Nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam thường hay tự hào về hai chữ “đổi mới” được áp dụng sau khi nền kinh tế bao cấp đứng bên bờ vực thẳm vào năm 1986. Lúc đó, các hợp tác xã nông nghiệp và thương nghiệp đem từ Miền Bắc vào Miền Nam sau năm 1975 lần lượt phá sản vì bị người dân tẩy chay khiến cộng sản phải tìm đường tự cứu.
Đổi mới hay cải cách kinh tế đối với chế độ lúc bấy giờ là lối thoát duy nhất vì xã hội đang trên bờ vực sụp đổ trong hỗn loạn. Từng bước quay lại với kinh tế thị trường đã mang lại những kết quả khả quan, làm cho đời sống xã hội phần nào thoát khỏi cảnh bức bách của đói nghèo, thiếu ăn thiếu mặc.
Chính sách đổi mới có làm cho xã hội thay đổi và đất nước mở ra đầy hứa hẹn. Sau đó với hàng trăm tỷ đô-la từ các định chế tài chánh quốc tế đổ vào, có lúc người ta tưởng chừng như nền kinh tế Việt Nam sắp biến thành một “con hổ” sau cơn mê muội với kinh tế chỉ huy.
Thế nhưng sau hàng chục năm mở rộng cải cách kinh tế, người ta không tìm thấy một phép lạ hiện ra như hy vọng lúc đầu. Việt Nam chỉ được đánh giá như một quốc gia đang phát triển ở vị trí thấp. Những con số thống kê lạc quan lần lượt đứng lại và bắt đầu thụt lùi.
Đặc biệt trong năm 2016 là năm mà chỉ tiêu phát triển kinh tế 6,7% được đưa ra đầy tham vọng, nhưng trong 6 tháng đầu năm thực tế cho thấy con số chỉ nhích lên tới 5,52%, nghĩa là thấp hơn thời gian này năm ngoái đến 0,8%. Do đó thật không tưởng khi muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 6,7% trong điều kiện hiện nay mà không cần điều chỉnh.
Nhưng mới đây trong một cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân với 2 viên chức cao cấp trong Ủy ban kinh tế của Quốc Hội Khóa 14, cả hai ông Nguyễn Đức Kiên và Trần Hoàng Ngân đã tỏ ra lạc quan với những năm sau năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của quốc hội cho rằng quyết tâm cải cách của Chính phủ đang đi đúng hướng. Ảnh.
Lý do họ lạc quan như thế là vì ngủ mơ tin rằng: “quyết tâm cải cách của Chính phủ đang đi đúng hướng.”
Thật vậy, họ như những người nằm mơ rằng tuy “tăng trưởng khó đạt mục tiêu, nhưng cải cách đang đi đúng hướng”. Câu tuyên bố đầy mâu thuẫn này chẳng những là sự ngụy biện rất ấu trĩ mà còn để lộ cho thấy trình độ yếu kém của các đại biểu quốc hội chuyên trách, ở đây là Ủy ban Kinh tế. Vì lẽ, tuy nói nhiều về cải cách nhưng chưa bao giờ các quan chức cộng sản thấu đáo về hướng đi và mục tiêu của chính sách cải cách của chính mình.
Cải cách để cứu nguy chế độ
Mục đích của đổi mới hay cải cách ở Việt Nam là gì nếu không phải để thoát khỏi tình trạng chậm tiến, đói nghèo do bám víu theo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa một thời gian quá dài. Nó chưa bao giờ cải thiện được đời sống nhân dân Miền Bắc sau năm 1954. Cho tới những năm 70 của thế kỷ 20, câu nói “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” vẫn là một thực tế không thể chối cãi.
Giờ đây cầm quyền trên cả nước, họ không có cách nào hơn phải từ bỏ những chính sách lỗi thời để đưa kinh tế tăng trưởng lên cao, thực hiện đúng nghĩa câu nước giàu dân mạnh. Như thế đất nước mới bước vào thời kỳ phát triển bền vững, cải cách mới được coi như thành công và đi đúng hướng.
Ở đây người ta thấy phơi bày một tình trạng đáng ngạc nhiên là chính sách cải cách kinh tế của Việt Nam ngay từ đầu đã bị định hướng và chi phối mạnh mẽ bởi những nền tảng đáng lẽ phải bị vứt bỏ. Vì thế việc tăng trưởng giờ đây không đạt chỉ tiêu là hậu quả tất yếu phải xảy ra. Với tình trạng kinh tế suy yếu trong nhiều năm qua trong cả hai khu vực quốc doanh và tư nhân, không có căn cứ để nói một cách lạc quan là cải cách đang đi đúng hướng.
Có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại của công cuộc đổi mới mà lãnh đạo cộng sản không nhìn thấy, hay nhìn thấy nhưng vì quyền lợi riêng tư nên không muốn sửa đổi.
Lý do căn bản nhất là các nhà hoạch định chính sách vẫn còn đeo nặng tư duy lý thuyết Mác-Lê mà họ đã từng được giáo dục và tin tưởng. Đổi mới mang lại sự thành công trong bước đầu đã khiến những người cộng sản lo sợ không dám rời xa cổ xe định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ coi đó như một cái thắng cần thiết để bảo vệ cho chế độ toàn trị, chống lại những lệch lạc của chủ nghĩa tư bản xấu xa.
Những người cầm đầu đảng đồng thời là những người cầm cương con ngựa đổi mới thay nhau thực hiện cuộc đổi mới trong sự trì kéo của định hướng ấy.
Điểm đặc biệt nhất là dù có hô hào đổi mới và cải cách thật nhiều nhưng những người cộng sản không hề đề cập đến cải cách chính trị. Thỉnh thoảng họ cũng nói đến cải cách thể chế một cách chung chung nhưng đảng vẫn giữ chặt sợi dây cương độc quyền chính trị trong tay.
Ban bố bỗng lộc theo phe nhóm
Đã sai trong đường lối, đổi mới còn sai trong vấn đề nhân sự. Bất chấp kinh nghiệm và kiến thức quản lý, những người nắm quyền lực chỉ chọn ra những người cùng phe cánh và chia nhau điều hành các ngành kinh tế quan trọng nhất. Tình trạng ấy dẫn đến sự hỗn loạn trong kinh doanh của khu vực nhà nước cuối cùng là thất thoát vốn và phá sản, hay nói một cách vô trách nhiệm là “cơ cấu lại”.
Quan niệm “quốc doanh là chủ đạo” ngự trị suốt một thời gian dài tạo cơ hội cho các cán bộ quản lý kinh tế dốt nát tung hoành đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính. Sai lầm trong sử dụng nhân sự đã tạo ra những lỗ hổng cho tham nhũng và dìm hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế vào con đường sụp đổ hàng loạt.
Thật ra lãnh đạo cộng sản rất chú trọng đến vấn đề nhân sự, nhưng cái mà họ chú trọng trước tiên không phải là khả năng quản lý, điều hành mà phải là người cùng phe cánh và tuyệt đối trung thành với quyền lợi phe cánh.
Vì thế trong gần mười năm gần đây, người ta chứng kiến sự vỡ nợ có tính cách dây chuyền của khu vực quốc doanh mà nguyên do phần lớn là do vấn đề nhân sự. Các tổng giám đốc rất tài tình trong hoang phí, trục lợi cá nhân nhưng bất tài trong ghế lãnh đạo.
Khi các chức vụ béo bở trong các ngành kinh tế được trao vào tay những kẻ bất xứng trong đảng với những dự án kinh tế lớn lao, những món vay hàng tỷ đô-la được các nhà quản lý của đảng phù phép làm bốc hơi một cách mờ ám mà không mang lại đồng nào cho công quỹ. Những báo cáo, thống kê, hội thảo lạc quan được đưa ra cũng không làm sao che lấp được sự xuống dốc toàn bộ trong 6 tháng đầu năm 2016 như đang thấy.
Có thể kể một danh sách dài những đại gia quốc doanh trước đây ồn ào khai trương nay đang chìm lĩm hay vẫy vùng trong đống nợ ngập đầu dù đã được cơ cấu lại. Điển hình là Vinashin và Vinalines là 2 doanh nghiệp nhà nước tai tiếng nhất cho tới nay vẫn chưa tìm được lối thoát. Hay chết lên chết xuống như nhà máy lọc dầu Dung Quất biến thành mồ chôn của hàng chục tỷ đô-la đầu tư. Tính ra doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 70% đầu tư toàn xã hội nhưng chỉ đóng góp con số quá khiêm tốn 30% GDP.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: ndh.vn
Trong bất cứ cuộc cải cách nào bên cạnh vấn đề nhân sự, đường lối đúng đắn bao giờ cũng quyết định phần lớn sự thành công. Nhưng như đã nêu trên, đổi mới ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã được định hướng tư duy xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng của các lãnh đạo cộng sản lúc đó tuy buộc phải chấp nhận đường lối quay lại kinh tế thị trường nhưng chưa dám từ bỏ hẳn những gì đã đưa đất nước đến chỗ lạc hậu. Họ vẫn tin tưởng mù quáng vào sách vở Mác-Lê, vì thật ra chỉ qua con đường đó họ mới có thể làm giàu nhanh chóng và giữ mãi quyền lực.
Những kế hoạch ngũ niên đầy tham vọng nhằm đưa Việt Nam tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa minh chứng cho tính ưu việt xã hội chủ nghĩa rốt cuộc chỉ là những con số không. Những thành quả ban đầu khiến đảng cộng sản nghĩ là mình đã đi đúng đường nên họ cương quyết bỏ qua bước cải cách chính trị cần thiết.
Một xã hội được mô tả là mở cửa kinh tế nhưng các quyền chính trị dân sự của công dân vẫn bị bóp nghẹt bởi một chế độ duy trì sự độc quyền chính trị làm lẽ sống. Cho nên dù có xoay trở đến đâu, nền kinh tế cũng không thoát được những bước đi khập khiễng, bấp bênh.
“Tăng trưởng khó đạt mục tiêu nhưng cải cách đang đi đúng hướng", câu nói ấy nếu không coi là ngụy biện thì nên xếp vào như một câu nói để mua vui. Và cũng nên sửa lại cho chính xác hơn: “Cải cách đang đi sai đường, tăng trưởng làm sao đạt mục tiêu?”
Phạm Nhật Bình