Trong những ngày vừa qua, một số những người hoạt động tại Việt Nam liên tiếp bị cơ quan chức năng ngăn trở bằng các biện pháp như câu lưu, cản trở đi lại.
Đại hội đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới
Một sự kiện được chính quyền Hà Nội hãnh diện tổ chức trong những ngày này từ tối 28 tháng 3 cho đến ngày 1 tháng tư là Đại hội đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132- gọi tắt IPU.
Đại biểu của một số đoàn ngoài việc tham dự các phiên họp do chính quyền VN tổ chức còn có những cuộc gặp đại diện một số tổ chức dân sự trong nước.
Tuy vậy, một số cá nhân bị cơ quan chức năng gây trở ngại, ngăn cản không cho gặp gỡ các nghị viên quốc tế.
Vào sáng ngày 30 tháng 3, bà Trần Thị Nga, thành viên Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, bị bắt tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội.
Bà Nga kể lại vụ việc với đài RFA ngay sau khi được thả ra sau khoảng 2 tiếng đồng hồ rằng bà và đứa con nhỏ vừa bước xuống xe tại bến xe thì lập tức bị nhiều công an mật vụ mặc thường phục bắt lên xe có biển số xanh trước sự chứng kiến của 4 công an mặc sắc phục.
Họ không hề nói được là Nga phạm tội gì, phạm lỗi gì. Họ chỉ đe dọa sẽ giết, sẽ đánh.
Bà Trần Thị Nga
Trên xe có 5 người, 1 tài xế và trong số 4 người người còn lại có 1 nhân viên an ninh quen mặt tên Công. Bà Nga nói lại những gì xảy ra khi bà bị an ninh bắt cóc từ lúc 9:30 sáng hôm Thứ Hai, 30/3:
“Ba tên: một tên Công ngồi đằng trước mặt của Nga để khống chế không chế chân tay; một tên ngồi đằng sau khống chế đầu với bịt mồm Nga và một tên ngồi bên cạnh tay phải cũng khống chế chân với tay để cho tên ngồi bên cạnh nữa với vào đánh đập và đấm thẳng vào mặt. Cú đấm đau nhất là cú đấm vào sống mũi của Nga. Khi máu trong mồm của Nga phun ra vào mặt tên Công với tất cả những tên công an đấy thì tên bịt mồm và đè cổ Nga sợ quá đã bỏ tay ra. Nga hỏi ‘các người cho tôi biết tôi phạm tội gì? Tại sao bắt bớ, đánh đập rồi bắt cóc? Bây giờ uống máu của mẹ con tôi như thế này?’. Tuyệt nhiên họ không thể trả lời Nga phạm tội gì”.
Khi bị chở đến đồn Công an TP. Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam, bà Nga còn bị đánh vào đầu từ phía sau. Bà bị giữ lại và bị quay phim chụp hình nhưng trong suốt thời gian ở đồn Công an bà không hề được biết nguyên nhân vì sao bị bắt cóc như vậy. Bà Nga nói thêm:
“Họ không hề nói được là Nga phạm tội gì, phạm lỗi gì. Họ chỉ đe dọa sẽ giết, sẽ đánh. Và họ sĩ nhục Nga ‘mày là cái loại thế này thế kia, mày chỉ đi bám đít ngoại bang’. Và có một điều hết sức đặc biệt là khi họ đưa Nga tới Công an TP. Phủ Lý ngày hôm nay, lúc họ mở cửa xe ra thì Nga đã nhìn thấy hung thủ dùng hung khí, dùng gậy đánh gãy chân Nga hôm 25/5. Hôm nay hắn ta có mặt ở ở Công an TP. Phủ Lý”.
Bà Trần Thị Nga được thả ra trong cùng ngày vào khoảng 5 giờ chiều sau khi một nhóm 7-8 người đàn ông và 1 người đàn bà đè ngửa ra để lau các vết máu trên mặt rồi 2 mẹ con bị đẩy ra đường.
Nhiều người bị cản trở, ngăn chận
Trước đó vào sáng ngày 28/3 nhiều thành viên của Hội cựu Tù nhân lương tâm đã bị an ninh chặn đứng, sách nhiễu và có người bị giam giữ khi chuẩn bị đến Hà Nội để trao kiến nghị.
Ông Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội nói với Biên tập viên Mặc Lâm vụ việc xảy ra từ chiều 28/3 đối với cá nhân mình:
Khi tôi bước ra khỏi nhà thì thấy có hai an ninh tới trao đổi và họ có nói là lệnh ở trên yêu cầu tôi không được ra Hà Nội vào ngày mai.
Ô. Phạm Bá Hải
“Khoảng trên 6 giờ có người gọi tôi bên ngoài nhà khi tôi bước ra thì thấy có hai an ninh tới trao đổi và họ có nói là lệnh ở trên yêu cầu tôi không được ra Hà Nội vào ngày mai. Tôi có nói với họ cuộc đi gặp gỡ đại biểu nghị viện các nước, họ là khách mời chính thức của chính quyền VN, cuộc gặp gỡ này là cần thiết và tôi có quyền được đi. An ninh nói là có lịnh cấm và sau đó sáng sớm hôm sau khi tôi dắt xe ra khỏi nhà để ra sân bay Tân Sơn Nhất thì họ chạy theo rất đông, lực lượng các cấp của thành phố, quận, huyện, xã họ quây chung quanh và hy vọng tôi sẽ quay về nhà mà nếu tôi phản đối thì họ cũng mời tôi để làm việc.”
Trường hợp anh Lý Quang Sơn, thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Cơm cho Dân oan” bị nhiều an ninh đánh thức vào tối 28/3, bắt đưa lên xe biển số xanh chở về quê ở TP. Nam Định và đưa vào một nhà nghỉ.
Anh Lý Quang Sơn cho biết lý đo bị bắt cóc là vì cơ quan chức năng muốn triệu tập để làm việc. Dù được cơm nước đầy đủ, không bị gây áp lực tinh thần, không bị bắt ép ký biên bản nhưng anh Sơn cho rằng cách hành xử của chính quyền đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Anh Lý Quang Sơn chia sẻ:
“Thực ra em nghĩ họ đưa em về Nam Định để tránh 3 việc: thứ nhất là tránh việc em tham giam diễu hành cây xanh sáng Chủ nhật vừa qua; thứ hai là tránh việc có thể em đi gặp một số quan chức ở IPU đang diễn ra ở VN; thứ ba là đưa em về thành phố Nam Định để tránh các anh em khác đến đòi người”.
Trường hợp ông Nguyễn Hồ Nhật Thành ở Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM thì lại bị giam lỏng từ chiều Thứ Bảy, 28/3 cho đến tối Thứ Hai và tình trạng này không biết bao giờ chấm dứt.
Nói qua điện thoại với Hòa Ái, ông Thành cho biết có nhiều dân phòng, an ninh, công an tập trung ở dưới khu chung cư nơi ông cư ngụ. Và lúc nào cũng có 2 nhân viên túc trực ở thang máy lầu 5, ngăn cản không cho ông và người thân trong gia đình ra khõi nhà.
Trong tình trạng bức bí suốt hơn 48 giờ đồng hồ, ông Thành đã treo băng rôn ghi “Phản đối công an xâm phạm quyền đi lại của người dân” ngay ban công. Ban Quản lý và Quản trị của chung cư đến yêu cầu ông Thành phải tháo biểu ngữ xuống. Ông Thành cho biết thêm:
“Họ có nói phải tháo xuống nhưng mình ra điều kiện khi nào họ rút đi hết thì mình mới tháo. Nếu họ vẫn còn ở đó thì mình vẫn treo và thậm chí ngày mai mình sẽ treo một cái bảng lớn hơn với nội dung mạnh hơn nội dung phản đối, có thể là nội dung đả đảo, nếu họ vẫn tiếp diễn tình trạng này đối với mình”.
Sáng hôm 30/3, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 thông qua Dự thảo Nghị quyết được soạn thảo từ IPU-131.
Dự thảo Nghị quyết này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm.
Nguồn: rfa.org/vietnamese