HÃY GỌI ĐÚNG TÊN

Một nhà (hệ thống) chính trị khôn ngoan, không phải là né tránh gọi tên các sự kiện hoặc các thực thể, mà cần phải chỉ đích danh nó và buộc kẻ được nhắc đến phải lên tiếng.

Ví dụ, tại sao việc bắn tên lửa lên trúng máy bay dân sự làm chết toàn bộ hành khách trên chuyến bay, nước Mỹ và cộng đồng quốc tế ngay lập tức đặt ra nghi vấn và cáo buộc Nga thực hiện hoặc có liên quan đến Nga (can dự)? Hoặc quốc tế cáo buộc Iran có các hoạt động liên quan đến hạt nhân và buộc nước này phải phát ngôn chính thức.

Không thể nói một cách chung chung là: vật thể lạ, tàu lạ hoặc vũ khí nước ngoài, trong khi rõ ràng là các hành động của những thực thể mà ta biết đó là ai và của nước nào. Đó là hành động vừa chính trị vừa quân sự lại vừa pháp lý. Nếu không lên tiếng thì sự việc sẽ tiếp tục tái diễn và ngày càng trắng trợn và nghiêm trọng hơn. Nó sẽ trở thành thách thức và cũng khó xác lập sự kiện pháp lý một khi chúng ta đã bỏ qua các cơ hội tương tự như thế từ trước đó.

Nếu là một quốc gia cường thịnh, hệ thống chính trị mạnh, họ sẽ lên tiếng rằng, ngư lôi này là của Trung Quốc hoặc ít nhất là có liên quan đến Trung Quốc và từ đó buộc chính quyền Trung Quốc phải lên tiếng xác nhận hoặc kể cả là phủ nhận. Đồng thời là ta cho điều tra để tìm lấy bằng chứng đối với chính các lời tuyên bố công khai từ phía Trung Quốc đã đưa ra. Đó không phải là việc gây căng thẳng, mà là hành động khẳng định việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tìm đến sự rõ ràng về một mối quan hệ bang giao quốc tế, nó tránh mọi hiềm khích hoặc các nghi ngờ không đáng có, cũng là các bằng chứng pháp lý để chứng minh (các tuyên bố được coi là chứng cứ có giá trị pháp lý trong luật pháp quốc tế).

Nếu cứ im lặng và né tránh đối mặt với các vấn đề, chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Và như Thủ tướng mới đắc cử của Malaysia đã vừa tuyên bố, chỉ có sòng phẳng và không sợ Trung Quốc, ta mới có thể đối phó được với họ. Ngay cả Philippines cũng luôn cứng rắn với nước bá quyền này. Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản cũng trong một tình trạng tương tự về mức độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Do vậy, vấn đề không phải ở phía họ, mà là ở chính phía chúng ta. Hôm nay là một quả ngư lôi nằm trong phạm vi 4 hải lý (không rõ tính từ đường cơ sở hay là nằm trong vùng nội thuỷ tính từ thềm lục địa?), ngày mai không biết sẽ là gì và trong một tình trạng với quy mô như thế nào? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính thái độ chính trị của chúng ta. Vì thế, nước Mỹ tuyên bố rằng, vấn đề không phải xuất phát từ Trung Quốc, mà là vì chính Hoa Kỳ, với chính phủ tiền nhiệm, đã tỏ ra mềm yếu với các chính sách kém cỏi nên đã bị họ tận dụng triệt để nhằm trục lợi, trở thành mối đe doạ và từng bước tàn phá nước này. Và họ phải tự trách mình và tìm cách vực dậy nước Mỹ lại một lần nữa. Cũng như họ đã không hề đổ lỗi cho bất cứ hoàn cảnh nào trong trận bị Nhật tấn công tại Trân Châu Cảng.

Vì vậy, không thể tránh né vấn đề, như một sử gia cổ đại đã nói: muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Và như cố Thủ tướng Anh đã khẳng định như một bài học của chính đất nước mình đã trải qua: một dân tộc mà né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục thì rồi dân tộc đó sẽ lĩnh đủ cả hai thứ, cả chiến tranh và sự nhục nhã. Điều này, Liên Xô cũng là một minh chứng hùng hồn và đầy thuyết phục trước Đức Quốc Xã vào thế chiến thứ 2.