Ảnh tư liệu chụp ngày 18/01/2015: Thung lũng Mes Aynak, cách Kabul, thủ đô Afghanistan 40 km về phía tây nam, nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản. AP - Rahmat Gul
- RFI
Ở đâu Mỹ để trống, ở đó Trung Quốc lấp vào. Công thức này cũng được áp dụng tại Afghanistan. Ông khổng lồ Trung Quốc thèm thuồng dòm ngó những quặng mỏ đất hiếm của quốc gia Trung Á, vào lúc Hoa Kỳ thông báo triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi lãnh thổ Afghanistan.
Việc Hoa Kỳ thông báo triệt thoái toàn bộ binh sĩ tại Afghanistan đang làm dấy lên nhiều câu hỏi : Liệu đất nước Trung Á này có sẽ lại chìm đắm trong nội chiến như khi Liên Xô rút quân hay không ? Phe Taliban liệu có sẽ tái lập quyền lực của họ ở Kabul, hay một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được thành lập cùng với các thành viên chính quyền hiện nay ?
Bắc Kinh bắt cá hai tay !
Nhưng với Trung Quốc, việc Hoa Kỳ quyết định thoái lui là một tin tốt lành. Có thể nói Trung Quốc là một số hiếm hoi các nước có thể phát triển thành công các mối quan hệ cả với chính quyền Kabul lẫn với phe Taliban. Ngay từ năm 2018, rồi năm 2019, Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi bí mật với các thành viên phong trào theo đạo Hồi toàn thống.
Bắc Kinh chăm chút duy trì một vai trò trong « bộ ba mở rộng », bên cạnh đồng minh Pakistan, cũng như với Mỹ và Nga, nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa phe Taliban và chính phủ Kabul hiện nay. Tháng 9/2020, Bắc Kinh còn đề nghị với lãnh đạo phe Taliban « một chương trình phát triển để đổi lấy hòa bình » thông qua các dự án đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Thậm chí hồi tháng 5/2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Và gần đây nhất, đầu tháng Sáu, ngoại trưởng Vương Nghị đã tổ chức một cuộc họp ba bên với các đồng nhiệm Pakistan và Afghanistan.
Theo nhận định của ông Bradley Bowman - cựu quân nhân quân đội Mỹ và giám đốc Trung tâm nghiên cứu về quyền lực chính trị và quân sự FDD - với Le Figaro, những cuộc đàm phán và cuộc gặp cấp cao với Kabul và các lãnh đạo phe Taliban cho phép Trung Quốc có thể đặt cơ sở ngoại giao và kinh tế với Afghanistan, khi một trong hai bên lên cầm quyền.
Afghanistan : « Mỏ vàng » đất hiếm và đầu tư
Trong nhãn quan của Bắc Kinh, Afghanistan còn là một « mỏ vàng » vô giá cả về kinh tế lẫn chiến lược. Đất đai của xứ Trung Á này giầu nguồn khoáng sản, đặc biệt là phía nam Afghanistan. Theo trang mạng Atalayar, vùng đất phẳng phía nam Afghanistan có nhiều quặng đất hiếm đến mức người ta có thể xem đấy như là nguồn dầu hỏa thế kỷ XXI.
Đây cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho việc sản xuất các linh kiện điện tử hiện diện trong tất cả các loại thiết bị được sử dụng nhiều trong công nghiệp vũ khí. Trung Quốc hiện đã chiếm giữ đến 90% các quặng mỏ trên thế giới về những nguyên tố này, nên việc duy trì vị thế thống trị còn mang lại cho ông khổng lồ châu Á một lợi thế chiến lược hiển nhiên.
Ngoài ra, với một vị thế địa lý rộng lớn, Afghanistan còn là một miền đất béo bở cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đất nước này cũng là một phần trong dự án « Những con đường Tơ lụa mới ». Ít nhất có bốn trong sáu mạng lưới của dự án này, trong đó có hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, xuất phát hay băng qua Afghanistan, nối Trung Quốc với Nga, các nước vùng Trung Á, Nam Á, Tây Á và cho đến tận các vùng duyên hải Địa Trung Hải.
Thánh chiến và người Duy Ngô Nhĩ
Sức cám dỗ tại Afghanistan là to lớn, nhưng rủi ro đặt ra cho Trung Quốc không phải là nhỏ. Làm thế nào bình ổn đất nước, nhất là không để Afghanistan biến thành nơi tụ họp của các mạng lưới thánh chiến khu vực và quốc tế vào thời hậu chiến ? Quả thật, những mạng lưới này có nhiều nguy cơ lan rộng đến tận vùng Tân Cương, có đa số sắc tộc Hồi Giáo, nằm ở phía tây Trung Quốc và có thể làm tổn hại đến dự án « Những Con đường Tơ lụa mới ».
Bắc Kinh đặc biệt lo ngại Donald Trump rút Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM ) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế hồi tháng 11/2020, và việc Mỹ rút quân có thể tạo thuận lợi cho các nhóm thánh chiến tại tỉnh Badakhshan, và nhất là tại hành lang Wakhan, triển khai hoạt động trở lại tại vùng biên giới với Tân Cương Trung Quốc. Đây chính là khu vực Bắc Kinh bị cáo buộc giam hãm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, nhằm ngăn chặn những người được cho là « mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan » thông qua các chương trình gọi là cải huấn.
Câu hỏi đặt ra : Trước những bất ổn an ninh khó lường, liệu rằng Bắc Kinh có thể đi xa hơn, thay chân Mỹ và NATO triển khai « các lực lượng gìn giữ hòa bình » tại Afghanistan nhằm bảo vệ những lợi ích kinh tế to lớn và tầm ảnh hưởng của mình tại quốc gia Trung Á này, nhưng cũng nhằm tránh cho xung đột tại Afghanistan có thể lan sang lãnh thổ mình ? Giới quan sát cho rằng, một kịch bản như vậy luôn đồng nghĩa với một thảm họa cho các siêu cường. Financial Times nhắc nhở : Từ cổ chí kim, Afghanistan luôn là « mồ chôn các đế chế » !