Cuối tháng 11 vừa qua, trong cương vị Trưởng ban chỉ đạo về Phòng chống tham nhũng trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đã đích thân chỉ đạo mang Trịnh Xuân Thanh ra xét xử trong tháng 1 năm 2018. Điều đặc biệt hơn nữa là vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng phải được đưa ra trước vành móng ngựa trong cùng thời gian này.
Đây có thể nói là cao điểm của cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng hầu vớt vát lại phần nào bộ mặt lem luốc của đảng cầm quyền nổi tiếng “ăn không chừa một thứ gì”. Vì thế sự kiện diễn ra trong ngày 8 Tháng 12 khi ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt đảng, mất ghế đại biểu quốc hội đồng thời bị bắt tạm giam rõ ràng là một sự kiện có thể dự đoán.
Tuy nhiên dù sao “biến cố” bắt giam một nguyên ủy viên Bộ chính trị cũng đã làm dư luận bàn tán xôn xao. Lần đầu tiên, một đảng viên cao cấp bị tống giam như một tội phạm là điều hiếm có nếu so với những ủy viên Bộ chính trị bị kỷ luật trước đây, thường chỉ bị khiển trách như Trương Tấn Sang hay khai trừ đảng, cho về vườn đối với Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan mà không truy cứu gì thêm.
Nói cho cùng, lần này qua hành động bắt giam họ Đinh, ông Trọng muốn cho mọi người thấy “quyền lực” của chính ông, đánh thẳng vào bộ đầu não Tập Đoàn Dầu Khí được thành lập từ năm 2006, vốn là sân sau của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. PetroVietnam trong suốt một thời gian dài là sân khấu thao túng của nhóm lợi ích quyền lực lớn nhất dưới cái ô của ông Dũng mà chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cũng bó tay trong nhiệm kỳ XI (2011-2016)
Ông Thăng được cho là dính vào 2 vụ án với tội danh: Thứ nhất, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thứ hai, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Cuộc điều tra của công an quy cho Đinh La Thăng ba trách nhiệm:
- Làm mất 800 tỷ ở Ocean Bank: đây là số tiền mà PVN góp 20% vốn vào OceanBank của Hà Văn Thắm. Do hoạt động không hiệu quả OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng đưa đến 800 tỷ của PVN mất trắng.
- Làm sập tiệm dự án Nhiệt Điện Thái Bình 2: do tham ô và xử dụng tài chánh tròng tréo giữa PVN và PVC, dự án nhiệt điện có tổng số vốn đầu tư 1,7 tỉ đô-la này bị bốc hơi hàng ngàn tỉ đồng, sau gần 4 năm vẫn nằm đắp chiếu.
- Cùng với Trịnh Xuân Thanh để PVC kinh doanh thua lỗ làm thất thoát tài sản lên đến trên 3,000 tỷ lúc Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.
Dĩ nhiên giờ đây không ai muốn bào chữa cho Đinh La Thăng về những gì ông ta bị cáo buộc vì đó cũng là tội trạng chung của đảng CSVN làm nghèo đất nước qua nhiều thập niên điều hành nền kinh tế có định hướng. Nhưng qua đó, người ta có thể kết luận rằng ba trách nhiệm này không thể một mình Đinh La Thăng chịu, vì lúc đó, trên Đinh La Thăng còn có Hoàng Trung Hải là phó thủ tướng trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2016 phụ trách kinh tế ngành. Và cao hơn nữa chính là Nguyễn Tấn Dũng người nắm liên tiếp hai nhiệm kỳ thủ tướng. Không có lý do gì để nói phó thủ tướng và thủ tướng hoàn toàn không biết gì về những bê bối ở PVN và PVC, nghĩa là vô can.
Nói cách khác là ông Dũng và ông Hoàng Trung Hải không thể không liên đới chịu trách nhiệm về những gì mà Đinh LaThăng đã làm trong thời gian tại chức. Đây chính là cơ hội bằng vàng cho ông Trọng phải sờ gáy Nguyễn Tấn Dũng trong tương lai. Là một con người tâm địa thâm hiểm, Nguyễn Phú Trọng thật không dễ gì quên được mối nhục mà “đồng chí X” gây ra cho ông trong hội nghị trung ương 6 khóa XI vào tháng 10, 2012.
Có thể dự đoán 3 mức độ mà Nguyễn Phú Trọng muốn đưa Nguyễn Tấn Dũng vào mẻ lưới giăng sẵn.
Thứ nhất, đồng thời với việc nhanh chóng tống giam Thăng, ông Trọng bắn tiếng hăm dọa sẽ khởi tố Dũng phải liên đới chịu 3 trách nhiệm của Thăng nói trên. Sự hăm dọa này trước hết để gây cho Dũng một tâm trạng bất an thường xuyên và cũng là cách Trọng thăm dò phản ứng của Dũng. Viên cựu thủ tướng này đang tiến thoái lưỡng nan trong cảnh muốn làm người tử tế mà không yên thân. Nhất là từ sau đám tang người mẹ được dư luận mô tả là vắng khách viếng tang một cách bất thường, không ít thì nhiều cũng báo cho Dũng biết là an ninh của Trọng đang siết chặt chung quanh.
Thứ hai, trong những cuộc thẩm vấn lấy cung sắp tới, Bộ công an sẽ nhận lệnh của Trọng từ dụ dỗ đến ép Thăng phải khai là có Dũng nhúng tay vào mọi chuyện để cho công an lấy cớ điều tra và bắt Dũng. Đây là kịch bản không lấy gì làm khó khăn vì chính ông Trọng cũng đã tự “cơ cấu” mình vào đảng ủy Bộ công an từ lâu để chỉ đạo và giám sát. Mới đây ông Trọng còn tóm thâu thêm quyền lực bằng cách tham gia họp để chỉ đạo chính phủ trong cuộc họp tháng 12 này để mọi kế hoạch của mình phải được bảo đảm thi hành.
Thứ ba, chỉ đạo Ban tuyên giáo tham gia chiến dịch cho báo chí quốc doanh lần lượt khui ra những thất bại về kinh tế duới thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Ông Trọng sẽ vin vào đó cho công an điều tra về các bài báo ấy với quyết tâm đánh tham nhũng lần này không sợ vỡ bình. Dĩ nhiên, các báo nhà nước sẽ được công an cung cấp một số chi tiết để vẽ vời thêm, thậm chí chỉ đăng những bài do bên công an viết.
Nhưng thật ra trong cả ba cách làm của ông Trọng đều nhằm để thị uy và đe dọa ông Dũng hơn là bắt giam như đã bắt Đinh La Thăng. Lý do là dù thế lực ông Trọng và phe của ông đã được củng cố và mạnh lên trông thấy vào lúc này, nhưng họ cũng không dám chơi cạn tàu ráo máng.
Nếu ông Trọng thẳng tay với Nguyễn Tấn Dũng, tình hình trở nên nguy hiểm một cách bất ngờ. Đảng sẽ bị phân hai. Ông Trọng phải thấy trước việc đảng cộng sản tan tác khi phe Dũng tìm cách sống còn bằng mọi giá. Cho dù truyền thống của những người cộng sản Việt Nam là luôn luôn giỏi thỏa hiệp quyền lợi vào phút cuối cùng, ngôi vị tổng bí thư của ông Trọng cũng không chắc gì còn.
Nói tóm lại, vụ bắt Thăng có làm cho Dũng rúng động nhưng rồi họ sẽ thỏa hiệp với nhau bằng cách phe Dũng sẽ lặn đi và chỉ để một mình ông Dũng nổi lên mà thôi. Nổi để nhận những ngón đòn chờ đợi từ lâu của ông Trọng giáng xuống.