Không lâu sau bài viết mang tính chất định hướng xã hội và có thể sẽ được coi là “cơ sở lý luận” cho những thay đổi chính sách quản lý đối với các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và các hãng công nghệ như Google, Youtube của ông Võ Văn Thưởng có tựa đề “Truyền thông xã hội với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” được đăng phổ biến trên báo chí truyền thông trong nước, ngày 25 tháng Sáu, 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ Trưởng Bộ 4T – đã có một phát ngôn “thẳng toẹt”: “Google, Youtube muốn làm ăn tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.”
Nói như ông Hùng, thế chẳng nhẽ những đại công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam làm ăn bấy lâu nay là “vô phép”, không tuân thủ luật pháp Việt Nam? Vậy thì toàn bộ cái bộ máy nhà nước của các ông có vai trò gì? Đã qua rồi thời dân chúng dễ dàng bị mị lừa.
Ai cũng hiểu rằng, những tập đoàn công nghệ có sức mạnh tài chính ngang với một quốc gia phát triển cỡ trung như Facefook, Google… đều nắm rất rõ luật pháp các nước sở tại mà họ kinh doanh đầu tư. Bất cứ hoạt động kinh doanh nào của họ đều dựa trên các cơ sở luật pháp quốc tế và các hiệp định thương mại có tính pháp lý rất cao. Vậy tại sao, giờ ông bộ trưởng 4T lại có những phát ngôn gây khó hiểu vậy?
Chuyện chẳng còn gì phải úp mở, chỉ riêng hai hãng Facebook và Google đã chiếm gần hết thị phần thị trường quảng cáo trực tuyến có doanh thu 660 triệu Mỹ Kim năm 2018, với mức tăng trưởng phi mã hơn 30%/năm. Hai phần ba miếng bánh béo bở này thuộc về hai “ông lớn”, Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD. Phần còn lại thuộc về hàng nghìn các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như VCCorp/Admicro, VNExpress/Eclick, Zing/Adtima, các báo điện tử, truyền hình… chia nhau 150 triệu USD.
Bên cạnh món lợi lớn từ nguồn thu quảng cáo trực tuyến sẽ nhanh chóng cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có doanh thu khoảng 8 tỷ USD năm 2018, với mức tăng trưởng cũng khoảng 30%/năm là một lĩnh vực béo bở mà chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất muốn “quản” và “làm tiền” bằng đủ loại thuế, phí.
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Trong khi đó, buổi hoàng kim của quảng cáo trên báo chí, truyền hình của các hãng nhà đài mà Bộ 4 T và Ban Tuyên Giáo CSVN quản lý dường như đang lùi dần vào “thời xa vắng”. Không còn được “làm vương, làm tướng”, tha hồ thét giá trên trời, thu tiền quảng cáo của các doanh nghiệp chia nhau, sự tức tối của thói “trâu buộc ghét trâu ăn” thể hiện rất rõ qua những phát ngôn của các viên chức cộng sản nói về sự “bất công” khi mà các doanh nghiệp như Google, Facebook kiếm lợi hàng trăm triệu Mỹ kim ở Việt Nam mà “chẳng đóng đồng thuế nào cả”.
Năm 2017, Jack Ma đặt vấn đề “giúp” cho chính quyền Việt Nam phát triển thương mại điện tử, đã nhận được nhiều sự ưu ái từ Hà Nội. Cái tên Lazada – một nhánh của Alibaba tại Việt Nam – đang chiếm những miếng bánh lớn của thị trường thương mại điện tử giàu tiềm năng nhưng việc nó đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước thì là câu chuyện khác. Cho đến giờ, Lazada hay những hãng thương mại điện tử “hồn Trung, xác Việt” đang phủ kín các thị phần thương mại điện tử Việt Nam, thúc đẩy thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc với tốc độ “quá nhanh, quá nguy hiểm”, đồng thời gây sức ép hủy diệt với các doanh nghiệp Việt bằng những món “hàng giả, giá không rẻ”, nhưng rất hợp thị hiếu tiêu dùng.
Với những hiệp định mà Hà Nội đã ký kết với Bắc Kinh, hàng hóa Trung Quốc tự do vào Việt Nam với mức thuế bằng không và hầu như không bị kiểm soát bởi bất cứ hàng rào kỹ thuật nào ngoài chi phí “lót tay” cho viên chức hải quan, biên phòng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn không còn “cơ may sống sót” khi đối chọi với các doanh nghiệp Trung Quốc ở cùng ngành hàng. Ngoài những đồng bạc lẻ mà các hãng chuyển phát, bưu chính nội địa kiếm được, không rõ bao nhiêu phần trăm được chia phần dưới gầm bàn cho giới chức chóp bu, nhưng với tình trạng báo lỗ triền miên, còn lâu ngân sách Việt Nam mới kiếm được những đồng thuế đầu tiên từ Jack Ma.
Có thể thấy rõ, nhịp điệu và giọng điệu mà giới chức Việt Nam đang “chĩa mũi dùi” về mạng xã hội và các tập đoàn đa quốc gia công nghệ thông tin như Facebook, Google, Twitter… đang gia tăng. Mục đích chính là ép các “đại gia” này phải chia lại miếng bánh của thị trường thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến, mục đích thứ 2 là mong muốn giảm thiểu những thông tin và nội dung được cho là gây hại cho trật tự xã hội và “ổn định chính trị”.
Vào đầu năm 2019, bộ Luật An Ninh Mạng gây nhiều tranh cãi và lo ngại về rủi ro về nhân quyền đã được nhà nước CSVN đưa vào thi hành với những qui định và điều khoản rất mơ hồ, thiếu căn cứ, cho phép nhà cầm quyền CSVN dễ dàng bỏ tù hay bắt phạt nặng bất cứ người dân nào đăng tải, share các thông tin mà nhà cầm quyền không vừa mắt.
Cùng với đó, Hà Nội đang mạnh tay chi tiền cho lực lượng “an ninh mạng” trong việc xây dựng “tường lửa” ngăn chặn hầu hết các trang thông tin nước ngoài phổ biến nhất toàn cầu như CNN, BBC, VOA, RFA… đánh phá các trang tin, blog, website có nội dung Dân chủ, Tự do, Hiến pháp… Dù chế tài và phương tiện đàn áp thông tin đã có đầy đủ, nhưng mục đích mà Bộ 4T và nhà cầm quyền nhắm tới còn nhiều mục đích khác.
Một viễn tượng mà ông Thủ Tướng Phúc và Bộ Trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng có lẽ đang mơ tới là những mạng xã hội, hãng thương mại điện tử lớn nội địa “MAKE” in Viet Nam với sự “giúp đỡ” của những “đối tác chiến lược” như Huawei hay Alibaba, sẽ nhanh chóng thay thế chỗ đứng của Facebook, Google giống như Trung Quốc đã áp dụng. Không những độc quyền luôn thị trường thương mại điện tử béo bở, kiểm soát thông tin chính trị xã hội mà còn hướng đến kiểm soát người dân bằng công nghệ AI thông qua các mạng xã hội nhà nước quản lý. Mới đây, ban tuyên giáo trung ương của ông Võ Văn Thưởng đã khai trương mạng xã hội mới có tên VCNET với tham vọng số người tham gia sẽ thay thế mạng xã hội Facebook sau 5 năm hoạt động (!)
Tất nhiên, khoảng cách giữa thực tế và phát ngôn của giới chức CSVN là “một trời một vực” nhưng với những “nỗ lực” mà nhóm lợi ích kiểu Chí phèo thời 4.0 của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Văn Thưởng đang cố gắng kéo ngược Việt Nam quay trở về thời kỳ tăm tối, tự mình cô lập khỏi thế giới văn minh và dòng chảy lịch sử thì con đường phát triển của Việt Nam sẽ còn nhiều khúc quanh trắc trở.
Tân Phong
https://viettan.org/chi-pheo-4-0/