GỘT RỬA TƯ DUY

Các bậc cha mẹ ở Việt Nam thường có hai xu hướng giáo dục.

Một là, bỏ mặc những đứa trẻ muốn học gì thì học, đọc gì thì đọc và chẳng bận tâm chúng có kết quả ra sao về nhận thức. Có thể sẽ giục chúng lo học rồi mau kiếm tiền đi, hoặc chẳng cần học hành gì cũng được, miễn sao làm ra tiền.

Hai là, quát mắng hoặc doạ nạt, đánh đập chúng khi biết chúng bị điểm kém, bị phê không tốt bởi những giáo viên ở cái nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này, và do hạn chế hiểu biết nên cũng lại quở mắng con mình, không tìm hiểu hay chia sẻ với chúng, không đọc sách và cùng trò chuyện với chúng, thường dùng kinh nghiệm và quyền lực để chỉ bảo chúng, và rồi lại tìm đến giáo viên hoặc nhà trường để giải quyết vấn đề nhận thức của con mình dưới góc nhìn điểm chác và thành tích.

Cả hai trường hợp trên đều có một kết quả, không thèm quan tâm đến kỹ năng sống của bọn trẻ, đam mê và khả năng thực sự của chúng, mà muốn chúng theo tư duy của mình hoặc đẩy chúng đến sự hạn chế về nhận thức do nền giáo dục này bạo hành tư duy bọn trẻ bao thế hệ.

Cha mẹ, phải thường xuyên đọc sách để trau dồi tri thức, trước lúc đi ngủ thì ngồi bên giường đọc hay kể chúng nghe những câu chuyện, và giải thích cho chúng khi chúng hỏi, đó là cách mà giáo dục ở Tây phương cũng như các nước văn minh tiên tiến trên thế giới vẫn dạy bọn trẻ. Người ta không bắt bọn trẻ phải học thuộc lòng, không bắt phải thi cử triền miên hay học thêm sau khi rời trường. Ở nhà, cha mẹ hay người thân chính là những người thày thực sự quan trọng để dạy chúng những điều mà ở trường không thể làm được.

Ở chúng ta, cha mẹ bị bó buộc bởi quá nhiều định kiến cổ hủ, lạc hậu và ngay cả kiến thức cũng hạn hẹp, tư duy cũng chưa thoát khỏi sự áp đặt và dạy bảo theo cách bề trên thích mệnh lệnh và nghe lời. Những kiến thức thì sơ sài, kỹ năng sống thì hời hợt, đối nhân xử thế giả tạo, mà lắm khi là gian manh, dối trá, nên thành ra cũng không thể có chuẩn mực dạy con cái thành người đàng hoàng và tử tế được. Vì chẳng lẽ cha mẹ đi lo lót hay quà cáp thày cô, chạy chọt đủ thứ mà dạy được đứa con trong sáng và trung thực hay sao?

Tôi đã luôn có một ước muốn và sẽ bắt tay xây dựng một khu vườn ở một vùng quê yên tĩnh, trong đó sẽ là một thư viện sách siêu lớn, để tôi và con tôi sẽ đọc sách, và ở tại đó tôi cũng sẽ viết lách và làm toán cho đến cuối cuộc đời mình.

Chúng ta cần cho bọn trẻ đọc sách, khơi dậy tiềm năng trong chúng chứ đừng áp đặt và dạy bảo chúng bằng những kinh nghiệm lỗi thời mà vốn lạc loài so với thế giới hàng trăm năm. Chúng ta không thể mê rượu bia và đổ đốn vì những chất có cồn, tan làm chỉ lê la quán bia, rượu với bạn bè và chém gió những mẩu chuyện vô bổ, ngu ngốc mà đòi hỏi những đứa trẻ phải học hành đàng hoàng và trưởng thành lên người được, xác suất thì vẫn có những cây xương rồng mọc trên sa mạc, nhưng biến chúng thành mảnh rừng với những mầm cây khoẻ mạnh mới là cách làm tốt nhất của người gieo trồng.

Hãy dừng đánh đập và to tiếng, hãy đừng bỏ mặc những đứa trẻ bơ vơ, hãy ngừng chỉ trích hay dè bỉu, hãy bên cạnh và chia sẻ với chúng, khơi dậy đam mê và tài năng thực sự trong chúng, đừng áp đặt sự ngu ngốc và góc nhìn hạn hẹp của bản thân mình lên những hạt giống đang cần được tưới tắm và chăm bẵm mỗi ngày.

Muốn có những nhà khoa học và đất nước phát triển, văn minh, thì những cha mẹ hãy nhìn lại chính bản thân để giáo dục những đứa con của mình một cách nghiêm túc chứ đừng phó mặc chúng cho hệ thống giáo dục lạc hậu này đày đoạ.

Và cũng chớ mang suy nghĩ của đạo Phật để nhủ mình rằng hãy biết buông bỏ mà tránh thị phi và rời xa xã hội. Phật dạy buông bỏ là buông bỏ lòng tham, sự tàn ác, thói đố kỵ, ganh ghét và nhu cầu vật chất tầm thường mà không giành giật hay hãm hại ai, chứ Phật không dạy người ta né tránh và sợ hãi cái ác, cúi đầu và chấp nhận bất công hay cường quyền, nếu hiểu như vậy là đang làm sai lời Phật và đã thực chẳng hiểu gì về Đạo cả. Đạo, làm cho đời và cho người tốt đẹp hơn, mà đồng nghĩa với việc đó là phải cứu vớt đồng loại và đấu tranh với cái xấu không chỉ trong chính bản thân mình mà cả với xã hội, cường quyền, nếu đó là những thứ tạo ra bất công, tha hoá và bất ổn cho đất nước, dân tộc.

Phải lĩnh hội được Đạo, người ta mới thấy Phật. Nếu không, ngồi trước Phật hay mặc áo cà sa con người ta cũng chỉ là kẻ tội đồ của những mưu toan với tâm tính mù loà tìm đến để được an ủi và ân xá mà thôi.

FB Luân Lê