Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ đã liên tục có 3 cuộc gặp gỡ của cán bộ ngoại Việt nam với quan chức cấp cao diễn ra tại Hà nội lần lượt vào ngày 2, 9 và 13 tháng 8 năm 2018. Có lẽ công tác ngoại giao chưa bao giờ quan trọng đến độ cả cơ quan tuyên giáo, công an lẫn đảng và chính phủ đều phải kết hợp với các cơ quan ngoại giao Việt nam ở nước ngoài. Cả ông Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có cuộc gặp với 24 trưởng cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018-2021 vào ngày 2/8/2018, ông Tô Lâm cũng gặp gỡ với các quan chức ngoại giao này một tuần sau đó để bàn về việc “Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao”, và ngày 13/08/2018 là cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 300 cán bộ ngoại giao tại Hà nội. Tựu chung thì cả ba ông đều nhấn mạng đến tầm quan trọng của việc ổn định chế độ, chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nỗi sợ cách mạng màu làm lung lay hay xoay chuyển chế độ từ các tác động bên ngoài chưa bao giờ thể hiện rõ đến như vậy trong não trạng lãnh đạo Việt nam. Ông Trọng chắc nịch tuyên bố rằng “đặc biệt rong năm 2017 công tác ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước” nhờ “sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.” Thành quả ngoại giao mà ông Trọng nhắc đến có lẽ là việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh làm lung lay nước Đức và Châu Âu vì cách thức vi phạm luật pháp nước ngoài một cách trắng trợn vào năm 2017. Vụ bắt cóc này không được truyền thông chính thống Việt nam đưa tin ngoài việc tuyên bố dối trá rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú để làm mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ở Việt nam dù đại sứ Việt nam tại Đức trong một cuộc phỏng vấn đã gián tiếp thừa nhận vụ bắt cóc là có thật. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có lẽ đã phủ nhận một vế quan trọng trong tuyên bố “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta theo luật pháp quốc tế” của ông Trọng. Thành quả của vụ vi phạm luật pháp quốc tế, luật pháp Đức và ngoại giao là sự tổn hại về ngoại giao giữa Việt nam và một số các quốc gia châu Âu. Đức đã cắt quan hệ chiến lược với Việt nam, Cộng hoà Séc ngừng cấp thị thực lao động cho người Việt và tiếp theo là Slovakia không bổ nhiệm Đại sứ mới tại Việt nam sau khi phát giác chính Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các nhà điều tra Pháp cũng đã vào cuộc điều tra các Sim điện thoại được mật vụ Việt nam sử dụng để liên lạc với nhau trong vụ bắt cóc Thanh thì hệ luỵ từ đó là ông Trọng đã bị đón tiếp một cách lạnh nhạt khi đến Pháp hồi tháng 3 năm 2018 theo như nhận định của ông Lê Trung Khoa từ Đức. Nếu như Pháp cũng vào cuộc thì Việt nam đang vướng phải khủng hoảng về ngoại giao với không chỉ một mà đến bốn quốc gia châu Âu. Điều này sẽ làm cho Việt nam càng khó thuyết phục bốn quốc gia này thông qua hiệp định thương mại tự do EVFTA mà Việt nam đang rất thèm muốn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của những quốc gia Đông Nam Á vốn dựa dẫm nhiều vào xuất khẩu hàng hoá trong đó có Việt Nam. Tờ Asian Nikkei Review của Nhật có nhận định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ ước tính đạt 43,7 tỷ đô la hàng năm sẽ bị giảm sút do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm. Với khối lượng hàng xuất khẩu tương đương 99,2% GDP ( 226 tỷ Đô la) thì nếu thị trường nhập khẩu của Mỹ và Trung quốc bị giảm sút, thì Việt nam chỉ còn biết trông chờ vào EU. Nhưng với khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra như hiện tại thì cánh cửa cho hàng Việt Nam được hưởng thuế suất 0% vào EU có lẽ còn lâu mới hé mở. Có lẽ khi tiền Việt nam đã bị sụt giá 1,5% trong năm nay cộng với việc gia tăng tiền lương tối thiểu lên 5,3% trong năm tới sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng giảm sút. Khi đó nguyện vọng “đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao” của Trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng có lẽ sẽ đi vào cánh cửa hẹp. Ông Tô Lâm lại muốn các cơ quan ngoại giao là “những tiền đồn phát hiện, ngăn chặn các đối tượng thù địch có ý đồ xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời cũng là cửa ngõ của nước nhà mở ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu biết và mở rộng giao lưu với lực lượng CAND Việt Nam.” Vai trò “ tiền đồn ngăn chặn các đối tượng thù địch” của các sứ quán Việt nam đã khá xuất sắc khi những người có tư tưởng chống đối nhà nước Việt nam không được cấp thị thực nhập cảnh, bị câu lưu hay buộc xuất cảnh trở lại khi họ đặt chân đến Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Bạn bè quốc tế đã hiểu biết lực lượng CAND Việt nam trong thời gian qua, mà người đại diện là Tô Lâm và một số mật vụ ở Slovakia hồi tháng 7 năm 2017 khi mượn chuyên cơ của chính phủ Slovakia để mang Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Họ hiểu được mật vụ Việt Nam và Tô Lâm bất chấp luật lệ các nước sở tại để đạt cho bằng được mục đích của mình. Mọi thứ đã quá phức tạp, giờ đây ban Tuyên giáo, Bộ Công An, Đảng và Chính phủ lại giao cho các cán bộ Ngoại giao đi gỡ rối, một việc mà giờ đây có lẽ đã vượt quá tầm với của các cán bộ ngoại giao./.
Gỡ rối Ngoại giao: điệp vụ bất khả thi?
15.08.2018
Phương Thảo (VNTB)