Ngày 07.03.2015 chùa Tâm Giác München/Munich tổ chức văn nghệ mừng xuân với chủ đề Tết "40 mùa xuân viễn xứ" đánh đấu thời gian dài người Việt Nam bỏ nước ra đi tị nạn chính trị (1975-2015). BTC giới thiệu đôi nét lịch sử về sự hình thành ngôi chùa Tâm Giác cùng tri ân ban sáng lập.
Từ năm 1979, 1980 Chính phủ Đức thâu nhận người Việt tị nạn tại các trại Đông Nam Á Châu và tàu Cap Anamur vớt người vượt biển trên biển Đông thì đến nay 2015 người Việt Tị nạn CS tại Đức chỉ hơn 35 năm. Trong thời gian trên tại trại tị nạn Kirchweg có ĐĐ Thích Trí Hòa, nhưng một thời gian ngắn thầy di cư sang Mỹ.
Năm 1984 một số Phật tử tại München thành lập „Hội Phật Tử Việt Nam Tị Nạn tại Bayern“. Sau đổi là: „Chi Hội Phật Tử VN Tị Nạn Tại München và Vùng Phụ Cận“ Những thành viên có công vận động thành lập Niệm Phật Đường để có nơi lễ Phật là bác: Lê Đình Tân, Nguyễn Văn Từ, bà Phạm Nghiã Hồng đều đã qua đời, còn lại ông Lê Phước Non, bà Kiều Liên, bà Dr. Thục Quyên. Chúng ta khó quên bác Tân, bà Bảy Ngãnh, chị Hồng (nhủ danh bà Rô đã qua Mỹ) thường ôm sổ đi vận động để thành lập Hội… Niệm Phật đường đầu tiên ở gần Haaras, dời về Wolgang Platz. Năm 1988 do ông Nguyễn Thanh Liêm là Hội trưởng phát hành báo Tịnh Tâm. Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm thứ Năm ngày 9 tháng 11, rạng sáng ngày thứ Sáu ngày 10 tháng 11 năm 1989, sau hơn 28 năm không còn ngăn cách giữa Đông và Tây , những bạn trẻ độc thân đi hợp tác lao động từ DDR (Đông Đức) đến München xin tị nạn, lúc đầu còn bơ vơ đến tá túc trong Niệm Phật Đường. Cũng là nơi xe duyên gặp gỡ cho nhiều người lập gia đình hạnh phúc, con cái nên người tốt cho gia đình và xã hội.
Những nhiệm kỳ kế tiếp Chi Hội trưởng là các ông: Nguyễn Kim Định, Phạm Văn Quý… Số Phật Tử đông từ Niệm Phật Đường đổi sang thành chùa Tâm Giác nhờ sự hổ trợ của báo Süd Deutschezeitung, BCH có tiền mua căn nhà nhỏ ở Schwaben. Năm 2001 Đại Đức Thích Từ Trí từ Frankfurt về làm trụ trì. Chùa có Thầy thì Ban Chấp Hành thay đổi nội quy, Chị Bộ trưởng do thầy đảm trách, chỉ còn Phó chủ tịch Nội vụ, Ngọại vụ, Thư ký, Thủ quỹ.
Thủ phủ Bayern là thành phố München hoa lệ trù phú, có nhiều hãng xưởng nên nhiều người ở các tỉnh về lập nghiệp hội nhập tốt đẹp đời sống thăng hoa, còn cái thành tài, có nghề chuyên môn hay tốt nghiệp Đại học, có những người xuất gia đi tu như: bà Đặng Trinh thành „Vô Thượng Sư Thanh Hải“ anh Bình tu ở làng Mai thành Đại Đức, anh Lưu là đệ tử thầy Từ Trí là ĐĐ.Thích Trung Lưu. Nhờ sự đóng góp bằng “hằng tâm hằng sản“ cũng như cho mượn tiền „hội thiện“ của bà con Phật Tử và đồng hương. BCH và thầy Từ Trí cùng Dr. Nguyễn Khắc Tiến Tùng đấu giá mua được ngôi nhà cũ biệt lập, rộng rải có vườn sau tu bổ làm Chùa ở Wasserburg Str. 17 , 85614 Kirchseeon. Chùa trải qua các thầy làm trụ trì. ĐĐ.Thích Từ Trí, TT.Thích Đồng Văn, ĐĐ. Thích Hạnh Vân. Từ tháng 7 năm 2011 cho đến nay l à Đ Đ Thích Trung Lưu.
Chương trình văn nghệ Mừng Xuân Ất Mùi, sân khấu dàn dựng công phu đẹp mắt, có mái chùa với ngói đỏ phiá sau là tấm phông phong cảnh Việt Nam có cây cau, cây đa xanh lá sum xê. Bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm.
18 giờ khai mạc, trưởng ban văn nghệ đạo diễn Hồ Sỹ Sáng điều khiển chương trình, 3 vị bô lão mặc áo dài khăn đóng và hai người cầm Quốc kỳ và Phật giáo Kỳ tiến ra sân khấu lạy 4 lạy và dâng hương lên bàn thờ Tổ Quốc cầu cho Quốc Thái Dân An. Tiếp theo là chào Quốc Kỳ, Phật Giáo Kỳ, hát Quốc Ca, Phật giáo ca và một phút mặc niệm tưởng nhớ đến tiền nhân có công dựng nước và giữ nước. Hàng vạn đồng hương kém may mắn trên đường vượt biên đã chết trên rừng sâu núi thẳm và trong lòng đại dương mênh mông. Những nạn nhân tết Mậu Thân Huế 1968. Những tù nhân lương tâm bị giam cầm cho đến chết hiện nay tại quê nhà. Cờ vàng 3 sọc đỏ chỉ còn là biểu tượng của người Việt tự do, không thể thiếu trong các sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Chính Trị.
ĐĐ Thích Trung Lưu trụ trì chùa Tâm Giác lên chúc mừng năm mới. Sau nghi lễ khai mạc hội trường càng ngày đông khán giả hơn, trên 300 người tham dự. Đội lân của Chùa với hai con đỏ trắng cùng các ông Điạ múa theo tiếng trống, tiếng chập chẹ rất sôi động và đẹp mắt. Mở đầu hợp ca nhạc phẩm Bước Chân Việt Nam gợi chúng ta nhớ lại ngày vượt biên ra đi tìm tự do, may mắn đến được bến bờ tự do, không quên cám ơn các quốc gia trên thế giới đã mở rộng bàn tay nhân ái cứu giúp người Việt Nam: „Khắp nơi trên điạ cầu in dấu bước chân Việt Nam…Thanks Australia for your open hearts.. Thanks Canada for the liberty, thanks America for the liberty. We thank the World for your open arms… For its true freedom… Thank you, We thank you all, We thank the World…”
Để tri ân những người có công sáng lập Chùa bà Hoá đại diện BTC trao hoa cho bà Kiều Liên, bà phát biểu cảm tưởng và nhận bó hoa sẽ mang về Chùa dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ hương linh những người có công đã qua đời. BTC cũng tặng hoa các bác cao niên đã đóng góp cho chùa trong thời gian qua là bác Hy và bác Yến, và cám ơn 2 anh Tân, anh Triết lo Phật sự hàng tuần.
Hai MC Kim Anh (Hamburg) và Phi Thông (Frankfurt) giới thiệu chương trình vui vẽ, làm cho không khí linh động hơn, có phần tiếng Đức để khán giả người Đức hiểu được nội dung sinh hoạt. (nhìn chung trong các buổi văn nghệ MC thường xin những tràn pháo tay hơi nhiều!). Đêm văn nghệ dài với 21 tiết mục đơn ca, song ca, hợp ca thành công tốt đẹp nhờ âm thanh ánh sáng hoàn hảo của Phan Trường, với những giọng ca quen thuộc ca sĩ cây nhà lá vườn (Hồ Sỹ Sáng, Julie Kim - Anh Tài, Ngọc Huệ, Gina Nguyễn, Văn Phi Thông, Lê Nam, Phạm Sơn, Ngọc Thủy, Đức Cường, Diệu Miền, Lê Link, Hoàng Văn, Thế Hùng, Johnny Nguyễn, Duy Minh, Ngọc Sơn, Nga My, Thu Thủy, Hiền Năng, Lucy Thắng, Tubi Trần, Kimmi Trần, Hương Lý…) với tiếng hát ngọt ngào được mọi người ái mộ. Hai ca sĩ khách đến từ Frankfurt và Nürnberg là Diệu Miền và Văn Phi Thông hát liên khúc qua cầu gió bay làm cho khán gỉa say mê. Nhóm thời trang trong Modelshow với trang phục truyền thống của Việt Nam hấp dẫn. Nhà bếp phục vụ các món ăn chay bánh trái, xôi chè…
Ông Phạm Minh Tín phụ trách phần xổ tombola (700 vé x 2€) bán hết, giải nhất là Asus Tablet và nhiều giải đồng hạn. Không khí xuân thật nồng ấm bên ngoài thời tiết buổi chiều có nắng hanh vàng, đồng hương các nơi xa xôi về sớm gặp nhau vui vẽ, để ôn cố tri tân. Theo lời của BTC „vui xuân nhưng không quên cội nguồn dân tộc, vui xuân mà không thể không tưởng nhớ đến công đức của những người đã nằm xuống cho chúng ta có một cuộc sống hôm nay“… Đêm văn nghệ thành công trong tinh thần đoàn kết, chấm dứt lức 22 giờ30 mọi người chia tay ra về, với lời chúc khoẻ mạnh, bình an hẹn nhau năm tới cũng trong khung cảnh ngày hội mừng năm mới, để sưởi ấm lòng trong những ngày xa quê hương, không phân biệt Nam-Bắc cùng đứng dưới cờ vàng biểu tượng của tự do, Cộng Đồng Người Việt Nam viễn xứ cùng một nhịp đập của con tim nói lên lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.
Một Ngày Việt Nam & Bước Chân Việt Nam (Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ) - Hợp Ca Asia
https://www.youtube.com/watch?v=OlI0seZ1unc
Nguyễn Qúy Đại (14.3.2015)
www.hoamunich.wordpress.com