Jerusalem: Làm Thế Nào Để “Chia” Di Sản Quá Khứ?

Sáng thứ hai 14-5-2018, vài giờ trước khi Ivanka Trump đại diện Hoa Kỳ cắt băng khánh thành trụ sở Tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem, máu đã đổ ở dải Gaza (ít nhất 58 người bị giết và hàng ngàn người bị thương). Cuối năm ngoái, quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngày 6-12-2017) cũng đã tức thời gây ra phản ứng gay gắt từ cộng đồng thế giới. Giáo hoàng Francis nói “Tôi không thể giữ im lặng được nữa”. Liên minh châu Âu bày tỏ “lo ngại sâu sắc”. Các đồng minh Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Ý đều cho rằng đây là một sai lầm. Tổng thư ký LHQ António Guterres nói rằng “bất kỳ giải pháp đơn phương nào cũng gây nguy hại cho triển vọng hòa bình đối với người Israel lẫn Palestine”… Tại sao Jerusalem lại là vấn đề lớn như vậy?

Vùng đất của ba tôn giáo

Jerusalem luôn buồn, hàng ngàn năm qua. Chúa Jesus từng nói rằng một người không thể có hai chủ. Trong khi đó, Jerusalem là mảnh đất thánh thiêng liêng với người Do Thái, Thiên chúa giáo và cả Hồi giáo. Có một vị trí trên bản đồ hệt như mọi thành phố khác nhưng Jerusalem tồn tại với nhiều màu sắc, nhiều sức mạnh và nhiều mối nguy hiểm hơn trong “kinh tuyến và vĩ tuyến của sự tưởng tượng tôn giáo”. Mảnh đất đầy đồi núi và khô khan này từng đứng nhìn sự hành hình Chúa Kitô và cũng từng chứng kiến sự lên trời của Đấng tiên tri Muhammad. Đó là chỗ duy nhất trên Trái đất được xem là nơi của sự cứu chuộc và phán xét cuối cùng. Trong Tân ước, Jerusalem chỉ “thành trì của ngày tận thế, thành phố cánh chung, nơi mà tất cả những kẻ lành tụ họp lại, thành trì mới, nơi mà sự công chính và hòa bình ngự trị”.


Jerusalem

Trong Kinh thánh, Jerusalem được nhắc đến 667 lần. Đó là miền đất hứa mà Chúa trời dành cho Abraham – kẻ đầy tớ trung thành của Người và được xem là tổ tiên dân Do Thái. Trong Sách Xuất hành (Book of Exodus), lời hứa đó được thể hiện cụ thể bằng Canaan – Đất Thánh – dành cho các bộ lạc du cư của Israel. Vua David đã biến Jerusalem thành kinh đô cho vương quốc mình và cách đây khoảng 30 thế kỷ, vua Solomon (con trai thứ hai vua David) đã xây ngôi đền đầu tiên trên mảnh đất thiêng. Khi bị đánh bại và bị tống lưu đày đến Babylon, người Do Thái càng nung nấu sự trở về. “Nếu ta quên ngươi, hỡi Jerusalem, hãy để bàn tay phải ta khô héo” – như trong Sách Thánh vịnh từng nói. Năm 70 (sau Công nguyên), ngôi đền thứ hai do vua Herod xây lại bị quân La Mã tàn phá và những gì còn lại của bức tường phía Tây thành Jerusalem hiện giờ là ngôi đền thiêng nhất với Do Thái giáo và bức tường đền sót lại cũng trở thành nơi thiêng liêng nhất. Người ta gọi đó là “Bức tường Than khóc”, vì người Do Thái thường đến đó kêu than về sự phá hủy ngôi đền thứ nhất (thời Solomon) và ngôi đền thứ hai (thời Herod).

Jerusalem – như nhà thần học nổi tiếng Abraham Joshua Heschel viết ngay sau khi quân Israel chiếm đóng vào năm 1967 – là “một thành phố chứng nhân, một tiếng vang của vĩnh hằng”. Và nó cũng là thành phố của sự chờ đợi, nơi Chúa cứu thế sẽ lại xuất hiện và tái dựng ngôi đền. Chết ở Jerusalem là sự cứu chuộc vì Chúa. Với người Thiên chúa giáo, Jerusalem là nơi Chúa đã đau khổ, chết và phục sinh và đó cũng là nơi Ngài sẽ trở về để phán xét người sống lẫn kẻ chết. Các bản đồ Trung cổ luôn đặt Jerusalem ở trung tâm vũ trụ và những bức vẽ cũng cho thấy Jerusalem Trung cổ bay xuống Trái đất như một thành phố thượng giới.

Ngày nay, người hành hương vẫn có thể chạm vào tảng đá nơi Chúa bị đóng đinh. Cây thập tự tất nhiên không còn nhưng Thiên chúa giáo vẫn xem nơi đó là “cái trục vô hình nối kết giữa hạ giới và thượng giới trong tấn bi kịch thiêng liêng của sự cứu rỗi”. Với Hồi giáo, Jerusalem là nơi thứ ba thiêng liêng nhất, sau Mecca và Medina. Đấng tiên tri Muhammad xem đây là thành phố của các đấng tiên tri đến trước mình. Và vì thế, trước khi Mecca trở thành trung tâm vũ trụ của Hồi giáo, Muhammad đã buộc tất cả tín đồ Hồi giáo hướng về Jerusalem cúi lạy. Theo Kinh Koran, chính Muhammad từng thực hiện chuyến bay đến Jerusalem vào một buổi tối với sự giúp đỡ của thiên thần Gabriel. Tại đó, nơi Chúa trời đã nhặt bụi bặm để tạo thành Adam, và trên chính tảng đá mà Abraham (tổ tiên dân Do Thái) chứng tỏ lòng trung thành không lung lay của mình bằng việc chấp nhận tế lễ đứa con trai Isaac, Đấng tiên tri Muhammad đã bước lên chiếc thang dẫn lên Thiên đường. Sự lên trời này đã xác tín cho sự tiếp nối liên tục giữa Muhammad và tất cả đấng tiên tri trước đó. Nó cũng thiết dựng một kết nối thiêng liêng giữa Mecca và Jerusalem.


Bạo động dữ dội tại Gaza ngày 14-5-2018 (AFP)

Bị chia đôi từ lúc nào?

Jerusalem nằm ở chỗ giao nhau của Israrel và Bờ Tây, giữa Địa Trung Hải và Biển Chết, cách thành phố Tel Aviv-Yafo của Israel khoảng 50km về phía Đông Nam. Jerusalem được hình thành từ hai phần: Tây Jerusalem và Đông Jerusalem. Phần Tây, với cư dân chủ yếu người Do Thái, trở thành một phần của Israel từ khi nước này tuyên bố độc lập năm 1948. Đông Jerusalem, với cư dân chủ yếu cộng đồng Arab thuộc Palestine, từng bị Jordan chiếm vào quãng giữa năm 1949 và cuộc chiến Sáu ngày 1967. Israel cho rằng toàn bộ thành Jerusalem là thủ đô mình nhưng Palestine bác bỏ và Liên Hiệp Quốc cũng không công nhận.

Trung tâm quần tụ các di tích tôn giáo ở Jerusalem là khu thành cổ. Bức tường được xây năm 1538 thời cai trị của thủ lĩnh Ottoman Suleiman I đã bao bọc thành cổ và Jerusalem hiện đại nằm phía ngoài quanh khu vực này. Phía Tây thành cổ là khu vực tập trung các cơ quan chính phủ Israel, trong đó có tòa nhà Quốc hội (Knesset), Tối cao pháp viện và khu phức hợp hành chánh. Nghĩa trang quốc gia Israel nằm trên ngọn Herzl, phía Tây khu hành chính-chính phủ. Người Do Thái Israel chiếm 73% dân số; 24% là dân Arab Palestine và phần còn lại là vài cộng đồng nhỏ như Do Thái Chính thống giáo.

Alexander Đại đế chiếm Jerusalem năm 333 TCN và sau khi ông chết, vùng đất này rơi vào tay Ai Cập rồi Syria. Vua Herod bắt đầu cai trị vùng này năm 63 TCN. Năm 637, Jerusalem nằm dưới sự cai trị của Hồi giáo sau khi vua Hồi Umar I chinh phục. Đền thờ Vòm đá không lâu sau được xây, ngay tại vị trí cũ của đền thứ nhất (Solomon) và đền thứ hai (Herod). Thế kỷ 11, Jerusalem bị áp bức tàn bạo dưới bàn tay Thổ Nhĩ Kỳ và Giáo hoàng Urban II đã đứng ra kêu gọi cuộc thập tự chinh đầu tiên tiến về Trung Đông để đòi lại Đất Thánh. Quân Thập tự chinh tàn sát người Hồi giáo lẫn Do Thái và cai trị hà khắc cho đến khi Saladin lấy được thành phố cho người Hồi vào năm 1187. Năm 1517, Jerusalem lại rơi vào tay đế quốc Ottoman và tiếp tục trong tình trạng này cho đến thế kỷ 20.

Thời Thế chiến thứ nhất, quân Anh dẹp sạch Ottoman khỏi Jerusalem và bắt đầu cai quản thành phố vào năm 1917. Năm 1947, Liên Hiệp Quốc đưa ra đề nghị biến Jerusalem thành một thành phố quốc tế. Bạo động giữa người Do Thái và Arab bùng lên dữ dội và kế hoạch trên bị bãi bỏ. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến đầu tiên giữa Arab và Israel (1948-1949), Jordan đã vào cuộc và sau đó chiếm được phía Đông Jerusalem (trong đó có khu thành cổ). Lính và dân Do Thái bị đẩy lùi và kết quả cuối cùng là Jerusalem bị chia đôi. Nước Israel mới thành lập chiếm Tây Jerusalem và Jordan làm chủ Đông Jerusalem. Ranh giới được phân định bằng hàng rào, pháo đài và mìn. Sau cuộc chiến Sáu ngày 1967, Israel giành lại được Đông Jerusalem.

Làm thế nào để “chia” di sản quá khứ?

Chính lịch sử huyền hoặc đã làm cho Jerusalem đến nay vẫn là thành phố trung tâm của “địa lý tôn giáo” và đó cũng là lý do Jerusalem không chỉ thể hiện một cuộc xung đột chính trị dai dẳng ở Trung Đông giữa người Arab và người Do Thái. Cả Israel và Palestine đều có gốc rễ thật sự ở miền Đất Thánh và cả hai đều muốn xem Jerusalem là thủ đô mình. Vấn đề ở đây rõ ràng không đơn thuần là chuyện địa-chính trị. Không có giải pháp khả thi nào đối với vấn đề Jerusalem mà không tính đến những yếu tố ràng buộc liên quan đến thành phố, nơi hình thành, tồn tại và phát triển trong xung đột bởi các niềm tin tôn giáo.

Nhà bình luận Newsweek Kenneth L. Woodward nói rằng cho dù ai kiểm soát Jerusalem đi chăng nữa thì cũng luôn bị câu thúc bởi cái áp lực về ý nghĩa của thành phố từng tích tụ hơn ba thiên niên kỷ chiến tranh, chinh phục và các mặc khải kỳ bí. Được ban phúc hay bị nguyền rủa, Jerusalem lúc nào cũng vẫn là thành phố được xây bằng những viên gạch tôn giáo. Nếu không thế, thành phố này sẽ không bao giờ trở thành cái mà nó đã trở thành trong hàng ngàn năm qua và cuối cùng nó đơn giản chỉ là một thành phố nhỏ trên một ngọn đồi nhỏ.

Năm 1989, Mỹ bắt đầu thuê một khu đất tại Jerusalem với dự tính xây tòa đại sứ. Khu đất thuê với giá 1 USD/năm trong hợp đồng 99 năm vẫn bỏ trống trong nhiều năm. Năm 1995, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua điều luật, yêu cầu dời tòa đại sứ về Jerusalem, khi cho rằng Israel công nhận Jerusalem là thủ đô của họ thì Mỹ phải tôn trọng điều đó. Kể từ khi luật được thông qua, mỗi tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama, viện dẫn lý do an ninh, đều lảng tránh việc này, tiếp tục giữ tòa đại sứ tại Tel Aviv và lãnh sự quán tại Jerusalem.