Cả Phạm Đoan Trang lẫn chính quyền nên… tri ân nhau

Phạm Đoan Trang vừa khẳng định cô đang ở Việt Nam và sẽ “không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam chưa thay đổi”. Trang cũng đã tái khẳng định cô không đến Prague (Praha) – thủ đô của Cộng hòa Czech (một phần của Tiệp Khắc trước đây) để tham dự lễ trao giải thưởng Homo Homini 2017, được tổ chức vào ngày 5 tháng 3 (1).

Ảnh Blogger Phạm Đoan Trang
 

Homo Homini là giải thưởng thường niên mà People In Need – một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Tiệp Khắc – chọn, trao cho những cá nhân được xem là nhân vật tiêu biểu trong việc bảo vệ cho các quyền căn bản của con người, tranh đấu cho dân chủ hóa xã hội một cách ôn hòa.

Theo Wikipedia thì Homo Homini luôn được tổ chức song song với One World Film Festival – Đại hội Điện ảnh về nhân quyền lớn nhất thế giới (2) nên tất nhiên sẽ qui tụ đại diện của tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, của các quốc gia, kể cả đại diện của các chính phủ quan tâm đến nhân quyền.

***

Lễ trao giải thưởng Homo Homini 2017:

Phạm Đoan Trang, cá nhân duy nhất được People In Need chọn trao giải thưởng Homo Homini lần này (3), vắng mặt chỉ vì an ninh của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngăn cản.

Đáng chú ý hơn, chỉ vì People In Need chọn Phạm Đoan Trang để tặng giải thưởng mà từ 24 tháng 2 đến nay, cô liên tục bị an ninh Việt Nam quấy nhiễu (xông vào nhà, áp giải đến đồn công an tra vấn, sau đó bị giam lỏng, tư gia bị cắt điện, cắt Internet, ngoài những hành hạ thể chất do bị hạn chế tự do, còn bị tra tấn về tinh thần bởi có thể bị tống giam bất kỳ lúc nào, tương lai không biết ra sao,…)…

 

Khi tặng vật dành cho người được chọn, trao giải thưởng Homo Homini năm nay vẫn nằm trong tay Ban Tổ chức vì họ không thể đặt được nó vào tay đương sự… thì tự nhiên, những tuyên bố của giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam về dân chủ, tự do gấp vạn lần thiên hạ, sự “lao tâm, khổ tứ” kèm nỗ lực biện bạch không ngưng nghỉ của hệ thống ngoại giao Việt Nam rằng dân chủ, tự do ở Việt Nam dẫu có tiêu chí riêng nhưng vẫn phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội Việt Nam, rồi những cam kết “thăng tiến nhân quyền” với cộng đồng quốc tế theo định kỳ,… sẽ cùng được… khôi hài hóa trong mắt thiên hạ.

Phạm Đoan Trang nên… tri ân chính quyền Việt Nam vì cô không cần đến Prague, cũng chẳng cần phải nói tiếng nào ở lễ trao giải thưởng Homo Homini thì thiên hạ vẫn có cơ hội hiểu tường tận hơn rằng Việt Nam đang ra sao, có cần gia tăng sự quan tâm đến dân chủ, tự do, nhân quyền ở Việt Nam hay không. (?) Thậm chí trước đó, nếu có ai đó còn băn khoăn khi People In Need chọn Phạm Đoan Trang chứ không phải người khác để trao giải thưởng Homo Homini 2017 thì qua lễ trao giải thưởng diễn ra vào ngày 5 tháng 3 này, họ sẽ không lấn cấn nữa.

Dẫu Phạm Đoan Trang từng tâm sự trên facebook của cô rằng, cô bối rối trước quyết định của People In Need, cô ước ao giải thưởng mà cô được chọn, trao là loại giải thưởng chứng tỏ sự văn minh, dân chủ của Việt Nam để cả cô lẫn mọi người cùng cảm thấy hạnh phúc, rất khó thấy vui khi được chọn, trao một giải thưởng quốc tế về nhân quyền, bởi đó là chỉ dấu cho tình trạng thiếu vắng dân chủ, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam, song Trang vẫn nên… tri ân chính quyền Việt Nam khi họ nổi giận do People In Need chọn cô để trao giải thưởng Homo Homini 2017.

Sự thô bạo của lực lượng an ninh Việt Nam đối với Trang trong vài ngày vừa qua kích thích nhiều người thờ ơ với thời cuộc để tâm tìm hiểu xem cô là ai, để thân hữu có cơ hội kể về Trang (4)… Ai dám bảo sự lựa chọn, số phận của Trang không gây chút cảm hứng nào nơi số đông – vốn đã rất bất bình vì những điều bất toàn quanh mình nhưng chưa biết làm gì, khởi đầu từ đâu. Số người quan tâm tới “Chính trị bình dân” – cuốn sách Trang viết năm ngoái – đang tăng rất nhanh. Khát vọng của Trang – dùng “Chính trị bình dân” để giúp đồng bào của mình thoát khỏi tình trạng mù mờ trong nhận thức về tương quan mật thiết giữa chính trị với cá nhân – đang được lực lượng an ninh Việt Nam quảng bá hết sức tích cực. Khi nào ngỏ lời tri ân chính quyền Việt Nam, Trang đừng quên gửi lời cám ơn đặc biệt lực lượng an ninh. Ngoài việc giúp quảng bá “Chính trị bình dân”, an ninh Việt Nam đang tự nguyện minh họa cho những gì trước nay Trang đã viết với sự nhiệt thành hiếm thấy.

Chẳng phải chỉ có Phạm Đoan Trang nên tri ân chính quyền Việt Nam mà chính quyền Việt Nam cũng nên làm như thế với cô.

 

Trang đã tạo điều kiện để chính quyền Việt Nam có thêm một cơ hội nữa, khẳng định với cả trăm triệu công dân Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế rằng họ luôn luôn kiên định đối với đường hướng thực thi dân chủ, tự do, “thăng tiến nhân quyền – các giá trị phổ quát của nhân loại – theo… kiểu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Biết đâu sau khi chính quyền Việt Nam tận dụng thêm cơ hội này, dân chúng Việt Nam, rồi cộng đồng quốc tế sẽ nhận ra, “đối thoại nhân quyền” với chính quyền Việt Nam là vô ích. Thiên hạ ắt sẽ phải suy tính tới những… phương thức khác hiệu quả hơn, nhờ vậy, chính quyền Việt Nam sẽ không cần phải bận tâm, mất thời gian, phí phạm sức lực cho những cuộc “đối thoại” mà chính họ thừa biết là vô bổ.

Chú thích

 

(1) https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10156444291228322?pnref=s...

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Homo_Homini_Award

(3) https://www.clovekvtisni.cz/en/what-we-do/human-rights-support/vietnam/t...

(4) https://www.luatkhoa.org/2018/02/dan-reo-truoc-bao/