Ô nhiễm môi trường do Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân xả thải như khối u ác tính tàn phá đất, nước, không khí tại Bình Thuận. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm và đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân nơi đây.
Hôm 16 tháng 11, Bộ Công Thương đã chính thức thừa nhận tình trạng tro xỉ gây ô nhiễm và dự kiến quá tải của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Cụ thể, bãi chứa tro, xỉ của Trung tâm nhiệt điện này chỉ chứa được khoảng 9,3 triệu mét khối, nhưng hiện đã có khoảng 4,5 triệu mét khối tro, xỉ và dự kiến sẽ đầy trong 2 năm tới. Bên cạnh đó, số tro xỉ này không được xử lý an toàn nên đã khuếch tán ra các khu dân cư, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân. Sự việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo đến dư luận về vấn nạn ô nhiễm môi trường do tro, xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Trước đây, để xoa dịu làn sóng phản đối xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền rằng số tro, xỉ của nhiệt điện sẽ được dùng làm gạch không nung phục vụ cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay dự án sản xuất gạch không nung tại đây khó có khả năng thành hiện thực vì khó khăn về vốn, công nghệ, và sản phẩm khó tiêu thụ do nhu cầu ít, trong khi giá thành cao và nhà máy nằm xa thị trường. Vì vậy số chất thải độc hại kia chưa có “đầu ra”. Trong khi, nếu không sớm được xử lý và tái sử dụng, số tro xỉ này sẽ tiếp tục gây ô nhiễm lớn cho đất đai, nguồn nước, không khí và an sinh của người dân.
Ô nhiễm từ đất liền cho đến biển
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện: 1,2,3,4 và 4 mở rộng. Sau khi tất cả các nhà máy hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành trung tâm điện lực lớn nhất cả nước. Và cái giá phải đánh đổi cho sự phát triển nhiệt điện, là cả một vùng đất Bình Thuận đang chết dần, chết mòn vì phải gồng gánh đủ thứ chất thải độc hại từ những nhà máy này.
Mỗi khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động, ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy này bị gió biển đẩy thẳng vào khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cả khu vực. Bụi khói dày đặc đến mức, theo người dân địa phương thì người ta chỉ cần đứng cách xa nhau chục mét mà còn không nhìn thấy mặt.
Bên cạnh đó ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt cũng là vấn đề đáng báo động. Kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân gần Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đều vượt ngưỡng từ 1,2 lần đến 1,8 lần. Những chất này ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư, v.v…
Trước đó, nhiều hộ dân địa phương còn phản ánh, hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng có hiện tượng trụi lá, khô cành, rễ thối rồi chết dần, gây thiệt hại cho sản xuất. Trong khi những cây trồng xa bãi thải xỉ thì vẫn phát triển bình thường. Còn những diêm dân ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Cà Ná không sớm thì muộn sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, trắng tay do bụi của nhà máy nhiệt điện hiện đã phủ kín cánh đồng muối.
Chưa dừng lại ở đó, ngư dân địa phương cho biết, mấy năm nay khi có nhiệt điện, nước thải tại nhà máy này xả ra biển, độc hại và nóng hơn nhiệt độ bình thường của nước biển, khiến hải sản biến mất, các rạn san hô gần bờ, ốc sò, cua đều bị chết, tấp vô bờ gây hôi thối cả một vùng.
Bãi rác thải công nghệ của Trung Quốc
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gồm 5 dự án, tuy nhiên, có tới 3 dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa là các dự án này sẽ phải dùng nhà thầu, công nghệ, và cả đội ngũ chuyên gia, thậm chí là lao động của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ nội địa hoá của các nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân hầu như bằng không, và nhà thầu Trung Quốc sẽ mang sang Việt Nam từ cái đinh ốc cho đến lực lượng công nhân hùng hậu.
Đứng trước làn sóng phản đối của người dân nước họ, chính phủ Trung Quốc đã quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy điện than. Trong khi đó, năng lực thanh, kiểm tra và giám sát nhà thầu của các cơ quan chức trách tại Việt Nam quá yếu kém, khiến dư luận nghi ngại rằng Trung Quốc đang di dời toàn bộ hệ thống nhà máy nhiệt điện lạc hậu và độc hại dưới vỏ bọc đầu tư vào Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Mối đe dọa an ninh quốc gia
Vĩnh Tân là một dải đất hẹp có địa hình phức tạp. Đây là khu vực vừa cách xa nguồn cung cấp than, vừa cách xa nơi tiêu thụ điện năng, tuy nhiên lại là khu vực vô cùng quan trọng về mặt quốc phòng. Giống như ở Vũng Áng , đây là nơi con đường huyết mạch Quốc lộ 1A chạy qua với một bên là núi, một bên là biển, vô cùng thuận lợi cho việc chia cắt.
Với việc 3 trong số 4 nhà máy ở đây do nhà thầu Trung Quốc nắm giữ, Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ luôn có hàng nghìn công nhân Trung Quốc làm việc. Trong thời gian dài, những công nhân có thể sẽ lấy vợ, đẻ con và sinh sống lâu dài ở đây. Khi hai nước Việt Nam, Trung Quốc có biến, những người này có thể biến thành lực lượng chia cắt giao thông Bắc – Nam.
Đồng thời, một mặt của Trung tâm này giáp biển, phóng tầm mắt ra là thấy biển Đông, nơi có những căn cứ quân sự khổng lồ của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Và với hải cảng Vĩnh Tân đang được xây dựng tại nơi đây, khiến cho việc đổ bộ quân sự vô cùng dễ dàng. Liệu phía Trung Quốc chọn vị trí này có âm mưu gì sâu xa chăng?
Tóm lại, từ những vấn nạn trên, có thể thấy sự có mặt của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm cả về môi trường, sức khỏe người dân lẫn an ninh quốc gia. Từ lâu, các nước tiên tiến trên thế giới đã dần từ bỏ nhiệt điện than vì sự độc hại của nó. Nay, nhà nước cộng sản Việt Nam đang đi ngược xu hướng thời đại khi cấp phép xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD. Đặc biệt, lại còn dễ dàng trao những dự án này cho Trung Quốc đầu tư ở những nơi nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Điều đó cho thấy, rõ ràng những yếu tố như lợi ích dân tộc không hề được xem trọng trong những tính toán của nhà cầm quyền.
Ngô Đồng