Vào ngày 14 tháng Mười Hai, 2020, Hoa Kỳ chính thức bắt đầu đưa dự án Giám Sát Đập Mekong (MDM) đi vào hoạt động. Dự án này do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hợp tác cùng Viện nghiên cứu Stimson và Công ty tư vấn Eyes on Earth thực hiện và tài trợ.
Theo phía Hoa Kỳ thì MDM nhằm hợp tác và giúp chính phủ các nước trong Ủy Ban Sông Mekong (MRC - Cơ quan liên chính phủ với các thành viên là các ủy ban sông Mekong của Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan) và chính quyền địa phương nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dữ liệu để theo dõi mực nước hồ chứa của 13 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong và 15 đập ở phụ lưu, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên khoa học hiện đại.
Sông Mekong dài 4.350 cây số phát nguyên từ Tây Tạng là một trong những con sông dài nhất trên thế giới, chảy qua Trung quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Là sinh kế của hơn 65 triệu người dân đang sống dọc hai bên bờ sông. Trong đó bao gồm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam với hơn 17 triệu người.
Dòng chảy xuống hạ lưu mang theo cá và phù sa. Trong đó, phù sa sẽ giúp các khu vực ở hạ lưu trở nên “chắc” hơn, giảm đi sự sụt lún được dự đoán do biến đổi khí hậu. Khi dòng chảy bị giảm mạnh thì sẽ gây ra thiệt hại lớn cho môi trường, làm tổn hại đến cuộc sống của cư dân hạ lưu và gây ra hạn hán và lũ lụt.
Vùng hạ lưu sông Mekong trong những năm gần đây thường gặp hạn trong mùa khô và thiếu nước trong mùa mưa. Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính gây ra:
Thứ nhất là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến nắng hạn gay gắt và lượng mưa thấp.
Thứ hai là lượng nước đổ về từ sông Mekong bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của con sông. Đặc biệt với 11 nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long vì nằm ở vị trí cuối nguồn và sông Mekong là con sông cung cấp nguồn nước chính nên dễ bị tổn thương một khi khu vực này rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và trải qua mùa khô hạn, dẫn đến hiện tượng nước mặn xâm nhập ngược dòng. Có năm nước mặn vào sâu trong nội địa khoảng 80 cây số.
Trước năm 2012, mực nước lên xuống của sông Mekong còn dao động lớn theo mùa mưa và mùa khô. Nhưng từ năm 2012 trở đi mực nước thực tế lên xuống bất thường hơn, nhiều giai đoạn lên xuống không theo mùa mưa - mùa khô, và cũng không dao động lớn và đều thấp hơn đáng kể so với mực nước “tự nhiên”. Theo giới chuyên gia môi trường thì hiện tượng này chỉ xảy ra sau khi Trung Quốc cho vận hành con đập Tiểu Loan (Xiaowan), là con đập lớn nhất trong loạt các con đập trên sông Lan Thương với chiều cao lên đến 292m, cao nhất thế giới, tạo nên một hồ chứa nước có dung tích 15 tỉ mét khối và rộng hơn 190 km2.
Các con đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong ngay cả trong mùa mưa, gây thiệt hại cho khu vực hạ lưu dù Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình. Lượng nước này theo ước tính đóng góp tới 40% dòng chảy ở hạ lưu vào mùa khô.
Nói cách khác, trong 8 năm qua, vào mỗi mùa mưa, hạ lưu sông Mekong nhìn chung đã khô hạn hơn so với nếu không có các đập Trung Quốc.
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ mới đây cho biết, vào năm 2019 đã xảy ra một đợt khô hạn bất thường tại vùng hạ lưu sông Mekong mặc dù thời gian này là mùa mưa (từ khoảng tháng 5), khiến mực nước xuống thấp kỷ lục vào tháng Bảy, 2019. Tuy nhiên trong thời gian đó, ngay cả khi ở hạ lưu khô hạn, thì thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Nhưng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỷ lục, đến mức mực nước tại Thái Lan không hề tăng trong cả 6 tháng mùa mưa 2019. Theo nghiên cứu của Mekong Freedom Network (một nhóm xã hội dân sự nghiên cứu tác động của các đập được xây dựng dọc sông Mekong) và Tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở tại Mỹ, thì các đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại gần 47 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu...
Theo New York Times, một báo cáo hồi tháng Tư, 2020 của cơ quan giám sát tài nguyên nước Hoa Kỳ có tên “Eyes on Earth” đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc kiểm soát lượng nước ở thượng nguồn từ năm ngoái đã dẫn đến hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ lưu, một số con sông đã hoàn toàn khô cạn, lòng sông nứt nẻ vào đúng mùa đánh bắt cá; trong đó một trạm quan trắc ở Chiang Saen, miền bắc Thái Lan đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục mới. Đồng tác giả của báo cáo, ông Alan Basist, nói thẳng: "Dữ liệu vệ tinh không biết nói dối. Có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng, nhưng các quốc gia như Campuchia và Thái Lan đang phải đối mặt với các mối đe dọa cực độ."
Mới đây, ông Brian Eyler, người đứng đầu Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn Hệ thống giám sát mực nước, có trụ sở tại Washington, cho biết: "Chứng cứ do hệ thống giám sát cung cấp cho thấy, sau khi thiết kế và vận hành, 11 đập thủy điện lớn của Trung Quốc chỉ biết tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh miền Đông Trung Quốc sử dụng, mà không hề xem xét ảnh hưởng đối với hạ nguồn."
Trung Quốc phản ứng gay gắt và bác bỏ nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nước, gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Viện Quy hoạch và Thiết kế Thủy điện và Thủy lợi Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đưa ra kết luận sai trái và không trưng được bằng chứng xác đáng. Theo viện này, thì "Thông qua chức năng điều tiết và tích trữ của hồ chứa nhà máy điện thượng lưu, lượng nước trong mùa lũ có thể được tích trữ trong hồ, làm giảm đỉnh lũ; đồng thời tăng lưu lượng chảy trong mùa khô, làm cho dòng chảy hạ lưu nhiều hơn dòng chảy tự nhiên, đóng vai trò kiểm soát lũ lụt và chống hạn hiệu quả tích cực cho vùng hạ du."
Cho tới nay các nước hạ nguồn sông Mekong đã nhiều lần kêu gọi phía Trung Quốc xả nước giúp cứu hạn và đồng thời yêu cầu minh bạch về dữ liệu giữ nước, xả nước ở các đập thượng nguồn. Nhưng ngoài những lời biện minh rằng Trung quốc dù cũng gặp khó khăn vì hạn hán như các nước hạ nguồn, tuy nhiên vẫn “hào phóng“ xả nước để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn, mà như Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ Lê Anh Tuấn cho biết lượng nước nếu có được xả ra thì cũng ít ỏi "chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa", cùng những hứa hẹn cho có như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng hứa sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm các nước láng giềng trong tương lai…thì các dữ liệu giữ nước, xả nước vẫn bị "giữ kín như bưng." Thảng hoặc nếu có thì những thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra đều không đáng tin cậy bởi vì Bắc Kinh chưa bao giờ muốn minh bạch.
Rõ ràng loạt đập thủy điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến các quá trình sinh thái của cả hệ thống sông Mekong - những quá trình đặc biệt quan trọng cho sự ổn định kinh tế của hạ lưu, mà nếu bị gián đoạn sẽ là thách thức lớn cho các nước hạ nguồn.
Dự án MDM theo mô tả của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì đây là "một bước quan trọng nâng cao hiểu biết về điều kiện nước ở lưu vực sông Mekong". Và rằng "Các nước không thể quản lý hiệu quả những gì họ không thể đo lường, và trong một thời gian dài, người dân sông Mekong thiếu tính toán minh bạch về nguồn nước của lưu vực.“
Một khi các nước hạ lưu có được dữ liệu thủy văn sông Mekong từ nguồn khác đáng tin cậy hơn nguồn do Trung Quốc cung cấp để làm cơ sở bằng chứng kịp thời thì mới có thể đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình về dòng chảy con sông.
Xây 11 con đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong với mục đích cho lợi ích riêng của mình, Trung Quốc còn dùng chúng như một loại vũ khí để khống chế các nước hạ nguồn trong tham vọng bành trướng bá quyền về phía Nam châu Á.
Ngoài ra Trung Quốc còn thành lập một Diễn Đàn Hợp Tác Lan Thương-Mekong bao gồm 6 nước VN, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc để dễ bề thao túng.
Mới đây, cựu Bộ trưởng Năng lượng Campuchia Pou Sothirak cho biết “LMC là một hình thức ngoại giao mới của Trung Quốc. Bạn sẽ phải chấp nhận hoặc phải đối mặt vì nó sẽ không bao giờ bị trì hoãn.”
LMC cho phép Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình giống như ở Biển Đông, qua đó tạo ra “sự đã rồi” nhằm kiểm soát sông Mekong. Bắc Kinh thông qua diễn đàn này để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, coi họ như những phiên thuộc, chư hầu.
Một báo cáo của Fitch Solutions Macro Research vào ngày 20 tháng Hai, 2020 cho thấy việc xây đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông. Báo cáo này dẫn nguồn từ nhiều bài nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong (MRC) cho rằng việc xây đập sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt, từ đó khiến các quốc gia phải nhập khẩu lương thực.
Tình trạng trên khiến các chuyên gia lo lắng sẽ xảy ra lạm phát kéo dài và các quốc gia chịu thiệt hại sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo còn cho biết, các nền kinh tế này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu thực phẩm thiết yếu để bù đắp sự thiếu hụt trong đường dài.
Tại vùng Đông Nam Á, chiến lược đường dài của Trung quốc là vừa củng cố “Con đường tơ lụa“ trên biển của mình, vừa kiểm soát hải lộ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và loại ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi nơi đây. Vì vậy với 2 mũi giáp công, một mặt Trung Quốc xử dụng quyền lực cứng qua những hành động khiêu khích, răn đe các nước chung quanh thuộc khối ASEAN, đòi chủ quyền 80% diện tích biển Đông; Mặt khác vừa muốn khống chế sông Mekong, là con sông huyết mạch của các nước VN, Thái Lan, Lào và Campuchia để ép các nước này phải hợp tác hay lệ thuộc vào tham vọng bành trướng của họ.
Biển Đông là nơi con đường huyết mạch của thế giới ngang qua vì vậy các cường quốc phải can dự vào, khiến Trung Quốc phải e dè. Trong khi vấn đề Mekong khác với biển Đông, vì chỉ có 4 quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp mà trong đó Lào và Campuchia là 2 quốc gia đã bị Bắc Kinh khống chế gần như hoàn toàn như một “chư hầu”, thì hành vi khuynh loát, bắt nạt của Bắc Kinh đối với toàn vùng sẽ là điều dễ dàng và sẽ khiến người dân của các quốc gia khu vực Mekong sống dựa vào tài nguyên từ con sông này thực sự khốn đốn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc ủng hộ các nước trong Ủy Hội Sông Mekong “cách tiếp cận dựa trên các quy tắc và minh bạch đối với sông Mekong” qua dự án MDM.
Dự án MDM này đi cùng với việc Hoa Kỳ và đồng minh ngăn chận TQ ở biển Đông cho thấy là các nước đang quyết liệt ngăn chận tham vọng bá quyền của Bắc Kinh tại khu vực Châu Á.
Nếu muốn hàng triệu người dân của mình không phải sống nhờ vào “ân sủng“ của Trung quốc; nếu muốn chống lại hành vi bắt nạt của Bắc Kinh thì các quốc gia này phải tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao từ các nước lớn khác có quyền lợi tương đồng.
Liệu VN có muốn trở thành một thành viên tích cực trong toàn cảnh khu vực này hay không?
Tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-tung-du-an-giam-sat-dap-tren-song-m...
https://www.thailandnews.co/2019/07/eight-chinese-dams-block-40-billion-...
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-tung-du-an-giam-sat-dap-tren-song-m...
https://baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-xa-nuoc-dap-thuy-dien-cuu-so...
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-we-save-mekong-river-063020...