Grexit - Rồi Sao?

Hy Lạp và Bi Hài Kịch Âu Châu

Từ khi Hy Lạp hết khả năng thanh toán món nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, trị giá khoảng một tỷ 550 triệu Euro (tương đương một tỷ 730 triệu Mỹ kim) và đáo hạn ngày 30 Tháng Sáu, nhiều người hết còn biết là chuyện gì đang xảy ra. Trên nguyên tắc, đến đêm 30 rạng ngày hôm sau, vì Chính quyền Hy Lạp không đạt thỏa thuận về một giải pháp cứu nguy tài chánh với các chủ nợ chính yếu là Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ IMF, Hy Lạp chính thức bước vào giai đoạn vỡ nợ.

Việc đàm phán về giải pháp cứu nguy tan vỡ từ hôm Thứ Bảy 27 vì Chính quyền của tập hợp các lực lượng cực tả Syriza dời buổi họp trở về loan báo quyết định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật mùng bốn Tháng Bảy. Trưng cầu dân ý về chuyện gì, được trình bày ra sao cho người dân, với giải pháp nào cho dân chọn lựa? Những câu hỏi căn bản này cũng chẳng rõ ràng.

Thế rồi tin tức dồn dập từng giờ trong ngày Thứ Tư mùng một Tháng Bảy, giờ Âu Châu, khiến những người theo dõi cũng hết biết luôn. Ở tại chỗ, các ngân hàng được lệnh đóng cửa và mọi dịch vụ chuyển ngân đều bị kiểm soát, nhưng tình hình chính trị còn nguy kịch và rắc rối hơn vậy.

Thí dụ như vào giờ chót ngày Thứ Ba, Thủ tướng Hy Lạp là Alexis Tsipras gửi công điện cho các định chế chủ nợ, rằng Chính phủ của ông có thể đưa ra một đề nghị dàn xếp. Nhưng hy vọng chẳng kéo dài vì các phe trong cuộc tung ra nhiều tuyên bố trái ngược nhằm tác động vào dư luận Âu Châu và Hy Lạp, cho đến khi ông Tsipras lại đổi ý vào chiều Thứ Tư. Ông lên truyền hình xác định rằng vẫn có trưng cầu dân ý và kêu gọi dân chúng trả lời “Không”, tức là bác bỏ giải pháp cấp cứu có điều kiện của Âu Châu.

Trong trường hợp đó, Hy Lạp ra khỏi khối Euro, hết sử dụng đồng bạc Âu châu và phải phát hành lại đồng Drachma? Sau đó thì sao? Hồ Sơ Người-Việt xin tổng hợp nhiều dữ kiện khác nhau của vụ khủng hoảng Hy Lạp vì vấn đề không chỉ là tài chánh hay kinh tế….

Hồ Sơ Euro

Về đại thể, Hy Lạp mắc nợ khoảng 315,5 tỷ Euro (tương đương với 350 tỷ đô la), chủ yếu là nợ các định chế Âu Châu, nhiều nhất là “tam đầu chế” Liên Âu, Ngân hàng ECB và Quỹ IMF. Với nền kinh tế sa sút liên tục và mất 25% sản lượng trong năm năm qua, và nay chỉ còn 200 tỷ đô la một năm, Hy Lạp không thể trả được các khoản nợ ấy mà muốn cần vay thêm Ngân hàng ECB theo thủ tục khẩn cấp một số nợ ngắn hạn để giải quyết nhu cầu thanh khoản là tiền mặt.

Hy Lạp là một thất bại kinh tế vì tệ nạn chính trị. Kinh tế xứ này không thể có tương lai nếu không cải cách, nhưng chẳng ai muốn cải cách vì sợ mất đặc quyền. Thất nghiệp tại Hy Lạp đã lên tới 26% nhưng 50% thành phần trẻ hiện không có việc. Tệ nạn chính trị là sau nhiều thập niên lãnh đạo của đảng Xã Hội (Phong trào “Panhellenic Socialist Movement” gọi tắt là PASOK), Hy Lạp đi theo chính sách bao cấp và bảo vệ quyền lợi của một thiểu số thân tín với gia đình Papandreou có ba đời ông, cha và con (Georgios, Andreas và George) đều từng là Thủ tướng. Hy Lạp còn cải sửa thống kê kinh tế để đủ tiêu chuẩn gia nhập khối Euro và sau đó không thể theo kịp đà tiến hóa của các quốc gia khác.

Việc Hy Lạp được gia nhập khối Euro là một sai lầm của Âu Châu, có thể là vì lý do chính trị: xứ này có vị trí địa dư tại một khu vực nóng và là thành viên của Minh ước NATO nên được biệt đãi cho tới ngày phá sản.

Sau năm năm thương thuyết, và ráo riết nhất từ đầu năm khi tập hợp cực tả Syriza được cử tri bầu lên vào ngày 25 Tháng Giêng năm nay, Hy Lạp vừa muốn các chủ nợ xóa bớt một phần nợ và lại cho vay thêm tiền. Liên minh cầm quyền của tập hợp Syriza có đa số rất mỏng trong Quốc hội là 11 ghế và sở dĩ đắc cử là vì hứa hẹn 1) không cắt giảm chi tiêu mà còn tăng lương hưu bổng, và 2) thương thuyết việc giảm nợ với Âu Châu, mà 3) vẫn ở trong khối Euro. Điều này rất nan giải.

Có tiền là nhờ sự chung góp của dân đóng thuế hay các nước thành viên, các chủ nợ không thể và cũng chẳng muốn thỏa mãn đòi hỏi đó mà còn yêu cầu Hy Lạp phải chấn chỉnh lại việc chi tiêu, cụ thể giảm chi và tăng thu, và cải cách cơ chế kinh tế để gia tăng sản lượng kinh tế trong lâu dài.

Mâu thuẫn về yêu cầu đó dẫn tới bế tắc và Chính quyền Syriza quay về hỏi xem người dân có đồng ý với những yêu cầu của chủ nợ hay không. Sau đây là ba kịch bản về những gì có thể xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mùng năm.

Ba Kịch Bản

Tùy theo lá phiếu của dân chúng, người ta có thể nghĩ ra ba kịch bản là 1) Không; 2) Có; và… Có, Nhưng Mà.

Giả Thuyết “Không”: Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu, qua cách trình bày và diễn giải của Syriza, nhiều phần thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, được gọi là Grexit, từ cách chơi chữ Greece và Exit.

Tập hợp Syriza thuộc thành phần cực tả, từ Cộng sản đến Maoist, được ủy quyền lãnh đạo là để giảm nợ mà vẫn ở trong khối Euro. Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu thì Hy Lạp hết nguồn tài trợ và sẽ vỡ nợ, đã không thanh toán được nợ của IMF cũng chẳng thể trả nợ Âu Châu vào ngày 20 này, trong khi đó hệ thống ngân hàng bị mất vốn và phải đóng cửa để khỏi phá sản. Kết cuộc thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, dùng lại đồng Drachma chắc chắn là bị mất giá. Khi ấy, tập hợp Syriza cũng chẳng còn hy vọng cầm quyền và chính phủ đổ, dân chúng sẽ phải bầu lại cho một đa số khác.

Giả Thuyết "Có": Cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu và tạm đẩy lui kịch bản Grexit.

Vì đến lúc cuối, Chính quyền Syriza còn đề nghị dân chúng bỏ phiếu chống, các chủ nợ Âu Châu sẽ nhân kết quả này mà nhấn mạnh rằng Syriza không đáng tin nên họ sẽ chỉ thảo luận việc giảm nợ cho một chính quyền khác. Nghĩa là Syriza cũng có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và Hy Lạp câu giờ cho đến khi dân chúng bầu ra một đa số khác. Vấn đề ở đây là chính trường Hy Lạp không có lực lượng nào đủ mạnh khả dĩ thành lập một liên minh cầm quyền thay thế Syriza. Tức là tình hình vẫn chưa êm và còn loạn thêm nếu cử tri dồn phiếu cho cánh cực hữu hay xu hướng chống Âu Châu.

Giả Thuyết "Có, Nhưng Mà": Trong cả hai kịch bản Có-Không, Chính quyền Syriza có thể sẽ đổ mà Hy Lạp vẫn khó tìm ra một giải pháp thay thế. Vì vậy, trong giả thuyết cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu, Thủ tướng Tsipras và các đồng chí có thể nhân đó tìm ra một giải pháp qua ba ngả lách.

Ngả lách thứ nhất là trình bày với các thành phần cực đoan trong tập hợp của mình rằng dù ta đã vận động chống lại đề nghị của Âu Châu, dân Hy Lạp vẫn muốn thương thuyết và ở lại trong khối Euro cho nên ta phải dung hòa để vẫn còn cầm quyền. Mục tiêu là bảo toàn được đoàn kết bên trong để khỏi bị bất tín nhiệm. Ngả thứ hai là thuyết phục quốc dân rằng Syriza vẫn là hy vọng khá nhất để đàm phán lại với Âu Châu cho những điều kiện khả quan hơn. Mục tiêu vẫn là cầm quyền. Ngả thứ ba là trình bày với các chủ nợ rằng thà là họ nhân nhượng một chút với Hy Lạp còn hơn là mất hết. Mục tiêu vẫn là mặc cả với các chủ nợ. Kịch bản này có xác suất cao vì đấy là chiến lược ban đầu của Syriza. Cùng lắm thì Tsipras sẽ tìm ra một liên minh mới với các phe nhóm rất ô hợp.

Nghĩa là trong cả ba giả thuyết, Âu Châu vẫn xoay về chốn cũ và tái thương thuyết với một khách nợ thiếu tiền mà đầy thủ đoạn. Các chủ nợ đều đã quá chán ngán với trò bội tín ấy nên chưa chắc đã đồng ý với việc thương thuyết lại: Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và trước sau gì cũng vẫn trở lại quyết định “Grexit”. Một là Hy Lạp xin ra, hai là Hy Lạp bị đuổi ra.

Lý do là quốc gia mạnh nhất và có thẩm quyền nhất trong khối chủ nợ là nước Đức đã hết kiên nhẫn và muốn có kịch bản này để còn cứu vãn được khối Euro với các thành viên còn lại. Tại sao?

Liên Âu Sau Grexit

Kinh tế rất nhỏ và mục nát của Hy Lạp chẳng có sức nặng gì với khối Euro hay cả tổ chức Liên Âu. Các ngân hàng chủ nợ của Âu Châu đều đã bán lại nợ và rút khỏi Hy Lạp nên các chủ nợ mới là ba định chế nói trên. Việc Hy Lạp ra khỏi Euro không thể gây khủng hoảng kinh tế hay tài chánh cho Âu Châu (hay Hoa Kỳ).

Sở dĩ Cộng hòa Liên bang Đức phải giải quyết hồ sơ Hy Lạp chính là để làm gương cho các quốc gia mắc nợ tại miền Nam, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ý Đại Lợi. Và sau khi thanh toán xong món nợ Hy Lạp, nước Đức hy vọng sẽ có một nền tảng thuần nhất hơn về chánh sách và vững mạnh hơn về chính trị.

Nhưng, các vấn đề căn bản của Liên Âu thì vẫn còn nguyên vẹn. Hệ thống quan thuế này không có quyền lực chính trị và phải dung hòa nhiều đòi hỏi trái ngược của từng quốc gia. Sau khi giải quyết xong món nợ Hy Lạp, các vấn đề tiềm ẩn vẫn nổi lên. Và vụ Hy Lạp ra đi sẽ dẫn tới nhiều rạn nứt hơn trong nội bộ Liên Âu

------

Kết luận ở đây là gì?

Hy Lạp đang mở màn cho nhiều biến động trầm trọng hơn tại Âu Châu trong những năm tới./.

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.de/

Hài Kịch Hy Lạp: Cho Cộng Sản Một Đạp

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150630
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

SYRIZA Ra Ma Và Hy Lạp Bay Ra Cửa Euro Như Thế Nào?


Đây là vết bẩn Hy Lạp! - Thế có tẩy nó đi được không? - Hý họa của Ramirez trên tờ IBD

Đầu năm nay, dân Hy Lạp đã tưởng mình khôn.

Họ bầu cho một tập hợp 22 nhóm thiên tả, từ cộng sản đệ tam qua đệ tứ, đệ tứ rưỡi và các đệ tử lên đồng không đo đếm lẫn cô hồn các đảng “Mao-ít, Mao-nhiều”. Khi một chính đảng mà tự xưng là “tập hợp” thì nên đọc ra chữ “ô hợp”, là trường hợp của nhóm SYRIZA, viết tắt từ chữ Hy Lạp “Synaspismós Rizospastikís Aristerás”, liên hiệp của các đảng cực đoan cánh tả, “radical lefts”.

Phát tin cho ngắn thì đa số cử tri ủy quyền cho tập hợp SYRIZA việc đi quịt nợ và tin rằng nhờ SYRIZA thì lương hưu còn tăng, đến 90% của mức lương cuối cùng nhận được.

Hãy nói về lương lậu và chi phí đã. Xứ này vốn là Thiên đường Hạ giới nên tuổi trung bình để được nghỉ hưu thuộc mức thấp nhất Âu Châu (57,8 tuổi). Họ còn có 600 ngành nghề được coi là rủi ro và hại sức khỏe nên được về hưu ở tuổi 50, trong đó có giới viết lách và mỹ thuật làm tóc. Đấy là đỉnh cao “xã hội chủ nghĩa” khi mà đi cầy ba năm là có thể xác định mức lương căn bản và dưỡng già ở tuổi 50 mà vẫn có lương hưu tính từ căn bản đó. Và điện nước gì cũng được trả với giá trợ cấp, mà khỏi trả cũng không sao vì nhà nước không có quyền cúp!

Thế thì ai sản xuất cho mọi người cùng hưởng điều kiện lý tưởng này? Rất ít!

Doanh nghiệp mới thì khó thành lập vì đe dọa đặc quyền của các công ty lão làng được bộ máy hành chánh bảo vệ qua bán chác và tham nhũng. Chế độ bao cấp đó còn khiến tuổi trẻ ù té bỏ đi làm di dân xứ khác. Còn lại là lớp trung niên và tuổi vàng, ca hát tưng bừng chờ ngày nghỉ ngơi…. Đây cũng là nơi thăm thú lãnh thổ bằng xe taxi còn rẻ hơn xe lửa nên hỏa xa cũng là cái lỗ.

Chuyện tưởng như chỉ có trong truyện thần tiên.

Những người lên đồng không biết đếm chẳng cần biết xứ sở đang mắc nợ đến 315,5 tỷ Euro, tương đương với 350 tỷ Mỹ kim. Một năm sản lượng của cả nước chỉ có khoảng 200 tỷ mà nợ 350 tỷ thì đấy là bài toán kế toán mà một bà nội trợ cũng biết, trừ những người trong thế giới ảo.

Đa số các chủ nợ của Hy Lạp là tổ chức Liên hiệp Âu châu của 28 quốc gia, là Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và một số quốc gia Âu châu. Khi dân Hy Lạp bầu lên tập hợp SYRIZA do một đảng viên cộng sản lãnh đạo là Thủ tướng Alexis Tsipras, thì các chủ nợ nói trên đều ngao ngán và trải qua sáu tháng cút bắt với một đám hủi.

Mỗi tuần mỗi tháng là một đề nghị lập tức được SYRIZA coi như dép rách. Họ lẩn như trạch để khỏi cam kết việc cải cách và chấn chỉnh chi thu. Khi bị chủ nợ đẩy vào thực tế thì hô khẩu hiệu chống tư bản và chủ nghĩa Đức quốc xã! Bị dồn vào chân tường thì SYRIZA dọa lại là sẽ trốn dưới nách của Vladimir Putin, ở bên Nga. Họ chẳng lý gì đến số phận của xứ Ukraine.

Khách có kẻ ngồi bên đọc mấy dòng trên mà tả hỏa. Nhà bác nói chuyện giỡn sao? Thế kỷ 21 lại có trò lạ như vậy? Kinh tế chính trị học có trường phái nào dạy về nghệ thuật lươn lẹo như thế không? Thưa rằng kinh tế chính trị học kiểu Mác-Lê-Mao có thể có!

Nhưng cao nhân tất hữu cao nhân trị.

Cao nhân ở đây là nữ nhân đã kinh qua xã hội chủ nghĩa của xứ Đông Đức cộng sản, Thủ tướng Angela Merkel của Cộng hòa Liên bang Đức. Tốp cộng sản ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo gặp vị Sư thái đã luyện võ trong lò cộng sản

Xin hãy nghiêm túc nhìn qua bờ vai của vị nữ lưu này vào thực tế Âu Châu.

***

Trong đà hồ hởi của Âu Châu sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, các nước Âu Châu cùng lập ra Liên hiệp Âu châu (Liên Âu) vào năm 1992 qua Thỏa ước Maastrict, tên một thành phố của Hòa Lan. Sau đó, một số quốc gia Liên Âu còn tiến tới chế độ thống nhất tiền tệ, là Khối Euro, cùng sử dụng một đồng bạc chung là đồng Euro, mang ký hiệu €.

Mười năm sau, hơi trễ, vào quãng 2009, người ta mới thấy đó là sự hồ hởi sảng, lạc quan tếu.

Liên Âu chỉ là một liên hiệp quan thuế, trong đó các nước giao dịch theo tinh thần tự do với tối thiểu hạn chế. Nhưng Liên Âu không là một tổ chức chính trị thống nhất, có quyền hạn về chi thu ngân sách để bắt các thành viên cùng tuân thủ. Thỏa ước Maastrict không có khả năng cưỡng hành nên mọi thành viên vẫn có thể áp dụng nguyên tắc “đèn nhà nào nhà ấy rạng mạng người nào người ấy giữ”. Họ gọi đó là chủ quyền quốc gia, đối lập với thẩm quyền của tập thể Liên Âu.

Tất nhiên nhiều kẻ khôn ngoan bèn nghĩ tới mối lợi trong trò góp gạo thổi cơm chung này. Khôn nhất là góp tấm trộn cám lại đòi ăn xôi gấc. Đấy là nếp khôn xã hội chủ nghĩa, là chủ nghĩa cóc biết đếm mà chỉ biết vồ ếch.

Trong khu vực rộng lớn của 28 nước Liên Âu và 19 nước của khối Euro, Cộng hòa Liên bang Đức là cái trụ, có nền kinh tế mạnh nhất, lại thấu hiểu trò chơi chính trị của Liên Âu lẫn những giới hạn của Thỏa ước Maastrict. Kinh tế Đức mạnh là nhờ xuất cảng, chiếm phân nửa Tổng sản lượng, và trong số khách hàng nhập cảng của Đức cũng có nhiều quốc gia ở vòng ngoài của Liên Âu. Không kể xứ Ireland tại miền Bắc thì vòng ngoài đó có các nước miền Nam, rung đùi sưởi nắng rửa chân bên Địa Trung Hải. Đó là Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các quốc gia “lâm nạn” từ năm 2009.

Dân trong nghề gọi nhóm lâm nạn này là PIIGS (Portugal, Ireland, Italy, Greece và Spain).

Tại sao lâm nạn? Khách chẳng thể ngồi yên nên nóng ruột hỏi thay cho độc giả, trong khi màn ảnh chan hòa màu đỏ, từ Á về Âu qua Mỹ….

Khi xuất cảng, Đức có lợi thế nhờ đồng Euro có giá rẻ hơn là nếu xứ này vẫn giữ đồng Đức Mã Đê Mê Deutschmark vững chãi của mình như trước. Vì vậy, việc duy trì khối Euro có lợi cho kinh tế Đức, nhưng với cái giá phải trả - chuyện sẽ nói sau vì dân Đức biết đếm. Trong môi trường đó, các nước ở vòng ngoài thoải mái mua hàng của Đức, trả bằng tiền mặt là đồng Euro cho nước Đức.

Họ lâm nạn vì không biết đếm là xứ sở hết tiền mặt. Họ hết tiền mặt vì hai lẽ, mua nhiều hơn bán và chi nhiều hơn thu. Sở dĩ chi nhiều hơn thu vì ở trên bờ dốc bao cấp. Càng gần xã hội chủ nghĩa là càng chi bạo mà khỏi cần đếm. Đấy là nạn bội chi ngân sách còn nguy ngập hơn nạn nhập siêu.

Vả lại, theo lý luận rất xã hội chủ nghĩa thì bề nào cũng có nhà nước lo. Nhà nước ở đây là nhà nước Đức và nhà nước Liên Âu cùng các định chế tài chánh như ngân hàng ECB và Quỹ IMF.

Đấy là các chủ nợ đã tài trợ cho nhóm PIIGS này có tiền mua hàng (chủ yếu của Đức) và duy trì khả năng chi tiêu. Đồng tiền này không miễn phí và vô điều kiện. Phí tổn là phân lời trái phiếu khá cao trên thị trường Đức, và điều kiện là cải tiến chế độ kinh tế tài chánh và cải thiện chi thu ngân sách để ra khỏi tình trạng hào phóng theo kiểu cha chung không ai khóc.

Khi ấy, càng gần bờ dốc xã hội chủ nghĩa, các chính quyền bên cánh tả của nhóm PIIGS càng thấy mình khôn. Khỏi chấn chỉnh gì thì cũng được thiên hạ nuôi báo cô nhân danh chủ quyền độc lập với cơ chế Maastrict. Khôn nhất là Hy Lạp!

Nước Đức thì cần duy trì hệ thống Euro nhưng chẳng thể tốn tiền tiếp tục trò báo cô đó. Đã vậy thì bà cho cái đứa khôn nhất một đạp ra khỏi cõi càn khôn! Hy Lạp cạp đất là như vậy.

Dõi theo đòn chính trị rất quái bên trời Âu, khách ngồi bên bèn gõ máy tìm hình Sư thái Angela Merkel để chiêm bái!

Khi thấy dân Hy Lạp vẫn du dương với giấc mơ xã hội chủ nghĩa, lại bầu lên một tập hợp cộng sản có tôn chỉ quịt nợ bọn có tiền, Angela bèn nghĩ đến các khách nợ còn lại. Phải dùng phép sát kê hách hầu, diễn nôm là giết gà dọa khỉ.

Trong sáu tháng liền, bà cứ để con gà SYRIZA gáy loạn. Chiêu pháp SYRIZA là hãy can em đi, kẻo em sẽ tự cắt tiết, hoặc bay qua cái lầu son gác tía của Nga. Sư thái Angela ra chiều đắn đo ái ngại, mà thầm nhủ: “xin cứ tự nhiên”. Chuyện quái ở đây là cả khối Euro, cõi Liên Âu và toàn thế giới đều chứng kiến đòn bài bây ăn quịt ấy nên rốt cuộc đành chấp nhận hậu quả là khối Euro phải cho Hy Lạp ra ngoài, kịch bản “Grexit”. Bay qua cửa sổ.

Suốt sáu tháng đó, các nhóm xã hội chủ nghĩa của mấy xứ kia khéo nín thinh để khỏi lãnh cơn thịnh nộ của Sư thái Angela và các chủ nợ. Khi thấy Thủ tướng Alexis Tsipras ôm hôn thắm thiết Vladimir Putin thì họ hú vía và tự bảo nhau là cho chúng chết luôn.

Đấy là pháp thuật của Angela Merkel. Vì Maastrict không có luật nên bà chọn đứa ngỗ nghịch nhất mà quăng ra cửa. May ra thì các nước còn lại sẽ biết thế nào là sổ sách chi tiêu và sống với nhau thì phải có thủy có chung.

Vì thế, khi Hy Lạp cận ngày thanh toán nợ đáo hạn, là trả một tỷ rưỡi cho IMF vào ngày 30 Tháng Sáu, Thủ tướng Tsipras của SYRIZA rơi ngay vào cái hố Angela chờ đợi: cho em về hỏi ý dân đã, qua một cuộc trưng cầu dân ý sẽ tổ chức vào mùng năm Tháng Bảy.

Có gì thì cũng tại dân cả.

Dân thì đã hiểu. Họ ùn ùn rút tiền ký thác làm các ngân hàng cần ngân khoản cấp cứu của Âu Châu để khỏi lủng. Việc cấp cứu đó vừa chấm dứt và từ nay đến ngày dân bỏ phiếu, các ngân hàng tạm đóng cửa.

Chúng ta có một vụ khủng hoảng điển hình như trong các nước nghèo mà ham. Âu Châu văn minh hiện đại cũng có loại nghèo mà ham đó. Đấy là những người cộng sản đã làm cho nước nghèo mà vẫn có tật ham. Bai em nhé.