Hình ảnh cường hào ác bá nông thôn tưởng đâu đã khép lại sau khi Việt Nam chấm dứt thời kỳ đen tối dưới ách thực dân phong kiến để bước vào thời kỳ mà người cộng sản tự hào gọi là độc lập tự do hạnh phúc. Nhưng cũng chính trong thời kỳ phong kiến mới này, nông thôn Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp cường hào đỏ còn tàn ác gấp nhiều lần, do đảng CSVN sản sinh ra. Dựa vào thế lực bao trùm của sự độc quyền và nhân danh giai cấp, chúng tha hồ tung hoành, coi người dân như cỏ rác hay chỉ là những đối tượng bị trị để chúng vơ vét.
Nhớ lại vào năm 1987, bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của tác giả Phùng Gia Lộc mô tả cảnh cường hào đỏ đạp đổ chiếc quan tài để tìm thu cho được “hơn một tạ thóc thiếu thuế” một thời làm dư luận xôn xao.
Mọi sự đã chìm vào quên lãng trong đêm dài tối tăm năm ấy ở xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Thì nay, bài báo “Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa” của báo Trí Thức Trẻ cho thấy chiếc giường ngủ của một cặp vợ chồng nông dân bị đoàn sai nha, cán bộ xã thôn đến nhà tháo dỡ để “tận thu” các khoản đóng góp còn thiếu. Cảnh tượng vừa bi hài vừa chua xót ấy đã diễn ra ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống.
Câu chuyện tuy đã xảy ra vào năm 2010 và nay được nhắc lại; nhưng bản tin đã làm cho mọi người kinh ngạc.
Kinh ngạc vì nó xảy ra vào năm 2010 ở ngay đầu thế kỷ này, lúc mà những người cộng sản đang khoe khoang những thành tựu vĩ đại sau 30 năm đổi mới. Nó cho thấy một thực tế đầy mâu thuẫn, bên cạnh những lâu đài tráng lệ, hào nhoáng ở thành thị, xã hội Việt Nam; nhất là vùng nông thôn không có một chút gì gọi là thay đổi hay tiến bộ. Mà còn có thể nói là đang thụt lùi lại thời quan lại, cường hào ác bá thuở xa xưa.
Trong thời gian mấy năm gần đây, với sự làm ngơ của chính quyền cấp trên, các xã, thôn thi nhau tự ý đặt ra những khoản thu vừa phi lý vừa tùy tiện. Chúng núp sau danh nghĩa thuế và gọi đó là phí hoặc lệ phí để bắt người dân đóng góp. Ở xã Trường Sơn của chiếc giường bị cưỡng chế nói trên, có làng ngoài hàng chục khoản thu thông thường, còn có khoản thu Nông Thôn Mới liệt kê một sự đóng góp khó tin gọi là “Đóng góp nghĩa địa” 150 ngàn.
Pa-nô quảng cáo cho dự án Nông Thôn Mới. Ảnh: Internet
Khoản này áp dụng chung cho mọi người trong làng, kể cả trẻ mới chào đời. Nếu nhà có 10 người già trẻ, hàng năm phải mất đi cho đóng góp nghĩa địa là 1 triệu 500 ngàn đồng. Thật là quái đản khi có loại chính quyền thời nay có thể nghĩ ra một khoản thu rùng rợn như thế. Và ba chữ Nông Thôn Mới, một chính sách thoạt nghe có vẻ đẹp đẻ do chế độ đặt ra lại là bức bình phong cho một sự vơ vét nhân danh công ích.
Người dân nông thôn trong hoàn cảnh thấp cổ bé miệng, bị làng xã o ép tận cùng đành cam tâm tuân theo luật lệ của kẻ mạnh. Khi không hoàn thành được nghĩa vụ thì không những giường chiếu mà cả bàn thờ tổ tiên cũng bị lôi về ủy ban xã nhưng dưới danh nghĩa người dân… tự nguyện.
Sự cam tâm ấy mới đây còn được một cuộc khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, ở TP.HCM nếu trước đây tiền đòi hối lộ trung bình 5,8 triệu đồng thì bị tố cáo. Đến năm 2015 người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng. Con số trên cho thấy mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân đang ngày càng tăng lên khi tham nhũng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Ông Lê Như Tiến, một cựu đại biểu quốc hội, gọi đây là một hành động trấn lột người dân. Nhưng thiết nghĩ hai chữ trấn lột còn quá nhẹ và nhất là nó không nói lên hết được bản chất của chế độ này. Phải nói đây là một vụ CƯỚP mới đúng nghĩa.
Đây là bọn cướp ngày được sự tán trợ của đảng; chúng hành động dựa trên căn bản một chính quyền Ba Không: Không Lương Tri, Không Luật Pháp và Không Tình Nghĩa.
Không lương tri vì khi đã bị nhồi nhét lý thuyết Mác-Lê, người cộng sản mất đi sự hiểu biết đúng đắn sẵn có trong mỗi người, không đánh giá được sự phải trái, đúng sai trong hành động. Do đó dù dân đang đói lạnh, chiếc giường hay tạ thóc vẫn bị cưỡng chế, vì quyền lợi người dân phải chấp nhận hy sinh cho quyền lợi đảng.
Không luật pháp vì tuy chế độ được tiếng là có cả một rừng luật, nhưng cán bộ cầm quyền chỉ sử dụng “quan luật” mà thiếu hiểu biết “dân luật”. Vì vậy mới có cảnh đường ống nước Sông Đà bị vỡ 18 lần mà Tổng Giám Đốc Vinacomex được miễn trách nhiệm hình sự, còn hai thiếu niên “cướp” bánh mì vì đói thì lãnh án tù 10 tháng.
Không tình nghĩa vì khi đã nắm được quyền lực quá lớn trong tay, đảng viên tự coi mình là thành phần thượng phẩm và tách biệt với người dân, coi dân không còn là đồng bào của mình mà chỉ là thành phần đáng bị chà đạp. Ở nông thôn họ hành xử không khác cường hào ác bá ngày xưa, nhân danh đảng để hành hạ cướp bóc dân chúng bên dưới không nương tay.
Sau năm 1975, chiến dịch đánh “tư sản mại bản” tiến hành làm 3 đợt do Đỗ Mười trực tiếp chỉ huy được mô tả như là một chiến dịch cướp bóc trắng trợn và lớn lao nhất trong lịch sử đất nước, làm sụp đổ nhanh chóng toàn bộ hệ thống kinh tế thị trường của Miền Nam gầy dựng trong suốt 20 năm. Để rồi hơn 10 năm sau, khi kinh tế đứng bên bờ vực thẳm, đảng kêu gào đổi mới bằng cách quay lại với kinh tế thị trường.
Ngày nay, hình ảnh chiếc giường bị cưỡng chế cho thấy cả hệ thống cai trị của đảng CSVN thực chất là cái bướu hoại sinh vô cùng nguy hiểm. Nó đang hủy hoại tình người, tiêu diệt sức đề kháng của dân tộc, từng ngày biến tầng lớp đảng viên nắm quyền thành những tên cường hào đỏ từ trung ương đến địa phương mà người dân chỉ thẳng ra là lũ cướp ngày.
Để chấm dứt tai họa này cho người dân Việt, không có cách nào khác hơn là phải đánh đổ bọn CƯỚP NGÀY bằng nỗ lực thay đổi tận gốc rễ chế độ đang cầm quyền.