Ngày 10.10.2016, an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để truy tố theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đây chỉ là một động thái diễn tả thêm nỗi sợ hãi và chiến bại của chế độ trên đấu trường của tự do và dân chủ. Sợ hãi và chiến bại là sản phẩm của độc tài trong cuộc chiến với tự do và dân chủ. Nói cách khác, chế độ đã thua, hoàn toàn thua, mà trước hết là nó đã thua những người phụ nữ chân yếu tay mềm.
Tôi dùng chữ “thua” không hề ngoa ngôn chút nào. Quả thật, tính chiến đấu của những người phụ nữ mà tôi nói đến trong bài viết này chỉ là tượng trưng, nhưng cho ta thấy rõ hai chiều kích trái ngược nhau giữa bên yếu trong tâm thế mạnh và bên mạnh trong tâm thế yếu.
Bên yếu trong tâm thế mạnh
Họ là những ai? Tôi chỉ dám nói đến những người tôi từng được tiếp xúc, chia sẻ và biết đến qua phương tiện truyền thông, trong đó có những người bạn của tôi như Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Thị Minh Thúy, Cấn Thị Thêu… và còn rất nhiều người nữa.
Trong Kinh Thánh có câu “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Những con người này dù có vẻ ngoài yếu đuối nhưng lại có nội lực vô cùng mạnh mẽ khi đấu tranh cho công lý, sự thật, tự do, dân chủ và yêu thương. Vì “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Theo triết lý và văn hóa Á Đông, người phụ nữ yếu đuối, mỏng manh, dễ vỡ, dễ bị tổn thương, không có khả năng tự bảo vệ và chỉ cần biết lo toan nội trợ, chăm sóc chồng con, ấy vậy là đủ!
Thể tất, những người phụ nữ này lại đang cho chúng ta cái nhìn khác, cái nhìn về phẩm giá và nhân vị của phụ nữ vô cùng sống động. Họ không dừng lại ở những việc gia đình, mà còn hăng say và hân hoan tham gia vào đời sống xã hội, thậm chí họ dấn thân để đổi thay xã hội. Dù với những việc làm của mình, họ phải đối mặt với sự đàn áp, bắt bớ và tù đày, nhưng họ lớn mạnh trong tâm thức và nhờ đó, họ chấp nhận đau thương một cách nhẹ nhàng tựa gió thoảng.
Chúng ta đang thấy sức mạnh của họ thực sự được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Sự yếu đuối bên ngoài đó song hành với một Đức Tin, hay một niềm tin nội tại mãnh liệt cháy bỏng về tự do, dân chủ mà họ một lòng xác tín. Sự yếu đuối của người phụ nữ trong tâm thế mạnh trước một chế độ bạo quyền rõ ràng là sức mạnh lớn lao không thể khuất phục được.
Bên mạnh trong tâm thế yếu
Hầu như những người tôi từng được tiếp xúc và chia sẻ như Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đều cho tôi những bài học sâu sắc về lòng yêu nước, lòng can đảm và sự khôn ngoan trong hành động.
Xét về lòng can đảm thì có lẽ an ninh điều tra và những người cộng sản từng tiếp xúc với họ đều thấm thía rằng họ can trường và ngoan cường đến nhường nào.
An ninh điều tra là một lực lượng hùng hậu, có sức mạnh cơ bắp, có dùi cui, có nhà tù nhưng họ lại có một tâm thế yếu ớt trước những người phụ nữ gai góc với trái tim nóng bỏng tình yêu quê hương đất nước.
An ninh điều tra có khuất phục được những người phụ nữ này chưa? Rõ ràng là chưa. Vì những người phụ nữ biết rằng, an ninh chỉ phục vụ cho chế độ độc tài cộng sản mà quên đi quốc gia đồng bào.
Những người phụ nữ chấp nhận bị bắt, chấp nhận bản án bất công của chế độ, và vẫn ngẩng cao đầu trước song sắt nhà tù. An ninh và chế độ cộng sản biết rất rõ điều đó.
Những người phụ nữ đang hành động với lòng yêu nước nồng nàn, cho giá trị phẩm giá của con người được tôn trọng, cho tổ quốc trường tồn và hưng thịnh.
Tôi tin rằng Việt Nam còn có vô số những người phụ nữ tuy yếu đuối nhưng mang tâm thế mạnh. Họ là hiện thân của hai thuộc tính tưởng như đối lập nhưng lại hài hòa. Họ là hiện thân hiện đại của một tuyên ngôn lịch sử đầy hùng tính: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta”. (*).
(*) Câu nói Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, người quận Cửu Chân, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa bây giờ). Bà mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nên ở với anh là Triệu Quốc Đạt.
11.10.2016
FB Sơn Văn Lê