CÁI NHÌN VỀ VĂN MINH

Truyền thông đưa tin và phóng viên ảnh đã chộp được những hình ảnh “dễ thương” về biểu tình ở Hong Kong: cảnh sát giúp người biểu tình rửa mắt vì hơi cay, người biểu tình cầm ô che mưa cho cảnh sát...

 

Ngoài ra, một nếp sống hết sức văn minh hẳn nhiều người Việt sẽ giật thót mình: Người biểu tình Hong Kong luôn tự nguyện dọn sạch rác tại địa điểm họ tu tập trước khi ai về nhà nấy. Họ thậm chí còn phân loại rác để dễ dàng tái chế.

Các cô dễ thương tình nguyện dọn rác  từ 4 – 5 giờ sáng

Những người đang kiên trì với con đường dân chủ, dù có thể sẽ vướng phải những rào cản thì vẫn toát ra được phong cách thị dân, nếp sống đẹp...

 

Đó là những “bồi hồi” dưới góc nhìn của tôi – một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

NỀN TẢNG VĂN HÓA
 

Văn minh được hiểu một cách đơn giản là cho ta biết trình độ phát triển của văn hóa: nó là đặc trưng của một thời đại và có tính quốc tế, đặc trưng cho một khu vực rộng lớn hoặc cả nhân loại. Một dân tộc có trình độ văn minh cao song nền văn hóa có khi lại rất nghèo nàn. Ngược lại một dân tộc còn lạc hậu có khi lại có một nền văn hóa phong phú.

 

Văn minh ở Hong Kong mà thế giới nhìn thấy trong cuộc biểu tình là ứng xử. Cuộc biểu tình của Hong Kong thể hiện sự đồng lòng và nét đẹp văn hóa trong đời sống cư dân Hương Cảng. Họ ý thức được việc làm của mình và có trách nhiệm với nó.

Điển hình những hành động mà người Hong Kong đã thể hiện là: xuống đường rầm rộ, mạnh mẽ, thậm chí cả ồn ào với những thái độ quyết liệt, song vẫn giữ gìn vệ sinh đường phố, thu gom rác thải và dọn dẹp sạch sẽ nơi họ biểu tình.

Đây là một việc làm được xuất phát từ ý thức và được giáo dục một cách tử tế. Một điều nữa là khi biểu tình, họ tuân thủ những yêu cầu rất đơn giản là không giẫm lên cỏ tại một công viên. Người Hong Kong đã thực hiện điều đó một cách ý thức, nghiêm túc.

 

Trách nhiệm mà những con ngưởi trẻ thể hiện trước tiên là ở bản thân, tuy tham gia biểu tình nhưng vẫn không quên nhiệm vụ học tập của mình, vẫn tranh thủ làm bài tập về nhà giữa đường phố đông người.

 

Văn minh xin lỗi được thể hiện ngay trong biểu tình và thể hiện sự quan tâm đồng đội một cách đáng quý. Ngay cả cảnh sát khi làm nhiệm vụ cũng có lòng nhân từ, cả việc bày tỏ hối hận vì gây hại đến người biểu tình.

 

Phải chăng nền tảng văn hóa này chịu sự ảnh hưởng từ chuyện vùng đất này vốn là được bảo hộ của Khối Liên hiệp Anh (The Commonwealth of Nations)?

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM TA
 

Trên báo chí, công sở, trường học… vẫn thường treo băng rôn kêu gọi mọi người hãy “học tập và làm theo tấm gương, đạo đức” của một lãnh tụ.

Mỉa mai, khi xuống phố ta có thể bắt gặp được những hình ảnh phản cảm như dưới bảng “cấm đổ rác” là một bãi rác to đùng. Đừng giẫm lên cỏ thì người ta cũng hiên ngang bước qua như chưa hề thấy biển báo. Như vậy làm sao ta trở nên văn minh hơn được trước những khẩu hiệu, hô ứng đã đặt ra.

 

Ra đường gặp tai nạn có thể sẽ bị thờ ơ, làm ngơ. Hay hiện tượng hôi của diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đó là một dấu chấm hỏi vì sao “học tập và làm theo tấm gương”… mà đạo đức con người lại xuống cấp như vậy?.

Giá trị to lớn của những lần người Việt xuống đường phản đối chính quyền Tập Cận Bình ngang ngược xâm chiếm vùng biển Việt Nam, cướp phá tài sản ngư dân Việt…, sẽ ý nghĩa hơn nếu không vấp phải những kích động bạo lực, đập phá tài sản, thậm chí đã xảy ra thương vong.

 

So Hong Kong, ở đây rõ ràng là lỗi của nền giáo dục nặng nề chủ nghĩa giáo điều. Một nền giáo dục mà người ta luôn buộc phải răm rắp nghe theo, làm theo. Một nền giáo dục mà nội dung “sách giáo khoa là pháp lệnh”…

Mà cũng không hẳn lỗi từ giáo dục.

LỖI CỦA THỂ CHẾ HAY… TẠI NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ?
 

Liệu có sự liên quan gì giữa giáo dục với thể chế chính trị, khi mà cũng đi lên từ triều đại vua chúa, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản chuyển trực tiếp từ chế độ phong kiến sang tư bản, không có đấu tố, cải cách ruộng đất, cách mạng văn hoá hay các phong trào phản đế, phản phong. Nếp sống, thị hiếu, thẩm mỹ của người dân không bị định hướng, lên án, chụp mũ để rồi bị đánh hội đồng... Họ không bài xích cực đoan, và dĩ nhiên cũng không hề thần thánh hóa một lãnh tụ, hay một cá nhân xuất chúng nào.

 

Ở xứ kim chi và đất nước thần Thái Dương, những bài thơ chữ Hán nổi tiếng của người bản địa hay người Trung Quốc vẫn được dẫn dụng, được thể hiện trên các bức thư pháp, bình phong làm vật trang trí. Bởi tất cả những yếu tố văn hoá Trung Hoa trong quá khứ đều góp phần tạo nên văn hoá Hàn, Nhật của ngày hôm nay. Nhật Bản vẫn sử dụng chữ Hán chứ không mang định kiến đó là thứ văn tự vay mượn.

 

Ở Việt Nam, trong tầm nhìn của lãnh đạo vẫn thói quen nô dịch, vẫn là những câu chuyện ví von “16 vàng – 4 tốt”.
Nhìn lại những cuộc biểu tình ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vừa qua về phản đối sự ngang ngược của “ông bạn vàng”, cho thấy vô cùng mất an ninh và gây thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh nghi vấn được “ai đó” trong bộ máy chính quyền giật dây kích động, phải công tâm thấy rằng đa phần người Việt sẳn sàng manh động (có thể đây là biểu hiện của việc trút uất ức trước nhiều bất công xã hội, dạng “giận cá chém thớt”!), và hiếm hoi ý thức rằng điều đó sẽ thiệt hại như thế nào về hình ảnh quê hương xứ sở.

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
 

Trịnh Công Sơn đã viết: “Hãy sống dùm tôi hãy nói dùm tôi hãy thở dùm tôi/ Thịt da này dành cho thù hận/ Cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên/ Hãy sống dùm tôi hãy nói dùm tôi hãy thở dùm tôi/ Quả tim này dành cho lửa hồng/ Cho hòa bình cho con người còn chờ đấu tranh”.

 

Đó là ngôn từ ví von của thơ ca, nhạc họa.

 

Cần làm sao để dân Việt không phải nhờ vả “sống dùm”. Dân Việt cần có được ý thức tự lực tự cường, tính tự trọng và những hành động đẹp như người Hong Kong.

Phải chăng hành động và việc làm của Hong Kong, sở dĩ ta gật gù tán thưởng vì họ được đào tạo, được sống, được hít thở trong bầu không khí dân chủ thực sự?

“Nói bằng cái miệng của mình, từ suy nghĩ phát ra ở cái đầu của mình” – điều này, với một sinh viên vừa rời ghế giảng đường, tôi xác nhận đó là điều không thể, nếu như sinh viên ấy muốn mình được tròn trĩnh số điểm để có thể nhận được tấm bằng sau 4 năm trời miệt mài.

Sáng thứ bảy 04-10, chia sẻ băn khoăn của đứa học trò này, Thầy Nguyễn Thanh Bình lý giải điều chưa hề từng được nhắc trên giảng đường đại học (xin trích nguyên văn lời Thầy): “Ở Trung Quốc, nơi một quốc gia nhưng có hai chế độ chính trị đối lập nhau; trong đó Hong Kong theo chế độ dân chủ, còn Trung Quốc đại lục theo chế độ toàn trị cực quyền, phi dân chủ”.

 

“Ở Hong Kong có nền kinh tế phát triển và xã hội tiến bộ gấp nhiều lần so với Trung Quốc lục địa. Ở đây thanh niên thường đi đầu phong trào bảo vệ tự do, dân chủ, bảo vệ các giá trị tiến bộ xã hội”.

 

“Còn ở Trung Quốc đại lục, thanh niên sính tham gia các công tác chính trị, thích quyền lực như phong trào Hồng vệ binh, dư luận viên... Hình thức hoạt động của họ mang tính hung bạo, bất chấp phải trái kiểu như giang hồ, xã hội đen”.

 

“Lãnh đạo Trung Quốc đang muốn xoá bỏ chế độ chính trị ở Hong Kong để thống nhất một chế độ. Tuy nhiên, các tầng lớp nhân dân tiến bộ họ muốn duy trì một xã hội văn minh, không thích chung sống với chế độ phản dân chủ của Trung Quốc đại lục!”.

Ước gì những lời này được sang sảng trên giảng đường đại học thì phúc biết mấy cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm qua, hôm nay và có thể là cả ngày mai…

NT 4/10/2014

Nguồn: Việt Nam Thời Báo