Họ tự nhận là người châu Âu yêu nước muốn chống lại viêc phương Tây bị Hồi giáo hóa. Họ là thành viên phong trào chống nhập cư tại Đức Pegida mà hàng nghìn người đã tuần hành hôm 05/01/2015 trên các đường phố nước Đức. Những cuộc xuống đường tương tự đã diễn ra liên tục từ nhiều tuần lễ nay, làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối, tố cáo những ý tưởng cũng như đà vươn lên của phong trào này.
Trả lời phỏng vấn của Caroline Paré, ban Tiếng Pháp RFI, Nele Wissmann, chuyên gia thuộc Ủy ban Nghiên cứu Quan hệ Pháp-Đức (Cerfa), dã giải thích rõ hơn về phong trào này.
RFI: Những người ủng hộ phong trào Pegida tuần hành trên đường phố nước Đức là ai ?
Nele Wissmann: Vì đây là một phong trào tương đối mới, chúng tôi chưa có công trình nghiên cứu xã hội học nào về họ. Điều mà chúng ta có thể nói được vào lúc này, đó là việc đây là một nhóm rất hỗn tạp, không đồng nhất. Điểm mới là ở chỗ đó.
Đây là một phong trào, đĩ nhiên là bao gồm những thành phần tân phát xít cực đoan, thuộc cánh cực hữu, nhưng cũng càng lúc càng thu hút những người hàng xóm, giới sinh viên, những người hưu trí. Họ muốn thể hiện thái độ không hài lòng của họ với chính sách nhập cư của chính phủ Đức, và lo sợ trước tình trạng người tị nạn tăng cao tại Đức.
Trong năm 2014, Đức đã đón nhận 200.000 người tị nạn và những người trong phong trào Pegida cảm thấy bị hiện tượng Hồi giáo hóa đe dọa. Tóm lại, đây là một phong trào rất hỗn tạp, và điều nguy hiểm chính là ở chỗ đó : Các công dân bình thường không còn thấy ngại khi tuần hành chung với các phần tử cực đoan, các thành phần tân phát xít, và họ không còn ngần ngại trong việc bày tỏ thái độ không hài lòng của mình.
Rốt cuộc, tâm lý sợ hãi xu hướng Hồi giáo hóa ở Đức bắt rễ khá sâu trong xã hội. Khoảng 30% người Đức nói rằng họ e ngại Đức bị Hồi giáo hóa.
RFI: Như vậy, phong trào Pegida có một quy mô địa lý rộng rãi hay không ? Hôm 05/01 vừa qua, họ đã huy động được một lượng người đặc biệt đông đảo tại phía đông nước Đức ?
Nele Wissmann: Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Dĩ nhiên, phong trào đã phát sinh từ Đông Đức, cụ thể là từ thành phố Dresden, và có vẻ như là mạnh mẽ hơn ở phía đông nước Đức. Đã có đến 18.000 người xuống đường ở Dresden, trong lúc tại Koln (một thành phố ở Tây Đức) chỉ có khoảng một trăm người biểu tình, so với một cuộc biểu tình phản đối đông đảo hơn gấp bội. Nhiều cuộc xuống đường chông Pegida cũng diễn ra ở Munster và Stuttgart, hai thành phố mà phong trào bài Hồi giáo chưa biểu tình vì lẽ đã có những cuộc xuống đường phản đối họ.
Thế nhưng, nếu xem xét các kết quả thăm dò dư luận, nếu nhìn vào số người đang sợ Hồi giáo, đang ghét những người tị nạn, đang lo ngại trước hiện tượng Hồi giáo hóa, thì những con số ở Tây Đức và Đông Đức hầu như giống hệt nhau, với 36% ở Đông Đức và 33% ở Tây Đức.
Tuy thế, điều có thể ghi nhận được, đó là phong trào Pegida có vẻ huy động được nhiều người hơn ở Đông Đức vào lúc này, và đó là một hiện tượng cần phải được nghiên cứu thêm trong tương lai, nhất là vì tại vùng Sachsen, nơi có thành phố Dresden, số lượng người nước ngoài trong thực tế lại rất thấp. Chỉ có 0,5% dân số là người Hồi giáo trong khi tỷ lệ đó tất nhiên là cao hơn nhiều ở Berlin và Koln, nơi mà phong trào Pegida rốt cuộc không có gì là quan trọng.
RFI: Cũng như là tại các vùng và thành phố nơi diễn ra những cuộc xuống đường chống Pegida rầm rộ hơn nhiều...
Nele Wissmann: Đúng thế. Và không nên lập luận quá đơn giản - Và đây chính là một sai lầm mà ta đã phạm phải trong những năm 1990 - khi nói rằng rốt cuộc thì Đông Đức bài ngoại dữ hơn là phần còn lại của nước Đức. Và cần phải xác định rõ điều này.
RFI: Liệu phong trào Pegida khá mới này có tham vọng ra tranh cử hay không ?
Nele Wissmann: Tất nhiên. Do tính chất thiếu thuần nhất, tôi cho rằng trước mắt phong trào này khó có khả năng tham gia đời sống chính trị, nhất là khi họ có rất ít tiếp xúc với các đảng phái. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận sự kiện phong trào này xích lại gần đảng chống châu Âu Alternative für Deutschland (Giải pháp thay thế cho nước Đức) vốn có các quan điểm gần như tương tự với phong trào Pegida. Ban tổ chức phong trào Pegida tại Dresden sắp tiếp xúc với đảng hoài nghi châu Âu này, và bắt đầu Đại hội toàn bang Sachsen.
Tuy nhiên, theo Ban tổ chức phong trào Pegida tại Dresden, tiếp xúc giữa hai bên sẽ chỉ giới hạn trong cuộc họp đó, và họ không muốn tham gia vào đời sống chính trị địa phương hay toàn vùng.
Về ý định bầu của người Đức, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy là 10% dân chúng Đức sẵn sàng bỏ phiếu cho một đảng nào đó muốn chiến đấu chống lại xu thế Hồi giáo hóa. Pegida là một phong trào đấu tranh trên đường phố, nhưng điều đó không có nghĩa là các đề tài họ khai thác sẽ không đè nặng trên các cuộc bầu cử sắp tới vì các đảng chính trị sẽ phải xác định lập trường đối với phong trào này.
RFI: Một chính khách đã xác định lập trường rồi : Bà Angela Merkel đã trực tiếp nhắm vào phong trào Pegida trong bài phát biểu đầu năm của mình.
Nele Wissmann: Chính phủ Đức rốt cuộc đã phản ứng khá muộn vì không hiểu ngay lập tức nguy cơ và quy mô của phong trào này. Nhưng bây giờ thì các chính trị gia đã lên tiếng phản đối Pegida.
Trong thông điệp Giáng sinh của mình, Thủ tướng Merkel đã khuyên các công dân Đức là không nên đi theo phong trào này. Đối với bà, phong trào đó chỉ là hận thù và bà cũng đề cập đến khẩu hiệu "Wir sind das Volk", (Chúng tôi là nhân dân) mà các thành viên phong trào Pegida hô vang.
Đây là một khẩu hiệu đã được sử dụng trong cuộc cách mạng hòa bình ở Đông Đức vào năm 89. Đối với bà - bà Merkel đã nói như vậy với người Đức - không ai có quyền sử dụng các khẩu hiệu đó nếu mục tiêu là nhằm loại bỏ một người nào đó vì tôn giáo hoặc màu da.
Lập trường đó của bà Merkel đã được phe đối lập hoan nghênh, nhưng lại bị đảng chống châu Âu Alternative für Deutschland chỉ trích. Đối với đảng này, bà Merkel đã bêu riếu và loại trừ môt bộ phận dân chúng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150107-giai-ma-phong-trao-bai-hoi-giao-pegida...