Không chỉ là trái ớt

 Mặc Lâm

Dương Thu Hương, Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân, Sangeeta Kaur – Mai Teresa rõ ràng là những khuôn mặt rạng danh nước Việt. Tài năng của họ được công nhận bằng những giải thưởng danh giá hàng triệu người mơ ước. Bàn viết, sàn diễn, trường quay của họ với không gian bé nhỏ và khán giả chọn lọc cuối cùng sức sáng tạo cũng đã chiến thắng và họ bước lên đài vinh quang cùng với hàng triệu đôi mắt dõi theo của hàng triệu người Việt Nam khắp chốn.

Và có một chiếc cúp khác không hình thể, cân nặng hay chất liệu nhưng trong nhiều năm qua âm thầm lóe sáng trên bàn ăn của hàng triệu gia đình nơi xứ sở của hàng chục quốc gia cùng cư trú. Cái cup có hình thể của một chai tương ớt từ nhiều chục năm qua làm bạn với không biết bao nhiêu là tiệm phở khắp năm châu. Nơi nào có phở, nơi ấy có tương ớt Sriracha Huy Fong với hình con gà trống vạm vỡ đầy sức sống.

Cái chai tương ớt tưởng bình thường ấy lại là một câu chuyện thú vị của một người gốc Việt, lang bạc đến xứ người với vỏn vẹn vài trái ớt trong hành trang kinh nghiệm. Trái ớt bé nhỏ của Việt Nam khi tới Mỹ đã thay đổi cho hợp với phong thổ lẫn văn hóa ẩm thực của một đất nước có hàng trăm thứ tương ớt nhưng không có thứ nào phù hợp với phở, và từ đó tương ớt Con Gà ra đời.

Thương trường là chiến trường đối với hầu hết những nhà kinh doanh nhưng đối với David Trần thì không hẳn thế. Người tạo ra thương hiệu Huy Fong không hề gặp sức cạnh tranh nào từ một thị trường đa dạng và cực kỳ khó tính như ở Mỹ vì nó không sản xuất cho cái lưỡi của người Mỹ, Mễ hay Hàn mà nó được làm cho tô phở Việt Nam, thứ mà đi tới đâu người Việt cũng mang theo bên hành trang của mình.

Cách đây gần 60 năm, từ Sóc Trăng ông Trần chọn Sài Gòn làm nơi kinh doanh. Cùng với một người anh trai, hai anh em ông lặn lội làm ra những chai tương ớt bán cho các cửa hàng chạp phô rồi lần hồi tạo được uy tín từ khách hàng cho cái hương vị đặc biệt mà nó có.

Nhưng cái số phận của chai tương ớt gắn liền với cuộc ra đi của gia đình ông vào năm 1978 trong những chuyến đi mang tên “bán chính thức” dành cho người Hoa đóng vàng vượt biên sang Hong Kong hay bất cứ xứ sở nào mà họ chọn. Chiếc tàu mang tên Huey Fong chở gia đình ông Trần sang Hong Kong và từ đó sang Mỹ đã gợi ý cho cái tên Huy Fong trên chai tương ớt bây giờ.

Sinh năm Dậu nên ông Trần chọn con Gà Trống làm nhãn hiệu, cho thấy sự đơn sơ của một người chỉ biết nhắm vào những điều đơn giản và gần gũi. Cái chữ Sriracha không phải là ý muốn của ông khi chai tương ớt đầu tiên rao bán cho các quán phở chung quanh khu Bolsa nơi những tiệm phở, nhà hàng người Việt nhen nhúm mọc lên. Theo lời ông kể, lúc ấy Việt Nam chưa bang giao với Mỹ và mọi thứ hàng hóa đều nhập khẩu từ Thái Lan nên ông phải chọn chữ Sriracha cho hợp với thực tế lúc ấy. Tuy nhiên, ông không giải thích tại sao lại là Sriracha, nơi mà người Thái làm tương ớt trước ông nhiều thập niên và đến bây giờ họ vẫn còn giữ cái chất liệu trăm năm không đổi ấy.

Làm sao ông Trần ngờ được người Việt và rồi nhiều sắc dân khác ở Mỹ thích thú món tương ớt của ông đến nỗi phát rồ khi nó bị trục trặc nguyên liệu buộc phải ngưng sản xuất trong ngắn hạn. Thứ tương này rất kén ớt, nó chỉ được làm từ trái ớt Jalapeno khi chín đỏ, còn mọi loại ớt khác có đầy ở Mỹ cũng vô dụng. Trong đại dịch Covid, nhiều nông trại trồng loại ớt này bị thất mùa, một phần do thời tiết, một phần do thiếu công nhân nên số lượng tụt giảm. Trái ớt đỏ Jalapeno đã tạo thành một cuộc “khủng hoảng” nho nhỏ trong lĩnh vực ẩm thực.

Khi hãng Huy Fong gửi thư đi các công ty đối tác cho biết hãng phải tạm ngưng sản xuất vì khan hiếm ớt, ngay lập tức người ta đua nhau mua những chai tương ớt về cất để dùng dần. Costco, nơi thu mua ớt Con Gà nhiều nhất cũng hết sạch chỉ sau vài ngày. Nhiều nhà hàng Mỹ đưa tương Con Gà ra trong một cái chung nhỏ thay vì để nguyên chai trên bàn cho thực khác. Quán phở là nơi gặp khó khăn vì thiếu tương ớt nhiều nhất vì thực khách đã quen với hương vị tương ớt Huy Fong nên thay vào thứ gì cũng bị chất vấn!


Một đầu bếp Mỹ khoe món cánh gà chiên ướp bằng tương ớt Con Gà của Huy Phong Foods (ảnh: Matt West/MediaNews Group/Boston Herald via Getty Images)

Amazon cũng không ngoại lệ, giá một chai Huy Fong vọt lên gấp hai mươi lần. Walmart, chuỗi của hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cho biết tương ớt Huy Fong được bán với giá $80 nhưng hết hàng… Người Việt nhìn nhau tự hỏi làm sao mà cái chai tương này nổi tiếng đến như vậy? Nếu biết được sự nổi tiếng ấy xuất phát từ triết lý kinh doanh của ông chủ Huy Fong thì sự ngạc nhiên chắc sẽ còn tăng hơn nữa. Ông Trần khẳng định:

“Hương vị của Huy Fong dành cho người giàu nhưng cái giá để mua nó thì dành cho người nghèo”. Không đơn giản chút nào. Phải yêu mến sản phẩm của mình như đứa con mang nặng đẻ đau mới nghĩ ra cái triết lý thông minh nhưng đầy thử thách như vậy.

Thông thường, một sản phẩm bán chạy như Huy Fong thì không chóng thì chầy phải kiếm cách tăng giá. Giá có cao thì lợi nhuận mới tăng và với công suất sản xuất mỗi năm lên đến hàng trăm triệu chai thì doanh thu sẽ tăng tới mức nào. Nhưng không, ông Trần khẳng định khi còn ở Việt Nam ông cũng dư giả, rồi khi sang tới Mỹ cơ hội làm ăn thuận chèo mát mái, không gặp bất cứ vấn đề về tài chánh nào thì không cần tăng giá bán. Thật là khó tin nếu biết chai tương ớt Con Gà suốt 38 năm liền vẫn giữ cái giá thuở ban đầu xuất hiện bởi chủ nhân của nó muốn ngày càng có nhiều người biết tới và yêu mến nó.

Tính cách kinh doanh khác thường của Huy Fong vô tình làm trở ngại cho bất cứ công ty nào muốn cạnh tranh với nó, vì với cái giá của 38 năm về trước không có bất cứ một công ty nào dù lớn tới đâu cũng không thể đọ sức. Theo số liệu chính thức của Phòng Thương mại Hoa kỳ thì tương ớt Huy Fong đứng thứ ba trên toàn nước Mỹ chỉ sau hai tập đoàn sản xuất tương ớt khác là Tabasco và Frank. Chưa hết, tại Mỹ cứ 10 gia đình thì có một gia đình dùng tương ớt Con Gà trên bàn ăn của họ!
Nếu biết được ngay trên trạm vũ trụ Survival cũng có tương ớt cho phi hành gia thì chúng ta nghĩ sao? Chỉ có thể nói: Tự hào.

Niềm tự hào này xứng đáng vì David Trần sinh năm 1945 tại Sóc Trăng chứ không phải là người được sinh ra bên ngoài Việt Nam. Ông chia sẻ số phận của người Việt tỵ nạn và từ đó biết rõ sự nghèo nàn, lạc hậu và đói nghèo đối với một con người, một tập thể và nhất là một quốc gia như thế nào. Chai tương ớt hiệu Con Gà mà ông mang vào nước Mỹ đã góp phần giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam cho hàng triệu người. Ông không bước lên bục để nhận chiếc cúp vàng cho thành quả kinh doanh của mình nhưng sự kinh doanh của ông đã nói lên tấm lòng của một người tỵ nạn dành cho quê hương xa xôi của mình, cho những đồng bào tha hương xa xứ như ông./.