Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc từ lâu đã bị mang hình ảnh xấu trên thế giới và “quyền lực mềm” thì yếu kém. Hình ảnh tiêu cực về quốc gia này gây trở ngại cho thế giới chấp nhận sự trổi dậy của một cường quốc Trung Quốc. Vì giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn Trung Quốc có “thể diện” trên diễn đàn quốc tế, họ đã đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây để làm tăng sự chấp nhận của thế giới.
Đảng Cộng sảng Trung Quốc cho rằng thế giới bên ngoài có một hình ảnh méo mó về Trung Quốc đương đại vì cách trình bày sai lệch của truyền thông Tây phương. Liu Qibao, Trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương ĐCSTQ, trong một bài viết dài trên Guangming nhật báo tháng Năm 2014, lập luận là “Có những người nhìn Trung Quốc qua kính màu. Họ nhìn quốc gia này qua qua lăng kính ‘thuyết Trung Quốc là mối đe dọa’, ‘thuyết cướp bóc tài nguyên’, ‘thuyết Trung Quốc sẽ sụp đổ’. Một cuộc thăm dò của Gallup năm 2015 cho thấy là 50% người Mỹ trả lời thăm dò có cái nhìn “rất” hoặc “hầu như” không thuận lợi về Trung Quốc. Cũng trong cùng thăm dò, 40% thừa nhận rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa trầm trọng. Đây không phải là điều gì mới. Trong suốt 40 năm thăm dò của Gallup tại Hoa Kỳ, người trả lời luôn bày tỏ cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ lâu xem việc thuyết phục và quản trị thông tin là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền. Họ dành khá nhiều tài lực cho chuyện này và có một guồng máy rộng lớn để thực hiện các đề xướng tuyên truyền. Truyền thông cổ điển và xuất bản chỉ là một khía cạnh của công tác tuyên truyền nước ngoài. Trung Quốc đã học từ các quốc gia Tây Phương cách kết hợp ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa, game điện tử và truyền thông xã hội vào công việc quản trị dư luận quần chúng.
Nhóm Tuyên Truyền Nước Ngoài thuộc Trung Ương ĐCSTQ, mà thành viên bao gồm cán bộ cao cấp, trưởng ban các cơ quan truyền thông nhắm vào nước ngoài, định ra chương trình tuyên truyền nước ngoài cho Trung Quốc. Văn Phòng Trung Ương Tuyên Truyền Nước Ngoài (OFP) của ĐCSTQ, thường được biết dưới tên gọi Văn Phòng Thông Tin Quốc Vụ Viện (SCIO), trông nom việc tuyên tuyền hướng ra ngoài, điều hướng các công tác tuyên truyền nước ngoài của các cơ quan chính quyền mà công việc có dính dáng đến ngoại quốc. Văn phòng OFP-SCIO còn có trách nhiệm “làm sáng tỏ và bác bỏ” những chuyện bị cấm tại Trung Quốc nhưng lại được truyền thông ngoại quốc đưa tin. Văn Phòng thứ 5 của SCIO có trách nhiệm giữ an ninh trên mạng internet tại Trung Quốc.
Ngoại giao văn hóa cho nước ngoài thì rơi vào phần vụ của Bộ Văn Hóa và Giáo Dục và bao gồm những đề xướng như trao đổi văn hóa để làm tan biến những thành kiến về Trung Quốc cùng lúc nuôi dưỡng các cảm nhận nồng ấm về Trung Quốc. Bắc Kinh đã cổ võ cho việc học Hoa ngữ trên thế giới từ cuối thập niên 80, hy vọng là những ai học Hoa ngữ sẽ có cảm tình hơn với cách nhìn của Trung Quốc. Năm 2004, Trung Quốc mở ra Viện Khổng Tử để dạy Hoa ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các đại học khắp nơi trên thế giới. Tính đến 2015 có tổng cộng 1.086 Viện Khổng Tử và lớp học trên toàn thế giới. Viện Khổng Tử phải tuân theo luật pháp Trung Quốc cũng như của nước chủ nhà; điều này có nghĩa là nhân viên của viện không thể là thành viên Pháp Luân Công, hay cổ võ độc lập cho Đài Loan, Tân Cương, hay Tây Tạng.
Quy mô và phạm vi đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào các hoạt động tuyên truyền nước ngoài quá lớn đến độ khó có thể ước đoán được ngân sách. Các con số trưng dẫn đi từ 7 tỉ cho đến 10 tỉ đô la, nhưng các con số này chỉ bao gồm tiền tài trợ cho truyền thông nhắm vào người ngoại quốc ở nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều cách. Năm 1992, Trung Quốc đánh thuế 3 phần trăm “thuế kỹ nghệ tuyên truyền” vào các cơ sở kinh doanh kiếm lời. Quỹ này dùng để tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền mà không tạo ra tiền lời. Bên cạnh nỗ lực tuyên truyền ở cấp quốc gia, mỗi tỉnh Trung Quốc có quỹ riêng để quảng bá tỉnh họ với thế giới bên ngoài.
Hai đối tượng khán giả
Hoạt động tuyên truyền nước nhắm đến hai nhóm chính: Hoa Kiều và người ngoại quốc. Người Đài Loan được phân loại vào nhóm nhỏ của Hoa Kiều. Viên chức các sứ quán Trung Quốc trên thế giới huy động các phần tử thân-Trung Quốc trong giới Hoa Kiều và giới ngoại quốc ưu tú trong mỗi quốc gia, cùng lúc đó cô lập và chống đối những ai cổ võ cho Đài Loan độc lập và những thành phần mà ĐCSTQ đánh giá là “chống Trung Quốc”.
Việc tuyên truyền nhắm vào người Hoa ở hải ngoại có ba mục tiêu chính: vô hiệu hóa các chống đối chế độ trong giới Hoa Kiều, gia tăng độ ác cảm đối với các lực chống-Trung Quốc, và khuyến khích Hoa Kiều đầu tư vào Trung Quốc. Nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc đã khá thành công trong việc nuôi dưỡng dư luận quần chúng tích cực trong giới Hoa Kiều, đặc biệt là thành phần di dân mới đến và làm yếu đi các nhóm chống đối trong cộng đồng Hoa Kiều.
Tuyên truyền nhắm vào Hoa Kiều xuyên qua nhiều kênh truyền thông. Chúng bao gồm báo chí, đài radio, truyền hình tiếng Hoa tại địa phương (hải ngoại), cũng như Đài TV Trung Ương Trung Quốc (CCTV) phát đi kênh số 4 nhắm đặc biệt vào người Hoa hải ngoại. Tân Hoa Xã (Xinhua) cung cấp nội dung miễn phí cho các nguồn tin tiếng Hoa bên ngoài Trung Quốc, để bảo đảm là quan điểm của Bắc Kinh được thịnh hành trong cộng đồng Hoa Kiều. Trong thập niên vừa qua, Internet ngày càng trở nên một công cụ hữu ích để tạo hậu thuẫn cho Trung Quốc trong giới Hoa Kiều. Các trang web từ Trung Quốc bây giờ trở thành nguồn tin hàng đầu về tiếng Hoa và tin tức liên hệ đến Trung Quốc cho giới Hoa Kiều.
Văn Phòng Sự Vụ Đài Loan, một cơ quan trực thuộc Quốc Vụ Viện, phối hợp với các cơ cấu khác để lo về các hoạt động tuyên truyền liên quan đến Đài Loan. Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào các đài TV, radio, báo, trang web tại lục địa Trung Quốc nhưng đặc biệt hướng về quần chúng Đài Loan. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm để uốn nắn dư luận quần chúng ở Trung Quốc và trên thế giới về những việc liên quan đến Đài Loan, và chặn bớt tầm ảnh hưởng thương mại và chính trị của Đài Loan trên toàn cầu. Những nỗ lực này rất thành công.
Trong hai mươi năm gần đây, mục tiêu chính của tuyên truyền nhắm vào người ngoại quốc ở nước ngoài là gia tăng nhận thức về sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc, và sự tăng trưởng kinh tế vượt bực. Mặc dầu nỗ lực quảng bá về sức mạnh kinh tế có đạt kết quả, nỗ lực để điều hướng cách nhìn của Tây phương về chính trị Trung Quốc thì lại không khá.
Trung Quốc quảng bá thông điệp của họ ra ngoài qua nhiều ngõ truyền thông, luôn cả các cơ quan đặt trụ sở tại Trung Quốc như China Daily (Nhật báo), Beijing Review, CCTV, China Radio International, phiên bản điện tử của People’s Daily, China.org, và Foreign Language Press.
Nỗ lực của ĐCSTQ để vẽ một hình ảnh quốc tế tích cực bao gồm hai hướng đã dùng bấy lâu nay. Hướng thứ nhất là “dùng sức mạnh ngoại quốc để quảng bá Trung Quốc”. Bắc Kinh xây dựng đối tác có lợi hỗ tương với những nhân vật ngoại quốc có tiếng tăm có thể gây lợi thế về thương mại hay chính trị cho Trung Quốc – chẳng hạn như cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger hoặc cựu thủ tướng Anh Tony Blair. Mỗi quốc gia hiện nay có một số nhân vật tiếng tăm được ĐCSTQ gọi là “Bạn của Trung Quốc”. Những người bạn thời nay thường xuyên được các cơ quan thông tấn yêu cầu có những bài viết tích cực cho truyền thông Trung Quốc và tham dự vào những sự kiện hỗ trợ cho các đề xướng quyền lực mềm của Trung Quốc. Chính quyền cũng thường xuyên tiếp đãi các phái đoàn nước ngoài của “những nhân vật tiếng tăm” bằng các chuyến du lịch Trung Quốc được nhà nước chi trả hoàn toàn, với hy vọng là khi về lại xứ sở, họ sẽ nói tốt cho Trung Quốc.
Một hướng khác được thường dùng là “mượn tay báo giới ngoại quốc”. Trong quá khứ việc này chính yếu là nỗ lực của giới chức tuyên truyền gầy dựng mối quan hệ tốt với các ký giả ngoại quốc được đánh giá là thân thiện về mặt chính trị với Trung Quốc. Đến giữa năm 2000, hướng này được nới rộng để bao gồm luôn việc cài các bản tin của Trung Quốc vào các tờ báo hàng đầu của ngoại quốc. Thí dụ như, mỗi tháng một lần tờ Washington Post xuất bản một bản tin có trả tiền của tờ Nhật Báo Trung Quốc (China Daily). Tương tự vậy, đài TV Trung Quốc (CCTV) và chương trình Radio Quốc Tế của Trung Quốc cài đặt một số chương trình vào các đài TV và radio ngoại ngữ của người ngoại quốc. Trong thời của Mao, chiến lược này được gọi là “mượn thuyền ra biển”.
Năm 2000, CCTV khai trương kênh truyền hình vệ tinh CCTV 9 nhắm đến giới ngoại quốc nói tiếng Anh. Năm 2004, họ bắt đầu phát thanh chương trình tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, và khai trương lại dưới tên CCTV International. Đài này có ý muốn sánh vai với đài CNN – là một cơ quan truyền thông toàn cầu đưa tin suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Mặc dầu nhà nước trợ cấp cho CCTV International khá nhiều tài lực, nhưng lại không rộng rãi để cho phép đài có được biên tập độc lập, và vì thế làm giảm mức độ hữu hiệu của nó.
Đầu năm 2009, Bắc Kinh tuyên bố là họ sẽ đầu tư 45 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7.25 tỉ đô la) vào các cơ quan truyền thông chính để củng cố và đẩy mạnh các hoạt động đưa tin và có mặt trên toàn cầu. Trong chiến dịch “đại tuyên truyền” này, Tân Hoa Xã gia tăng các văn phòng hải ngoại từ 100 lên 186. Trong cùng năm, tờ Toàn Cầu Thời Báo (Global Times – một tờ báo phổ thông tập trung vào chuyện thế giới do Nhân Dân Nhật Báo làm chủ) khai trương ấn bản tiếng Anh. CCTV International bắt đầu phát chương trình tiếng Á-rập và tiếng Nga, và năm 2010 đổi tên lại thành CCTV News. Đầu tư ào ạt của Trung Quốc vào các cơ quan truyền thông này thu hút khá nhiều chú ý và tranh cãi của quốc tế. Nhưng chiến lược này bây giờ bị các chuyên gia về truyền thông đại chúng Trung Quốc đánh giá là một thất bại. Nếu độc giả ngoại quốc biết là một mẫu tin nào đó đến từ nguồn truyền thông Trung Quốc, họ nhiều phần diễn giải tin đó là “tuyên truyền” hơn là “tin”.
Thay đổi dưới thời Tập Cận Bình
Dưới thời Giang Trạch Dân (1989-2002) và Hồ Cẩm Đào (2002-2012) Trung Quốc gia tăng các hoạt động tuyên truyền nước ngoài, dồn sức để cải thiện hình ảnh đất nước đối với bên ngoài. Dưới thời Giang Trạch Dân, đặc biệt là sau 1992, tuyên truyền nước ngoài tập trung chủ yếu vào việc quảng bá kinh tế Trung Quốc và khuyến khích đầu tư và giao dịch nước ngoài. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, xây dựng “quyền lực mềm” là mục tiêu chính, nhưng hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới vẫn không cải thiện gì nhiều. Thật vậy, thăm dò của Gallup cho thấy nó còn tệ hơn trong những năm đó.
Vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư của ĐCSTQ. So với các vị tiền nhiệm, họ Tập tập trung vào tay ông ta một số lượng quyền lực chưa từng thấy. Ông ta dùng quyền lực này để thúc đẩy một số thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, kể cả việc đẩy mạnh nỗ lực ảnh hưởng lên độc giả nước ngoài. Trong một bài diễn văn tháng 8 năm 2013 tại Hội Nghị Quốc Gia về Tuyên Truyền và Công Tác Tư Tưởng, họ Tập nói rằng để đáp ứng những động lực thay đổi toàn cầu, “Trung Quốc phải phổ biến những tư tưởng mới và cách nhìn mới đến các quốc gia đang phát triển.” Ông ta đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của Trung Quốc “củng cố việc đưa tin của truyền thông … dùng các phương pháp sáng tạo để với xa … kể những câu chuyện Trung Quốc hay, và cổ vũ cho quan điểm của Trung Quốc trên thế giới.”
Trong một buổi họp tháng Giêng năm 2014, họ Tập thúc đẩy gia tăng chi tiêu để cổ vũ cho văn hóa Trung Quốc ở hải ngoài nhằm mục đích bành trướng quyền lực mềm. Họ Tập bảo với các thành viên Bộ Chính Trị ĐCSTQ rằng “Trung Quốc nên được mô tả như một quốc gia văn minh có một lịch sử phong phú, đoàn kết sắc tộc với văn hóa đa dạng, và là một cường quốc Đông phương với chính quyền tốt, một nền kinh tế phát triển, văn hóa phát đạt, và cảnh quan đẹp. … Trung Quốc còn nên được biết đến như là một quốc gia đứng đắn cổ xúy cho hòa bình và phát triển, gìn giữ công bằng và công lý thế giới, đóng góp tích cực cho nhân loại, và là một quốc gia xã hội chủ nghĩa cởi mở, thân thiện với thế giới, tràn đầy hy vọng và sức sống.”
Tháng 8 năm 2014 họ Tập khởi động chiến lược mới quản trị truyền thông. Ông bảo rằng Trung Quốc sẽ lập ra “truyền thông dòng chính loại mới”, “uy quyền, có ảnh hưởng và tin cậy”. Trong chiến lược truyền thông loại mới của họ Tập, sát nhập và mua lại các công ty là biện pháp cốt cán để ảnh hưởng dư luận quần chúng ngoại quốc; truyền thông cổ điển và truyền thông mới được nhập lại vào một hướng đa nền tảng. Khác với thời Hồ Cẩm Đào, việc bành trướng truyền thông và tuyên truyền nước ngoài sẽ lấy nguồn chi từ việc thành lập các đại công ty truyền thông và thương mại hóa các công việc truyền thông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ít nhận tài trợ kể từ thập niên 90, đa số được yêu cầu phải có lời, cùng lúc phải tuân theo chỉ đạo tuyên truyền của ĐCSTQ. Vị thế đặc quyền của họ trong thị trường Trung Quốc đã khiến cho truyền thông nhà nước có lời vô cùng. Những thay đổi dưới họ Tập sẽ cho họ thêm nhiều tự do kinh tế, và chỉ làm cho họ thêm lợi lộc.
Kể từ khi họ Tập tuyên bố đường hướng mới, nỗ lực tuyên truyền nước ngoài của Trung Quốc mang một sắc thái mới đầy tự tin, khẳng định, khát vọng. Hiện có nhiều chủ đề mới chiếm lấy công việc tuyên truyền nước ngoài: “kể một câu chuyện Trung Quốc hay”, “Giấc Mơ Trung Quốc”, “phú quốc, cường binh”.
Một mục tiêu quan trọng của việc tuyên truyền nước ngoài là “kể một câu chuyện Trung Quốc hay”. Căn bản nó có nghĩa là đề cao với khán giả toàn cầu một phiên bản chọn lọc của một nét văn hóa Trung Quốc truyền thống. Các Viện Khổng Tử, các trung tâm văn hóa Trung Quốc, lễ hội và những phương tiện chính yếu cho loại tuyên truyền này.
Tuyên truyền nước ngoài tập trung vào việc đề cao “Giấc Mơ Trung Quốc” thường làm nổi bật các cơ hội hợp tác kinh tế, nhấn mạnh khía cạnh đối tác và phát triển. Một cơ hội điển hình là dự án Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo Peng Guangqian, phó tổng thư ký của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Trung Quốc, chính sách Con Đường Tơ Lụa Mới “vượt lên trên ý thức hệ”. Tương phản với chính sách đối đầu của những năm Chiến Tranh Lạnh, chính sách của Con Đường Tơ Lụa Mới chú trọng vào hợp tác kinh tế. Chúng còn nhằm thiết lập các chuẩn mực mới trong quan hệ quốc tế, với mục tiêu tạo ra những “cộng đồng của lợi ích” và “cộng đồng của vận mệnh” để giúp chấm dứt chẳng những tình trạng quốc gia lớn hùng mạnh hiếp đáp quốc gia nhỏ yếu mà còn chấm dứt “tất cả những bất bình đẳng về kinh tế và chính trị khác của trật tự thế giới cũ”.
Chủ đề lớn cuối cùng của tuyên truyền nước ngoài dưới thời họ Tập là “phú quốc, cường binh” (nước giàu, quân đội mạnh). Tuyên truyền quân sự của Trung Quốc, cứng rắn trong tiếng Hoa, nhưng mềm mỏng hơn trong tiếng Anh và các ngoại ngữ khác. Thông điệp được phát ngôn nhân có thẩm quyền của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đưa ra và nhắm đến cả hai đối tượng nội địa và nước ngoài. Trong tiếng Hoa thì tuyên truyền quân sự chú trọng vào sự sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lợi ích đất nước. Trong các thứ tiếng khác thì tuyên truyền nhấn mạnh đến ước vọng của Trung Quốc trổi dậy hòa bình thành một cường quốc quốc tế.
Mở rộng tầm ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc
Trung Quốc hiện thời dự tính mở rộng thêm số lượng Viện Khổng Tử và các lớp học trên toàn cầu và gia tăng lượng học bổng và chương trình nghiên cứu của Viện Khổng Tử. Chính quyền cũng dành ra một khoản tiền thật lớn để thành lập 50 hoặc nhiều hơn trung tâm văn hóa quốc tế cho đến 2020 và có các dự án để triển lãm văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và phim ảnh của Trung Quốc với thế giới. Trung Quốc đẩy mạnh việc gọi “Tết Trung Quốc” thay vì “Tết Âm Lịch”, tổ chức 900 sự việc trên 119 quốc gia trong năm 2015, trong khi đó năm 2010 chỉ có 65 sự việc trên 42 quốc gia.
Trung Quốc cũng tuyên bố là sẽ đầu tư khá nhiều vào các think tank tại Trung Quốc và ở nước ngoài, thành lập hơn 100 cơ sở mới trong vòng vài năm tới. Trong năm 2015, Trung Quốc khai trương think tank ngoại quốc đầu tiên – Viện Nghiên Cứu Trung-Mỹ tại Washington DC, chú trọng nhiều về thời sự hàng hải và hợp tác Mỹ-Trung. Think tank này được tài trợ bởi Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Về Nam Hải của Trung Quốc. Buổi khai trương có sự tham dự của Henry Kissinger.
Trong hai năm vừa qua, China Daily, Beijing Review, CCTV International, Xinhua, và China Radio International tiếp tục mở rộng và gia tăng “bản địa hóa” – tức là mướn nhiều nhân viên truyền thông người ngoại quốc nhưng vẫn nắm kiểm soát biên tập. CCTV News mở chi nhánh ở Washington và Nairobi. Chương trình phát ra được luân phiên giữa studio chính tại Bắc Kinh và các studio ở Washington và Nairobi. Chương trình mới có chất lượng kỹ thuật cao. Nhưng cũng như trong quá khứ, các tin tức liên quan đến Trung Quốc phải tuân thủ theo những dặn dò từ Văn Phòng Tuyên Truyền Nước Ngoài của ĐCSTQ. CCTV News đã thực hiện một số chương trình có chiều sâu về các sự kiện quốc tế kể từ khi đổi thương hiệu, nhưng khi đụng đến việc tường thuật liên quan đến Trung Quốc, vẫn chú trọng đến “tuyên truyền tích cực”. Khi không dám đụng đến các vấn đề nhạy cảm chính trị tại Trung Quốc, chương trình của đài thường không đạt tiêu chuẩn tin tức. Việc đưa tin qua loa về vụ nổ kho hóa học ở Tianjin vào tháng 8 năm 2015 là một điển hình.
Một phần khác của chiến lược truyền thông loại mới của họ Tập là hợp tác với truyền thông ngoại quốc để làm phim ảnh và tài liệu thân Trung Quốc. Trong năm 2015 có một loạt phim tài liệu do Trung Quốc & Hàn Quốc hợp tác thực hiện mang tên “Siêu Trung Quốc” (Super China) rất ăn khách trên đài TV Nam Hàn. Các công ty Trung Quốc có quan hệ thân cận với Bắc Kinh đang đầu tư vào các phim do Hollywood sản suất. Kết quả là một số phim Hollywood gần đây (thí dụ như phim Trainwreck [Trật Đường Rầy Xe Lửa]) nhét thêm vào những điểm thân Trung Quốc trong khi đó những phim khác (như Iron Man 3 trong năm 2013) thì xóa đi những điểm trong cốt chuyện xúc phạm đến ĐCSTQ.
Một thay đổi quan trọng dưới chính sách của họ Tập là các hoạt động tuyên truyền nước ngoài ngày càng được tiến hành như các dịch vụ kinh doanh. Theo trưởng ban tuyên truyền Liu Qibao, “Kinh nghiệm cho thấy là khi các sản phẩm văn hóa Trung Quốc ’bán ra’ thì tốt hơn là ’gửi ra’”. Các cơ quan văn hóa của nhà nước do đó lên kế hoạch để thu mua một cách có chiến lược những công ty văn hóa Tây Phương thích hợp. Lối chơi chữ từ câu “mượn thuyền ra biển”, ông Liu gọi kế hoạch trên là “mua thuyền”.
Những tiến triển này xảy ra cùng lúc với việc nhà nước đàn áp đối kháng chính trị và phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng gay gắt. Nhà nước đồng thời kiểm soát chặt hơn truyền thông, xã hội dân sự, sinh viên, trí thức, và viên chức chính quyền, do đó áp lực nhiều hơn lên các công dân Trung Quốc có quan hệ hải ngoại phải theo đường lối của đảng và “hát cùng nhịp” khi nói chuyện với thế giới bên ngoài. Họ Tập đang tìm cách xiết chặt môi trường thông tin tại Trung Quốc để ủng hộ ĐCSTQ, và tác động lên cách thức Trung Quốc được đề cao và đón nhận trên thế giới là một phần của chiến lược này.
Cho đến nay, các nỗ lực đáng kể của Trung Quốc để hiện đại hóa guồng máy tuyên truyền nước ngoài chỉ đạt được một phần kết quả trong việc làm thay đổi dư luận quần chúng quốc tế. Nỗ lực của ĐCSTQ nâng cao nhận thức toàn cầu về những thay đổi kinh tế của Trung Quốc có hiệu quả, cũng như nỗ lực để định hướng những trao đổi về Đài Loan. Quan điểm của Trung Quốc được truyền đạt chính xác trong giới truyền thông Hoa Kiều. Trong khi đó, như các thăm dò và nghiên cứu khác cho thấy, nỗ lực của ĐCSTQ để cải thiện cảm nhận của người ngoại quốc về tình hình chính trị nội địa Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế cho đến nay hầu như thất bại, không ảnh hưởng được đối tượng này. Trên đường dài, chiến dịch mới “mua thuyền” – tiếp thu các cơ quan truyền thông và văn hóa Tây Phương – có thể là cách hữu hiệu nhất để cải thiện “thể diện quốc tế” của Trung Quốc và dằn bớt những tranh cãi quốc tế về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Bà Anne-Marie Brady là giáo sư về khoa học chính trị tại Đại Học Canterbury, Tân Tây Lan, hiện là nghiên cứu gia tại Trung Tâm Woodrow Wilson, Washington DC và Viện Chính Sách Trung Quốc thuộc Đại Học Nottingham, Anh Quốc. Bà viết nhiều sách, trong đó có cuốn Quảng Cáo Cho Độc Tài: Tuyên Truyền và Công Tác Tư Tưởng tại Trung Quốc Đương Đại (2009).
Hoàng Thuyên lược dịch
Nguồn: Journal of Democracy