Chiến tranh vệ quốc

Xuân Sơn Võ

Vài giờ nữa là kỉ niệm 46 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trước đó 5 năm, chúng ta mất Hoàng Sa. Sau đó 9 năm, chúng ta mất đi nhiều đảo ở Trường Sa.

Chúng ta được gì từ cuộc chiến với quân Trung Quốc xâm lược? Chúng ta lấy ít địch nhiều, quân Trung Quốc phải rút về nước sau khi tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học. Nhưng chúng ta mất rất nhiều. Sau khi quân Trung Quốc rút về nước, ở Hà Giang, nhiều ngàn chiến sĩ của chúng ta hi sinh, một phần đất của chúng ta bị Trung Quốc chiếm. Và rồi sau đó, chúng ta mất thêm một số đảo ở Trường Sa. Rồi sau này, lại thêm những vùng đất khác, như một phần Thác Bản Giốc chẳng hạn… Ở Cămpuchia, bao nhiêu xương máu của những người con Lạc Hồng đổ xuống. Nhưng rồi cuối cùng, chúng ta cũng vẫn phải rút quân về. Và bây giờ, họ đi theo Trung Quốc.

Cuộc chiến Nga xâm lược Ucraine là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc chiến của người Ucraine chống lại quân Nga xâm lược, là cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng Ucraine lại là một đất nước yếu hơn nhiều so với Nga. Cuộc chiến vệ quốc của Ucraine, mặc dù bảo vệ cả châu Âu, nhưng phải lệ thuộc vào viện trợ của Mỹ và châu Âu, lệ thuộc vào việc Mỹ, hoặc các nước châu Âu cho phép sử dụng vũ khí của họ như thế nào. Có ai dám chắc, là Mỹ và các nước châu Âu thật sự muốn Ucraine thắng ngay? Biết đâu, họ muốn mượn máu của người Ucraine để làm cho Nga suy yếu trước, rồi mới thắng cuộc chiến với Ucraine sau.

Với một cuộc chiến không có quyền quyết định đánh để thắng, phải phụ thuộc vào sự cho phép của người khác, thì dù có chính nghĩa, nhưng càng kéo dài càng chịu nhiều thiệt hại, lại không có khả năng thắng, thì cần chấm dứt nó, dù phải chịu một số mất mát, thiệt hại. Trước tiên cần phải làm cho mình mạnh lên, để đủ sức đánh và thắng, đủ sức, đủ lực để tự quyết định đánh như thế nào, đánh vô đâu để chiến thắng. Khi mình đủ mạnh, không cần phải lệ thuộc ai, thì sẽ lấy lại những gì đã mất.

Trong cuộc chiến với Trung Quốc, việc chúng ta chấp nhận thua, chấp nhận tạm thời mất một số vùng đất, biển đảo vào tay quân xâm lược Trung Quốc, là chuyện có thể hiểu được. Điều khó hiểu là việc bưng bít thông tin, là trấn áp những người nói về sự thật đó. Nhưng tệ hơn nữa là bọn giặc nội xâm tham nhũng. Chúng kéo lùi chúng ta lại, làm cho chúng ta càng ngày càng xa vời với việc đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa, và những vùng đất chúng ta đã mất vào tay quân Trung Quốc xâm lược.

Việc Ucraine phải chấp nhận tạm thời mất một số vùng đất để chấm dứt cuộc chiến, là một bước đi chiến lược bắt buộc phải làm, trong cái thế yếu của họ. Tuy nhiên, hãy tìm cách chống lại bọn giặc nội xâm, mới có hi vọng ngày nào đó đòi lại những gì đã mất vào tay bọn Nga xâm lược.