Kết quả phiên tòa phúc thẩm ông Lê Đình Lượng, ngày 18/10/2018

Fb.Ha Huy Son |

Thời gian: Từ 8g 00 đến 11g 40 kết thúc.

Tòa tuyên y án sơ thẩm: 20 năm tù + 5 năm quản chế, hạn chế một số quyền công dân 05 năm.

Luật sư bào chữa 02: Ls Đặng Đình Mạnh và Ls Hà Huy Sơn.

Bài bào chữa của Ls Hà Huy Sơn tại phiên tòa:

LUẬN CỨ BÀO CHỮA TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM
Cho ông Lê Đình Lượng do TAND cấp cao tại Hà Nội, xét xử ngày 18/10/2018 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn địa chỉ số 156 Trần Vĩ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Tôi xin trình bày luận cứ bào chữa cho ông Lê Đình Lượng như sau:

I-Tóm tắt vụ án:

Ngày 24/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng, sinh năm 1965, trú tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 26/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Ngày 26/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố bị can số 26 đối với ông Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Ngày 05/07/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Cáo trạng số 120/CT-KSĐT-P1 truy tố ông Lê Đình Lượng về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 16/08/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ra bản án hình sự sơ thẩm số 106/2018/HS-ST tuyên ông Lượng phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999 phạt 20 năm tù + 05 năm quản chế. Ông Lượng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và cho rằng ông vô tội.

“Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;”

Khoản 1 điều 109, Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;”

Ông Lê Đình Lượng bị tạm giam từ ngày 24/07/2017 cho đến nay.

II-Vi phạm về tố tụng:

  1. Đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng Quốc hội và Chính phủ xác định đảng Việt Tân là tổ chức khủng bố mà không đưa ra văn bản pháp luật nào quy định như vậy. Mặt khác cáo trạng cũng không nêu ra căn cứ này.
  2. Tôi cho rằng Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng nếu bị cáo kêu oan thì sẽ không xem xét giảm nhẹ là tước bỏ quyền lợi hợp pháp của ông Lượng, vi phạm quy định tại điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.”

III. Khách thể của tội phạm:

  1. Bản án sơ thẩm số 106/2018/HS-ST, ngày 16/08/2018 cho rằng ông Lượng phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là không có căn cứ bởi các lẽ sau:

1.1. Ông Lượng không có hành vi nhằm lật đổ bất cứ một cấp chính quyền cụ thể nào từ trung ương đến địa phương.

1.2. Mặt khác, Hiến pháp và các văn bản luật không có khái niệm, nội hàm quy định thế nào là “Chính quyền nhân dân”.

1.3. “Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An không quy kết bị cáo Lê Đình Lượng là đảng viên của tổ chức Việt Tân) (Trang 10 – Bản án sơ thẩm). Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo (ông Lượng): “có hành vi lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia tổ chức Việt Tân” không liên quan đến “Tội lật đổ chính quyền nhân dân”:

Tòa cấp sơ thẩm cho rằng: “khách thể của tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chế độ kinh tế, chính trị của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

https://viettan.org/gioi-thieu/chu-truong-va-duong-loi/:

Chủ Trương và Đường Lối

Canh Tân một nước Việt Nam giàu mạnh và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế là mục tiêu theo đuổi của đảng Việt Tân. Đây là cuộc cách mạng miên viễn nhằm đổi mới đất nước mọi mặt qua mọi thế hệ. Nhưng công cuộc Canh Tân hiện nay đang bị cản trở bởi sự cai trị độc tài chuyên chính của đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng chủ trương tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Viêt Nam để chấm dứt ách độc tài cộng sản hầu có điều kiện tiến hành công cuộc canh tân đất nuớc. Chủ trương này được thực hiện với hai nỗ lực Chấm Dứt Độc Tài và Canh Tân Đất Nước.

Chấm Dứt Độc Tài là một cuộc đấu tranh để giành tự do cho mọi người dân, giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị độc tài, và xây dựng một chế độ dân chủ đích thực. Đảng Việt Tân xác định kẻ thù của dân tộc Việt Nam là tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Thiểu số này đang là giai cấp duy nhất độc quyền phung phí tài nguyên và kềm hãm sự phát triển của đất nước.

Đảng Việt Tân tiến hành phương thức đấu tranh bất bạo động, dựa trên nền tảng lấy sức mạnh dân tộc làm chính để vận dụng toàn dân, đồng thời kết hợp với việc tranh thủ những hợp tác quốc tế, để tạo áp lực tối đa ở mọi mặt lên chế độ Hà Nội nhằm thay đổi nguyên trạng, tạo ra bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam.

Canh Tân Đất Nước là nỗ lực toàn diện bao gồm các lãnh vực: con người, cơ chế chính trị và môi trường sinh hoạt xã hội. Đảng Việt Tân quan niệm canh tân phải là một tiến trình chuyển hóa chọn lọc và tích cực nhằm xây dựng lại đất nước trên cả hai bình diện vật chất và tinh thần. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cuộc cách mạng canh tân và phát triển Việt Nam còn phải nhắm vào việc giữ vững được sự độc lập và chủ quyền quốc gia. Nhu cầu canh tân Việt Nam tuy trường kỳ nhưng cũng vô cùng cấp bách hầu rút ngắn giai đoạn phát triển, đưa Việt Nam bắt kịp với lân bang và trở thành một trong những quốc gia hùng cường tại Á Châu trong 20 năm trước mặt.

1.3.1. Đối chiếu với “Chủ trương và đường lối” của đảng Việt Tân thì Việt Tân không có mục tiêu xâm phạm “độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

1.3.2. Hiến pháp 2013 chỉ có chương 1 (Từ Điều 1 đến Điều 13) quy định về “Chế độ chính trị”, không có quy định “Chế độ kinh tế” nên Bản án sơ thẩm cho rằng “Chế độ kinh tế” là khách thể của tội quy định tại Điều 79 là không có căn cứ.

1.3.3. Bản án sơ thẩm đã đồng nhất “Chính quyền nhân dân” với “Chế độ chính trị” là không có căn cứ pháp luật. Đảng Việt Tân chủ trương “chấm dứt ách độc tài cộng sản” nhưng “ách độc tài cộng sản” không phải là “Chính quyền nhân dân” nên không có căn cứ cho rằng Việt Tân chống “Chính quyền nhân dân”. Đảng Việt Tân chủ trương “tạo ra bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam” nhưng Bộ luật hình sự không có điều khoản nào cấm chính trị đa nguyên, nên ông Lượng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này (nếu có). Đảng Việt Tân chủ trương “thay đổi nguyên trạng” không đồng nghĩa với “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

  1. Cáo trạng cho rằng “Căn cứ tài liệu do Cục Bảo vệ chính trị 5, Tổng cục An ninh – Bộ Công an cung cấp : Tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (gọi tắt là tổ chức Việt tân) là tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, có tôn chỉ, mục đích là hoạt động nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” và “tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục đưa Việt tân vào danh sách tổ chức khủng bố”. (Trang 04, 10).

Nếu cho rằng đảng Việt Tân là tổ chức khủng bố thì phải truy tố ông Lượng về “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định tại điều 84 Bộ luật hình sự 1999.

IV- Đánh giá chứng cứ:

Bản án sơ thẩm buộc tội ông Lê Đình Lượng chủ yếu dựa vào các lời khai của Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng. Tại phiên tòa sơ thẩm 16/08/2018, Hóa và Dũng đã phủ nhận hoàn toàn các lời khai trước đó. Như vậy, về thủ tục tố tụng thì những lời khai này không đảm bảo tính hợp pháp nên các lời khai của Hóa và Dũng không còn giá trị là chứng cứ để giải quyết vụ án.

V-Mặt chủ quan:

Về mặt chủ quan của tội phạm, hành vi của ông Lượng cũng chứng tỏ ông không có động cơ, mục đích “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vì, ông Lượng trước đây có tham gia quân đội, chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc. Xác minh nhân thân của ông Lượng là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, chứ không bắt buộc ông Lượng phải xuất trình được các tài liệu này.

Tình tiết mới: Tại phiên tòa phúc thẩm ông Lượng đã khai báo và đồng thời bác bỏ những cáo buộc không có căn cứ của bản án sơ thẩm

VI-Kiến nghị:

Kính thưa Hội đồng xét xử,
- Căn cứ vào các lý lẽ trình bày ở trên, căn cứ khoản 1 và 2 điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Không có sự việc phạm tội và Hành vi không cấu thành tội phạm”;
- Căn cứ khoản 1 điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự 2015,
Tôi cho rằng Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2018/HS-ST, ngày 16/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên ông Lượng phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định theo khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999 là 20 năm tù + 05 năm quản chế là không có căn cứ.
Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên ông Lê Đình Lượng không có tội và đình chỉ vụ án.
Xin cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,

Thành phố Vinh, ngày 18/10/2018.

Người bào chữa

Luật sư Hà Huy Sơn