Christian Lindner (FDP), Olaf Scholz, (SPD), Annalena Baerbock, (Die Grünen) trong bưổi lể giới thiệu Hợp đồng Liên Minh cho báo giới. Nguồn ảnh: Kay Nietfeld/ DPA
Đỗ Kim Thêm - Báo Tiếng Dân|
Bối cảnh
Kết quả của cuộc bầu cử vào ngày 26/9/2021 là ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Xanh (Grüne) và Dân chủ Tự do (FDP) chiếm được đa số tại Quốc hội.
Để nắm quyền cai trị trong bốn năm tới, các đảng này phải thoả hiệp nhau để tìm ra một đường lối chung định hình cho một chính sách liên minh mới mà báo chí gọi tắt theo một biểu tượng là “đèn hiệu giao thông”, bao gồm ba màu đỏ, (đảng SPD) xanh lá cây (đảng Xanh) và vàng (đảng FDP).
Nói chung, đảng Xanh quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, đảng FDP phát huy tự do cho nền kinh tế thị trường trong khi đảng SPD ưu tiên bảo vệ công bình xã hội, quyền lợi công nhân và tôn trọng nhân quyền.
Ngày 21/10, 22 nhóm chuyên gia của ba đảng bắt đầu các cuộc họp chuyên đề và đúc kết các dị biệt trong một văn bản chung quyết để thỏa thuận việc cầm quyền được gọi là Koalitionsvertrag (Hợp đồng Liên Minh), được mệnh danh là “Mehr Fortschritt wagen“ (Dám tạo ra nhiều tiến bộ). Kết quả này được trình bày trước công luận và báo chí vào ngày 26/11.
Nội dung của Hợp đồng Liên Minh là đem lại “một sự đổi mới toàn diện cho đất nước” trong “một sự khởi hành mới”. Văn bản đưa ra một số “xác định sơ bộ” để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, số hóa, bảo đảm thịnh vượng và gắn kết xã hội.
Với 177 trang, ba đảng đề cập đến 9 chuyên đề. Các vấn đề “Đối ngoại, An ninh, Quốc phòng, Phát triển, Nhân quyền“ chỉ là một phần trong chuyên đề VII: “Trách nhiệm của Đức đối với châu Âu và thế giới“.
Tóm lược
Nhìn chung, chính sách ngoại giao của Đức dựa trên sự liên tục và nằm trong khuôn khổ của cơ quan Liên Âu. Với tư cách là thành viên quan trọng nhất, Đức có khả năng hành động với nhiều chủ quyền hơn.
Sự cạnh tranh hệ thống với các nước độc tài và đoàn kết chiến lược với các đối tác dân chủ cũng được đề cập.
Trong bối cảnh này, chính sách đối ngoại của Đức “hành động từ một nguồn duy nhất”, bao gồm cả việc đệ trình một chiến lược an ninh quốc gia liên ngành, đó là một mô hình chiến lược mới.
Tuy nhiên, việc thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia như đảng FDP đã dự kiến trong chương trình vận động tranh cử, không được đề ra trong kế hoạch.
Trong các vấn đề liên minh xuyên Đại Tây Dương, Hoa Kỳ sẽ là “trụ cột trung tâm” và “NATO cũng là một phần không thể thiếu của nền an ninh Đức.”
Vấn đề có thể tiên đoán là việc can thiệp tại Afghanistan sẽ được giải quyết tại Quốc hội. Việc mua các máy bay không người lái có vũ trang để bảo vệ quân đội mà SPD luôn chống lại trong chính phủ liên minh CDU-SPD, nay cũng đã được quyết định. Đảng FDP đã có ý đồng thuận và đảng Xanh không loại trừ việc trang bị vũ khí.
Việc đóng góp tài chánh quốc phòng trong khối NATO như thỏa thuận, theo định mức hai phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội, không được Đức đề cập trực tiếp, nhưng dự kiến đóng ba phần trăm cho “đầu tư trong hành động quốc tế” và do đó cũng được hiểu là hoàn thành “nghĩa vụ tham gia NATO”. Đó là một phạm vi chắc chắn sẽ còn gây tranh cải khi thảo luận cho việc chuẩn chi kinh phí trong tương lai.
Vấn đề mà đảng SPD có những phản ứng mạnh mẽ trước đây là có nên tham gia về vũ khí hạt nhân không, đã được giải quyết: Đức sẽ mua sắm một loại máy bay chiến đấu sau đời Tornado, và Đức sẽ tiếp tục tham gia “khi nào mà loại vũ khí hạt nhân còn đóng một vai trò trong khái niệm chiến lược của NATO”.
Trong văn bản không đề cập đến việc Nga cung cấp năng lượng cho Đức qua ống dẫn dầu trên biển Đông, Baltic Nord Stream 2, một chuyên đề bị đảng Xanh bác bỏ triệt để và đảng FDP còn hoài nghi, trong khi được đảng SPD ủng hộ hơn.
Đối với Nga: Đức có nhiều chỉ trích và mong muốn hợp tác qua một cuộc đối thoại mang tính xây dựng “về các vấn đề của tương lai” và “trong việc vượt qua các thách thức toàn cầu”.
Vấn đề kêu gọi Nga cần phải “chấm dứt ngay lập tức các nỗ lực gây mất ổn định chống lại Ukraine, bạo lực ở miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea bất hợp pháp” không được văn bản đề cập. Việc trì hoãn này có nghĩa là để dành cho công việc cụ thể của chính phủ, mà nó có thể sẽ gây ra các cuộc xung đột.
Bang giao Đức – Trung Quốc
(Trích dịch từ nguyên tác Đức ngữ trong Koalitionsvertrag trang 157-158)
Đức muốn và phải định hình mối quan hệ với Trung Quốc trong những tầm vóc đối tác, cạnh tranh và mang tính đối thủ qua hệ thống.
Trên cơ sở Luật Nhân quyền và Luật pháp Quốc tế hiện hành, Đức tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc, Đức muốn có các quy tắc công bằng.
Để có thể thực hiện các giá trị và lợi ích của mình trong cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống với Trung Quốc, Đức cần có một chiến lược toàn diện về Trung Quốc trong khuôn khổ chính sách chung Liên Âu-Trung Quốc. Đức muốn tiếp tục các cuộc tham vấn liên chính phủ và làm cho châu Âu mạnh hơn.
Đức cố gắng phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Xuyên Đại Tây Dương về một chính sách đốî với Trung Quốc và tìm kiếm sự hợp tác với các nước cùng quan điểm để giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược.
Kỳ vọng của Đức về chính sách đối ngoại của Trung Quốc là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định với các lân bang.
Đức cam kết rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông nên được giải quyết trên cơ sở Luật Biển quốc tế. Sự thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan chỉ có thể diễn ra theo một cách hòa bình và tương thuận.
Trong khuôn khổ chính sách một Trung Quốc của Liên Âu, Đức ủng hộ sự tham gia trong các chuyên đề có liên quan Đài Loan dân chủ trong các tổ chức quốc tế.
Đức đặt vấn đề rõ ràng về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Giá trị của nguyên tắc “một quốc gia – hai hệ thống” ở Hồng Kông phải được tái khẳng định,
Bang giao Đức-Ấn Độ-Thái Bình Dương
Dựa trên các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Đức và Liên Âu, Đức ủng hộ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở dựa trên các chuẩn mực toàn cầu và Luật Quốc tế.
Đức muốn đạt được tiến bộ trong sự hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng cường chủ thuyết đa phương, tinh thần trọng pháp và dân chủ, bảo vệ khí hậu, thương mại và số hóa.
Đức muốn cùng thúc đẩy đối thoại sâu rộng về hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đức muốn thúc đẩy quan hệ đối tác EU-ASEAN.
Đức muốn nâng cấp cho Hội nghị Doanh nghiệp Đức-Châu Á-Thái Bình Dương về mặt chính trị.
Đức muốn mở rộng các mối quan hệ, bao gồm cả ở cấp quốc hội, với các đối tác có giá trị quan trọng như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Đức muốn bắt đầu có các cuộc tham vấn thường xuyên cấp chính phủ với Nhật Bản.
Đức đặc biệt quan tâm đến việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ bằng cách thực hiện chương trình nghị sự cho quan hệ đối tác Ấn-Đức và quan hệ đối tác kết nối Liên Âu-Ấn Độ.
Đức hỗ trợ cho những người đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao.
Đức muốn tích cực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế có chất lượng cao. Sáng kiến Cổng toàn cầu của Liên Âu là một công cụ quan trọng trong vấn đề này(hết trích dịch).
Bang giao Đức-Việt
Bang giao Đức-Việt không được đề cập trong lập trường của chính phủ mới, điều đó không có nghĩa là không quan trọng. Thực tế ngược lại, có nhiều chủ đề liên quan gián tiếp đến Việt Nam.
Theo các tài liệu mới, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi lên mức trên 10 tỷ USD, thương mại song phương tính đến tháng 8/2021 đạt hơn 7,2 tỷ USD, tăng 11,3 % so với cùng kỳ năm 2020.
Có hơn 350 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư tại Đức 30 dự án với tổng số vốn 120 triệu USD.
Trong 30 năm qua, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho Việt Nam trong các chương trình viện trợ phát triển kinh tế.
Hiện nay, Đức xác định Việt Nam là Đối tác trong Chiến lược hợp tác phát triển 2030 để Việt Nam phát triển bền vững, trước mắt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0.
Thành quả này là còn trong thời của bà Merkel. Chính phủ tương lai của Đức cũng sẽ tiếp tục khai thác và sẽ tạo ra một xung lực mới cho việc mở rộng hợp tác trong nhiều mặt giữa hai nước
Việt Nam có tận dụng ưu thế này không, còn phải cần thời gian theo dõi. Nhu cầu trước mắt là sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam nên thể hiện tinh thần trọng pháp và lễ độ ngoại giao trong thời đại văn minh.
Đức phê phán công khai và cứng rắn đường lối bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Đức báo động là bắt đầu quan tâm chặt chẻ hơn đến các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, tương lai dân chủ cho Hồng Kông và bảo vệ cho lãnh thổ của Đài Loan. Chủ trương này được hiểu là giờ đây gió đã xoay chiều và thời kỳ trọng thương trong kỷ nguyên Merkel đã kết thúc.
Giải thích sự thay đổi đường lối này một cách gián tiếp cũng có nghĩa là Đức sẽ ủng hộ cho Việt Nam theo đuổi một giải pháp hiếu hoà. Việt Nam có đủ can đảm để tận dụng các ưu thế này hay tiếp tục kiên trì trong im lặng với Trung Quốc, đó là vấn đề ý thức phản tỉnh về nội lực của Việt Nam.
Trong chiều hướng mới này, Đức cũng sẽ quan tâm đến các vấn đề tôn trọng nhân quyền, phát huy dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ cho Việt Nam, có nghĩa là, các phong trào xã hội dân sự trong và ngoài nước có một cơ hội mới để hợp tác với Đức. Các phương tiện truyền thông Đức sẽ bắt đầu mở rộng hơn so với thời của bà Merkel. Gần đây, bà Merkel đã thú nhận là ngây thơ và dè dặt với Trung Quốc, nhưng không nói rõ lý do tại sao bà lại nhẹ tay cho Việt Nam trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vấn đề còn lại cho người Việt còn quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho tương lai của Việt Nam là có tận dụng được lợi thế mới này tại Đức để mở rộng ngoại vận hay không, triển vọng này còn tùy vào việc phát huy năng lực nội tại và sự hồi phục của tình hình chung sau thảm hoạ COVID-19.