Bão, thi hoa hậu và sự tàn nhẫn của lãnh đạo CSVN!

Tính đến ngày 8 tháng 11, sau 4 ngày bão Damrey quét qua khu vực miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất hơn 100 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương. Bên cạnh số liệu thống kê về thiệt hại nhân mạng, còn có 8 tàu bị bão nhận chìm ngoài biển và đây được xem là tai nạn hàng hải lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, còn gần 1500 căn nhà bị sập, gần 120 ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng.

Tỉnh Khánh Hòa gần như tan hoang sau bão với số người chết nhiều nhất. Trong một bản tin của báo Người Lao Động cho biết “Ninh Hòa phủ trắng khăn tang”. Chỉ riêng thị xã nhỏ bé này có đến 17 người thiệt mạng, khiến cho không một người dân nào ở đây mà không bị mất người thân trong bão”. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều người khác đang chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Khi trái tim cả nước đang nín thở hướng mắt về đồng bào miền Trung với sự lo lắng cao độ và đau lòng trước những cảnh tang thương, Đài truyền hình Việt Nam vẫn truyền hình trực tiếp đêm bán kết cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ. Điều này khiến không ít người bất bình, bởi trong bối cảnh nhiều người dân đối phó với bão trong nước mắt với đủ cái để lo, thì việc vẫn dành thời gian và nhân lực cho một hoạt động giải trí như VTV6 là điều khó có thể chấp nhận. Đó là chưa kể, địa điểm diễn ra hoạt động giải trí này là Cam Ranh, Khánh Hoà – vị trí tâm bão.

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, có lẽ không áp dụng với ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, hay với VTV. Bởi ngay cơn bão số 12 đang hoành hành, người dân đang cần nước sạch, cần điện, cần sự chung tay và đồng cảm của người dân cả nước hơn là xem tiếng nhạc xập xình, các cô gái cười tươi phô diễn những đường cong hút mắt. Phía ban tổ chức thản nhiên trả lời với truyền thông rằng: “Đây là cuộc thi đã được Bộ Văn Hóa - Thể thao - Du lịch duyệt. Lịch phát sóng cũng đã hợp đồng, lên kịch bản từ trước”.

Đương nhiên cuộc thi đã lên lịch và sẽ gây thiệt hại cho các đại gia nếu chương trình bị ngưng phát sóng. Thế nhưng, việc Đài truyền hình Việt Nam - nơi đang tiêu những đồng thuế của người dân lại truyền hình trực tiếp một chương trình ăn chơi giải trí trong những ngày người dân đang lầm than thì đó là hành vi vô cảm, trái với đạo lý của dân tộc.

Trong thảm họa, thái độ và hành vi của những người có trách nhiệm, của truyền thông sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình chung.

Năm 2014, khi tai nạn chìm phà Sewol ở Hàn Quốc diễn ra, ngành giải trí nước này gần như đóng băng. Thay vào đó, các kênh truyền hình này dành phần lớn thời lượng phát sóng để đưa tin về tình hình tìm kiếm và cứu trợ nạn nhân. Hầu hết các liveshow của các ca sĩ Hàn Quốc, dù đã được lên kế hoạch từ 1-2 năm trước cũng tạm hoãn.

Hay như thảm họa động đất tại Nhật Bản hồi năm 2011, một trận động đất lớn kéo theo sóng thần khổng lồ và sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima, khiến nước Nhật gánh chịu thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ sau ít phút khi thảm họa xảy ra, ngay lập tức toàn bộ các kênh truyền hình quốc gia đã thay đổi hết lịch phát sóng, cắt các chương trình giải trí thường lệ và thay vào đó để gần như 24/24 thời gian truyền hình trực tiếp chương trình cứu hộ cứu nạn và bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân của thảm họa động đất sóng thần. Vai trò và trách nhiệm của truyền thông trong các tình huống khẩn cấp được thể hiện ở đó.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh nguồn lực của nước Hàn, Nhật với Việt Nam; nhưng qua cách hành xử trước những thảm họa từ thiên tai, dịch bệnh đến môi trường, chúng ta có thể nhìn nhận rằng, sự khác biệt được tạo ra bởi thái độ, chứ không phải nguồn lực. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực truyền thông, mà còn trong cung cách của lãnh đạo quốc gia.

Thủ tướng Hàn Quốc đã phải xin từ chức vì vụ chìm phà. Chính phủ Nhật đã thành lập ngay một bộ đặc trách đối phó khủng hoảng đưa ra các ứng phó với thảm họa. Cứ hai tiếng họ lại họp báo trên truyền hình để thông tin sâu sát và kêu gọi người dân theo dõi để bình tĩnh hành động. Cũng chỉ sau chưa tới 30 phút của một trận dư chấn, Thủ tướng Naoto Kan cùng những người đứng đầu của cơ quan điện hạt nhân đã tổ chức họp báo trực tiếp với sự tham gia của hầu hết các cơ quan truyền thông để đưa ra những thông tin quan trọng về tình hình hạt nhân và hành động của chính phủ.


Ông Nguyễn Phú Trọng dâng hoa tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga hôm 5-11-2017. Ảnh: VOV.

Còn tại Việt Nam, khi cơn bão Damrey đang càn quét miền Trung, thì ngay tại Hà Nội toàn bộ ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đang bận bịu tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày Cách Mạng Tháng 10 Nga. Từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc kéo nhau đứng xếp hàng dâng hoa tại tượng đài Lê-nin!

Hay vào giữa tháng 10, 2017, một đợt áp thấp nhiệt đới xảy ra ở miền Bắc đã gây ra mưa lớn, kéo theo hành động xả lũ vô trách nhiệm của nhà máy thủy điện Hoà Bình khiến hơn 100 người chết và mất tích. Nhiều căn nhà bị chôn vùi trong đống sạt lở, nhiều xác người trôi nổi theo những dòng sông. Nhưng các quan chức, lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi đó bận tổ chức Hội nghị Trung ương 6 khóa 12. Không một hoạt động thể hiện sự tưởng nhớ và cũng không có lễ quốc tang nào được diễn ra. Không chỉ lạnh lùng, họ còn ngang nhiên bao che cho thủy điện khi trắng trợn giải thích mưa lụt là do biến đổi khí hậu. Không những thế, họ còn đổ lỗi thiệt hại là do dân có tập quán sống lâu đời ở bên các dòng sông sườn núi!

Trong lịch sử, con người luôn phải trải qua các biến động môi trường tự nhiên và nhân tạo. Trong những vụ thảm họa như vậy, chính quyền luôn là nhân tố được trông đợi chèo lái con thuyền qua những cơn sóng dữ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mỗi lần xảy ra thảm họa là một lần sự vô cảm, tàn nhẫn của đám quan chức đối với người dân càng được bộc lộ. Cũng dễ hiểu, vì cái ghế của họ không phải do dân bầu, mà là do quá trình đấu đá, tranh giành phe cánh. Chừng nào phe lợi ích của họ chưa bị đối thủ đánh bật, thì dù thảm họa có thảm khốc đến đâu, cái ghế của họ vẫn ung dung giữ vững.

Thời gian qua đi và môi trường có thể dần được phục hồi nhưng lòng tin thì không có nhiều cơ hội để phục hồi như vậy. Với cách hành xử lạnh lùng kiểu “sống chết mặc bay” , giá trị tinh thần đang bị xói mòn, mất giá như hiện nay, các quan hệ xã hội ở Việt Nam sớm muộn sẽ xảy ra một cơn bão. Không phải do thiên tai, chính cơn bão của lòng người, của sự kìm hãm đạt đến điểm kích nổ, toàn thể xã hội Việt Nam sẽ phải chuyển mình để vươn dậy trong một tương lai tươi sáng hơn mà thôi.

Theo viettan.org