Hãy chỉ đập tan khu Tiền sảnh khi nó đã thối um

(Ghi chép từ 15.05.2014 ở Schwäbisch Hall-CHLB Đức)

Thế Dũng & Josef Haslinger tại Hội nghị thường niên của PEN Đức tại Marbug tháng 05.2013 (Photo: Simone Ahrend)

1.Giáo sư –Tiến sĩ Josef Haslinger
Ông sinh năm 1955, là nhà văn  Đức gốc Áo. Nghiên cứu  Triết học, khoa học sân khấu và ngôn ngữ Đức tại Vien. Từ 1976 đến 1992, xuất bản Tạp chí Wespennest và năm 1980 đã trở thành Tiến sĩ Triết học. Từ 1996, ông là Giáo sư Triết học Của Đại học tổng hợp ở Freistaat Sachsen. Là tác giả của nhiều tập tiểu luận quan trọng như: Mỹ học của tiểu thuyết ( 1981) - Chính trị của Cảm xúc (1987)-Sự khốn khó của nước Mỹ ( 1992), Sự kết thúc của văn hóa ngôn ngữ? Bàn về số phận của Viết, Nói và Đọc (2003)…Ngoài ra ông còn xuất bản nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Thoạt tiên ông nổi tiếng với tiểu thuyết Opernball ( 1995) sau đó tiểu thuyết Das Vaterspiel ( 2000) và mới đây là tiểu thuyết Jachymov ( 2011).

Hiện ông  là lãnh đạo của Viện Văn học Leipzig. Từ tháng 05 năm 2013, tại Hội nghị thường niên của Văn Bút CHLB Đức tại Marburg, ông đã được bầu là Chủ tịch của Văn Bút Đức. Ông hy vọng vào lớp trẻ cho rằng châm ngôn „ Hãy chỉ đập tan khu Tiền sảnh khi nó đã thối um“ là một lời Đề từ đẹp của Eduard Mörike vì nó rất thích hợp và gắn bó với văn chương.

2.Gắn bó với Tự do bằng cả danh dự


                                                                

Trước thềm Hội nghị Văn Bút Đức 2014, Nữ văn sĩ Irene Ferchl (http://de.wikipedia.org/wiki/Irene_Ferchl), Chủ bút „Literaturblatt für Baden-Württemberg“ ( www.literaturblatt.de) có cuộc trò truyện với  Nhà văn Josef Haslinger – Chủ tịch Trung tâm Văn bút CHLB Đức. Gắn bó với Tự do bằng cả danh dự là tựa đề của cuộc chuyện trò.

 

Irene Ferchl:
Trước đây một năm anh đã được bầu chọn  làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút CHLB Đức. Anh có những dự định gì ?

 

Josef Haslinger:
Tôi có ấn tượng  là PEN Đức với hơn 700 Hội viên của nó là một cộng đồng khó nhận diện. Đời sống Hội đoàn  cũng sẽ  phát triển mạnh ở địa phương. Một Hiệp hội lớn cần biết tạo cơ hội một chút. Thoạt tiên tôi bắt đầu lo lắng tới điều đó, cần tiếp cận  bổ sung nguồn thu, tiến hành trôi chảy các cuộc gặp gỡ để các hội viên có thể trao đổi nghề nghiệp với nhau trong các mối quan hệ. Cuối tháng Chín, tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ của các tác giả của miền Trung Đức tại Viện văn học, để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và báo cáo cho sinh viên biết về những dự án sinh hoạt của họ trong khuôn khổ của PEN. Những cuộc gặp gỡ như thế nên được tiến hành đều đặn trong các Hội nghị thường niên theo mỗi nhu cầu và ở từng địa phương khác nhau.

 

Irene Ferchl:
Đã qua rồi cái thời mà  PEN  có nhiệm vụ như là nhiệm vụ của Hội nhà văn, nó không nên tiến hành  công việc vận động hành lang cho các văn sỹ, ngược lại nó hoạt động như là một tổ chức trợ giúp và bảo vệ cho các tù nhân chính trị đối với các tác giả bị truy bức và đàn áp trên khắp thế giới…

 

Josef Haslinger:
Vâng.PEN có một nhiệm vụ quốc tế. Mặc dù  cách ngôn của Catherine Amy Dawson-Scott nữ sáng lập viên Văn Bút Anh quốc 1921- và của John Galsworthy - vị Chủ tịch đầu tiên là : „no politics, under no circumstances“- Không chính trị , bất vụ lợi. Họ muốn tránh xa các vấn đề chính trị và hướng về những nhịp cầu văn hóa. Đương nhiên đó là  những kinh nghiệm sau chiến tranh Thế giới thứ nhất nhưng hơi bị lãng mạn. Bởi vì sự thực thi công vụ  cho quyền tự do bày tỏ quan điểm và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc đã được trình bày trong Hiến chương Văn Bút, đã luôn luôn có xu hướng chính trị. Năm 1924, Trung tâm Văn Bút Đức đã được thành lập nhanh chóng do sự xâm nhập của Chủ nghĩa Phát xít, mười năm sau, Văn Bút Đức lưu vong đã được hình thành. Sau 1945, điều quan trọng nhất là nó đã thắt chặt được những mối quan hệ Quốc tế, đã lo toan được cho nhiều đồng nghiệp ở các quốc gia khác và tiến hành đấu tranh cho tự do ngôn luận. Xóa bỏ sự kiểm duyệt toàn cầu bởi  hệ thống giám sát kỹ thuật số đã trở nên mối  hiểm nguy  rộng lớn mà chúng  tôi  phải tiến hành: đó là một nhiệm vụ không biên giới. PEN đã tiến hành thảo luận về điều ấy. Đây là một nhiệm vụ quan trọng.

 

Irene Ferchl:
Tất nhiên vụ Xì căng dan NSA đã trở nên một chướng ngại lớn trong lúc này; nhưng không vì thế mà những chương trình khác lại trở thành nhỏ bé!

Josef Haslinger:
Chương trình Các Nhà văn trong tù và Các nhà văn lưu vong là hai Dự án quan trọng nhất. PEN Đức được phép thật sự kiêu hãnh vì đã kéo dài được chương trình Các nhà văn Lưu vong  trong suốt 15 năm qua, việc đó là điều có ý nghĩa hơn cả. Chúng tôi đã là người tiên phong trong việc này. Chỉ ở Nauy, ở Mỹ và ở Anh thì chương trình này mới  có thể so sánh được với PEN Đức. Cũng nhờ  sự giúp đỡ của Chính phủ cộng hòa liên bang mà chúng tôi đã có chút đền đáp lại  như vậy đối với những gì mà thế giới đã từng làm cho các tác giả Đức. Dần dần, PEN Đức đã chu cấp được tám căn hộ ở tám thành phố của nước Đức, các tác giả được  thu xếp ở đó khi họ họ cần phải đào thoát khỏi quê hương. Một số ít  có khả năng hồi hương, hầu hết các trường hợp thì trước tiên tìm cách ở lại, sau đó có thể tổ chức hướng đi mới; và tuy rằng không có áp lực về vật chất vì họ không chỉ  có chỗ ở mà họ còn được nhận học bổng. Việc này có thể diễn ra trong vòng ba năm. Bên cạnh đó chúng ta còn trợ giúp họ trong việc  tư vấn về pháp luật cũng như về các quan hệ khác nhau và  các vấn đề hàng ngày.

Irene Ferchl:
Lúc này các tác giả bị truy đuổi đến từ những quốc gia nào?

Josef Haslinger:
Những người nhận học bổng của chúng tôi đến từ Syrien, Tunesien và Bahrein, từ Trung Quốc, Việt Nam, và Georgien. Nhưng cũng có tác giả  đến từ Mexiko, đó không phải là quốc gia độc tài “cổ điển”. Ana Lilia Perez-Nữ nhà báo Mexiko cũng có mặt tại Schwäbisch Hall.
( http://es.wikipedia.org/wiki/Ana_Lilia_P%C3%A9rez_Mendoza). Chị  ấy đang điều tra về sự kết nối của giới tài phiệt dầu và các ông Mafia Matúy. Chị đã xuất bản cuốn sách của chị với sự đe dọa tới cái chết và điều đó khiến chị  không thể làm gì khác hơn là chạy trốn. Tất nhiên chúng tôi hy vọng Mafia sẽ không bảo lưu những lời lẽ cuối cùng và chị Perez có thể trở lại quê hương. Trong một trường hợp khác, chúng tôi đã dành một căn hộ trống cho một nhà văn, anh ấy sẽ đến từ Trung Quốc, trước đây anh đã bị cầm tù, vì chúng tôi tới quá muộn nên đã mất liên lạc với anh ấy. Chúng tôi đã thường xuyên cố gắng giữ liên hệ với Đại sứ quán và các kênh thông tin khác , vì trong  trường hợp như thế này thì vụ việc có khả năng xảy ra rất nhanh.Luôn luôn không hề  dễ dàng để mà đón được các nhà văn bị truy bức từ các xứ sở, đơn giản là vì hầu hết họ không thể tự do xuất cảnh theo đường du lịch. Thêm vào đó Luật lệ Đức, cũng không dễ dàng cho phép những người đào thoát tới đây một cách vô điều kiện. Chúng tôi lệ thuộc rất nhiều vào các cộng sự của các nhà chức trách Đức.

Irene Ferchl:
Trung Quốc là một nước thịnh vượng, sao lại có nhiều nhà văn vì bị truy đuổi  phải tới Đức?

Josef Haslinger:
Vâng, thực  sự là câu chuyện liên quan với một nước lớn, nhưng đó cũng là một nước mà ở đó quyền con người bị coi rẻ đến mức  tồi tệ nhất. Điều chú ý ở đất  nước này trong những năm mới đây là luôn luôn có nhiều Bloger rơi vào tình trạng bị  đàn áp lực và  bị bỏ tù; nhưng họ không còn giống như các tác giả cổ điển, xuất bản những cuốn sách, họ chỉ là những cây bút muốn vượt qua các biện pháp kiểm duyệt, muốn là cho người ta quan tâm đến mình bằng Internet.

Irene Ferchl:
P.E.N.  là sự viết tắt các  khái niệm về tác giả là Poets, là Esayists  và Novelists có nghĩa là Nhà thơ, Nhà tiểu luận, Nhà tiểu thuyết. Nhưng ở đó cũng có rất nhiều nhà báo, phóng viên nghĩa là tất cả những người của ngôn ngữ phê bình…

 

Josef Haslinger:
Đó là từ trước kia trong cái nhìn rộng họ đã là “những người cầm bút”, người ta có thể nói về tất cả những người làm việc với ngôn từ. Như vậy các nhà văn cũng như các nhà báo đều có khả năng bày tỏ tới mức mã hóa  tất cả những gì dính líu đến tự do của ngôn ngữ. Trong những nước Đông Âu cũng như các nước Mỹ Latinh, độc giả luôn luôn trong tình trạng phải đọc ra những thông điệp chính trị  ẩn mật trong từng cuốn sách.

Irene Ferchl:
143 Trung tâm Văn bút tại 143 quốc gia đã kết nối với nhau như thế nào ?

 

Josef Haslinger:
Mọi sự suôn sẻ qua Hội nghị hàng năm của Văn bút Quốc tế (http://www.pen-international.org/). Từ năm 1960, một Ủy ban về các nhà văn bị cầm tù đã được thành lập, đây là sự phối hợp các công tác dành cho các nhà văn, các phóng viên và những người làm sách bị truy bức và mỗi năm hai lần lại có một danh mục những cảnh ngộ được đưa ra.Trong đó sẽ công bố tất cả những thu thập về các tác giả đang bị truy bức, giam cầm ở khắp thế giới.(ví dụ:  http://www.pen-deutschland.de/de/informieren/caselist/) http://www.pen-deutschland.de/de/2014/10/24/vietnam-journalist-und-blogg... - ND)
Trong những trường hợp khẩn cấp Văn Bút quốc tế sẽ tham gia kêu gọi hành động. Sẽ sử dụng các kênh ngoại giao, viết thư tới các vị Thủ tướng, các Tổng thống và các vị Đại sứ; nhưng những người bị truy bức cũng có thể được bảo đảm bởi sự tương trợ của các đồng nghiệp của họ. Trường hợp xấu nhất, khi tai nạn đã xảy ra và tác giả đã vào nhà giam mà không ai hay biết. Ở tình huống này, người ta cần nhờ cậy tới sự đánh động vào ý thức của truyền thông cũng như của các chính khách, đây cũng là một giúp đỡ đạo lý quan trọng.

Irene Ferchl:
Sự thay đổi địa điểm Hội nghị thường niên của Trung tâm Văn Bút CHLB Đức có vai trò gì? Nó phục vụ cho những hoạt động công chúng?

 

Josef Haslinger:
Điều đó  quan trọng vì dân chúng sẽ có khả năng cảm nhận sớm nhất về các thông tin và gặp gỡ  PEN. Sau Schwäbisch Hall chúng tôi sẽ mời tất cả những người chăm sóc các nhà văn lưu vong, không phải là lần cuối, cũng là để giới thiệu họ với các hội viên của chúng tôi. Để họ có thể đến với nhau một cách tận tụy, trung thành trong những cuộc trò chuyện, về những vấn đề, những công việc riêng ở nước Đức, sự trao đổi ấy cũng quan trọng không kém sự bày tỏ quan điểm trước những xung đột quốc tế. Chúng tôi không phải là một doanh nghiệp hiện đại  cần tới sự trợ giúp của các tư vấn tiếp thị để đánh bóng mình trong  công chúng, ngược lại chúng tôi cần thiết một sự giúp đỡ của những ý tưởng đồng điệu. Sẽ rất tốt cho điều đó khi thay đổi địa điểm và hội nghị ở những thành phố nhỏ sẽ tốt hơn ở những thành phố lớn bởi vì ở đó sự quan tâm tới công việc của chúng tôi sẽ được tập trung cao độ hơn.

 

Irene Ferchl:
PEN họp ở   Schwäbisch Hall dưới phương châm: “Hãy chỉ đập tan khu tiền sảnh khi nó đã thối um”-( Brich nur die Dielen auf, wenn es um dich stinkt“. Đồng thời Hội nghị thường niên lần này cũng khởi đầu bằng chương trình mùa hè văn chương 2014 với đề tài: Ngôn ngữ là những hành động?

Josef Haslinger:
Đó là một lời đề từ đẹp của Eduard Mörike (http://de.wikipedia.org/wiki/Eduard_M%C3%B6rike) nó rất thích hợp và gắn bó với văn chương. Đó là đòi hỏi can thiệp  vào tình trạng hôi thối chứ không phải cam chịu sự thối um và còn mang ý nghĩa thừa nhận  sự Ủy thác về một sứ mệnh nhân quyền.

Irene Ferchl:
Anh mong muốn gì cho thời kỳ mới khi anh là Chủ tịch của Văn Bút CHLB Đức?

Josef Haslinger:
Chủ tịch và Tổng thư ký - Từ năm vừa rồi mới làm việc với Regula Venske-một nữ Tổng thư ký.  Chúng tôi làm việc với  một cương vị danh dự ( không lương bổng-ND), bởi dù người ta không thể làm việc này mãi mãi, (có khi ngắn hơn cũng thích) thì vẫn phải dành cả trái tim cho công việc. Ở Văn Bút (P.E.N.), là một danh dự ; nhưng là một sự tự trọng, mà trước hết sự tự trọng này cần phải gắn bó với mục đích của PEN một cách xứng đáng.

 

3. Nguy hiểm nhất là tình trạng ở Thổ Nhĩ Kỳ

 

 Stefan Kister Foto: Achim Zweygarth            Simone Ahrend, Thế Dũng & Liu Dejun

Đây cũng là tựa đề một cuộc phỏng vấn. Người hỏi là Stefan Kister, phóng viên của Báo Người Stuttgart ( Stuttgarter Zeitung)  và người trả lời vẫn là Nhà văn Josef Haslinger.

 

Stefan Kister:
Thưa ông Haslinger, hiện nay khi người ta bận rộn với cuộc khủng hoảng số một ở Ukraine, động chạm tới nhiều nhà văn, họ cực kỳ cấp bách, nhưng lại không chạm tới PEN. Vì sao vậy?

 

Josef Haslinger:
Mới đây ở Warschau mới khai mạc một Hội nghị của P.E.N. ở các nước Đông và Trung Âu, họ sốt sắng với tình hình ở Ukraine. PEN không chỉ tuyên truyền về sự  tự do của ngôn ngữ như là một châm ngôn cơ bản  mà nó còn cổ vũ cho sự hòa giải của dân tộc. Dù sao đi nữa PEN sẽ hoạt động ở Ukraine; nhưng nó sẽ  không làm bằng cách phỏng vấn từng nhà văn riêng lẻ mà sẽ tìm ra một con đường cho mọi nhà văn.

 

Stefan Kister:
Trong khi nhà văn Jörg Albrecht (http://www.sueddeutsche.de/kultur/nach-zwangsaufenthalt-joerg-albrecht-d...) bị bắt 14 ngày trước khi cuộc trao đổi văn hóa ở Abu Dhabi  vì ông ta không hay biết gì về các kênh thông tin ấy. P.E.N. Đức đã lên tiếng phản đối. Việc đó có đạt được kết quả gì không?

 

Josef Haslinger:
Công chúng. Họ là động lực quyết định trong việc phản kháng. Ai là người gây chuyện cho người khác không thể không nhận ra. Và ai  gây ra chuyện nên biết là người ta đã vào cuộc vì ông ấy. Hôm qua Albrecht đã được phóng thích.

Stefan Kister:
Trước đây một năm  với chương trình mà ông đã khởi sự để P.E.N. vào cuộc một cách rõ rệt. Ông đã tiếp tục như thế nào để đạt được điều đó?

 

Josef Haslinger:
Về mặt này còn một số việc phải làm. Chúng tôi đã tiến hành được rất nhiều cuộc hội thảo. Một nhiệm vụ chính của chúng tôi là giúp đỡ các tác giả lưu vong, chúng tôi đã tư vấn, đã giới thiệu họ với công chúng. Ví dụ như ở Schwäbisch Hall hôm nay, nữ phóng viên Mexikannische Ana Lilia Perez (http://es.wikipedia.org/wiki/Ana_Lilia_P%C3%A9rez_Mendoza), sẽ báo cáo với Hội nghị chúng ta về sự truy nã đã khiến cô ấy bị mắc kẹt với giới buôn lậu ma túy, giới đầu nậu dầu hỏa và chính phủ Mexiko.

Stefan Kister:
Với PEN rất nhiều người chỉ nghĩ tới tẩu thuốc lá cùng gọng kính đồi mồi và phần lớn ở đây là người đã già. Vậy Hội có vấn đề về lớp trẻ kế cận hay không?

 

Josef Haslinger:
Ông cũng  có thể nghĩ tới Hội viên Juli Zeh (http://de.wikipedia.org/wiki/Juli_Zeh) của chúng tôi,  tới Jane Teller của PEN Đan Mạch (http://de.wikipedia.org/wiki/Janne_Teller), tới Priya Basil của PEN Anh quốc (http://de.wikipedia.org/wiki/Priya_Basil) tất cả họ là các tác giả của thế hệ trẻ, họ đã kêu gọi chống lại sự  giám sát công chúng một cách rộng rãi, với một tinh thần toàn cầu đã được báo chí công bố. Tôi là kẻ già nhất trong nhóm khởi xướng. Mới đây sự kêu gọi này đã được giới thiệu ở Straburg.  Martin Schulz Chủ tịch Nghị viện Châu Âu đã nói về điều đó (http://de.wikipedia.org/wiki/Martin_Schulz). Vào mùa Thu, Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ khởi động việc này.

Stefan Kister:
Ông cũng là lãnh đạo của Viện Văn học Leipzig. Vậy PEN cũng là một chủ đề  đối với sinh viên của ông?

 

Josef Haslinger:
Ở Leipzig tôi có một kênh tiếp cận với thế hệ tác giả trẻ. Các sinh viên ở đó đã có sáng kiến cho sự trợ giúp thực hiện Dự án Lưu vong. PEN trân trọng tiếp nhận. Tất nhiên tôi không thử nghiệm, mọi chuyện đều gấp rút cuốn hút vào PEN. Hình như tôi có vẻ dở hơi khi  để mọi người quen ở đó cứ tụ tập quanh mình.

Stefan Kister:
Theo một sự ghi nhận đầy ác ý thì ở Viện văn học đã xuất hiện một thứ văn chương  Đức,  được  những người trẻ tuổi phi chính trị thể hiện ở nơi mà cuộc sống của họ đang bội thực sung sướng. PEN đã có những hoạt động gì với các tác giả ấy, vì nó đã mạo hiểm hy sinh cả  thân xác lẫn sự sống của họ ?

 

Josef Haslinger:
Tuyệt,  nước Đức là một xã hội  thịnh vượng. Leipzig cũng vậy nhưng ở đó cũng có những tác giả  đã nhận ra những mặt khác, không chỉ có Clemens Meyer (http://de.wikipedia.org/wiki/Clemens_Meyer_(Schriftsteller)) và Sasa Stanisic(http://de.wikipedia.org/wiki/Sa%C5%A1a_Stani%C5%A1i%C4%87). Chúng tôi có nhiều sinh viên tới đây với nhiều lý do di cư  và những người khác thì tới từ thân phận dưới đáy. Rõ ràng, con người lớn lên dưới các mối quan hệ tử tế và sinh lợi khi các vấn đề khác lại xẩy ra từ những vùng có chiến tranh. Người ta có thể trách mắng họ ư ? Điều đó chắc chắn thuộc về nhiệm vụ của PEN, đó là sự đánh thức ý thức chính trị và ý nghĩa dấn thân vào một xã hội dân sự cho các tác giả

Stefan Kister:
Vài năm trước, trước khi ông trở thành Chủ tịch Văn Bút CHLB Đức, có lần ông đã nói thời kỳ của các Hội đoàn đã qua.

Josef Haslinger:
Yêu cầu của công việc văn chương  trên nước Đức thì  Văn Bút không còn là một Hiệp hội theo nghĩa truyền thống. Đó đã là sự pha trộn can thiệp của một diễn đàn quốc tế.

 

Stefan Kister:
Sự can thiệp quốc tế còn quá ít trong chính trị?

Josef Haslinger:
Sự can thiệp tự nó là không có giá trị. Trước đây đúng 100 năm, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bắt đầu, 93 tác giả Đức đã có lời kêu gọi tuyên truyền chiến tranh với sự tô vẽ cho một nòi giống thượng đẳng bởi “những người da đen đang chống lại nòi giống da trắng” nhằm chống đối nước Pháp và nước Anh. Nhiều chữ ký khác nhau đã được ký dưới tên của tác giả văn chương Nobel Gerhart Haupmann.( http://de.wikipedia.org/wiki/Gerhart_Hauptmann)
Sau chiến tranh, cũng vì nguyên nhân như vậy PEN đã kêu gọi, người ta muốn lập ra một diễn đàn, ở đó các nhà văn không phục vụ sự tuyên truyền chiến tranh, ngược lại họ sẽ phụng sự cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

 

Stefan Kister:
Châm ngôn cho Hội nghị năm nay là một trích dẫn từ Eduard Mörike:” Hãy chỉ đập tan Tiền sảnh khi nó đã thối um”. Sự thối um này luôn hiện hữu ở đâu?

Josef Haslinger:
Khi người ra nhìn vào các nước láng giềng của Châu Âu, thì thấy trước hết sự bốc mùi này luôn luôn  xẩy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó thực sự là một sự phát triển tụt lùi. Trong một ngàn trường hợp các nhà văn bị truy nã mà Văn bút Quốc tế theo dõi thì riêng Thổ Nhĩ kỳ đã làm tới 400. Những nước đã làm điều gớm guốc đó là Trung Quốc, Việt Nam và Iran đã vượt lên như là một chính quyền mật vụ tiến hành  trấn áp tự do ngôn luận. Điều đó cũng liên quan đến một phương diện quan trọng khác: sự phát triển của kỹ thuật số. Sự gia tăng bắt bớ hàng loạt các Bloge, nhưng người ta không nhận ra các tác giả. Họ viết dưới những cái tên ảo trên mạng và đã bị tống giam công khai với  tên thật của mình.

 

Stefan Kister:
Trong khi người ta mở hội mừng  mùa Xuân Ả Rập vì đã có mạng Internet như một khí cụ tự do.Từ lúc Snowden làm một cú huých đã luôn luôn xuất hiện nhiều hệ thống đàn áp trong thể giới ảo

Josef Haslinger:
Từ 2012, trước  Snowden, Văn Bút Quốc tế đã đưa ra một công bố về tự do ngôn luận trong kỹ thuật số. Trong đó đã cảnh báo về độ nguy hiểm của sự nghe lén đối với quyền tự do cá nhân và những nẻo sâu kín của con người. Công bố này sẽ đưa ra đòi hỏi mọi dữ liệu cá nhân không được phép đưa cho những bàn tay lạ. Điều đó cũng quan trọng như những công việc của PEN lúc này,  chúng ta đã biết chính xác rằng sau “phi vụ” NSA ( National Security Agency - http://www.stern.de/politik/edward-snowden-91740791t.html) – việc đó sẽ là một nhiệm vụ trung tâm,  đây là cuộc vật lộn của công lý chống lại  sự xóa bỏ sự minh bạch.

                        
4. Can đảm trước vương quyền.


 

Tiến sĩ Josef Haslinger-Giáo sư Triết học
Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút CHLB Đức (Photo:Thế Dũng)

Từ nhiều năm nay, trang mạng của văn Bút Đức  đã nhiều lần đưa tin, lên tiếng bênh vực bảo vệ các tù nhân lương tâm, các nhân vật đấu tranh cho nhân quyền và tự do ngôn luận tại Việt Nam.Tôi đã dịch  hai cuộc trò chuyện của Irine Ferchl & Stefan Kister với nhà văn Josef Haslinger từ Đức ngữ để bạn đọc Việt tường tận phần nào; cũng là để tỏ lòng tri ân với PEN Đức. Riêng Nữ tác giả sinh năm 1974 (tuổi Giáp Dần) Juli Zeh, niềm tự hào của Văn Bút Đức, phải có một bài giới thiệu riêng. Bởi, ngày 15.05.2014, nữ văn sĩ này đã viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Mergel
(http://www.faz.net/aktuell/feuilleton/offener-brief-an-angela-merkel-900...) nhưng đến nay nữ Thủ tướng Đức vẫn im ắng và nữ văn sĩ thỉnh thoảng đối thoại trên ti vi về sự xâm phạm tự do cá nhân trong xã hội hiện đại thời kỹ thuật số và cả những câu chuyện nguy hiểm về quyền con người ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cô xứng đáng được nhắc đến như một niềm tự hào của văn chương Đức đương đại trước thềm Hội nghị.

Lần này, Hội nghị thường niên văn bút CHLB Đức khai mạc tại Khán phòng Ủy ban thành phố Schwaebisch Hall vào hồi 18:00 ngày 15.05.2014. Thị trưởng Hermann-Josef Pelgrim đọc lời đề dẫn. Khác với năm trước, Chủ tịch văn bút quốc tế  John Ralston Saul nhập đề trực tiếp bằng một thứ  Anh ngữ hết sức linh động và hóm hỉnh làm cho cử tọa không kiềm chế nổi những tiếng cười đồng cảm tinh tế. Không ngờ lời khai mạc ngắn gọn xúc tích không cà vạt  của Nhà văn kiêm giáo sư Tiến sĩ Triết học Josef Haslinger - Chủ tịch  trung tâm văn bút CHLB Đức đã lập tức dẫn dắt  các nhà văn vào chủ đề  khai mạc: Sự can đảm trước Vương quyền để tưởng nhớ tới nhà văn Christian Friedrich Daniel ( 1739-1791-http://de.wikipedia.org/wiki/Christian_Friedrich_Daniel_Schubart) và khởi sự cho cuộc gặp gỡ với các hậu duệ của ông dưới chủ đề Can đảm trước vương quyền.

Các nhà văn can đảm trước vương quyền từ 8 quốc gia được nhận học bổng của PEN Đức là khách mời của Hội nghị lần này gồm: Ana Lilia Perez đến từ Mexiko, Bloger Người Buôn Gió (http://nguoibuongio1972.blogspot.de/) đến từ Việt Nam, Liu Dejun đến từ Trung Quốc, Qassim Haddad đến từ Bahrain, Zaza Burchuladze đến từ Georgie, Shahla Adouani đến từ Tunisien và Amer Matar đến từ Syrien.

 

Từ tháng 9  năm 2013, người  điều hành Văn Bút Đức đã thông báo cho tôi về việc Người Buôn Gió sắp hết hạn tạm trú trong tư cách khách mời của Thị Trưởng Weimar để trở thành khách mời của PEN Đức.  Giữa tháng 11 năm  2013, anh ấy sẽ chuyển về căn hộ ba phòng tại Berlin. Sandra Weiles Guia & Kerstin Martini thay nhau nhắn nhủ : anh cố gắng liên hệ với  Bùi Thanh Hiếu và có thể giúp  anh ấy trong những giao tiếp hội nhập với Berlin. Sau khi đi Khackov về, tôi liên hệ với Gió ngay từ cuối tháng 09.2013. Biết tôi có việc phải về Việt Nam từ 16.11.2013, Gió giới thiệu tôi gặp anh Ph. ở Berlin để mang giúp Gió chút quà về Việt Nam cho vợ, tôi ok ngay. Biết tôi không thể cùng Gió tới München trong một cuộc sinh hoạt văn chương vào giữa tháng 12.2013 và tới đầu tháng 05 mới sang lại Berlin cho nên hai chị Văn bút Đức cứ thấp thỏm nhắn tôi nhớ rủ Gió đi họp cùng mặc dù thi thoảng các chị vẫn liên hệ với người thân của Gió ở Berlin để biết Gió bay nhảy ra sao.

 

Hai chị chu đáo quá đỗi chỉ vì sợ Gió cô đơn lạ tầu lạ xe lọ mọ đường trường. Có lúc tôi nhắn với Kerstin Martini là chị yên tâm đi. Đã được mời tới Weimar, đã sống ở Đức ngót một năm giời thì chàng Gió có thể một mình lãng du khắp nơi khắp nẻo. Có lẽ hai chị không tưởng tượng nổi là ngay trong thời gian tá túc ở Weimar, không mấy khi Gió ở yên một chỗ. Lúc thì Gió sang Praha, khi thì Gió ở Budapet. Đi nhiều viết nhanh. Với  quần bò áo da ba lô nặng vai một mũ lưỡi trai và hai Ipad Bloger Người Buôn Gió là tay giang hồ hay chữ có tiếng. Dù 08.05.2014, mới về lại Berlin nhưng tôi vẫn kịp hẹn với Gió cùng đi biểu tình và chốt lại ngày giờ hai anh em lên chung một toa tầu xuống Schwaebisch Hall.


                           
Từ phải sang: Người Buôn Gió, Thế Dũng và Dr.Christian Ulmer-Leahey

Chúng tôi đã nhìn thấy nhau lần đầu tiên rất nhanh trong và sau cuộc biểu tình chống Trung cộng đặt giàn khoan khổng lồ vào hải phận Việt. Chiều ấy, ở Berlin  chúng  tôi vừa nhún vai nhìn nhau  khi nghe tin dư chấn bạo loạn đã rầm rập chuyển động từ Bình Dương Đồng Nai ra Vũng Áng Hà Tĩnh mà lòng ngao ngán không dám ngóng ngày Biển Đông lặng sóng. Gió bảo tôi, mẹ kiếp hôm biểu tình, vì mải chụp ảnh lúc anh bị thằng Cường Liều giật thơ em không hề biết. Mãi đến khi xem Video clip của tv đồng xuân mới rõ.Chó thật.

Tôi cười nhẹ cảm ơn. Có người đã phát khóc và có nhiều người đã kịp thời nổi giận với hành động của Cường Liều. Cũng may, trong những ngày này, đất nước mình không phải trông cậy vào vào sự can đảm của các nhà thơ cũng như sự dũng mãnh của thằng đi cướp Thơ. Gió gật gù, em xem cái Clip của Đồng Xuân TV thấy anh quyết không rời vị trí. Cũng lỳ phết. (http://dongxuantv.com/index.php/vi/dong-xuan-tv/Dong-Xuan-TV/The-Dung-bi...
một nguồn khác: https://www.facebook.com/photo.php?v=1398607630425797)
Lúc đó, trong mắt anh, Cường Liều giống như một thằng bạn dại, như một trở ngại phải vượt. Sự hùng hổ của Cường thật đáng thương. Anh không quan tâm. Hình như anh đã quát nó rất to vì quá bực mình rồi giật ngay lại tờ thơ bị cướp để đọc tiếp. Lúc ấy, anh chỉ quan tâm đến Thơ và cộng đồng biểu tình đang ho to “ Đoàn kết ! Đoàn kết!”. Anh phải đọc bằng hết những câu mà anh cần đọc. Không có micro thì anh đọc thật to. Đọc để „Đả đảo luật rừng trên Thái Bình Dương“. Anh cũng luống tuổi rồi. Thực lòng phải cảm ơn Ngõ Phất Lộc đã sinh ra một thằng bản lĩnh như em. Em làm anh bớt cô đơn. Khi đối diện với thế sự muôn chiều giữa tứ bề cam tâm cam phận câm lặng, nhiều lúc vì thấy có những khí phách  như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, như Huỳnh Ngọc Tuấn, như Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, như Người Buôn Gió, như Đoan Trang, như Nguyễn Phương Uyên, như Đỗ Thị Minh Hạnh mà anh đã  lạc quan hơn. Anh Ba Sàm đã bị bắt, thật là khó tưởng tượng.
Từ 2002, đi họp Hội nghị Văn Bút ở Đức, chưa bao giờ anh thấy người ta in dòng chữ Tự do Ngôn luận bằng tiếng Việt, hình như năm nay họ in tiếng Việt lên túi lưu niệm của Hội nghị  vì có em và có lẽ cũng là vì sự đàn áp tự do ngôn luận ở Việt Nam đang tới điểm đỉnh.

             
 

Gió cười bảo, không có anh đi cùng chưa chắc em đã đi. Tiếng tăm ú ớ vừa ngại vừa buồn.Tôi bảo, chịu khó nghe, chịu khó học và nghị lực như em chả mấy lúc em  sẽ thao thao bất tuyệt. Kể cũng lạ. Là thằng tự cho mình sống như Gió đi dưới Trời lại gặp ngay được Người Buôn Gió chẳng phải là mình có duyên với nhau hay sao. Vì sao em lại lấy bút danh này ? Gió bảo, khi đời mình thiếu thốn cái gì thì mình hay tính chuyện đi buôn thứ đó. Đời em thiếu tự do nên em tính chuyện làm Người Buôn Gió. Đơn giản vậy thôi mà anh.

 

Ngay trong buổi tối, sau bữa tiệc khai mạc, thấy tôi với Gió cập kè, Christa Schuenke bảo tôi . Vào cuối tháng Năm này mình  muốn tổ chức một cuộc gặp gỡ với Người Buôn Gió ở Berlin đề nghị anh có mặt phiên dịch giùm. Tôi bảo, thật tiếc, cuối tháng Năm, Gió có chuyến đi Mỹ tới 10 tháng 06 mới trở lại Berlin. Christa Schuenke cười bảo không sao; nếu thế  để thu xếp vào dịp khác. Nữ văn sĩ này, nguyên là Phó chủ tịch Văn bút Đức, đã nhiều năm phụ trách Chương trình Nhà văn lưu vong. Qua chị, mà tôi biết  từ năm 2012 Văn Bút Đức đã mời Bloger Người Buôn Gió tới Đức nhưng Gió không xuất cảnh nổi ( để rồi mãi đến tháng 4 năm 2013 Gió mới tới Đức được vì thư mời của Thị Trưởng Weimar). Từ năm 2013, chị Franziska Sperr tiếp nhận và duy trì Chương trình này. Chị ấy là người biết được là Gió sẽ có khả năng ở lại Đức tới năm nào và làm thế nào để Gió được phép đón vợ con sang chơi.

Trưa hôm sau, hội nghị có mục giới thiệu  8 nhà văn can đảm trước vương quyền  được nhận nhà ở và học bổng. Còn 2,3  phút nữa là Người Buôn Gió phải lên sân khấu, cùng với các khách mời để Hội nghị rõ mặt rõ tên mà tôi vẫn không thấy Gió trong phòng họp ( dù đã bảo trước và đã nhắn tin liên tục vì tưởng Gió  ra ngoài hút thuốc). Sandra Weiler Guia  ghé tai tôi lo lắng hỏi Người Buôn Gió đâu ? anh ấy sắp phải xuất hiện rồi. Tôi bảo Sandra yên tâm rồi vọt ra ngoài hiên. Thầm nghĩ, không khéo cu cậu chui về phòng tranh thủ viết bài. Thế là tôi allo vào số máy Lễ Tân khách sạn. Nhờ vị Lễ tân bấm chuông phòng  xxy gọi anh nbg xuống ngay phòng họp. Thật may, khi Gió đi ngang qua chỗ tôi ngồi cũng là lúc Franziska Sperr mời vị khách thứ tám, quốc tịch Việt Nam lên Tiền Sảnh. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành trách nhiệm, đủng đỉnh đi lại chọn hướng chính diện diễn đàn bấm vài kiểu ảnh mà Gió không thể tự chụp cho mình.

                                       
            
                                     Nữ văn sĩ Franzika Sperr giới thiệu Bloger Người Buôn Gió (Photo Thế Dũng)

Ngoài nội dung Can đảm trước vương quyền, Hội nghị lần này  có một cuộc thảo luận  với 4 chuyên gia về truyền thông với chủ đề: Từ đa dạng đến đơn giản? hay là  Sự thay đổi trong truyền thông đại chúng do nhà văn Heinrich Peuckmann điều hành vào buổi chiều ngày 16.05.2014. Trong đêm văn chương buổi tối cùng ngày, hai nhà văn Irene Ferchl và Thomas Rothschild đã lần lượt giới thiệu 6 tác giả văn xuôi và thơ với những trích đoạn và những bài thơ tự chọn.

Trong ngày thứ Bảy, 17.05.2014,  tôi và Người Buôn Gió  tùy ý, tùy tâm tự do vãng cảnh trong nhà thờ và cả hai đều chụp được khá nhiều ảnh. Buổi tối, liên hoan dạ tiệc tự chọn tôi và Gió ngồi cạnh nhau. Gió không uống được rượu, thỉnh thoảng lại ra ngoài trời hút thuốc cho đã. Nhạc sống người tươi ánh sáng lung linh mà Gió lúc nào cũng trầm tư, lẳng lặng. Người ở đây nhưng hồn Gió ở chỗ khác. Nhìn Gió thấy mình nên tôi cứ uống, cứ nói với bất cứ ai có thể nói được. Với Sabine Kebir, với Gió, với Simone Ahrend. Nói và uống từng ngụm vang đỏ để khỏi phải nghĩ miên man về những chuyện quá buồn và những cảnh trạng không đáng có.

 

Tác phẩm dành cho thiếu nhi của Goethe do Paul Maar cùng với 3 nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố trình bầy vào buổi trưa Chủ nhật 18.05.2014 đã kết thúc chương trình với một dư vị trong sáng ngọt ngào. Dù sao đi nữa thì  Người Buôn Gió đã chứng kiến  toàn bộ một Hội nghị thường niên của Văn bút Bút Đức. Lúc ra tầu, Gió tắc lưỡi, em mà không cùng toa cùng chuyến với anh là em lượn xuống Nurberg luôn chơi với mấy thằng bạn hoặc nhẩy sang Áo chơi với anh Trần Ngọc Thành. Tôi cười, dù sao thì anh cũng phải làm tròn bổn phận tháp tùng vị  khách văn chương từ Ngõ Phất Lộc tới Schwäbisch Hall theo ủy thác của P.E.N. Đức chứ. 

5. Hãy chỉ đập tan khu Tiền sảnh khi nó đã thối um

 Ana Lilia Perez & Người Buôn Gió
 Haupbahnhof Schwäbisch 18.05.14 (Photo: Thế Dũng)

 

“Cũng nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ cộng hòa liên bang mà chúng tôi đã có chút đền đáp lại  như vậy đối với những gì mà thế giới đã từng làm cho các tác giả Đức”. Lời tri ân trong tâm thế hồi tưởng sâu sa của nhà văn Josef Haslinger khi trả lời phỏng vấn khiến tôi nghĩ đến hàng loạt chân dung lưu vong của các văn nghệ sĩ trí thức Đức trong thế kỷ trước. Quả vậy, kể từ khi Hittler đốt sách của hàng loạt các nhà văn thiên tả, tước quốc tịch Đức của nhà thơ kiêm kịch tác gia Berltolt Brecht, nhiều nước trên thế giới như Pháp, Thụy Sỹ, Mexiko, Mỹ..v..v…đã ra sức bênh vực, cưu mang rất nhiều thân phận lưu vong của văn chương Đức trong thế kỷ XX. Tôi nhớ tới cuộc đào thoát khỏi nước Đức để tới Pháp, tới Anh, tới Mỹ của Henrich Heine, của các văn sĩ trong gia đình văn sĩ Thomas Mann, của Anna Segher, của Maria Erich Remarque, của Max Frisch... Mười lăm năm phiêu bạt của Bertolt Brecht từ Đức, qua Đan Mạch, Thụy Sĩ, qua Pháp, qua Tiệp, qua Nga, rồi qua Mỹ, để rồi ông có thể trở lại Đông Berlin với một quốc tịch nước ngoài chấp nhận sống giữa vòng vây của mật vụ Đông Đức để thực hiện bằng xong giấc mơ nghệ thuật của đời mình cũng là công sức của nhiều quốc gia. Thực sự, trong thế kỷ 20, thế giới đã từng làm khá nhiều cho các tác giả Đức.

Năm 1998, sau khi nước Đức thống nhất được 8 năm, hai Trung tâm Văn Bút Đông Đức và Tây Đức mới đủ cơ duyên hội nhập thành một. Quả thật, từ đó, Trung tâm Văn Bút CHLB Đức đã xứng đáng là một tổ chức tiên phong trong việc bênh vực và chăm sóc cho các nhà văn bị truy bức từ khắp thế giới để góp phần bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Con người.

 

Tình cờ, trong lúc chờ tầu về lại Berlin, tôi và Người Buôn Gió gặp lại Ana Lilia Perez. Cô đi với mẹ về Hamburg nên chúng tôi lên cùng một chuyến tầu. Chúng tôi vui vẻ chuyện trò dăm ba câu lẫn Anh lẫn Đức trong những hơi thở thân tình.

Nữ nhà báo Mexiko sinh năm 1977. Người Buôn Gió sinh năm 1972. Chụp ảnh lưu niệm cho nhau xong, sống mũi tôi cay cay khi nhìn thấy Gió nhanh nhẹn xách hộ cô Valy để Ana Lilia Perez rảnh tay đỡ mẹ già lên tầu. Bà vừa tất tả từ Mexiko tới Đức, cùng đi dự hội nghị với cô con gái can đảm trước vương quyền, đang vì bị truy sát mà phải chạy tới Hamburg sống nhờ. Từ khi biết Gió tới được Weimar rồi trở thành khách mời của PEN Đức, tôi rất mừng vì biết chắc thế nào Đại Vệ Chí Dị và Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar cũng sẽ được xuất bản đàng hoàng và một văn tài của nước Việt sẽ có cơ hội từ chối sự thui chột. Chúng tôi chia tay với Ana Lilia Perez vì vé chỉ cùng hướng chứ không cùng toa.

 

Lúc tầu về Berlin được nửa đường, tôi hỏi Gió bao giờ thì em đón được vợ con sang ? Gió bảo, khi em đi Mỹ về cũng là lúc Tý Hớn và Liên nhà em tới được Berlin. Thế thì tuyệt. Vipen sẽ tổ chức Giới thiệu Thơ Việt ở Đức và Sách của Vipen vào ngày 28 tháng 6 năm 2014
,( http://www.vipen.de/html/veranstaltungen.html) em cố gắng đến dự nhé. Vâng. Anh cứ báo địa chỉ. Nếu không mắc việc gì em sẽ tới. Tôi đã đọc và tôi biết, bút lực của Bloger Người Buôn Gió và của Ana Lilia Perez đều thuộc loại thẳng thừng, không nước đôi nước ba. Cả hai đều viết bằng nội lực của khát vọng tự do và nhân quyền trên xa lộ của những trái tim bay theo đường thẳng tắp. Những kẻ thích quanh co, dối trá rất e ngại, hãi hùng trước bút lực của họ. Họ không giống như các trí thức, chính khách không dám ném chết chuột chỉ vì sợ vỡ bình quý dù khi bình quý đã bốc mùi. Lành làm gáo, vỡ làm muôi, họ là các cây bút can đảm bất chấp hiểm nguy: sẵn sàng “chỉ đập tan khu Tiền sảnh khi nó đã thối um”.

Thế Dũng

Schwäbisch Hall – Berlin 15.5. -18.05. 2014 – 28.10.2014