Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chưa chấm dứt

Nguyễn Quang Duy


Cuộc bầu cử 2020 thật ra chưa chấm dứt vì ngày 5/1/2021 sắp tới tiểu bang Georgia sẽ bầu cử lại 2 ghế Thượng Nghị Sĩ và từ rạng sáng ngày 4/11/2020 đã xảy ra quá nhiều bất thường ở mức độ Thượng Viện Mỹ, Bộ Tư Pháp và một số Quốc Hội tiểu bang phải vào cuộc điều tra để làm rõ vấn đề.

Đảng Cộng Hòa đã tiến hành việc kiện tụng nên mặc dù ông Biden tuyên bố đắc cử Tổng thống nhưng đó chỉ là kết quả tạm thời dựa trên giả thuyết cuộc bầu cử vừa qua thực sự công bằng và minh bạch, không có gì gian dối hay lường gạt.

 

Kết quả sơ khởi tại Thượng Viện

Mặc dù đảng Dân Chủ đã chi hằng trăm triệu Mỹ kim chỉ để giành thêm vài ghế tại Thượng viện nhưng “làn sóng xanh” không hề xảy ra.

Riêng tại tiểu bang South Carolina ứng viên đảng Dân Chủ đã nhận đóng góp lên đến 109 triệu Mỹ kim nhưng vẫn không thể thắng được Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện chỉ có 70 triệu Mỹ kim để chi cho bầu cử.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng Khối Đa Số Thượng viện và Thượng nghị sĩ Susan Collins tiểu bang Maine là hai nhân vật khác mà đảng Dân Chủ đã công khai tuyên bố sẽ loại trừ, nhưng cuối cùng cả hai vẫn thắng cử một cách khá dễ dàng.

Trong khi Đảng Dân chủ giành được hai ghế ở tiểu bang Colorado và tiểu bang Arizona, thì họ đã mất một ghế ở tiểu bang Alabama.

Đảng Cộng Hòa chính thức giữ được 50 ghế và sẽ là phía đa số Thượng Viện, còn đảng Dân Chủ đang giữ 48 ghế.

Nếu ông Trump tái đắc cử đảng Cộng Hòa vẫn đủ phiếu để thông qua các đạo luật hay quyết định bổ nhiệm thẩm phán, các vị tướng và các viên chức chính phủ.

Còn nếu ông Biden thắng cử thì đảng Dân Chủ cần thêm ít nhất 2 ghế nữa tại Thượng Viện, nếu không Cộng Hòa sẽ ngăn chặn mọi thay đổi hay mọi quyết định mà đảng Cộng Hòa không đồng ý.

Vì thế 2 ghế thượng viện đang tranh cử nước rút tại tiểu bang Georgia vô cùng quan trọng, đảng Dân Chủ phải thắng cả 2 ghế này thì mới có thể “thay đổi nước Mỹ” như ý họ muốn.

 

Tranh cử nước rút (runoff election)

Theo luật bầu cử tại tiểu bang Georgia, các ứng cử viên Thượng Viện phải nhận được ít nhất 50% phiếu để tuyên bố thắng cử.

Nếu không ai nhận được hơn mức 50% số cử tri đi bầu thì 2 người có số phiếu cao nhất sẽ tranh cử nước rút vào ngày 5/1/2021 sắp tới.

Ghế thứ nhất do Thượng nghị sĩ David Perdue đảng Cộng hoà bầu cử lại. Ông Perdue chỉ thiếu chừng vài ngàn phiếu để có trên 50% số phiếu, nên vẫn phải tái tranh cử với ông Jon Ossoff, thuộc đảng Dân Chủ.

Chiếc ghế thứ 2 do Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler, đảng Cộng hoà, được bổ nhiệm vào năm ngoái khi Thượng nghị sĩ Johnny Isakson về hưu nay phải bầu lại.

Trong cuộc tranh cử 3/11/2020, bà Loeffler thua phiếu mục sư Raphael Warnock đảng Dân chủ, nhưng vì có tới 20 ứng cử viên ra tranh cử nên thật khó đoán kết quả cuộc bầu cử.

Trong một cuộc biểu tình do cánh tả cấp tiến tổ chức tại tiểu bang New York gần đây Thượng nghị sĩ Lãnh đạo phe thiểu số thuộc đảng Dân chủ ông Chuck Schumer đã công khai tuyên bố đảng Dân Chủ phải thắng cả 2 ghế này để có thể “thay đổi nước Mỹ”.

 

Nước Mỹ không dễ thay đổi…

Một ngày sau khi ông Biden tuyên bố thắng cử tổng thống, ngày 8/11/2020 Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin thuộc đảng Dân Chủ tại West Virginia cho báo chí biết cử tri đã từ bỏ đảng Dân chủ bởi chủ trương cấp tiến xã hội chủ nghĩa của một số thành viên và ông khuyên các thành viên này nên chủ trương ôn hòa hơn.

Ông hứa với cử tri nếu đảng Dân Chủ chiếm được cả hai ghế ở tiểu bang George nghĩa là Thượng Viện mỗi bên 50 ghế ông sẽ đứng về phía đảng Cộng Hòa để ngăn chận mọi “thay đổi cấp tiến”.

Ông không ủng hộ việc mang thêm người vào Tối Cao Pháp Viện chính trị hóa tư pháp, không ủng hộ cắt giảm cảnh sát, không ủng hộ tăng thuế, không ủng hộ thông qua y tế miễn phí hay đại học miễn phí, ông xin cử tri tin ông sẽ không nhượng bộ với cánh tả xã hội chủ nghĩa.

 

Cánh tả gây thảm hại ?

Về phía Hạ Viện, các dân biểu đảng Dân chủ Abigail Spanberger tiểu bang Virginia, Tim Ryan tiểu bang Ohio cũng cho rằng tỷ lệ tái đắc cử rất thấp của bà là do các chính trị gia cánh tả Xã Hội Chủ Nghĩa gây ra.

Cử tri của bà không đồng ý với phong trào thiên tả Black Lives Matter về việc cắt ngân sách cho cảnh sát.

Một số dân biểu đảng Dân Chủ thất cử đã công khai chỉ trích cánh tả xã hội chủ nghĩa đã khiến họ bị thất cử, ngược lại cánh tả cho rằng những dân biểu này đã không theo đường lối cấp tiến nên bị cử tri cấp tiến trừng phạt.

Đảng Dân Chủ ít nhất đã mất 6 ghế dân biểu Hạ Viện, có thể họ sẽ vẫn giữ được Hạ Viện với một chênh lệch rất nhỏ chỉ vài ghế. Trong số có bà Young Kim và bà Michelle Steel là 2 tân dân biểu đảng Cộng Hòa gốc Đại Hàn đã thắng cử tại khu vực có đông người Mỹ gốc Việt và Đại Hàn sinh sống, Quận Cam tiểu bang California.

Tân Dân biểu đảng Cộng Hòa Nicole Malliotakis, một phụ nữ gốc Cuba, vừa thắng cử tại thành phố New York một khu vực xưa nay thuộc đảng Dân chủ.

Tại thành phố Miami tiểu bang Florida, đảng Cộng Hòa còn thắng được hai ghế Dân biểu là các bà Maria Elvira Salazar và bà Carlos Gimenez họ đều là người Mỹ gốc Cuba công khai chống lại cánh tả của đảng Dân chủ.

Để trở thành Chủ tịch Hạ Viện bà Nancy Pelosi cần có 218 phiếu ủng hộ, nhưng thất bại trong cuộc tranh cử lần này không chắc bà sẽ được bầu lại.

Tất cả các ghế của đảng Cộng Hòa đều đã giữ được và họ thắng thêm từ 6 đến 12 ghế, vì thế vị chủ tịch Hạ Viện kế nhiệm có thể sẽ cần phiếu từ đảng Cộng Hòa ủng hộ.

 

Điểm bất thường bắt đầu…

Bình thường người thua cuộc tổ chức họp báo trước để chúc mừng người thắng cuộc, nhưng lần này chừng 1 giờ sáng ngày 4/11/2020 khi kết quả sơ khởi cho thấy ông Trump dẫn trước khá xa, nhất là ở các tiểu bang chiến trường Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, ông Biden lại mở họp báo tuyên bố đảng Dân Chủ đang trên đà thắng cử.

Ngay sau đó bà Nancy Pelosi cũng họp báo ngầm tuyên bố đảng Dân Chủ đang trên đà chiến thắng ở Hạ Viện, như đã phân tích bên trên đến nay vẫn chưa có kết quả và đảng Cộng Hòa mặc dù tin họ đã giữ được Thượng Viện nhưng vẫn chưa chính thức tuyên bố.

Đến gần 3 giờ sáng 4/11/2020, dựa trên các kết quả bầu cử sơ khởi tại các tiểu bang do đảng Cộng Hòa cầm quyền và kết quả cử tri bỏ phiếu trong ngày tại các tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm quyền, ông Trump mở họp báo và tuyên bố thắng cử.

Nhưng đến gần 5 giờ sáng kết quả tại hai tiểu bang Michigan và Wisconsin đã đảo ngược.

Mạng xã hội nhanh chóng phát hiện tại đơn vị bầu cử Shiawassee, Michigan, con số bầu cho ông Biden đột nhiên tăng thêm 153,710 phiếu hơn số cư dân trong vùng cả chục lần.

Tờ New York Times liên lạc ngay với giới chức bầu cử tại Michigan mới rõ con số đúng là 15,371 phiếu, lỗi do đánh máy sai thêm vào một số 0 ở số cuối, thêm cho ông Biden 138,339 phiếu.

Tổng thống Trump ngay sau đó mở cuộc họp báo tuyên bố là có gian lận bầu cử tại các tiểu bang Michigan, Wisconsin, Georgia và Pennsylvania, đảng Cộng Hòa bắt đầu khởi kiện và cho biết có thể dẫn đến tranh tụng lên đến Tối Cao Pháp Viện.

Ban vận động tranh cử của ông Trump đã đưa ra một tuyên bố cho biết tất cả các lá phiếu hợp pháp phải được đếm và tất cả các lá phiếu bất hợp pháp không được tính vào, ông Trump sẽ đeo đuổi quá trình này thông qua mọi khía cạnh của luật pháp.

 

Việc kiện tụng…

Nhiều Thượng Nghị sĩ đảng Cộng Hòa công khai tuyên bố họ đã thắng ở Thượng Viện, Hạ Viện, một số tiểu bang như Florida, Texas và ông Trump đã nhận được trên 73 triệu phiếu hợp pháp nên họ tin rằng đã có lừa đảo trong cuộc bầu cử vừa qua.

Ngày 9/11/2020, đảng Cộng Hòa đã nộp đơn kiện gian lận bầu cử tại một số tiểu bang, trong đó có Pennsylvania, Michigan và Nevada.

Ngay sau đó, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz đảng Cộng Hòa Texas cho biết Thượng Viện sẽ mở cuộc điều trần lắng nghe các nhân chứng và xem xét các chứng cớ có liên quan đến gian lận bầu cử.

Cùng ngày Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đưa ra một bản ghi nhớ ủy quyền cho các công tố viên liên bang trên toàn quốc điều tra những cáo buộc đáng kể về các dấu hiệu bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua.

Cũng trong ngày 9/11/2020, 10 Bộ trưởng Tư Pháp của 10 tiểu bang, gồm: Missouri, Louisiana, Alabama, Arkansas, Florida, Kentucky, Mississippi, Nam Carolina, Nam Dakota, và Texas, đã đệ trình bản tóm tắt thân hữu (amicus) lên Tối cao Pháp viện bày tỏ ủng hộ vụ kiện gian lận bầu cử do đảng Cộng hòa tại bang Pennsylvania khởi xướng.

Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Missouri, ông Eric Schmitt là người khởi xướng bản tóm tắt cho báo chí biết Tòa án Tối cao Pennsylvania đã viết lại luật và đã xâm phạm quyền hạn của cơ quan lập pháp khi phán quyết rằng các lá phiếu gửi qua thư nhận được vài ngày sau ngày bầu cử vẫn có thể được tính.

Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Louisiana ông Jeff Landry cho báo chí biết Tòa án Tối cao Pennsylvania giống như “trọng tài thay đổi luật chơi ngay giữa một trận bóng đang diễn ra” và “các thẩm phán không phải là người viết luật, trách nhiệm đó thuộc về cơ quan lập pháp”.

Tại tiểu bang Pennsylvania phía hành chánh thuộc đảng Dân Chủ đã vượt quyền sửa luật khi chưa được Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa đồng ý thông qua. Trước bầu cử vụ kiện có đưa lên Tối Cao Pháp Viện nhưng đã được gởi trả lại tiểu bang.

Quốc Hội tiểu bang Michigan thuộc đảng Cộng Hòa cũng đã tiến hành mở cuộc điều tra về những dấu hiệu khác thường trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 tại tiểu bang này.

Tại tiểu bang Wisconsin và Georgia sẽ tiến hành đếm lại phiếu, và có thể tiểu bang Nevada và Arizona cũng đếm lại phiếu vì kết quả khá khít khao.

Việc kiện tụng tòa án chỉ mới bắt đầu, cả hai bên cần có bằng chứng cụ thể, có nhân chứng xác thực và cần thông qua tranh cãi của hai bên nên cần một thời gian mới có được kết quả.

Các tranh tụng không phải giữa ông Trump và đảng Dân Chủ, mà là tranh tụng của đảng Cộng Hòa vì kết quả bầu cử công bằng và minh bạch là vô cùng cần thiết, có rõ ràng thì cử tri mới tiếp tục tin tưởng mà trao phó trách nhiệm lãnh đạo đất nước cho đảng Cộng Hòa tiếp tục gánh vác.

 

Liên danh Biden – Harris công bố đắc cử Tổng thống.

Dựa trên kết quả sơ khởi, ngày 7/11/2020, ông Biden đã tuyên bố đắc cử Tổng thống, nhưng ông Trump không chấp nhận cho rằng phải đợi kết quả tại tòa.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng Khối Đa Số Thượng viện trả lời báo chí ông không chúc mừng chiến thắng của Liên danh Biden – Harris vì kết quả bầu cử thuộc Cử tri đoàn, hiện còn quá nhiều tranh chấp về tư pháp và về chính trị nên không có gì phải vội vã chúc mừng.

Theo Luật Định ngày 14/12/2020, các tiểu bang sẽ chuyển lên liên bang phiếu bầu Cử tri đoàn và ngày 5/1/2021, Quốc Hội Liên Bang sẽ mở phiếu bầu.

 

Bạo loạn xảy ra ?

Dân chủ ở Mỹ là dân chủ gián tiếp, cử tri bầu cho Cử tri đoàn, kết quả bầu cử là từ các chính trị gia thông qua Cử tri đoàn, cuộc bầu cử lần này lại đầy tranh cãi nên có thể có rất nhiều chuyện bất ngờ xảy ra.

Cả năm nay tại nhiều thành phố lớn do đảng Dân Chủ cầm quyền và ngay cả ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.) liên tục xảy ra những cuộc biểu tình gây bạo loạn, cướp của, đốt phá, bắn giết lẫn nhau, vì thế quyết định từ tòa án hay từ các chính trị gia nếu không được cánh tả đồng ý rất dễ dẫn đến bạo loạn.

Ngược lại, cánh cực hữu cũng không chịu thua khi quyết định từ tòa án hay từ các chính trị gia không được thuyết phục được họ.

Cho đến ngày 20/1/2021, Tổng thống Trump mới hết nhiệm kỳ 2017-21, vẫn còn trách nhiệm phải bảo vệ trị an cho nước Mỹ và dân Mỹ.

Ngày 9/11/2020, ông Trump loan báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trả lời phỏng vấn của tờ Military Times ông Esper cho biết: “… Ông Trump là tổng tư lệnh được bầu bán một cách hợp lệ và ông đang tận dụng tối đa điều đó…"

Ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (National Counterterrorism Center) được ông Trump bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay ông Mark Esper.

Nếu có bạo loạn xảy ra ông Trump có thể sử dụng Đạo luật Chống Nổi loạn 1807, sử dụng Lực lượng Vệ binh Quốc Gia, một số lực lượng nội an và cảnh sát để bảo vệ trị an.

Rõ ràng ông Trump đã sửa soạn tất cả những gì ông ấy có thể làm được một cách hợp pháp, để hoàn thành trách nhiệm mà cử tri Mỹ đã giao phó cho ông năm 2016.

 

Cuộc bầu cử chỉ chấm dứt khi…

Rõ ràng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chưa chấm dứt, điều mà đa số mong đợi một kết quả bầu cử thực sự công bằng, minh bạch và chuyển tiếp sang nhiệm kỳ 2021-25 một cách ôn hòa bất bạo động.

Bầu cử tự do, công bằng và minh bạch là điều kiện cần và đủ để bên thắng cử dù là liên danh Trump – Pence hay liên danh Biden – Harris có được thế chính danh lãnh đạo nước Mỹ và lãnh đạo thế giới.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

17/11/2020