội B2 Miền Đông Nam Bộ, thương binh 2/4. Thằng em út bệnh binh Mặt trận biên giới Tây Nam. Làng 18 gia đình nhưng có tới 6 liệt sĩ. Lứa chống Mỹ đầu có cậu Xuân đi bộ đội từ thời chính quy hiện đại những năm đầu sáu mươi. Tiếp lứa sau có những Quyền, Phụng, Sơn ( Ngọc) Vĩnh và Nguyệt, con gái ông chú đi TNXP. Trừ Nguyệt, còn 5 liệt sĩ kia đều xếp vào diện không tìm thấy mộ. Mỗi lần nhảo về quê ghé qua nhà len lét thấy như mình có lỗi bởi người thân đều có ý hỏi thăm tin tức phần mộ. Bởi nghe đài, coi ti vi thấy thiên hạ nơi này nơi kia tìm được phần mộ người thân nhưng người nhà mình thì cứ bặt tăm chả được tin tức gì!
Tháng bảy này vẫn là tháng 6 âm. Năm nay nhuận hai tháng 6. Nhưng hình như trời đất đã bắt vào cái tiết âm, tiết Ngâu của tháng 7 rồi? Mưa giăng giăng khắp xứ Bắc và dọc miền Trung có cả tháng. Trong mấy ngày mưa lướt thướt ấy tôi may mắn được nhập vào một đoàn đi theo vệt lộ trình tâm linh. Nghĩa trang liệt sĩ Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Mộ Tướng Giáp, Nghĩa trang liệt sĩ Miền Nam ở Quảng Bình, Hang Tám Cô, Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị.
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Chợt câu buồn ấy của Nguyễn Du ập về. Chưa đến mức tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô (chẳng hay cụ Nguyễn Tiên Điền khi viết Văn tế thập loại chúng sinh có vào cữ tháng 6, tháng 7 âm và nhuận dư lày không nhỉ?) Nhưng trời mưa lạnh qua các nghĩa trang thấy lòng dạ cứ chùng cứ trĩu xuống. Mặc dù những địa danh tâm linh ấy mình đã nhiều lần được ghé!
Ấn tượng trong đoàn đi, mọi người nhắc nhở nhau là cố mà dành thời gian để dâng hương các ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên.
Mà những ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên (hay là không?) ở các nghĩa trang thì nhiều lắm. Nên những nghĩa cử cũng chỉ là tượng trưng.
Thoáng day dứt nghĩ đến con số hơn nửa triệu liệt sĩ (số được quy tập vào các nghĩa trang và đương còn nằm đâu đó ở các chiến trường) hiện nay chưa có thông tin gì.
Liệt sĩ chưa biết tên. Tôi nghĩ đến những nhan nhản giăng giăng tại 72 nghĩa trang ở Quảng Trị những tấm bia với hàng chữ ấy. Chẳng thể không lẩn thẩn liên tưởng đến những người lính tử trận một thời phía bên kia, bây giờ bao người chưa tìm thấy phần mộ lẫn tên nhỉ?
Mưa giăng dày trên Thành cổ Quảng Trị và Bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn. Cảnh vật xám mờ như nhuốm hơi âm, khí âm. Những trận khác thì chưa biết. Nhưng từ ngày 28-6-1972 đến 16-9-1972, tại địa danh này, các tướng Văn Tiến Dũng, Trần Quý Hai, bên kia là tướng Ngô Quang Trưởng bày trận liên tục suốt 81 ngày đêm. Thành cổ và sông Thạch Hãn nhuốm đỏ máu… Con số thống kê sau này, hơn 20 ngàn chiến sĩ QĐNDVN hy sinh và hơn 30 ngàn chiến binh VNCH đã bỏ mạng. Rời Thành cổ, vai cứ trĩu xuống. Khí âm hay bệnh khớp tuổi già, chả biết nữa.
Chiều muộn rời Quảng Trị. Vần vụ giăng giăng trên đầu là mây khói đèn và bầu trời sũng nước. Tự dưng cứ thấy nấn ná. Như nhỡ nhàng, dang dở điều gì? Hình như chưa đến được những nơi cần đến?
Nhớ năm đã xa, lần về thôn Hải La của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong. Triệu Phước có 349 liệt sĩ thì Hải La đã là 152. Tự dưng lẩn thẩn hỏi nhà chức việc ở Hải La rằng số lính VNCH quê Hải La tử trận là bao nhiêu? Ông trưởng thôn thở dài rằng chưa thống kê đầy đủ nhưng phải có hàng trăm. Ghé thăm nhà mẹ Thí có chồng là liệt sĩ, nhưng có con trai đi lính VNCH rồi tử trận. Trên bàn thờ nhà mẹ có hai tấm ảnh thờ. Chồng và con trai. Hai người hai trận tuyến! Nghĩa trang Hải La là nơi nằm chung của hàng trăm ngôi mộ phía hai trận tuyến.
Một góc nhỏ của nước Việt mến yêu như Hải La như Quảng Trị còn thế. Huống chi cả xứ mình? Theo tài liệu của Bách khoa toàn thư Anh quốc Britannica, khoảng hơn 1 triệu lính Bắc Việt và VNCH tử trận. Hơn 2 triệu người Việt bị chết và hơn 4 triệu người Việt bị thương.
Lẩn thẩn rồi lan man nghĩ đến một nghĩa cử của Huế, ở Huế.
Đó là Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, đồng bào vong thân trong chiến tranh.
Đại lễ có xuất xứ từ Lễ tế âm hồn. Mọi người hẳn nhớ, sau chính biến ngày 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1885) kinh đô Huế thất thủ. Sự kiện đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau muôn thuở của người dân xứ Huế. 9 năm sau ngày Kinh đô thất thủ, dưới triều vua Thành Thái, đàn Âm hồn được triều đình cho thiết lập. Năm 1894, Bộ Lễ cho lập đàn ở một bãi đất ở gần cửa Quảng Đức (cửa vào khu vực Đại nội Huế). Người ta đã dựng các bàn thờ để cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh. Đàn lúc đầu để lộ thiên ở một bãi đất rộng, về sau triều đình cho xây một ngôi nhà ba gian để thờ và cất giữ đồ tự khí. Từ năm 1945, thời thế đổi thay, cái lệ đó đã không còn.
Năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định công nhận đàn Âm hồn là di tích lịch sử văn hóa. Tỉnh cũng đã thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đàn Âm hồn với mức kinh phí 2,7 tỉ đồng. Lần đầu tiên ngày 18-6-2017 nhằm ngày 23 âm lịch, Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức đại lễ cầu siêu cho những vong hồn thiệt thân không chỉ trong trận thất thủ Kinh đô năm xưa, mà cả trong những năm chiến tranh giai đoạn sau này. Đại lễ sẽ được tổ chức vào ngày đó hằng năm.
Trả lời sự kiện thời điểm nghĩa trang Biên Hòa được dân sự hóa, hẳn nhiều người còn nhớ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bộc bạch thế này: “Có những cái vô lý, người sống đố kỵ nhau nên nó khổ liên quan đến người chết, trước đây coi như không thừa nhận nghĩa trang đó nên quân sự hóa mấy chục năm. Bây giờ thấy nó vô lý. Có một quyết định tuy trễ nhưng dù sao cũng rất tốt. Ông Nguyễn Tấn Dũng (thời điểm TT Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định đưa nghĩa trang Quân đội VNCH ở Biên Hòa thành nghĩa trang dân sự Bình An-XB) đã làm tốt cái đó, làm hơn tôi cái đó, lúc tôi làm thì chưa làm được cái này, quyết định giao lại cho dân sự. Tôi cho quyết định đó là đúng”.
Và vẫn còn cộm trong trí nhớ về một nghĩa trang ở thủ đô nước Mỹ mà tôi từng may mắn được ghé. Đó là Nghĩa trang Arlington ở Washington D.C, nơi an nghỉ hàng vạn binh sĩ của cả hai miền và hai phía trong cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ (1861-1863).
Năm 1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn đã trực tiếp đến khánh thành nghĩa trang quốc gia này và để lại dòng chữ: Tất cả những tử sĩ ở đây đều là người Mỹ.
Nước Việt ta có từ Đồng bào? Nghĩa là cùng một bọc. Thủy tổ Việt, dân Việt mình từng một bọc từ thuở hồng hoang Lạc Long Quân với bà Âu Cơ!
Xuân Ba
Nguồn: Fb Nguyễn Thông